Do thời cuộc, cuộc sống và tác động của rất nhiều mặt của xã hội mà đành chấp nhận những ánh mắt dò xét, dè bĩu, thì thào to nhỏ chuyện trò sau lưng của người khác. Người đàn bà tôi biết ấy đã trĩu nặng, gánh trên vai mình biết bao khó khăn, tuổi hờn để sống và nuôi con khôn lớn nên người.
Khi tôi sinh ra thì đã thấy bà với dáng vẻ tần tảo, một thân một mình sống cùng cậu con út. Lúc này bà đã không phải đi làm ngoài ruộng ngoài đồng mà chỉ ở nhà chăm cháu. Ngoài nét quê đôn hậu lam lũ đặc sệt nhà nông, ở bà lại toát lên vẻ đẹp trời cho đôi má lúm đồng tiền duyên thầm mà già vẫn rõ, vẫn làm các cô gái trẻ ao ước, dáng cao, mũi cao, da trắng… nếu nói thời của bà chắc bà thuộc hàng hoa hậu ở làng xã.
Hồng nhan bạc phận không biết có phải hay không, nhưng đời của bà nghe mẹ tôi kể lại quả không sai, bà vất vả nuôi bốn người con ăn học tử tế, thành người có ích cho xã hội, mặc dù bà có biết bao nhiêu đắng cay tủi phận thầm kín trong lòng. Như một núi đá tảng đè nặng đến tận cuối cùng.
Số bà khổ ngay khi lập gia đình. Ngày xưa ở vùng quê nghèo việc lấy chồng sớm và có nhiều con là điều thường thấy. Bà lập gia đình sớm với người chồng là một thanh niên con nhà gia giáo chuyên bốc thuốc Bắc. Nhưng lấy nhau mới có con đầu lòng ông đã đi bộ đội và có bầu con thứ hai, khi sinh con gái thứ hai ông cũng không có dịp gặp con, chiến trường Miền Nam khi đó ác liệt nên đi chưa biết sống chết ra sao ngày nào mới về. Thế rồi đợt về nghỉ phép thì con gái thứ hai cũng đang bé nên ông về được ít hôm thì lại quay vào chiến trường, bà lại có bầu cậu con trai thứ ba. Lần này thì ông ra đi đã mãi mãi không bao giờ trở về.
Ông đã hi sinh anh dũng trên chiến trường miền nam. Cùng đi với ông có một người gần nhà, ông ấy đã sống sót trở về và nhớ nơi chôn cất, khi đó ông ấy kể lại do làm đội trưởng nên ông đã bị quân địch tử hình ngay khi bắt sống. Sau này thì vẫn biết nhưng do thời cuộc thay đổi, vị trí khi xưa ông bạn đi cùng không rõ bây giờ thuộc nơi nào, rồi gia đình khó khăn trong việc đi lại khi con cái có điều kiện thì lại bận bịu gia đình riêng nên cũng chưa có dịp vào tìm. Ông bạn thì không có điều kiện đi nên sau này mất cũng vẫn chưa vào mang thi thể đồng đội về được. Một điều khó khăn vì ông bị tử hình ở rừng nên không thể xác định rõ ràng vị trí ở đâu. Ông mất nhưng vẫn chưa thể nhìn mặt đứa con trai duy nhất và người con gái thứ hai không biết mặt bố ra sao.
Thời gian đau buồn với những nỗi đau bà giấu trong trái tim mình, nỗi cô đơn của bà mẹ bốn người con mới 27 tuổi. Đêm đêm sàng sảy, giã chuối,… biết bao công việc nhà nông vất vả đều qua tay bà. Cả nuôi mẹ chồng đã già yếu. Rồi bà tham gia dân công, đào sông gánh đất thời chiến. Sang thời bình bà buôn muối mắm, gánh hàng chục cây số vào ga Yên Thái đi bán. Cuộc đời cứ thế trôi qua, mới hôm nào còn mặn mà say đắm biết bao chàng trai thì nay đã da mồi, tóc nhuốm màu mây trắng. Do là con trai liệt sĩ nên cậu con trai được đi Tiệp Khắc lao động, bà ở nhà nuôi chị cả làm giáo viên, chị thứ hai thì đi học ngành dược, cậu em út học lớp 12. Vất vả là thế nhưng có con đi nước ngoài bà cũng phần nào đỡ mệt hơn. Mẹ chồng cũng già yếu nằm một chỗ bà có thời gian mà chăm sóc.
Khổ cho bà con gái đầu gầy yếu mặc dù làm giáo viên nhưng lại lập gia đình muộn khi đã ngoài ba mươi, lấy anh chồng làm thợ xây, có đời vợ với ba đứa con riêng. Số khổ đi đâu cũng khổ, về ông chồng lại hay rượu chè đánh đấm suốt ngày, khổ lên khổ xuống bà lại khổ tâm và lo lắng thương con. Nhưng biết làm sao, đành nhìn con ứa nước mắt an ủi, phận sao ở vậy nuôi con. Khi người con gái thứ hai của bà học xong ngành dược do được đi truyền hoàn hảo từ bà mà có nét đẹp kiêu sa, lấy anh chồng công an, tưởng đời bà cũng được mở mày mở mặt và vui hơn phần nào. Nhưng nghiệp vận vào người, do lấy chồng sinh con nên cô ấy cũng ở nhà bỏ công việc bệnh viện làm ruộng chăm con.
Ông chồng đi ra ngoài công việc tiếp xúc với mọi thành phần xã hội nên lại bồ bịch lăng nhăng, về đánh cũng thừa sống thiếu chết. Không những thế những ngày buôn bán thuốc trên chợ vì thương chồng mua xe máy cho đi làm để không thua kém bạn bè. Vay lãi ngày rồi khắp nơi mua xe Dream2 mấy chục triệu hồi đó rất to, đâm ra vỡ nợ. Bà lại gồng gánh nuôi cháu nuôi con, rồi bù đắp bởi có ít vốn cậu em đi nước ngoài gửi bà còn dành dụm được. Khổ thân đến mảnh đất vợ chồng ở bà cũng trả tiền hết mua cho. Đời bà được an ủi phần nào khi cậu thứ ba đi nước ngoài về theo học ngành y rồi về làm trạm trưởng ở xã nên cũng có kinh tế và nghề nghiệp ổn định. Cậu út thì học xong 12,học khá tốt cũng định đi sư phạm, nhưng ngày đi thi lại chở bạn gái đi chơi . Sau rồi về xin bà cưới. Cậu ở đó cùng bà chăm sóc bà.
Kể về cậu út mới thương cảm cho bà, thấy hết nỗi “ thâm sâu” bà chịu đựng dè bĩu oán trách, bà im lặng cho tới ngày gần ra đi bà mới nói. Lòng bà như dòng sông Yên lặng lờ trôi khi tuổi xế chiều. Con út khi cưới vẫn bị gia đình hai bên ngăn cản, vì nói cậu út là con riêng của bà với ông anh em nhà họ gái gần nên không lấy được nhau. Lấy là cùng họ vì lúc đó yêu sâu đậm đành cưới về nhà sống mấy chục năm vẫn còn trách móc. Bà thì thông gia ngại gặp vì lời ra tiếng vào. Nước mắt lặng vào trong như con sông lở bồi quanh năm ôm lòng mình bao nhiêu giông nỗi can qua. Bà vẫn im lặng chở con thuyền vững tay lái đưa con cái đến bến bờ hạnh phúc. Cậu út không dám hỏi bà bố là ai cứ xem người bố hi sinh là duy nhất nên thay anh cả trông nom hương khói giỗ Tết hàng năm.
Bà vẫn mang tính không chung thủy. Bây giờ thời đại mới thì con người cũng mở lòng mình mà nhìn thoáng hơn. Cũng có người thương cảm xót xa cho bà, tuổi đời trẻ tránh sao được những phút xao lòng, những cái gối tay ấm áp chở che của người đàn ông trước cảnh đời cô đơn hiu quạnh. Bà cũng chỉ muốn xin thêm người con rồi chia tay mãi mãi. Không còn ràng buộc gặp lại nhau. Đó như là cam kết lúc đầu nên hai bên đều không làm phiền. Đến ngày bà sắp mất hỏi mãi bà không nói. Nhưng vì con cái động viên cũng khôn muốn làm cho con út cả đời sống trong dằn vặt không biết bố mình là ai. Bà đã kể ra người cha là một cán bộ về xã làm trong ngành lương thực, cũng muốn xin về nuôi nhưng bà không đồng ý rồi ông ấy cũng không qua lại.
Để bà đỡ khổ vì tiếng tăm miệng đời cay nghiệt. Ông ấy nhà cách khoảng chục cây số. Thế là cậu út khóc oà lên, vì ngồi bên giường bệnh mẹ lúc cuối đời lâu nay vẫn nghĩ là bố của mình là chú nhà vợ nên trách móc mẹ. Bà hỏi “ con có đi tìm nguồn cội thì đi” cậu út liền nói “ con chỉ muốn biết vậy thôi, bố con đã hi sinh rồi”. Thế là bà nhắm mắt xuôi tay, nói ra được cái bí mật thâm sâu nhất của đời mình. Dù cả cuộc đời bị nhà chồng ghét bỏ chửi bới, bao nhiêu chua chát đắng cay. Bà đã có thể mỉm cười nhẹ nhàng nơi chín suối mà chồng của bà cũng có thể thông cảm thứ tha phận mẹ goá con côi. Chính vì bà như thế mà anh em dù cùng cha khác mẹ nhưng vẫn để cậu út thờ bố hi sinh, không phân biệt lại càng thương yêu nhau hơn.
Cuộc đời con người đôi khi thật vi diệu theo một cách nghĩ nào đó, bí mật trong lòng mỗi người có thể “sống để bụng chết mang theo” nhưng họ đã kiên cường đã nhẫn nhịn và vì tình yêu cho con quá lớn, để không muốn sự xáo trộn trong tư tưởng con cái. Chị lo mất em, mẹ lo mất con. Cậu út cũng vì thế mà có chút ân hận cả đời trách mẹ không nói ra. Cuộc sống đôi khi tưởng như những chuyện ấy rất bình thường bây giờ, nhưng trong xã hội cũ thì vô cùng hà khắc, khắt khe. Ước mơ, nỗi khao khát, con người nhất là tình yêu thương đôi lứa thường rất nghiêm. Sống trinh tiết, tiết hạnh lễ nghĩa nhất con nhà nho giáo thì lại càng khó khăn và đôi khi nghiệt ngã.
Miệng đời thì như những con sóng muôn đời vẫn vỗ, có mấy khi biển lặng gió dừng. Hết chuyện này chuyện kia, móc nối vào nhau để châm biếm chê cười. Nhưng từ sâu trong làng quê bé nhỏ ấy lại luôn hiện hữu biết bao khuôn mặt làm nên nét quê mộc mạc với những câu chuyện còn rất nhiều để viết và kể.
Nghe câu chuyện mẹ kể về bà tôi thấy cuộc sống bây giờ đã thoải mái hơn xưa rất nhiều. Nhưng lại dễ dãi vợ chồng bỏ nhau một sớm một chiều, con thơ nheo nhóc , tranh giành. Hạnh phúc gia đình mỏng manh tựa như chiếc lá, có thể rụng rơi chỉ sau một cơn giông bão vô tình. Có chắc còn lại gì sau những rạn nứt hay đỗ vỡ trong hôn nhân lứa đôi.
Chuyện làng quê