Lúc mới nhập ngũ, Đại đội lính 100 sinh viên chúng tôi được huấn luyện tân binh trên Sơn Tây, doanh trại đóng ngay tại Trung tâm thị xã, sát với Nhà làm việc của Thị ủy, trước cổng chính của ngôi Thành cổ.
Ngày ấy, thị xã Sơn tây còn nhỏ bé và xinh xắn, nằm sát ngay Thủ đô như một cô thôn nữ "mỏng mày, hay hạt" nép bên chàng trai Hà Nội vạm vỡ, hào hoa. Nếu không có vụ Đặc nhiệm Mỹ tập kích bằng đường không cứu hụt phi công thì Sơn Tây đã là một thị xã yên bình. Người ta kháo nhau Sơn Tây yên bình do là quê hương của Tướng Nguyễn Cao Kỳ nên máy bay Mỹ không đánh phá (?). Sớm nào cũng vậy, chúng tôi khuấy động sự bình yên của thị xã bằng những bước chạy rầm rập và những tiếng hô thể dục buổi sáng. Cũng vào giờ ấy, Cửa hàng ăn uống Mậu dịch ở cổng Thành cổ cũng lục tục trở dậy để thi triển cái món bánh rán trứ danh. Chúng tôi đang sức trẻ lại tập tành vất vả nên cậu nào cũng "bụng cao, dạ giốc" và vô cùng háu đói, chạy qua chỗ đó ai cũng tranh thủ hít lấy vài hơi và nhắm mắt tưởng tượng ra cái vị ngon ngon của mật mỡ như đang được tứa ra từ khóe miệng. Mà cũng chỉ dám tưởng tượng thôi vì "lính 5 đồng" nếu không vì lý do gì mà tự thưởng cho mình 1 cái bánh rán thì quả là hoang lắm!
Thành cổ Sơn Tây
Một hôm, cậu Huấn kiếm về được một ông lão hát xẩm. Huấn (Trần Quốc Huấn) là sinh viên Văn khoa ĐHTH, dân TP Nam Định có bố làm to, rất đa tài nhưng tính khí thất thường. Đằng sau ánh mắt sắc lẹm của nó là một tâm hồn trắc ẩn đầy ưu tư và phiền muộn. Nó luôn có những suy nghĩ và việc làm khác người nên không ai dám tranh luận với nó. Nó lôi ông lão hát xẩm về từ bến xe sau khi chứng kiến lão bị toán Kiểm soát quân nhân xua đuổi.
Phải nói thêm là Sơn Tây được mệnh danh là "Thủ đô lính", hầu như tất cả các Trường sĩ quan của các Quân Binh chủng đều đóng đô ở Sơn Tây, vì vậy mật độ lính dày đặc và lực lượng Kiểm soát Quân nhân cũng dày đặc. Hôm ấy họ xua đuổi ông lão chắc vì ông đã hát những câu não lòng không có lợi cho tinh thần binh sĩ.
Huấn đưa ông Xẩm vào lán chiêu đãi sở, hôm ấy là Chủ nhật và đúng vào phiên tiểu đội nó trực gác, trực Chỉ huy là một ông trung đội trưởng nhưng ông này luôn dán tai vào chiếc đài bán dẫn tự lắp luôn ọ ẹ dở chứng. Tôi đang chuẩn bị giấy bút để viết thư gửi về nhà thì nghe văng vẳng có tiếng đàn nhị và tiếng reo hò, xuýt xoa của lính, liền chạy ra xem thì đã thấy đám lính vòng trong vòng ngoài xúm quanh một ông Xẩm. Đang hát, bỗng ông dừng lại, tay ôm lấy bụng, thì ra là ông đói! Huấn bảo:
- Ông ơi! bây giờ chúng cháu sẽ cho ông ăn no và cho ông tiền, nhưng ông phải hát tất cả những bài ông biết nhé!
Ông lão thều thào:
- Nhưng các ông cho nhà cháu bao nhiêu?
- Thế ông đi hát dạo như vậy thì 1 ngày kiếm được bao nhiêu?
- Đồng, đồng rưỡi các ông ạ!
Quay ngay sang chúng tôi, thằng Huấn nói như ra lệnh:
- Được rồi chúng mày, những đứa có mặt ở đây đứa nào muốn nghe xẩm thì móc túi quần có hào nào đưa cả ra đây! Thuấn, lấy cái mũ đi gom tiền chúng nó lại!
Cậu Thuấn (Tạ Quang Thuấn) cũng là sinh viên Văn khoa cùng học với nó, ngoan ngoãn bê cái mũ đi đến từng người. Nhiều cậu lưỡng lự nhưng khi bắt gặp ánh mắt trợn trừng, sắc lẹm của Huấn thì cũng lẳng lặng móc tiền ra. Có cậu lộn trái túi cũng chẳng có xu nào, ngượng nghịu như định phân trần thì Huấn khoát tay "sang cậu khác"! Thuấn đi hết 1 vòng thì cũng gom được 1 nắm tiền lẻ, đếm được hơn 11 đồng, rồi đưa cho Huấn. 11 đồng lúc bấy giờ lớn lắm, hơn 2 tháng phụ cấp binh nhì của chúng tôi.
Huấn lấy ra 1 đồng đưa cho 1 cậu đang đứng ở xa:
- Cậu chịu khó chạy ra Mậu dịch mua 5 cái bánh rán về đây!
Nói xong nó nhét cả số tiền còn lại vào túi ông lão, lấy kim băng cài miệng túi cẩn thận rồi cất tiếng nhẹ nhàng:
- Đây là hơn 10 đồng, nó là của ông! khi nào ăn bánh rán xong thì ông hát nhưng ông nhớ là không được sót bài nào đấy nhé!
- Cám ơn các ông, các ông cho nhà cháu nhiều quá! Nhà cháu chả bao giờ kiếm được nhiều tiền như thế. Khổ thân nhà cháu...
Và cứ thế là bằng cái giọng não nề, ông lão kể lại gia cảnh của mình cho chúng tôi nghe:
- Nhà cháu là người bên kia sông, đất Vĩnh Tường đấy các ông ạ! Trước đây nhà cháu cũng có của ăn của để, các cụ đều là phú nông có ruộng và người cấy rẽ, bà lão nhà cháu là con địa chủ làng bên, hồi nhỏ nhà cháu cũng được ăn học, cũng đỗ cái "Sơ học yếu lược" (tức tiểu học bây giờ). Cải cách họ về tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, nhà cháu tay trắng phải ra vệ đê ở. Bà lão là con địa chủ cũng phải mò cua bắt ốc còn nhà cháu có chút chữ nghĩa nên cũng được các ông ấy cho làm thư ký đội nhưng chả có công điểm gì ngoài bữa ăn. Đói quá nên nhà cháu phải theo người lên Bái (Yên bái) buôn sắn nên cũng tiềm tiệm. Công việc đang thuận lợi thì bị phòng thuế bắt, tịch thu hết nên lại trắng tay, phải đi làm thuê cho người ta. Chợ vùng ấy có ông lão hát xẩm nhiều người nghe lắm, nhà cháu xa nhà, buồn nên hay ra nghe lão hát. Thế rồi ông lão ốm, chẳng ai thuốc thang gì cho nên chết, tội nghiệp lắm! May mà số tiền trong người lão cũng mua đủ cỗ áo quan, còn cái đàn nhị, làng cho nhà cháu vì thấy nhà cháu hay quẩn quanh bên lão. Lúc đầu mang cây nhị về ò e kéo thử và ê a hát cũng thấy hay hay. Nhà cháu sáng dạ nên cũng thuộc được nhiều bài, những bài bây giờ đều là học mót được của ông lão đó. Cái đận bà lão bị rắn cắn, thuốc thang mấy tháng mới khỏi, nhà cháu về làng ở hẳn tới tận giờ nhưng khó khăn lắm các ông ạ! Thằng con giai lớn cũng học hành tử tế nhưng không được vào cấp 3 vì lý lịch xấu, đến tuổi xung phong đi bộ đội họ cũng không nhận, sợ rằng con địa chủ đi Nam chạy theo giặc mất, cuối cùng đành đi dân công hỏa tuyến, bị mảnh bom què chân giờ đang ở nhà chẳng làm ăn được gì. Đứa con gái út cũng có chút nhan sắc, một dạo văn công huyện định tuyển nhưng thấy lí lịch xấu nên lại thôi, phải lấy chồng xã bên, thỉnh thoảng về nhà mang cho ít lúa chắc là xúc trộm của nhà chồng! Bí quá nhà cháu nhớ đến lão Xẩm năm nào nên mang cây nhị sang làng bên dưới gốc đa ngồi hát. Ban đầu mọi người cũng cho, tiền chẳng nhiều nhưng cũng mua được mớ rau, con cá. Được khoảng dăm bữa thì dân quân ra bắt lên xã nói rằng làm xấu quê hương. Nào có biết xấu đẹp gì đâu? chỉ biết là mang sức ra hát, làm vui cho mọi người thì mọi người cho tiền. Về nhà nằm suy nghĩ mất 1 tuần, nhà cháu quyết định thu xếp bị, gậy đi hát rong kiếm tiền, chỗ này đuổi thì đi chỗ khác, lâu lâu lại quay về, chả việc gì xấu, chỉ không có tiền mới chết thôi, các ông nhỉ? Chỗ bến xe ban sáng là nhà cháu mấy lần bị đuổi rồi đấy!
Lúc này thì bánh rán cũng đã được mua về, chúng tôi mời lão ăn, lão cẩn thận cầm lên chiếc bánh, ngắm nghía và đưa lên gần mũi, mắt lim dim như đang tận hưởng hương vị thơm ngon của nó rồi cẩn thận cắn từng miếng một, nhai một cách chậm rãi, ánh mắt nhìn xa xăm, đượm buồn, chắc lão đang hồi tưởng, nhớ về quá khứ vàng son của mình. Nhìn cái cách cầm và cắn miếng bánh chứng tỏ lão cũng từng là người lịch lãm.
Lúc này tôi mới ngắm kỹ lão, tuổi chừng hơn sáu chục, thân hình gầy gò, tiều tụy, chòm râu lưa thưa đốm bạc, nét mặt khắc khổ nhưng ánh mắt vẫn còn tinh nhanh, bộ quần áo gụ bạc mầu đã vá nhiều miếng nhưng sạch sẽ, những miếng vá phẳng phiu, thẳng thớm và đường kim đều tăm tắp chứng tỏ vợ lão cũng thuộc loại khéo tay. Mu bàn tay lão đầy sẹo, nhưng những ngón tay lại thuôn dài, mảnh mai như Nghệ sĩ. Tôi trộm nghĩ nếu không vì thời thế éo le thì hẳn lão đã có một cuộc sống phong lưu.
Ăn xong cái thứ 2 lão hỏi:
- Các ông ơi! nhà cháu có thể mang về được không?
- Được chứ! tất cả đây là của ông! nhưng ông phải ăn no để còn hát cho chúng cháu đấy!
Lão cẩn thận gói 3 cái còn lại, cất kỹ vào tay nải, miệng lẩm bẩm:
- Đây là phần cho bà lão và thằng con giai, còn 1 chiếc nếu hôm nay thằng cháu ngoại về thì phần cho nó. Thế nào bà lão cũng trách là hoang đây, nhà cháu chỉ ăn 2 cái thôi, cám ơn các ông đã cho nhà cháu ăn ngon quá, thứ quà này mấy chục năm rồi nhà cháu chưa được nếm lại.
Một bát nước gạo rang được đưa tới từ lúc nào, chiêu từng ngụm nhỏ, xong lão hỏi:
- Bây giờ các ông muốn nghe nhà cháu hát bài nào?
Huấn nói ngay:
- Chúng cháu muốn nghe những bài hát cũ, càng cổ càng tốt. Mà nếu không thì ông cứ nhớ bài nào hát bài ấy, tự chúng cháu phân biệt được.
Thế là lão cất giọng, thứ giọng quê mùa, não nùng, ai oán:
"Gió đưa kẽo kẹt cành tre,
Nàng ngồi tựa cửa, bên hè quay tơ.
Đời người được mấy giấc mơ,
Chàng mơ chinh chiến, em mơ bóng chàng.
Chàng đi giữ lấy ngai vàng,
Để dân làng nhớ ơn chàng, nàng ơi"
e...ò... e... e... í... e...ò... , tiếng nhị réo rắt, khoan nhặt như véo vào lòng người. Tôi liếc sang đã thấy cậu Thuấn tay đang chép lia chép lịa vào một cuốn vở nhàu nát, mắt cậu Huấn đang dại đi đắm chìm vào cõi xa xăm.
Thế rồi tiếng nhị chuyển làn điệu, ông lão cất lên:
"Anh khóa ơi, em tiễn chân anh ra tận bến tàu,
Tay em ôm chiếc khăn trầu, em tiễn đưa anh.
Tay cầm trầu, giọt lệ chạy quanh.
Anh xơi một miếng, cho bõ chút tình em nhớ thương...
e...ò... e... e... í... e...ò....
Anh khóa ơi! người ta lắm bạc nhiều tiền,
Anh em ta phận kém, duyên hèn mới phải long đong...
.e...ò... e... e... í... e...ò...
Anh khóa ơi! còi tu tu, tàu sắp kéo cầu,
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây..."
Mỗi một câu, từng chữ, từng chữ như xía vào thịt da. Cả đám lính chùng xuống, ai cũng như đang bị lạc vào thế giới của riêng mình, kẻ nghĩ về phận mình, kẻ lại nghĩ đến người thân. Tôi chợt nhớ đến cảnh gió, mưa, não nùng trong truyện ngắn "Anh Xẩm" của Nguyễn Công Hoan và bây giờ tôi mới hiểu tại sao ông lão lại bị toán Kiểm soát quân nhân xua đuổi. Tiếng một cậu nào đấy đề nghị:
- Ông hát bài buồn quá, có bài nào vui vui một tí không?
Thế rồi tiếng nhị lại réo rắt, lần này nhịp phách có vẻ vui tươi, dồn dập:
"Cái mồm, cái mồm ăn nói chua ngoa,
làm cho hợp tác, vào ra vì mồm.
Cái mồm, cái mồm ăn nói linh tinh,
Làm cho hợp tác chúng mình vào ra"
Cả bọn vỗ tay cười vang, ông lão thoáng mỉm cười bí hiểm rồi lại tiếp:
"Anh đi nghĩa vụ tòng quân,
Ở nhà em cũng góp phần (tranh) đấu tranh,
Mỹ kia nó cứ cố tình,
Âm mưu chia cắt nước mình dài lâu"
Xóm giềng đã tỏ đèn đâu,
Đợi em ăn giập miếng giầu (mà) em sang.
Đôi ta cùng ở một làng,
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh,
Hình như họ biết chúng mình (ta) nhau với nhau!
Đến đoạn "Ta nhau với nhau" là lão gân cổ "đổi tông" hát váng lên, cả bọn khoái chí vỗ tay ầm ầm, có mấy thằng đã bắt đầu ngấm xẩm còn phụ họa theo. Bỗng nhiên thằng Huấn bảo:
- Hình như mấy câu sau là thơ Nguyễn Bính phải không? Ông biết bài nào thơ của Nguyễn Bính thì hát cho chúng cháu nghe.
Tôi bỗng giật mình "Nguyễn Bính? Nguyễn Bính là ai mà sao mình nghe quen thế? À phải rồi, hồi học lớp 10 khi giảng về Nhân văn Giai phẩm có nhắc qua về Nguyễn Bính, đó là một "Nhà thơ của đồng quê".
Cần phải dừng lại chỗ này một chút, thuở ấy (năm 1971) thơ Nguyễn Bính còn đang bị cấm. Lần xuất bản cuối cùng của quyển "Thơ Nguyễn Bính" là năm 1962, (lúc đó chúng tôi còn bé lắm) nên rất hiếm, chỉ người nào lớn tuổi hoặc những người làm nghiên cứu thì mới còn lưu giữ. May mà cậu Huấn còn lõm bõm nhớ mà nói ra.
Và thế là hôm đó chúng tôi đã được thưởng thức một bữa tiệc về thơ Nguyễn Bính và với tôi một thằng trai mới lớn, dân thành phố lần đầu tiên được nghe Xẩm thơ Nguyễn Bính về những người nông dân và lớp người bình dân. Ông lão hát như kể chuyện hết bài này đến bài khác. Tôi đồ rằng những bài này không phải là ông đã học lỏm được từ Ông lão hát xẩm ngày trước mà chính là ông đã thuộc lòng từ thời là học sinh "sơ học yếu lược". Lần đầu tiên tôi mới được biết đến các bài thơ "Lỡ bước sang ngang", "Chân quê", "Học trò trường huyện", "Qua nhà", "Cô hàng xóm" và bao nhiêu bài nữa. Lần đầu tiên tôi mới biết tác giả của các câu thơ trong dân gian vẫn truyền miệng như "Em ơi, em ở lại nhà/ Vườn dâu em hái mẹ già em chăm" hay câu "Mẹ cha thì nhớ thương mình/ Còn mình lại nhớ người tình vẩn vơ" là của Nguyễn Bính.
Trong lúc lũ chúng tôi còn đang đắm chìm vào những ký ức của riêng mình thì không người nào để ý đến những giọt nước mắt đã lăn trên gò má của ông lão, ông đã khóc!
- Các ông ơi, nhà cháu sung sướng quá! không phải vì được ăn ngon đâu mà chính là bao nhiêu năm nay, nhà cháu mới được hát như thế này. Bao nhiêu năm nay nhà cháu mới gặp được người thưởng thức được từng câu hát, điệu ca của xẩm. Xin cho nhà cháu hỏi tại sao các ông mà không xua đuổi nhà cháu như những người khác, lại cho nhà cháu ăn ngon và lại còn biết đến thơ Nguyễn Bính nữa. Thú thật với các ông, nhà cháu ngày xưa vì thuộc nhiều thơ Nguyễn Bính nên mới khiến con gái địa chủ là bà lão bây giờ phải lòng đấy! Hát cho các ông hôm nay làm cho nhà cháu nhớ lại hồi còn trẻ, nhà cháu và bà lão cũng đã có một mối tình đẹp lắm!
Mắt ông lão như mờ đi và những giọt nước mắt lại trào ra. Huấn đứng lên nói, giọng nghèn nghẹn:
- Ông ơi, chúng cháu cũng là bộ đội nhưng chúng cháu có những cảm nhận khác! Từ nay ông vẫn cứ đi hát, không sợ gì hết, không ai có thể đuổi được mãi đâu nhưng ông nhớ là đừng hát những bài buồn liên quan đến chuyện người đi người ở, dễ bị hiểu lầm. Cám ơn ông đã hát cho chúng cháu nghe, ông hát hay lắm, day dứt lắm và nhất là ông đã cho chúng cháu chép lại được những bài thơ của Nguyễn Bính tưởng như đã thất truyền. Bây giờ để cháu thay mặt anh em tiễn ông về!
Nói rồi Huấn đỡ lấy tay nải của ông lão. Tất cả chúng tôi đứng lên, không ai nói lời nào, gương mặt người nào cũng vẫn chưa thôi xúc động.
Thế rồi mấy hôm sau, trong giờ giải lao của buổi tập khoa mục "Lợi dụng địa hình địa vật" ở khu vực Đền Và, Huấn và Thuấn lại diễn xẩm, lần này 2 cậu đóng giả thành cặp Xẩm chồng mù, vợ thọt, Thuấn giả làm vợ cà nhắc ngửa mũ đi xin tiền. Chả biết chúng nó có tập với nhau không sao mà đóng "ngọt" thế! Chúng nó hát lại các bài hát vừa học được, chỉ có điều cuối mỗi câu bọn chúng lại "đổi tông" hát váng lên và lần này lại có rất nhiều thằng phụ họa. Cán bộ Đại đội cũng ngạc nhiên, chăm chú theo dõi và tán thưởng, chỉ có ông Trung đội trưởng trực chỉ huy hôm trước thì nói:
- Ông biết hết chúng mày làm gì hôm ấy nhưng không nỡ ra giải tán, vì ông ở Bắc Ninh, toàn hát Quan họ, mà Xẩm với Quan họ cũng là anh em cọc chèo với nhau, có phỏng? Chỉ có điều chúng mày phải giữ mồm giữ miệng, hở ra là phiền lắm!
Và thế là những điệu Xẩm ngày đó đã theo chúng tôi đi suốt những năm tháng gian khổ của cuộc chiến. Sau này lúc đã già, mỗi khi gặp lại Thuấn, cơm đã no, rượu đã say thì tôi với nó lại nghêu ngao hát xẩm, đến lúc làm nhị thì cả 2 đứa tranh nhau ò e làm tụi con cháu trong nhà bò ra cười. Chúng cười nhưng đâu biết những giọt nước mắt của chúng tôi, của ông lão đã lăn sau những điệu xẩm này từ gần nửa thế kỷ trước!
___________________
Đến thời kỳ đổi mới Xẩm được phục hồi, nhiều người trong thế hệ trẻ tiếp nối nghệ thuật hát xẩm, đưa Xẩm vào cuộc sống hiện đại.