Nghe

Nghe, đơn giản chỉ là một từ chỉ trạng thái một âm thanh nào đó được lọt vào đôi tai của bạn. Trong đời sống, từ "nghe" được dùng phong phú nhiều hơn thế.
nge-1663474397.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Hai bạn yêu nhau tha thiết, chín mùi. Bạn trai làm lái xe con cho một lãnh đạo cấp Bộ. Thời buổi thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, nghề lái xe có giá lắm chứ không phải là nghề "phổ thông" như bây giờ. Lúc "thóc cao, gạo kém" tranh thủ "tụt tạt" chút là ra khối tiền. Bạn trai hỏi bạn gái:
- "Chúng ta yêu nhau đã lâu, em nhất trí xây dựng với anh thì nói rõ để anh còn thưa với thầy mẹ lo việc cưới xin"
Nàng ửng hồng đôi má:
- Bạn em bảo: "Hoài người mà lấy lái xe. Cách ba cây số còn nghe mùi dầu".
Chữ "nghe" ở đây hay quá! Thực ra, nghĩa đen phải là chữ "ngửi" thấy mùi dầu. Nhưng chữ ngửi vô nghĩa, không thay thế được.
Trong bài hát: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cũng viết câu: "... Ta nghe trong gió, bao nhiêu là chuyện lạ...". Nghe trong gió mà thấy được chuyện lạ, thì đúng là "lạ" thật! 
Từ "nghe" đã trở thành cảm giác từ bao giờ? Nhất là với "người cao tuổi".
Hôm nay ăn món ăn này, nghe ra thấy bụng dạ không ổn hoặc ăn thứ quả này nghe ra "đường huyết" lên cao. Họ tự điều chỉnh. Nghe thấy cơ thể đau nhức, có lẽ trở trời, đêm nay mưa dông. Nghe thấy được cả "tim gan phổi thận" thấy có gì rệu rã, bất thường, cần đi khám bệnh. Họ còn nghe thấy cả "thời cuộc", "xã hội" đang diễn biến phức tạp. Nghe giá cả leo thang thế này, chắc dẫn tới lạm phát? Nghe tham nhũng nhiều ở cấp Trung ương quản lý, cấp bộ trưởng thế này dễ "mất nước" như chơi? Nghe cả thấy "anh bạn" hoặc "cô bạn" thân, lâu không thấy nhắn tin, chắc muốn "bỏ rơi" mình mất rồi? Thôi, cũng buông đi cho nhẹ lòng... vân vân và mây mây.
Thích nhất là "nghe thấy" từ phương trời xa thẳm nào đấy, có bạn văn đang ngóng về mình, đang hóng một bài viết của mình và thả một trái tim nho nhỏ, với một ý nghĩ trong đầu: Iove you.

Chuyện quê