Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đại Hạnh - Yên Mỹ - Hưng Yên, Nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới đã sớm bén duyên và có cho mình một tình yêu mãnh liệt với gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội). Anh say sưa với chúng từ thuở mới đôi mươi.
Tiền đề vất vả nhưng vô cùng đẹp đẽ
Những ngày còn cắp sách đến trường, chàng trai sinh năm 1981 Nguyễn Lâm Tới đã cho thấy mình là một người yêu mỹ thuật. Tài năng đó của anh sớm được bộc lộ trên ghế nhà trường. Hết cấp 2, thay vì học tập tại quê nhà như bạn bè, cậu bé Lâm Tới đã quyết định rời xa gia đình, quê hương ra Hà Nội học văn hoá song song với mỹ thuật. Ban ngày, Lâm Tới đi học, tối đến thì qua xưởng tranh của thầy giáo mỹ thuật để vẽ, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ở đây, Lâm Tới có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức mỹ thuật từ thầy giáo và bạn bè.
Nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới kể lại: “Đó là quãng thời gian vất vả, nhưng thực sự quý giá đối với tôi. Việc phải xa gia đình từ nhỏ, tự lập từ bé đã giúp tôi trưởng thành, dạn dày hơn. Tôi học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống. Tôi cảm ơn những người thầy, người bạn bấy giờ luôn bên tôi, giúp đỡ tôi trên con đường mỹ thuật và cuộc sống. Đó chính là bước tiền đề vất vả nhưng vô cùng đẹp đẽ trong sự nghiệp làm gốm của tôi”.
Ra trường, Nguyễn Lâm Tới về làm việc tại Làng nghề gốm Bát Tràng. Được một thời gian anh quyết định nhập ngũ. Trên con đường trở thành sĩ quan quân đội thì anh quen bà xã mình bây giờ. Và rồi anh lính trẻ Nguyễn Lâm Tới quyết định xin từ bỏ việc trở thành sĩ quan. Anh kết hôn!. Với niềm đam mê mỹ thuật “rực cháy”, lần nữa anh quay trở lại Làng gốm Bát Tràng để làm việc - nơi anh được tự do sáng tạo và “chơi đùa” với gốm.
“Tôi vô cùng thích những sản phẩm gốm Chu Đậu (Hải Dương) và gốm Bát Tràng (Hà Nội). Ban đầu, tôi mua gốm với mục đích để chơi. Sau, tôi nghĩ đến việc làm sao để tạo ra chúng. Vậy nên, tôi quyết định quay lại Làng nghề gốm Bát Tràng làm việc, để có cơ hội sống với đam mê của mình. Ở đây, tôi học hỏi được nhiều điều từ anh em nghệ nhân đi trước, họ chỉ bảo, giúp đỡ tôi rất tận tình. Tôi cảm ơn người dân Bát Tràng, cảm ơn bạn bè đã dìu dắt, để tôi có được ngày hôm nay. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới bà xã – hậu phương vững chắc, người luôn đồng hành, tin tưởng, ủng hộ mọi quyết định của tôi.” Nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới chia sẻ.
Giá trị tâm hồn hoà quện vào “đất mẹ”
Hơn 20 năm làm bạn với gốm sứ cũng là hơn 20 năm nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới gắn bó cùng con người và mảnh đất Bát Tràng, ngoài được sống với tình yêu nghệ thuật, thì nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới đã nhận lại được nhiều điều tốt đẹp từ “đất mẹ” - từ gốm. Kinh tế gia đình anh được cải thiện. Anh giới thiệu, truyền dạy và tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em bạn bè, trong đó có bà xã của anh. Đặc biệt hơn cả, là anh đã lan toả tình yêu gốm, yêu nghệ thuật đến với mọi người.
Hiện tại, nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới làm việc tại 2 cơ sở. Cơ sở Bát Tràng anh nhận vẽ và kèm cặp một số học viên. Để nhân rộng thương hiệu gốm Bát Tràng, cũng như mong muốn đem đến những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, giá thành phải chăng, nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới đã dày công đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất gốm ở quê nhà Hưng Yên (cách Bát Tràng khoảng hơn 10km). Mọi nguyên liệu và nguồn đất đều được anh lấy từ Bát Tràng.
Sản phẩm chính mà nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới hướng đến, đó là: tam đa (phúc - lộc - thọ), bình mai, bình hút lộc, lục bình giả cổ, trứng,… đặc biệt là cặp đùi dế - thứ làm nên thương hiệu và giúp anh có được ngày hôm nay. Hoạ tiết trang trí mà anh lựa chọn thường là hình ảnh mang đậm văn hoá phương Đông, như: Sen, cúc, cá, sơn thuỷ, hay các vị thần tiên,… Bên cạnh đó, anh còn được mọi người biết đến với vai trò là một chuyên gia phong thuỷ - bầy biện, trang trí đồ gốm miễn phí cho khách hàng. Với anh, mỗi một món đồ gốm sứ đều có một ý nghĩa phong thuỷ tốt đẹp. Giúp cân bằng âm dương, mang lại sinh khí, năng lượng tốt, thu hút tài lộc, may mắn - cát khánh, sung túc, sự sinh sôi nảy nở, phát tài phát lộc, hạnh phúc và bình an,…
Anh bộc bạch: “Xưa kia, chỉ có vua chúa, quan lại, thương gia thì mới có tiền chơi gốm. Ngày nay, việc chơi gốm không còn quá khó. Tôi muốn mọi tầng lớp trong xã hội ai cũng có thể chơi gốm. Vì vậy, tôi quyết định mở cơ sở sản xuất tại nhà, để cho ra những sản phẩm vừa túi tiền người chơi và chất lượng tốt.”
Để tạo ra một sản phẩm gốm tinh xảo, phải trải qua các khâu rất vất vả và kỳ công, như: chọn đất, xử lý, pha chế, tạo dáng sản phẩm, tạo hoa văn, phủ men,… và cuối cùng là nung sản phẩm. Công đoạn nào cũng quan trọng. Vì vậy, đòi hỏi nghệ nhân phải có sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo. Ngoài các yếu tố trên, thì tâm huyết và thời gian của nghệ nhân cũng phải được dồn hết cho sản phẩm. Không vội vàng, không đặt nặng yếu tố kinh tế hay vật chất vào sản phẩm. Tuy nhiên, chính sự vất vả và kỳ công này đã giúp nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới hiểu rõ hơn về sản phẩm mình làm ra. Anh coi chúng như những đứa con tinh thần của mình. Từ đó, giúp anh có được nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật gửi đến khách hàng.
“Khách hàng đến, không có tôi ở nhà là họ ra về. Trước khi mua, họ thường quan sát cách tôi nói chuyện. Tôi nghĩ, họ muốn xem phong thái, tính cách của người tạo ra sản phẩm như thế nào. Vì tính cách và tâm trạng của người nghệ nhân ảnh hưởng rất nhiều tới sản phẩm. Nếu tâm trạng tốt, tính cách ôn hoà vui tươi, sản phẩm cho ra cũng sẽ đẹp, tươi tắn và tinh xảo. Họ thích nghe tôi chia sẻ về sản phẩm. Điều này giúp họ hiểu rõ về ý nghĩa và sự kỳ công để tạo ra một sản phẩm. Từ đó thêm yêu và trân trọng sản phẩm - tác phẩm đó.” Nghệ nhân Tới tiếp tục tâm sự.
Anh chia sẻ: thời gian tới, sẽ dành nhiều thời gian để mang sản phẩm của mình đi triển lãm, quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng. Giúp mọi người có góc hiểu và góc nhìn sâu sắc hơn về gốm để thương nỗi vất vả của nghệ nhân và yêu gốm nhiều hơn. Anh sẽ mang sản phẩm của mình đi đấu giá từ thiện, và dùng số tiền đó để giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh.
Anh sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo, dạy nghề miễn phí cho những bạn trẻ yêu mỹ thuật, yêu gốm, tạo công ăn việc làm cho họ. Đó là cách để nghề gốm sứ không bị mai một. Đặc biệt hơn, anh mong muốn dạy nghề cho những hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, khiếm khuyết, giúp họ có nghề, có việc, có thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.
“Khi mình sống tốt, sống tâm đức thì ắt may mắn và thành công sẽ đến với mình.” Đó là tâm niệm và đã trở thành phương châm sống của anh - Nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới.
Văn hoá và Phát triển chúc nghệ nhân Nguyễn Lâm Tới cùng gia đình nhiều sức khoẻ, gắn bó với nghề, may mắn và thành công. Điều này đồng nghĩa với việc: sẽ có nhiều hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được anh giúp đỡ.