Nếu ngày mai dự án thành hiện thực sẽ ghi dấu ấn vàng son trong lịch sử văn hóa Thăng Long, Hà Nội (Bài 1)

Hà Nội năm 2010, đã long trọng kỷ niệm 1000 năm thiên đô của nhà Vua Lý Thái Tổ. Sau lễ kỷ niệm ấy, người dân Thủ đô và cả nước háo hức chờ mong Hà Nội sẽ có sự đổi thay kỳ diệu về việc khai thác giá trị những công trình văn hóa, hiện vật khảo cổ quý báu nằm sâu trong lòng đất được ví như những “mỏ vàng” vô giá của các Vương triều phong kiến Việt Nam để lại.
van-hoa-thang-long-1659343227.png
Tác giả Nguyễn Nữ Hoàng Anh

Song thời gian đã trôi qua trên 10 năm, những phát lộ khảo cổ học về các tầng văn hóa với hàng trăm ngàn hiện vật quý giá ấy vẫn nằm yên phủ bụi thời gian. Mặc dầu, nó đã ngủ yên trong lòng đất đã hàng nghìn năm và không biết đến bao giờ mới thức dậy?... 

van-hoa-thang-long1-1659343303.png
Tượng đài Lạc Long Quân- Âu Cơ, TP Thủ Dầu Một

Nhìn sang nước bạn láng giềng Trung Hoa, Tử Cấm Thành - Bắc Kinh của họ mới có lịch sử hơn 500 năm (từ thời Minh - Thanh), hiện vật phần lớn được phục chế lại sau những năm 70 của Thế kỷ XX. Tử Cấm Thành so với tuổi đời hàng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, họ còn kém xa. Song, họ đã biết biến Tử Cấm Thành thành nơi du lịch, hoạt động kinh tế như một nhà máy khổng lồ “in tiền không ống khói”. Từ đó, gợi trong tâm thức, mơ ước, khát vọng của hàng triệu con người Việt Nam mong mỏi Thủ đô Hà Nội sớm xây dựng tại Hoàng Thành Thăng Long một Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa tổng hợp lớn nhất Quốc gia. Nơi đây, sẽ hội tụ tinh hoa vật chất - văn hóa tinh thần và dựng lại những chiến trận chống ngoại bang hiển hách, kiên cường, anh dũng, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của Tổ tiên qua hàng nghìn năm. Nó sẽ là ngọn đèn tỏa sáng, vì sao lung linh soi rọi cho mọi thời đại và khích lệ các thế hệ muôn đời lớp lớp noi theo.
Trong sự kỳ vọng, hoài bão ấy, tôi bất chợt được xem Dự án đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đề xuất ý tưởng và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ (CTCS) là đơn vị cùng phối hợp thực hiện về Giải pháp tổng thể cải tạo Sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh, xây dựng các hạng mục công trình, thiết chế văn hóa dọc đoạn sông từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt và xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc Sông Tô Lịch. Đó là một đường hầm “khổng lồ” nằm phía dưới mặt đất, được thiết kế kết hợp cao tốc chống ùn tắc nội đô và chứa nước chống ngập lụt cho Hà Nội khi mỗi mùa mưa bão luôn đe dọa.
Bản Dự án đề xuất này, mặc dù còn nằm trên những trang giấy và được minh họa bằng hình ảnh 3D, nhưng xem xong, tôi rất vui mừng, hoan hỷ. Nếu một mai đây, Dự án đề xuất trở thành hiện thực, dòng sông không bị ô nhiễm cùng với những công trình kiến trúc, thiết chế văn hóa ấy, Hà Nội sẽ có một “điểm nhấn kỳ tích” mang bóng dáng thời đại của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tự hào với tổ tiên về những thành tựu văn hóa to lớn này. Hà Nội sẽ là điểm đến cho khách bốn phương về “quần tụ” chiêm ngưỡng những công trình văn hóa, lịch sử và sự hồi sinh của một dòng sông.

van-hoa-thang-long2-1659343303.png
Tượng đại các Vua Hùng

Cuộc hội thảo hôm nay có nhiều bài tham luận khẳng định về giá trị tuyệt vời của dòng Sông Tô Lịch, là huyết mạch của Kinh thành Thăng Long xưa. Nay nó đang bị “hấp hối”, cần phải cải tạo, hồi sinh nó.
Trong bài tham luận này, tôi không đi vào khảo cứu lịch sử cội nguồn và giá trị tâm linh, phong thủy của Sông Tô Lịch. Phần này xin dành để các nhà nghiên cứu, chuyên gia uyên thâm đảm trách. Ở đây, tôi chủ yếu quan tâm bàn về nguồn nước để bổ sung vào dòng sông để Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch thực hiện được ý tưởng du lịch bằng thuyền rồng dọc sông và việc xây dựng các hạng mục công trình mà bản Dự án đề xuất đã nêu.
Sông Tô Lịch thuở nguyên thủy ước dài độ 30km, chảy dài gần như bao bọc lấy Kinh Thành Thăng Long từ Đông sang Đông Bắc tới Bắc qua Tây, Tây Nam. Sau đó, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, có một số đoạn đã bị san lấp thành phố phường, đường đi. Có đoạn còn lại gần đây đã bị bê tông hóa như khúc chảy song song với Phố Thụy Khuê. Còn nhánh chảy dọc theo Đường Hoàng Hoa Thám chỉ còn như một con mương nhỏ, chiều ngang rất hẹp (dăm ba mét) cũng bị ô nhiễm nặng nề. Nay cải tạo nhánh sông này để xây dựng các hạng mục công trình văn hóa hai bên bờ là bất khả thi, do diện tích dòng sông quá hẹp, phần lớn bị cư dân lấn chiếm từ nhiều đời. Có chăng chỉ cải tạo thu gom nước thải, cứu nhánh sông khỏi tình trạng ô nhiễm mà thôi. 

van-hoa-thang-long3-1659343303.png
 Hai Bà Trưng

Ở đây, duy nhất còn lại đoạn Sông Tô Lịch từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt đến Đập Thanh Liệt là có thể cải tạo dòng nước ô nhiễm và xây dựng các hạng mục công trình, thiết chế văn hóa. Đoạn sông này, hai bên bờ đã có hệ thống đường sá giao thông quy hoạch ổn định và rất kiên cố. Đặc biệt, lại có đường cao tốc trên cao riêng biệt và đường nhánh (phụ) đi theo ven sông (nối từ Bưởi đến Ngã Tư Sở). Đường cao tốc có thành xây dựng bằng bê tông cốt thép rất bền vững, ta có thể khai thác tận dụng vách tường con đường này về phía Sông Tô Lịch để tạo tác những bức tranh tường gốm sứ và các khoảng không gian đất trống ven sông để xây dựng tượng, tượng đài theo chủ đề của dòng lịch sử có chủ đích.
Như trên chúng tôi đã đề cập, ngoài việc xây dựng tuyến cống thu gom nước thải không cho chảy thẳng vào sông mà hiện nay Thành phố đang thực hiện, muốn cải tạo Sông Tô Lịch từ đầu Đường Hoàng Quốc Việt đến Đập Thanh Liệt, ta cần phải có nguồn nước để bổ cập lưu thủy đoạn sông này. Nguồn nước đó lấy từ đâu? Trước đây, có ý kiến cho rằng: Lấy nước Sông Hồng từ Cống Liên Mạc (Chèm) dẫn vào Sông Nhuệ lưu thủy tới Sông Tô Lịch, dẫn ra Hồ Tây rồi đổ ra Sông Hồng. Ý kiến này đến nay khó thực hiện được. Lý do, Sông Hồng so với trước đây, đã xuống thấp dòng chảy từ 1,2m đến 1,4m. Thậm chí, vào mùa xả nước của Nhà máy Thủy điện có khi lên tới 5 tỷ mét khối nước, nhưng một số trạm bơm cũng không bơm được để cung cấp nước cho mùa vụ. Còn bản thân Sông Nhuệ cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, dòng chảy nhiều đoạn bị ách tắc.

van-hoa-thang-long4-1659343640.png
Lý Nam Đế (503 -548)


 

Vậy, giải pháp tốt nhất theo tôi là: Đầu tiên, nguồn nước bổ cập cho Hồ Tây được dẫn từ sông Hồng, có qua xử lý lắng phù sa để làm sạch nước, đảm bảo nước từ sông Hồng khi bổ cập vào Hồ Tây không ảnh hưởng tới môi trường của sinh vật, thủy sinh trong Hồ. Sau đó, bơm nước từ Hồ Tây qua một nhà máy xử lý nước sạch rồi xả vào Sông Tô Lịch, vừa kết hợp cung cấp nước sạch cho dân sinh sống ven sông và các hoạt động văn hóa - du lịch trong tương lai của dòng sông. 
Khi cải tạo Sông Tô Lịch cùng với việc xây dựng các hạng mục công trình, tôi đồng ý với quan điểm đã nêu trong bản Dự án đề xuất là đảm bảo trong phạm vi hiện trạng diện tích đang có. Nó không mở rộng, di dân, giãn dân và phá vỡ quy hoạch. Như vậy, diện tích không gian tổng thể của Công viên Tô Lịch dài 12,6km này là có hạn, tôi đồng ý với quan điểm đã nêu trong Dự án đề xuất là cần thành lập Hội đồng bao gồm các cơ quan có thẩm quyền, các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học để xem xét thận trọng, chọn lọc, khai thác những sự kiện, nhân vật lịch sử của các triều đại tới hệ thống hạng mục công trình: Phù điêu, văn bia, tượng, cụm tượng đài, kỳ đài cùng các thiết chế văn hóa khác khi đưa vào không gian dọc dòng sông.

(Còn nữa)