Những thay đổi bước đầu nguồn lực đầu tư cho văn hóa ở địa phương

X.V
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội. Sau 2 năm triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị này, nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 - 2023 ở địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực.

Chú thích ảnh Triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc tại tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Dẫn nguồn TTXVN được biết, dự toán ngân sách năm 2022 - 2023 của nhiều tỉnh, thành phố phân bổ cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. 

Trong đó, Bắc Ninh từ 150,782 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 162,192 tỷ đồng năm 2022 và 181,929 tỷ đồng năm 2023 (tăng trung bình 9 - 12%/năm). 

Vĩnh Phúc bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách 165,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 49,21 tỷ đồng (2021) lên 83,75 tỷ đồng (2022) và 144,4 tỷ đồng (2023), tăng trung bình 67 - 74%/năm. 

Khánh Hòa năm 2021 đầu tư 402,933 tỷ đồng; năm 2022 là 463,111 tỷ đồng; năm 2023 là 572,308 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 tăng lên 676,918 tỷ đồng, tăng trung bình 20 - 23%/năm. 

Nghệ An ổn định mức chi đến năm 2025 tăng 1,37% so với giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể là  205,498 tỷ đồng (2022) và 193,151 tỷ đồng (2023). 

Phú Thọ mức chi đầu tư 97,6 tỷ đồng (2021) tăng lên 126,1 tỷ đồng (2022), và 150,434 tỷ đồng (2023), tăng trung bình 19 - 29%/1 năm. 

Bắc Giang tăng 12,7%; Hòa Bình, Đắk Lắk tăng 17%; Kon Tum tăng 18%; Bến Tre tăng 19%; Hải Dương tăng 24%; Bình Thuận tăng 44%,  Hải Phòng tăng 14%... Cùng với đó, Vĩnh Long chi 2,78%; Lào Cai chi 3,33%; Ninh Bình chi 4%, Lạng Sơn 3,1% tổng chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa... 

Thủ đô Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ), trong đó hơn năm 2022 là 891 tỷ đồng; năm 2023 là 1.632 tỷ đồng.

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả. Ví dụ, dự án Bảo tàng Hà Nội được phê duyệt triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư 771,984 tỷ đồng. Thanh Hóa đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu 256 tỷ đồng; bảo tồn tôn tạo Phủ Trịnh 550 tỷ đồng, Lăng miếu Triệu Tường 457 tỷ đồng...

Tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh gần 400 tỷ đồng. Vĩnh Phúc đã cán đích mục tiêu xây dựng và đưa vào sử dụng 28 khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu với 388 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 353 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 35 tỷ đồng). Cần Thơ triển khai thực hiện 4 dự án liên quan đến phát triển văn hóa với tổng số vốn 38,134 tỷ đồng...

Không chỉ bố trí ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương đã chú trọng triển khai xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển tại địa phương. 

Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng rõ nét cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng nên. Tư duy, quan điểm về văn hóa đã có sự chuyển biến, từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, lâu dài...