Ngôi mộ góc vườn

Trương Anh Sáng

03/11/2021 19:04

Theo dõi trên

Mẹ đứng lặng thật lâu, thật lâu thương tiếc con ỉ một thời gắn bó. Có người bảo mẹ thật lãng phí khi không để bán mà đem con ỉ đi chôn, nhưng mẹ nỡ lòng nào mà bán con ỉ cho người ta làm thịt được, đối với mẹ nghĩa tử là nghĩa tận.

1-ngoi-mo-goc-vuon-1635759258.jpg
 

 Ngày ấy, gia đình tôi thuộc diện nghèo của xã. Bốn mẹ con trú ngụ trong ngôi nhà năm mươi mét vuông vách đất, mái lợp tranh ở cuối làng giáp cánh đồng. Mùa đông, gió ngoài đồng thổi vào từng hồi lạnh thấu xương. Để chống lạnh, mẹ đi xin rơm của mấy nhà trong xóm về lót chỗ nằm cho đỡ lạnh. Mấy chỗ vách đất qua bao mưa nắng bị nứt, lủng lỗ chỗ mẹ xin mấy tấm bạt rách về nhét vào cho kín chỗ hở ngăn gió lùa. Mùa hè, nắng chói chang, mùi thuốc trừ sâu theo gió lùa vào nhà hôi nồng nặc, rất khó chịu. Lâu ngày riết thành quen.

Là một trong những hộ nghèo nhất của xã nên gia đình tôi được Hội phụ nữ xã ưu tiên cho vay vốn trước để xoá đói giảm nghèo. Mỗi hộ nghèo được vay năm triệu đồng không tính lãi trong thời gian hai năm.

Cầm một khoản tiền lớn trong tay. Những sợi tóc đã pha màu cước rung rung trên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ khóc. Mẹ khóc vì mừng nhưng cũng khóc vì lo, không biết với số tiền lớn này mẹ sẽ phải làm ăn xoay sở thế nào cho nó sinh sôi nảy nở. Nếu thất bại thì lấy tiền đâu mà trả cho Hội phụ nữ xã?

Đêm. Mẹ cứ xoay mình bên này rồi lại trở mình bên kia trên chiếc chõng tre ọp ẹp bị gẫy mất mấy thanh do mưa dột lâu ngày bị mục. Đã mấy đêm liền mẹ như vậy. Mẹ không ngủ được, cứ trăn trở hoài làm tôi cũng lo lo. Trăng thượng tuần len qua mái lá ùa vào khiến căn nhà thêm lung linh huyền ảo.

Mấy anh em tôi phụ mẹ lấy đất làm chuồng nuôi. Thì ra mẹ quyết định nuôi heo. Khi chuồng heo đã hoàn thành mẹ vào nhà bác Chầm bắt một con lợn ỉ về nuôi. Cô nàng tròn lẳn đen chũi khoảng 10 kilogam nằm gọn trong vòng tay mẹ, kêu ụt ịt, quẫy đạp chân muốn được đi dưới đất để được tự do. Khi được thả vào chuồng cô nàng sợ sệt nằm nép vào góc chuồng một thời gian lâu rồi dò dẫm từng bước tham quan ngôi nhà mới của mình, cái miệng ụt ịt thăm dò từng chỗ một.

Anh em chúng tôi tranh nhau chăm sóc cô nàng ỉ. Mẹ phải phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể anh em mới không tranh giành nhau. Sau khi được phân công, tới nhiệm vụ của ai thì người đó tự giác mà làm. Anh em chúng tôi chăm sóc nó chu đáo lắm. Ngày tắm hai lần. Chuồng lúc nào cũng được quét dọn sạch sẽ. Thỉnh thoảng anh em tôi lại thả đi chơi. Được đi chơi cô nàng chạy tung tăng, háo hức như trẻ nhỏ, người cong lại, cái mõm ủi đất tìm giun. Gặp vũng nước là cô nàng sà ngay mình vào đằm nghe chừng khoái chí và thoải mái lắm, lăn đi lăn lại một lúc rồi bất ngờ vùng chạy, bùn đất bắn tung toé. Thức ăn của cô nàng là thân cây chuối thái mỏng, băm nhỏ nấu với cám, khi thì nấu với bèo nhật bản, bèo hoa dầu, rong,...

Tới vụ lúa mẹ đi cắt lúa thuê đổi lấy lúa về xay cám nuôi lợn. Chúng tôi đi mót lúa, mót khoai, đánh dậm, mò cua bát cá... để có cái ăn cho cô ỉ. Mùa hè còn đỡ, mùa đông thì vất vả vô cùng. Anh tôi phải đi tận làng xa ngâm mình trong nước lạnh để mò rong. Để giữ ấm cho heo, mình nó được mặc áo khâu bằng vải bao bố, chuồng được rải rơm, ủ trấu cho nó đỡ bị lạnh. Mỗi khi cô nàng sụt sịt cảm cúm là cả nhà lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Cô nàng ỉ ngày một lớn phổng phao như một nàng thiếu nữ. Rồi đến ngày cô đòi có bạn, chú Tính đem đến cho cô “người tình một đêm”. Mẹ gửi tiền nhưng chú không nhận.

Ngày cô ỉ mang bầu mẹ tự tay chăm sóc, anh em chúng tôi chỉ phụ mẹ những việc lặt vặt, còn chế độ dinh dưỡng của nó mẹ làm theo hướng dẫn của một số người trong xóm có kinh nghiệm nuôi lợn và tham khảo cuốn “kĩ thật nuôi heo đẻ” mà chú Tính tặng, vì thế trong quá trình mang thai cô ỉ không hề bị bệnh tật gì, nếu bị bệnh thì mọi công sức sẽ đổ sông đổ bể hết. Anh em tôi đoán già đoán non đố nhau cô nàng sẽ sinh mấy đứa con, rồi cá với nhau nếu cô nàng sinh nhiều thì người thắng sẽ được cõng, người thua phải cõng người thắng năm vòng từ chuồng lợn tới nhà.

Mẹ bảo, khi lợn sinh, mẹ cho anh em chúng tôi một con để nuôi làm vốn lấy tiền làm kế hoạch nhỏ, anh em chúng tôi nhẩy cẫng lên sung sướng, mẹ cười ôm chúng tôi trong vòng tay âu yếm.

Ngày cô ỉ nằm ổ, cả nhà hồi hộp, háo hức chờ đợi. Cô nàng cứ đi xung quanh cắn ổ rồi thỉnh thoảng nằm xuống, thở phì phò mệt nhọc. Mẹ lo lắng không biết có vấn đề gì không mà qua cữ mà cô ỉ vẫn chưa sinh. Đêm. Mẹ ngồi trông, ánh đèn dầu hắt bóng mẹ trên tường gầy gò, mặt mẹ hóp lại, đôi mắt trũng sâu vì những vất vả lo âu.

Mẹ đang ngồi, bỗng nghe tiếng “ục” , giật mình choàng tỉnh, nhìn vào thì thấy một chú ỉn con lẩy bẩy bước. Mẹ sung sướng gọi các anh tôi dậy phụ tiếp mẹ đỡ heo đẻ và bẻ răng nanh để khi cho bú heo mẹ không bị heo con cắn đau. Nàng ỉ đẻ mười ba con cả thảy, tám con cái năm con đực, con nào con ấy mũm mĩm, chỉ duy chú út là nhỏ con hơn, rúc vào vú mẹ mà bú lấy bú để, nghe chụt chụt, háu ăn. Anh em tôi vuốt ve thân mình trắng loang lổ chấm đen mà lòng sung sướng, bị nhột chú ỉn kêu ịt ịt, giẫy giụa. Mẹ bảo “cô nàng này mắn đẻ lắm, thật là giống tốt”.

***

Bây giờ gia đình tôi sống trong một ngôi nhà ngói ba gian ở trong làng với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chuồng heo cũng được xây rộng rãi và thoáng mát, trong chuồng lúc nào cũng có mười mấy con. Anh em tôi người giờ đã vào đại học, người học trung học phô thông. Tất cả những thành quả ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của cô nàng ỉ cùng với sự cần cù chịu khó một nắng hai sương của mẹ con chúng tôi với một niềm tin, niềm khát khao và hy vọng cháy bỏng “Trong một ngày mai không xa mẹ con chúng tôi sẽ thoát nghèo...”.

Con ỉ giờ đã già, nó nằm riêng một chuồng và được chăm sóc đặc biệt. Các thế hệ con cháu của nó giờ đã lan rộng khắp trong làng, giúp nhiều gia đình nghèo khó thoát nghèo, trở nên khá giả “Mình nghèo, bây giờ gia đình mình tạm có của ăn của để thì hãy giúp những người nghèo khó như mình có như vậy gia đình mình mới hạnh phúc, hạnh phúc là cho đâu chỉ nhận riêng mình...” vì thế mà mỗi lứa lợn sinh mẹ đều đem cho những người có hoàn cảnh khó khăn làm giống, đồng thời còn hướng dẫn họ cách chăn nuôi và chăm sóc cụ thể, chu đáo.

Mỗi khi nhìn thấy gia đình khác thoát nghèo mẹ thấy mình thật hạnh phúc.

Sáng nay mẹ dậy sớm ra chuồng quét dọn và cho con ỉ ăn. Mẹ đổ cám vào cái máng nhưng con ỉ vẫn cứ nằm hoài không chịu đứng dậy. Mẹ lại gần vỗ vỗ vào mình để đánh thức thì thấy cơ thể nó lạnh toát. Mẹ giật mình thảng thốt. Bật khóc, mẹ gọi tôi vào. Con ỉ đã ra đi từ lúc nào.

Có người lái lợn biết tin con ỉ nhà tôi chết, tìm đến mua. Mẹ không bán. Mẹ chọn một khoảng đất ở góc vườn, đào một chỗ an nghỉ cho cô ỉ rồi đem ra đó an táng. Mẹ đứng lặng thật lâu, thật lâu thương tiếc con ỉ một thời gắn bó. Có người bảo mẹ thật lãng phí nhưng đối với mẹ nghĩa tử là nghĩa tận, mẹ nỡ lòng nào mà bán con ỉ cho người ta làm thịt được.

Trên mộ con ỉ hoa mười giờ đỏ thắm.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngôi mộ góc vườn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn