Tản mạn về chim cảnh

   Cách đây hơn ba chục năm ở Hà Nội đã có những nhóm nhỏ các cụ, các bác, các anh nuôi chim cảnh. Hồi đó phong trào hơn bây giờ (cảm nhận cá nhân tôi thôi).
chim-canh-1629047809.jpg
Chim chào mào bạch tạng đc giới chơi chim định giá 300 triệu đồng( thông tin và ảnh do một độc giả cho tôi trên trang Bạn bè yêu Hà Nội khi tôi up bài này cách đây 2 năm

       Ngắm hoa, thưởng trà, nghe chim hót cùng với những người bạn tâm giao  tưởng rằng chẳng có thú vui nào hơn cái thú vui tao nhã này.

       Nhiều người thích đi đó đây, chu du mọi miền trong nước và ngoài nước. Có người mê nuôi gà chọi. Lại có người thích sưu tập đồ cổ chai , lọ, chén, bát... Có người thích nuôi chó, mèo. Có người thích nuôi chim cảnh ..v.v...

       Cái đam mê nào cũng là tốt, miễn đừng ảnh hưởng đến ai là được.

      Cách đây hơn ba chục năm ở Hà Nội đã có những nhóm nhỏ các cụ, các bác, các anh nuôi chim cảnh. Hồi đó phong trào hơn bây giờ (cảm nhận cá nhân tôi thôi).

      Nổi bật nhất là nuôi vẹt Hồng Công xuất khẩu. Vẹt Hồng Công dễ nuôi, nhanh ra sản phẩm, thức ăn đơn giản chỉ là hạt kê và nước sạch. Vẹt Hồng Công không hót nhưng nhiều màu sắc, rất đẹp. Thông thường có màu trắng, vàng, xanh mạ lai vàng, xanh da trời lai trắng, xanh nước biển, xanh lá cây...  Trong mỗi chuồng vẹt không thể thiếu mai mực đã phơi khô hoặc một mẩu vôi tường để bổ sung can xi. Thiếu can xi, đôi chân của vẹt sẽ vẹo vọ, đứng không vững.

      Nhiều người đã giàu lên nhờ nuôi vẹt Hồng Công xuất khẩu. Cũng có người tưởng dễ ăn, đầu tư vào nhưng không ăn thua, không lõm nặng là may. Lúc này thị trường đã bão hòa, nuôi vẹt Hồng Công để xuất khẩu đã thoái trào, chỉ còn lẻ tẻ ít người nuôi chơi thôi.

      Chim yến cảnh luôn được người chơi thời nào cũng quý. Hình dáng thanh mảnh, bộ lông đẹp và tiếng hót ngọt ngào, quyến rũ , chim yến  luôn là một trong những con chim cảnh được ưu ái.  Chim được gọi tên theo màu lông: Hoàng yến, Bạch yến, Hồng yến, Thanh yến( màu vàng tươi, màu trắng, màu phớt hồng, màu xanh cỏ úa sậm).

      Chim yến được coi là chuẩn thì phải cổ cao, thân thon, chân dài.

      Thức ăn của chim yến gồm có:  bột trứng, hạt kê, mai mực khô, rau xà lách sạch, nước sạch. Bột trứng làm rất cầu kỳ. Bột mỳ rang chín , đảo nhẹ tay. Trứng gà lấy lòng đỏ bỏ vào cùng với bột mỳ đã rang chín. Tiếp tục đảo nhẹ cùng với ngọn lửa liu riu cho tới khi nào hỗn hợp khô cong. Lấy ra xay nhỏ, để cho nguội và cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần làm rất ít để đảm bảo luôn tươi mới không bị mốc.

      Chim yến được chăm sóc và cho ăn đúng cách thì bộ lông mượt mà, chim luôn căng và hót líu lo. Chim ăn kém lông xơ , ủ rũ và không hót. Chim yến không chịu được lạnh và cũng không chịu được nóng. Ngày trước, khi mà điều hòa nhiệt độ còn là của hiếm thì chấp nhận sáng xách lồng ra cho chim hứng nắng, gần trưa xách vào hiên tránh nắng, tối cho vào nhà. Hôm nào nóng quá thì bật quạt phe phẩy cho chim.  Hôm nào lạnh thì phải buông áo lồng, che chắn cẩn thận. Chim không chịu được gió lùa. Treo lồng cũng phải chọn chỗ thoáng mà kín gió.

      Cái thời bao cấp ấy, tậu được con yến hay cũng mất nhiều tiền phết. Có cụ ông giấu cụ bà rước em yến bằng cả mấy tháng lương Trưởng ban chuyên gia về. Các cụ, các bác ngày nào chả đến nhà để thưởng trà và nghe chim hót. Ấy là sau này cụ ông khai ra chứ hồi đó chả dám nói, nói trại đi là các cụ đổi chim cho nhau.

     Chơi chim, nghe hót, các cụ còn tự nhân giống, ghép màu nọ với màu kia. Vậy mới có con yến tên là Bạch vân, Hồng Vân( Thanh yến lai với Bạch yến, Thanh yến lai với Hồng yến). Vân yến là con lai giữa Thanh yến và Bạch yến,  toàn thân  nó màu xanh cỏ úa sậm, trên đầu có túm lông trắng giống như đội mũ bê rê vậy. Loại này hơi hiếm.

      Chim cảnh phải kể tới khướu, loài chim của núi rừng. Khướu sống chủ yếu ở vùng núi phía Bắc nước ta. Khướu có hai loại: bạc má và mun. Chúng có thể hót các giọng, có thể bắt chước tiếng của các loại chim khác và động vật khác nên cũng được gọi là chim bách thanh( một trăm giọng). Cá biệt có con khướu của ông cụ tôi, nó kêu hệt tiếng mèo con. Khách đến chơi cứ nghe thấy tiếng mèo con kêu, nhìn quanh quẩn. Khi biết là con khướu của nhà, chủ và khách đều tủm tỉm thú vị.

       Khướu dễ nuôi và phàm ăn. Thức ăn gồm có cám chim, hạt kê, rau xanh, thịt tươi,  dế, châu chấu, hoa quả. Đặc biệt có một loại khướu khi nó hót ta nghe như * bắt cô trói cột*. Loại này là sinh trưởng ở núi rừng, họ bắt được và đem bán khi chim đã trưởng thành. Nghe nó hót thì tuyệt vời, bao phiền muộn bay đi đâu hết. Phải là người may mắn mới tậu được em này vì nó rất hiếm. Sáng ra được nghe em khuớu * bắt cô trói cột* hòa giọng cùng em my, em chào mào thì trên cả tuyệt vời!

     Sẽ sơ suất nếu không kể đến họa my. Thức ăn của họa mỵ là cám chim, sâu quy, dế , châu chấu. Nhiều người nói họa my không ăn hoa quả nhưng riêng em nhà tôi vẫn thấy ăn hoa quả bình thường. Họa my nuôi dễ nhưng để chọn một em đuôi mắt dài, mắt to rõ nét, hót được nhiều giọng, giọng hót thanh và cao thì rất hiếm.

     Tôi rất thích chim cu gáy. Cu gáy hiền lành như cục đất, hơi dát. Thức ăn cực đơn giản, chỉ thóc và nước sạch. Chim cu gáy gợi nhớ về mùa màng với những cánh đồng lúa chín. Khi chim cất tiếng gáy,  ký ức tuổi thơ ập về trong ta. Cu gáy có nhiều giọng lắm: giọng kim, giọng thổ, giọng thổ pha kim , giọng thổ đồng... con nào giọng thổ đồng là hay nhất vì tiếng vang xa và giá mua cũng đắt hơn. Chim cu gáy ở vùng núi Phú Yên nhiều.

     Chim cảnh kể ra thì còn nhiều lắm như: chim khuyên bé nhỏ, nhí nhảnh mà hót cũng véo von ra phết ; chim chào mào;  chim bồ câu Pháp ;  chim vẹt ta ; chim quế lâm...

  Còn rất nhiều loại chim cảnh trong thực tế mà phạm vi bài viết tôi chỉ điểm qua. Đời sống bây giờ đã khác trước rất nhiều. Chim, cây, hoa lá cũng là thú vui đời thường, giúp cho đời đẹp hơn. Mỗi chúng ta hãy chọn cho mình một đam mê lành mạnh.

Con rùa của anh chị tôi cũng nuôi từ khi ở khu tập thể Trung Tự. Đến năm 1989 mới về phố Vạn Bảo. Tính ra cùng gần 20 năm chứ ít đâu. Lúc về Vạn Bảo thì nó cũng to như chiếc mũ cối của bộ đội rồi. Anh rể tôi bảo là trước đây nó luôn ở trong nhà, giờ cho ra sân cho thoáng (2 ngày ăn 1 lần và cũng cho độ gần 10 viên thịt Bò to bằng hạt lạc ấy. Anh ấy lấy dao gõ vào vung nồi để gọi nó ra (ngăn chỗ nó ra là các chậu cây cảnh to vật vã , khoảng cách các chậu chỉ độ 15 phân thôi ) chỗ nó ở tròn to như một cái mâm và nhìn như cái ao ấy để nó tắm. Tôi hỏi chậu cây để thế thì làm sao nó ra đước mà anh gọi. Anh rể tôi cười và nói là cậu xem nhé. Nó bò ra đến chỗ 2 chậu cây sát nhau thì nghiêng người lách ra và ăn chỗ thịt bò ngon lành, ăn xong bò loanh quanh một lát thì thấy anh rể tôi nói là vào đi. Thế là nó bò vào và tất nhiên là lại phải lách nghiêng người mới vào được nơi nó ở. Loài vật nào cũng vậy, tuy không biết nói nhưng khi ở lâu với mình thì gần như nó nghe và hiểu mình nói gì vậy (nói theo kiểu chúng nó quen theo phản xạ có điều kiện ) ấy...

Pham Trung Kiên