Tạo đà để Tây Nguyên cất cánh
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 và xúc tiến đầu tư vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, Tây Nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc và khung trời, mảnh đất của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược lâu dài là quyết định. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cũng được Thủ tướng đúc kết qua các yếu tố: “đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”.
Theo đánh giá của Bộ Chính trị, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX, vùng đất Tây Nguyên đã đổi thay thực sự. Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 gần 8%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, được đặt trên nền tảng kinh tế xã hội khá thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%; kinh tế xã hội phát triển, nền văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống bà con các dân tộc.
Biết tận dụng nguồn vốn đầu tư của Đảng, nhà nước, cấp ủy chính quyền các địa phương đã biết phát huy sức mạnh nội lực, sức mạnh đoàn kết để vươn lên, trưởng thành và đã đạt được những kết quả khả quan, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một được nâng lên.
Đến vùng đất Tây Nguyên khi những ngày chớm Đông, trời se lạnh đi trên những cung đường thoáng thoáng rộng, được bê tông hóa “nông thôn mới” chúng tôi thấy bà con đồng bào các dân tộc đang tất bật thu hoạch cà phê, khai thác cao su.
Không giấu dược niềm vui trên khuôn mặt, gặp chúng tôi ông Lê Quang Thái – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước của Tỉnh ủy- UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy chính quyền địa phương, sự đồng lòng của bà con các dân tộc trên địa bàn nên 3 năm qua các mục tiêu về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, văn hóa, y tế đều đạt và vượt. Xuất phát từ ý nghĩa và giá trị của văn hóa trong đời sống người dân, nên chúng tôi luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành hướng về cơ sở, về dân làng để tập hợp, đoàn kết, nổ lực, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống bà con phát triển, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ mà thay vào đó bằng nét đẹp văn hóa cơ sở. Năm nay sầu riêng, cà phê được mùa được giá nên người dân, đặc biệt à bà con DTTS ở các thôn làng rất mừng. Có tiền bà con đầu tư cho con cái ăn học, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày một được nâng cao.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng với đầu tư phát triển kinh tế, xã hội thì Tây nguyên là vùng đất mà mỗi bước chân đi là có một huyền thoại. Đằng sau những ngọn thác trắng xóa, những cánh rừng đại ngàn biếc xanh có biết bao điều bí ẩn. Không ở đâu có nhiều lễ thức như ở Tây nguyên. Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người, đều phải có sự cầu xin để được Yang (ông trời) cho phép thực hiện. Khi làm xong và được việc thì phải tạ ơn. Vi phạm luật lệ cộng đồng sẽ khiến Yang nổi giận thì phải tạ tội…Từ đó vùng đất Tây nguyên diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội. Tiêu biểu và độc đáo trong các lễ hội của người dân Tây nguyên có lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng...
Kon Tum chuyển mình
Với nguồn gốc đa sắc màu văn hóa như trên, thì việc tỉnh Kon Tum vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chọn là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023. Đây là cơ hội để ngành du lịch tỉnh nhà cất cánh trong thời gian tới.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ, Kon Tum được Bộ VH,TT&DL chọn là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên là một vinh dự lớn để địa phương thể hiện những cái “nung nấu” từ lâu lắm rồi. Như chúng ta đều biết, văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc, được coi như giá trị thương hiệu, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đến nay có thể nói, Kon Tum có sự hội tụ của nhiều nét văn hóa đặc trưng, những cảnh sắc, lễ hội độc đáo cùng người dân thân thiện, mến khách. Với sự ủng hộ của Bộ VH,TT&DL, sự đồng thuận của các tỉnh và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đã hoàn thành và chào đón nghệ nhân các tỉnh và quý đại biểu đến tham dự. Đây là cơ hội lớn cho tỉnh nhà quảng bá, phát triển du lịch, nâng cao vị thế trong khu vực. Bên cạnh đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa không thể là “đóng gói cất kỹ”, mà phải giữ gìn, lan tỏa trong các hoạt động hằng ngày, qua đó xây dựng văn hóa và phát triển du lịch.
Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội diễn ra trong 3 ngày từ 29/11-1/12/2023, quy tụ gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của 5 tỉnh Tây Nguyên, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Nguyên; thi đấu 5 môn thể thao gồm kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố; hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các tour, tuyến du lịch tham quan nhằm quảng bá, giới thiệu về Ngày hội và vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên...
Hòa trong niềm vui của ngày hội lớn “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, ông Nguyễn Thanh Mân – Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum (Kon Tum) bộc bạch: Ngày hội diễn ra là tạo dựng không gian kết nối văn hoá, giới thiệu, quảng bá đến công chúng về văn hoá, không gian cồng chiêng, nét văn hoá nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, thành phố Kon Tum - Kon Tum nói riêng. Qua đó, còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày hội văn hóa TT&DL các dân tộc Tây Nguyên diễn ra trên địa bàn của thành phố, do đó chúng tôi tập trung vào giới thiệu quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương, ưu tiên đến những hình ảnh về thành phố Kon Tum “ Xanh, sạch, đẹp, văn minh” , con người thân thiện, gần gủi, tình cảm, mến khách…đến với người dân và du khách trong và ngoài nước.
Đêm khai mạc có sự hoà điệu giữa truyền thống và đương đại, sự góp mặt của các nghệ sĩ từ các tỉnh Tây Nguyên và các ca sĩ nổi tiếng khác. Đây sẽ là những món quà của Ngày hội gửi đến du khách và nhân dân trong tỉnh. Các huyện, thành phố cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng tham gia thông qua các gian hàng giới thiệu các sản phẩm văn hoá, du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương.
Riêng hoạt động trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương được lồng ghép trong nội dung “Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của 05 tỉnh”. Là đơn vị chủ nhà, các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đều tham gia gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố trong tỉnh.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 được tổ chức, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, thực sự là những ngày hội của niềm tin và khát vọng các dân tộc ở Tây Nguyên