Ngày Tết, nghĩ về tập tục mừng tuổi

Đầu năm mới, một cậu bé nhận được tiền mừng tuổi khi khách đến chơi nhà. Nó liền mở phong bao lì xì, rút tờ tiền ra xem và chạy đến bên mẹ phụng phịu: "Mẹ ơi, bác cho có 10 ngàn".

Một trường hợp khác, khách đến nhà chúc tết, khi chủ và khách đang trà nước, thì lũ trẻ trong gia đình cứ ra ra vào vào, nhìn khách bằng đôi mắt biết nói. Đó là những tình huống "dở khóc, dở cười" mà người lớn chúng ta, đã ít nhiều gặp phải. Cũng có chuyện: Khách mừng tuổi cho con mình. Phụ huynh nháy mắt bảo con vào phòng riêng kiểm tra lì xì xem được bao nhiêu tiền, để bố mẹ mừng tuổi lại tương xứng cho con khách. Những câu chuyện như vậy đã tạo sức ép cho người lớn chúng ta không biết nên ứng xử như nào đối với tục lệ lì xì ngày tết. Ấy là chưa kể đến việc, một số người lợi dụng việc lì xì để "hối lộ" sếp, người nhà của sếp một cách công khai, với số tiền lớn lên tới hàng ngàn hoặc vài chục ngàn đô la Mỹ...

dt6mtuoi-1707466575.jpg

Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

 

Đã có ý kiến cho rằng "lì xì là cái nợ", vì tiền lì xì mà ngày xuân, nhiều người không dám đi thăm bạn bè, nhiều công nhân cũng "nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe tết về quê". Vậy lì xì ngày tết có còn là một phong tục tốt đẹp hay đã lỗi thời, lạc hậu, biến tướng thành những thói hư, tật xấu, kìm hãm sự phát triển đi lên của xã hội, biến nó trở thành hủ tục?

Được biết, tục lệ lì xì có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng có chỗ đứng trong văn hóa người Việt từ lâu đời. Ngày đầu năm mới, những người trong gia đình quây quần bên nhau trong phòng khách hoặc bên mâm cơm để chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Trong không khí đoàn viên đầm ấm vui tươi, hạnh phúc, bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà; bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau. Số tiền mừng tuổi có thể không nhiều, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng người, nhưng cái cốt lõi, nó thể hiện tình cảm gia đình, sự quan tâm đến nhau; người mừng tuổi và cả người được nhận tiền mừng tuổi đều cảm thấy vui vẻ, vì được cho và nhận yêu thương. Mừng tuổi, theo quan điểm duy tâm, còn có ý nghĩa cầu may, cầu phúc trong năm mới...

Như vậy, lì xì đầu năm là một tập tục tốt đẹp của cha ông ta, nó đã song hành cùng với truyền thống đón tết, mừng xuân mới của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Kinh tế thị trường phát triển, một bộ phận trong xã hội luôn đề cao vật chất, có suy nghĩ lệch lạc, biến tướng, làm xấu đi tập tục tốt đẹp và những ý nghĩa nhân văn của cha ông.

Vậy việc mừng tuổi đầu năm bắt nguồn từ mối quan hệ gia đình, thể hiện tình cảm gia đình, nó chỉ gói gọn trong qui mô một gia đình nhỏ hoặc nếu mở rộng thì cũng trong phạm vi hẹp là họ hàng, những người thân thiết. Nhưng một bộ phận chúng ta lại luôn có tâm lý khi đi đến đâu chúc tết cũng phải tính toán, chuẩn bị trước tiền mừng tuổi vì sợ nếu không mừng thì sẽ bị coi là "ki bo", "quê kệch"... Ý nghĩa của việc lì xì mừng tuổi đầu năm không đặt nặng giá trị lên hàng đầu và cũng không nhất thiết đi đâu, gặp ai cũng phải mừng tuổi. Những lời chúc tốt đẹp cho nhau ngày đầu năm mới, những lời hỏi thăm ân cần, những câu chuyện ấm áp, sẻ chia bên ấm trà, ly rượu, nhâm nhi chút hạt hướng dương, hạt bí, bánh, kẹo, mứt tết, làm tăng thêm tình thân hữu, thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau cũng là "món quà" tinh thần đầy ý nghĩa.

Chúng ta đang xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thiết nghĩ, việc giáo dục ý nghĩa tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, tập tục lì xì nói riêng trong từng gia đình, nhà trường đối với thế hệ trẻ, nhất là các em thiếu niên, nhi đồng; để các em có cái nhìn đúng đắn, nhận thức đúng đắn; từ đó biết điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp ngay từ nhỏ là rất quan trọng. Nếu làm được như vậy, thì chúng ta sẽ rũ bỏ được "cái nợ" cũng như "gánh nặng" của tập tục lì xì, để nó tồn tại và trở thành một phong tục tốt đẹp của dân tộc.

T.M

Chuyện làng quê