Ngôi sao

Chuyện đi học nó giấu kín không cho ai biết. Nếu lộ ra nó sẽ bị no đòn. Mỗi lần đến lớp là nó phải trốn nhà hoặc nói dối cha đi chỗ này chỗ kia để đi học. Những lần không đến lớp được nó thấy trong người bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên.
1-ngoi-sao-1640085119.jpg
 

 

Thằng Toán nằm sấp trên chiếc giường tre ọp ẹp. Chiếc quần lửng bị tụt đến đầu gối oằn mình chịu đòn sau mỗi tiếng quát “Chừa này! Chừa này! Đánh cho chừa cái tội dám bỏ nhà đi chơi" của cha nó. Mỗi lần chiếc roi vung lên là mông nó lại vồng lên rồi xẹp xuống hằn đỏ những lằn roi. Nó bặm môi không khóc, mắt vần những tia máu. Lần đầu bị đánh nó còn sợ hãi, nước mắt ràn rụa lùi vào tận góc nhà tránh đòn. Càng về sau cái cảm giác sợ hãi trong nó phai nhạt dần, thay vào đó là sự lì lợm.

Nó giận cha Hoàng lắm vì mỗi lần tức giận hay nó làm việc gì không vừa ý là y như rằng phải chịu đòn. Đáng lẽ khi làm việc gì không vừa ý thì cha phải chỉ bảo, giải thích để nó hiểu. Nhưng không, thấy chướng mắt là cha đánh liền không một lời giải thích. Như hôm vừa rồi nó đóng lại cái ghế hư, khi về cha ngồi liền bị đinh đâm vào mông, tức giận cha quẳng ghế vào nó, may mà nó phản xạ nhanh nếu không sẽ bị tàn tật đến suốt đời. Thì ra, khi đóng đinh có chiếc lòi ra ngoài mà nó quên không đóng quặp xuống nên mới xảy ra cơ sự.

Mỗi lần bị đòn mẹ nó đứng ở góc nhà nhìn con bị đánh mà bất lực. Khi đã hả cơn giận cha Hoàng quăng roi vào góc nhà “Đưa tiền đây cho tao” rồi khật khưởng bước ra cửa. Mẹ ôm nó vào lòng, xoa đầu gió vào những lằn roi thâm tím trên mông mà lòng đau đớn xót xa, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Nó không hiểu sao cha Hoàng lại ghét nó đến thế. Nó là con của cha mà. Người ta bảo cha Hoàng là người cục tính, phải chăng những người cục tính thường có những hành động như vậy? Nó là con người mà.

Dù đã mười lăm tuổi nhưng nó vẫn bé quặt quẹo như trẻ lên mười. Người nó còm nhom, nhỏ thó nhưng được cái nhanh nhẹn, nước da sạm đen, tóc cháy nắng vì gánh nước, lựa cá, lựa tôm, ghẹ... thuê. Ai thuê gì nó làm nấy miễn sao có tiền phụ giúp mẹ. Ở cái xóm chài này nó là đứa hiền lành, chịu khó, thông minh và sáng dạ nhất, không như những đứa trẻ khác suốt ngày chỉ chơi bời lêu lổng, vậy mà vẫn chưa làm vừa lòng cha. Nó thương mẹ lắm, thường giành những việc nặng về mình. Nó hận cha lắm vì cha hay đánh mẹ. Sau ngày cưới cha Hoàng đổi tính đổi nết, thường xuyên tụ tập rượu chè, cờ bạc... chẳng chịu làm ăn. Mỗi khi mẹ khuyên can thì bị cha thượng cẳng chân hạ cẳng tay đến thâm tím mặt mày, trên cánh tay của mẹ chằng chịt vết sẹo ăn sâu vào da của những tàn thuốc lá do cha dí vào. Hầu như không tháng nào là mẹ không bị đòn của cha. Mẹ nó tủi thân, cắn răng chịu đựng nuôi con. Nó xót và đau khổ nhiều “Con không sao đâu mẹ, cha đánh con thế nào con cũng chịu được miễn sao cha đừng hành hạ mẹ”.

***

Sáng nay, ánh bình minh vừa nhô lên trên mặt biển. Những cánh chim hải âu là là nhịp sóng, chao nghiêng đón chào ngày mới. Xa xa, những chiếc thuyền đang lặc lè về bến, những con cá trong khoang lấp lánh ánh bạc. Mặt trời treo đầu cột buồm ánh sáng rực rỡ. “Chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Lâu lắm rồi xóm chài mới có hiện tượng lạ như vậy" - Toán thầm thắc mắc và chạy ra ngoài, vài đứa trẻ khác cũng lom khom chui ra từ mấy ngôi nhà tuềnh toàng vá chằng vá đụp bằng lá dừa, mảnh tôn cũ kỹ, mảnh áo mưa, mảnh bạt quảng cáo... miễn là những thứ gì có thể che chắn được. Bọn trẻ chân đất, đứa thì cởi trần, đứa thì cởi truồng khoe bộ vó gầy còm lộ rõ xương sườn, làn da đen nhẻm, mái đầu cháy nắng rối như tổ quạ. Đứa nào có đủ bộ thì cũng vá chằng vá đụp, thế được coi là sang lắm rồi. Chúng túm năm tụm ba chỉ chỉ trỏ trỏ vào những người mặc quân phục màu xanh lá cây với ánh mất lạ lẫm “họ là ai vậy mầy?”. “thầy giáo đó”. “hổng phải, nghe ba tao kể thầy giáo mặc áo trắng quần tây cơ”, “ở đây làm gì có trường lớp mà có thầy giáo”, “ừ hén, nhưng mà họ mặc đẹp quá quá ha, ước gì tao có được bộ đồ đẹp như vậy”, “nhà mày nghèo rớt mồng tơi, bộ đồ vá còn chẳng có, đừng có mà ươcs mơ hão”,  “nhưng tao vẫn thích thế, được mơ mà cũng có tội à? Cha tao bảo ước mơ sẽ làm con người lớn hơn”, “mầy thì lúc nào cũng cha mầy.... về mà nói chuyện với cha mầy, đừng nói chuyện với bọn tao nữa ” - có đứa bực nhưng đôi mắt đang dõi về một nơi xa lắm.

 Ê, bọn bây, ngôi sao trên mũ đẹp quá ha, trông nó nhỏ nhỏ xinh xinh thật ngộ. Nếu có một cái tao sẽ gán lên cái mũ của tao, trông oách phải biết”. Bụn trẻ nhao nhao: "ừ, tao cũng thích” rồi mắt đứa nào đứa nấy tròn xoe ngắm ngôi sao thèm thuồng, những ngôi sao như những con sao biển đang soãi mình trên cát. Có tiếng xầm xì to nhỏ của người lớn “hôm nay bộ đội biên phòng xuống đây làm gì nhỉ? Chẳng lẽ ở xóm chài có bọn tội phạm hay phản động ẩn náu?”, “chắc không phải vậy, nếu thế thì họ phải mang theo súng chứ, đằng này trong tay họ chỉ cầm những cuốn sách”, “vậy thì chuyện gì nhỉ?”... Họ kháo nhau với vẻ mặt đăm chiêu nhiều dấu hỏi. Bọn trẻ không đồng trí mà cùng đồng thanh “À, thì ra là các chú bộ đội biên phòng bọn mày ạ”. Bỗng có đứa kêu “kìa, có chú độ đội vào nhà mầy kia, chạy về xem sao?”. Bọn trẻ tản về nhà mình. Từ bé đến giờ Toán có được nhìn thấy bộ đội bao giờ đâu mà biết. Nhìn các chú cao lớn trong trang phục màu xanh, trên ve áo gắn quân hàm màu xanh, thật oách. Nó nhìn như thôi miên, thầm ao ước sau này mình cũng được như thế.

Toán chạy vội về nhà, luồn lối cửa sau vào nhà, có chú bộ đội đi về phía nhà nó. Mẹ nó đang lúi húi dưới bếp ngạc nhiên khi thấy con thơ hổn hổn chưa kịp hỏi thì đằng trước có tiếng người hỏi. Lật đật mẹ nó chạy lên nhà trên. Nghe mẹ và chú bộ đội nói về việc mở lớp cho trẻ em làng chài, nó dỏng tai nghe một cách chăm chú “Đi học là làm sao nhỉ? Có phải như đóng cái ghế hay lựa con cá, con tôm hay không? Đi học sướng hay ở nhà đi lựa cá sướng hơn nhỉ?”. Nếu mình đi học thì làm sao có thể phụ mẹ gánh nước, lựa cá thuê đây? Có lẽ mình phải nghỉ học để giúp mẹ thôi. Mẹ đã già yếu lại còn hay bệnh nữa, cái bệnh suyễn luôn làm mẹ khó thở mỗi khi trời trở gió hay làm việc nặng. Mẹ gánh hết phần việc của nó sẽ bị ngã bệnh thôi, mà điều đó thì nó không muốn xảy ra. Vả lại, cha Hoàng cũng không cho đi học đâu. Nó băn khoăn lo lắng.

***

Làng chài rộn rã tiếng nói cười. Mọi người hăng say cùng bộ đội làm đường, dựng nhà, xây một số công trình công cộng như Nhà văn hóa, khoan cây nước, đặc biệt là ba phòng học bằng lá để dạy chữ cho con em làng chài. Tiếng xuồng ghe tấp nập chở lá dừa, cây tràm, gạch, xi măng. Bọn trẻ con chạy lăng xăng tới lui với khuôn mặt háo hức làm những việc lặt vặt. Trong tất cả các công trình thì chúng khoái nhất là ba phòng học. Vậy là chúng được đi học rồi, chúng sẽ được biết chữ, sẽ biết dọc, biết viết, biết tính toán con cá con tôm và biết đâu sẽ có đứa sẽ vươn xa hơn trên chân trời mơ ước từ mái trường này. Toán cũng thích được đi học, từ bé đến giờ nó có được đi học đâu, có chăng thỉnh thoảng mẹ dạy cho biết mặt vài con chữ, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu...

Sáng nay lớp học chính thức buổi dạy đầu tiên. Ngay từ sớm, bọn trẻ trong trang phục tươm tất, gương mặt hớn hở tề tựu đông đủ dưới sân trường háo hức chờ đợi tiếng trống khai trường đầu tiên. Chiếc trống được làm bằng gỗ mít, sơn đỏ, mặt trống bịt da trâu treo ở đầu hồi phòng học. Một hồi trống “tùng... tùng... tùng” vang lên giòn giã, bọn trẻ xếp hàng dềnh dàng bước vào lớp ổn định chỗ ngồi, mắt nhìn lên bảng, tay khoanh tròn trước mặt nghe thầy giáo quân hàm xanh nhắc nội quy của lớp, rồi thầy đi xuống từng bàn phát tập, viết cho học sinh, những cuốn tập thơm mùi giấy mới. Bọn trẻ hít lấy hít hà cái mùi thơm tho ấy mà mơ về nơi xa lắm, nơi ấy là bình minh tươi sáng đang chờ đón. Những ước mơ như cánh buồm trắng vươn khơi xa, như những cánh chim bay trên bầu trời cao rộng.

Lớp học chuyển sang dạy từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Đấy là khoảng thời gian rảnh để học sinh có điều kiện vừa giúp đỡ gia đình, vừa đi học. Từ khi mở lớp học, thằng Toán không nghỉ buổi học nào. Nó nép mình vào vách dừa nghe thầy giảng một cách say sưa. Được cái, nó là đứa sáng dạ nên thầy đánh vần đến đâu nó đều thụộc đến đấy. Nhưng có một điều khiến nó không vui. Đó là mặc đù đánh vần được các con chữ nhưng nó lại không biết mặt chữ. Cái khó ló cái khôn. Nó khoét một lỗ ở vách lá rồi ghé mắt nhìn vào. Nhưng lúc trời sáng thì còn nhìn rõ chữ lúc tối thì không thể nhìn rõ các con chữ mặc dù lớp có thắp đèn bình.

Chuyện đi học nó giấu kín không cho ai biết. Nếu lộ ra nó sẽ bị no đòn. Mỗi lần đến lớp là nó phải trốn nhà hoặc nói dối cha đi chỗ này chỗ kia để đi học. Những lần không đến lớp được nó thấy trong người bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên.

Để bổ túc những bài học, nó mượn tập của thằng Nam cạnh nhà và nhờ nó giảng giải hộ. Trong các âm tiết nó ngán nhất là vần s, x vần tr, vần ch... là khó phát âm nhất, phải đánh vật mãi nó mới phát âm chuẩn, không như thằng Nam uốn lưỡi mãi vẫn ngọng lứu ngọng lo. Có lần nó đang ngồi học bài thì thằng Nam gọi ra ngoài, tay nó cầm vật gì dứ dứ ra vẻ bí mật khiến nó tò mò đi theo. Tới chỗ khuất, thằng Nam xoè tay, nó thốt lên “Ngôi sao”. Tay nó vừa mân mê ngôi sao vừa hỏi tại sao thằng Nam có được. Khi biết thằng Nam tháo trộm ngôi sao trên mũ khi thầy giáo để trên bàn ra ngoài nghỉ giải lao nó giận lắm nhưng cố dằn lòng dùng lời hay lẽ phải khuyên thằng Nam đem trả lại và xin lỗi thầy vì đó là một việc làm xấu. Một học sinh ngoan thì không thể làm việc xấu, mà thằng Nam là một đứa con ngoan, chỉ vì ham thích tức thời mà nó phạm lỗi. Lúc đầu thằng Nam giận lắm, vùng vằng không muốn nghe bởi vì nó thích ngôi sao lắm. Ngôi sao là niềm mơ ước của nó, trong giấc ngủ của nó luôn hiện lên hình ngôi sao lung linh như vì sao Bắc Đẩu. Phải khuyên bảo mãi thằng Nam mới chịu nghe lời. Hai đứa ngoéo tay nhau.

Mỗi khi đi làm thuê nó đều cố gắng làm xong việc từ sớm để có thời gian ôn bài. Một lần đang mải mê học bài thì bị cha bắt gặp xé tan cuốn tập và đánh cho một trận thừa sống thiếu chết nhưng nó không từ bỏ việc học của mình. Đối với nó, học là một nhu cầu không thể thiếu, như con người sống không thể thiếu cơm ăn nước uống. Những bài giảng của thầy giáo quân hàm xanh đã gieo vào lòng nó những khát khao cháy bỏng. Nhưng mơ ước, niềm khát khao vươn tới chân trời tri thức của nó liệu có thành hiện thực khi mà nó phải học một cách lén lút.

Đang căng mắt nhìn con chữ trên bảng, nó giật mình đánh thót khi nghe thầy Sơn hỏi “Toán, sao em không vào lớp học mà lại đứng ở ngoài?”. Bọn học trò nhao nhao “cha bạn ấy không cho đi học thầy ạ”, còn nó lúng túng, tay vân vê tà áo cộc bạc thếch lủng lỗ chỗ, không dám nhìn thầy. “tại sao cha em lại không cho đi học?” - thầy Sơn hỏi sau khi đã nhắc lớp trật tự. “dạ, cha em bắt ở nhà đi làm kiếm tiền”, nó lí nhí trong cổ họng. “mẹ em cũng đồng ý à?”. “dạ không, mẹ khuyên và năn nỉ cho em đi học nhưng cha nhất quyết không chịu. Cha em ác lắm, ông không chịu cho em đi học đâu”. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, tiếng nấc ứ trong cổ họng nghẹn ngào. Nó nắm lấy tay thầy Sơn lắc mạnh “thầy ơi, thầy hãy khuyên cha cho em đi học thầy nhé, em muốn được đi học, muốn được đi chơi với các bạn. Mấy hôm nay, mỗi khi làm việc em cố gắng làm cho xong sớm là em lại trốn ra đây để được nghe thầy giảng bài... hu... hu... hu”.

Thầy giáo ôm nó vào lòng, mắt đỏ hoe. Dưới lớp, có những tiếng thút thít. Vài đứa chạy lên ôm lấy nó. “ừ, em yên tâm, sau giờ dạy thầy sẽ tới nhà động viên ba em để em được đi học, nhất định em sẽ được đi học, thầy hứa với em.

Bây giờ thì Toán đã hiểu vì sao cha Hoàng ghét nó đến thế. Mỗi lần không vừa lòng cha nó lại chửi mày là thằng bắt tao làm “tò vò mà nuôi con nhện” rồi xông vào đấm đá không chút xót thương. Nó đâu phải là máu mủ ruột rà của cha đâu mà yêu thương chăm sóc. Nó là kết quả tình yêu đầu đời của mẹ với một chàng trai làng chài có khuôn mặt chữ điền, nước da bánh mật với thân hình vạm vỡ. Người cha đích thực của nó là một chàng trai mồ côi nghèo, hiền lành và tốt bụng sống trong sự đùm bọc của làng vạn chài nghèo. Cha đã cứu mẹ nó  trong một lần tắm biển thì bị chuột rút. Hằng ngày mẹ ra bến ngóng cha trong khi cơ thể mình có những thay đổi khác lạ. Càng ngóng càng vô vọng để rồi đau đớn ngất đi khi cha đã mãi mãi đi vào lòng  biển. Biển mang đến những khoang thuyền đầy cá cho làng chài nhưng cũng ích kỷ cướp đi những đứa con của  làng. Biển đã cướp cha khỏi tình yêu, niềm mong ước của mẹ. Chỉ vài người may mắn sống sót trở về.

***

Sáng nay, bầu trời trong xanh. Những cánh chim hải âu chao lượn trên đầu mừng vui tiễn người con của biển vào đất liền đi học. Ánh nắng cháy trên  vai mọi người như dòng suối lấp lánh ánh bạc. Mặt biển dát ánh vàng. Những ngôi sao lung linh mặt nước. Trên bến tàu, cha, mẹ, thầy Sơn cùng mấy anh bộ đội biên phòng ôm lấy nó dặn dò. Bàn tay run run, nó đón món quà thầy Sơn tặng mà khóe mắt cay cay. “Hãy cố gắng em nhé. Thầy mong em chân cứng đá mềm. Thầy có món quà nhỏ tặng em, hy vọng em sẽ thích”.

Tàu xa bờ, những cánh tay vẫy vẫy xa dần. Nó hồi hộp mở gói quà của thầy Sơn.

“Một ngôi sao”. - Nó reo lên.