Nguồn tư liệu quý về giới văn nghệ sĩ Việt Nam đương thời

Nhân đọc tập Những người muôn năm “chưa” cũ của Trần Thị Trường, Nhà xuất bản Văn học, năm 2023

Những người muôn năm “chưa” cũ là tập sách Chân dung Văn nghệ sĩ Việt Nam đương thời của nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường vừa được Nhà xuất bản văn học ấn hành.

Những người muôn năm “chưa” cũ là phác họa 60 bức chân dung của 60 con người có những ảnh hưởng nhất định đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Trong số 60 chân dung này, tôi may mắn được biết và đã từng tiếp xúc gần phân nửa. Vì đã từng biết và tiếp xúc, nên những gì mà Trần Thị Trường viết về họ làm cho tôi hiểu thấu đáo hơn nữa và lại càng nể phục về sự khai thác lẫn cách thể hiện chân dung của chị. Những người tôi chưa có may mắn được gặp, được tìm hiểu thì thông qua cuốn sách này, tôi cũng được thu nhận thêm nhiều lượng thông tin quý về họ.

b01-nnmncc-1-1680750733.jpg

“Những người muôn năm chưa cũ” của Trần Thị Trường. Ảnh ST.

Có lẽ những người quan tâm đến văn hóa nghệ thuật đương đại nước nhà sẽ không xa lạ với những cái tên được Trần Thị Trường nhắc đến. Những tên tuổi như: Nhạc sĩ Hoàng Vân, Dương Thụ, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Nguyễn Tài Tuệ, Phó Đức Phương, Hồng Đăng, Trương Tuyết Mai, Ngọc Khuê... Hay những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, dịch giả, ca sĩ, diễn viên: Nguyễn Bảo Chân, Lê Dung, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Hồng Giang, Đào Tuấn Ảnh, Nguyễn Xuân Khánh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Dương Tường, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thu Yến, Phạm Toàn, Trà Giang, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Hải Kiên, Xuân Phượng, Phan Thị Vàng Anh, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Đoàn Ngọc Thu, Trần Kim Hoa, Tùng Dương, Thanh Lam...

Tên tuổi của họ gắn liền với cuộc đời và cả những bước thăng trầm. Ở đó, từng cá nhân được Trần Thị Trường “vẽ” nên một cách ấn tượng và đầy trân trọng. Đó không chỉ là tình cảm, là thái độ quý trọng mà còn là sự tương giao, tri kỷ, tri âm, sự kết nối của những liên tài...

Cái khéo ở Trần Thị Trường là chị viết nhấn nhá, tự nhiên, đôi lúc là những lời kể về những cuộc gặp gỡ tình cờ và những người bạn thân thiết mà chị đã, đang và từng tiếp xúc... Tất cả đều toát lên sự tinh tế, chuyên nghiệp trong cách xây dựng chân dung của chị.

Trần Thị Trường hội đủ nhiều phẩm chất, năng lực của một nghệ sĩ đích thực nên những gì chị viết ra đều lôi cuốn, kích thích sự tò mò của bạn đọc. Với kiến văn sâu rộng, sự am hiểu về nhiều lĩnh vực nên Trần Thị Trường đã dẫn dắt người đọc được đối thoại gián tiếp với những “chân dung”. Chân dung được chị tạo dựng thuộc nhiều lĩnh vực, với trữ lượng thông tin mang tính đúc kết và có giá trị khám phá. Đó là nguồn tư liệu quý về giới văn nghệ sĩ Việt Nam đương thời. Bạn đọc có thể tra cứu nhiều thông tin bổ ích về những con người mình yêu thích hoặc khi cần nghiên cứu một cách đầy đủ về họ. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã lên đường Xa Khơi; Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung; Peter Pho là ai?; Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã mang gạo lên chùa; Nhạc sĩ Hồng Đăng đã về với biển; Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và “người tình trăm năm”; Mỹ Linh - Người đàn bà trúng số độc đắc; Nhà giáo Phạm Toàn, thông tuệ và giản dị; Ngọc Tân - Giọng ca vàng một thuở; Bà Xuân Phượng, 93 tuổi vẫn “gánh gánh gồng gồng”; Gặp con trai họa sư Nam Sơn; Độc đáo dương cầm Nguyễn Việt Trung; Mùa loa kèn nhớ Lưu Quang Vũ; Vũ Mạnh Dũng, số phận nghiệt ngã; Nguyễn Vĩnh Tiến: Bóng nắng trên đường làng; Họa sĩ Hải Kiên - Thầy tôi; Dịch giả, nhà thơ Dương Tường; Đoàn Thị Lam Luyến - Người đàn bà suốt đời dại yêu?; Đoàn Ngọc Thu - Người đàn bà yêu màu tím; Một người thơ nhân ái - Phạm Thu Yến; Thùy Dương - Người đàn bà đẹp viết văn; Nguyễn Bảo Chân, một giọng thơ độc đáo; Những ngẫu hứng Trần Tiến; NSND Trà Giang đón xuân Quý Mão...

Ở mỗi chân dung, Trần Thị Trường lại khai thác theo cách riêng của chị, tất cả đều không theo khuôn mẫu sáo mòn. Những nhận xét, đánh giá của chị rất cô đọng, súc tích. Trần Thị Trường khắc họa rõ nét về con người, cuộc đời, sự nghiệp với bao thăng trầm, biến động. Những xô đẩy của số phận, thời cuộc không làm họ gục ngã mà đã hun đúc nên những nhân cách và tài năng đáng quý. Bên cạnh những thành công mà nhiều người biết, còn ẩn tàng những điều ít biết hoặc chưa biết về từng chân dung đã được Trần Thị Trường đề cập, mổ xẻ, khai thác dưới góc nhìn chân thực và nhân văn. Đằng sau những con người nổi tiếng với những thành tựu và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước thì ở họ vẫn còn nhiều những gấp khúc, ngã rẽ, những khó khăn, cản trở nhất định của cuộc sống đời thường. Soi chiếu trên nhiều bình diện, khía cạnh như thế mới thấy Trần Thị Trường tỉ mỉ và chân thành với bạn bè, đồng nghiệp biết nhường nào.

Viết về người bạn gái thân thiết với chị hơn 30 năm nay, Trần Thị Trường thủng thẳng kể: “... Cùng tuổi với chị, tuổi Hổ, và biết chị hơn 30 năm nay, từ lúc con chị còn nhỏ dại, chị phải tần tảo lần hồi nuôi con khôn lớn, dường như tôi hiểu chị khá nhiều. Vừa nuôi con vừa học hành để có được chỗ đứng trong cuộc sống, có được sự nghiệp riêng. Chị đa cảm và nhiều thất bại với tình yêu như hầu hết các văn nghệ sĩ, song lại là người suốt đời cả tin. Cả tin là một đức tính đáng yêu nếu nhìn từ góc độ nhân văn, nhưng cũng là một cái bẫy. Cái bẫy chị bẫy chính mình, như con hổ rơi xuống hố do bản thân đặt ra và vấp phải sự chóng quên. Có lẽ chị đáng yêu nhất ở chỗ ấy, đức tính ấy hơn mọi điều khác. Không chỉ với đàn ông chị cả tin trao tình yêu, nỗi khát vọng mà với bạn bè xung quanh chị cũng cả tin như thế. Nhiều khi tôi bắt gặp nỗi muộn phiền của chị khi niềm tin của chị bị ngược đãi...

Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đi qua mấy lần đò. Có con với lần đầu tiên. Các con của Hồng Ngát rất yêu thương mẹ. Hai cô con gái đều xinh đẹp như mẹ, có cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Một người sống ở nước ngoài, một người ở TP. Hồ Chí Minh. Vốn nhân hậu, Hồng Ngát không oán hờn những ai gây ra đổ vỡ, khi những người đó khó khăn, Hồng Ngát không quản ngại chia sẻ. Chị thân luôn cả những người vợ của họ. Chị sống hạnh phúc với Phan Hồng Giang hơn 30 năm. Phan Hồng Giang là con trai của Nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Chị là một người con dâu hiếu nghĩa với dòng họ Phan nổi tiếng... Chị nồng hậu với cả cuộc đời. Nếu có gặp thị phi, hay bực bội cũng chỉ... cáu lên một chút rồi thôi”.

Nhớ Trịnh Công Sơn, nhà văn Trần Thị Trường hồi tưởng: “Đám tang của anh, mình thấy có hai người không phải ruột rà đã đeo khăn trở như người thân, như một nghĩa vụ được giao kết từ thuở xa xưa của loài người. Một người có danh tiếng, còn một người âm thầm lặng lẽ, vô danh, chỉ có tuổi trẻ là đáng kể. Mình thầm chúc cho họ có được sức mạnh để chứa trong tâm niềm đau thương mất mát rất cụ thể này, bởi chỉ có nỗi đau mới làm cho con người ta lớn và cao hẳn lên. Nhưng mình nghĩ không chỉ có hai người ấy, cho dù Trịnh Công Sơn đã khước từ, đã bày tỏ rằng mười năm hay mãi về sau anh sẽ chỉ còn những giờ phút riêng tư, vẫn có nhiều người nhớ thương anh (cả âm thầm trong im lặng, cả nồng nhiệt công khai), bởi vì trong hơn 600 tình khúc anh viết, mỗi người tự thấy có phần, đàn ông hay đàn bà, tuổi già hay còn trẻ, người lính hay kiếp bán hoa rong... đều thấy anh nói hộ nỗi lòng riêng”.

Viết về chân dung nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thị Trường lại bắt đầu từ chuyện nghe tin nhà văn qua đời. Để rồi chị xâu chuỗi nhiều những sự kiện, nhân vật, con người có liên quan đến ông. Câu chữ nào cũng ăm ắp những nỗi niềm cảm thông, chân thành và cả sự nuối tiếc. “Nghe tin nhà văn Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh qua đời chiều 12/03/2021, tôi không ngạc nhiên nhưng quá thương tiếc. Không ngạc nhiên vì biết ông ốm đã lâu, mấy năm liền chỉ nằm, khi nào khá lắm, có khách đến, vợ ông mới đỡ ông ngồi dậy, và cũng chỉ ngồi nhìn xa xăm về đâu đó, tai như không nghe, nhưng vẫn nhận biết. Ốm đến mức, người thăm ông ốm nhiều nhất như nhà giáo Phạm Toàn (tác giả 72 chiếc cối đá và nhiều cuốn khác nữa) thì đã đi trước ông hai năm rồi.

Các nhà văn cùng lứa như: Phạm Toàn, Dương Tường, Lê Bầu, Mạc Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn... chơi thân với nhau, mỗi người mỗi vẻ, người nào cũng tài văn chương nhưng dường như người nào cũng lận đận đủ đường...

Vào cái thời còn suy nghĩ cực đoan, đã có hai người bị mất chức vì in sách của ông. Nhưng nay đã khác, “Chuyện ngõ nghèo” (chính là Trư Cuồng thời xưa ấy) đã xuất bản năm 2016, lúc đó Nguyễn Xuân Khánh có trong tay rất nhiều giải thưởng. Hồ Quý Ly đạt giải tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000, giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội 2002, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001. Mẫu thượng ngàn đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Đội gạo lên chùa giành giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn năm 2011. Có người cho rằng: Chuyện ngõ nghèo là tác phẩm xuất sắc và được nhiều bạn đọc thích nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội, học Đại học Y Hà Nội, nhưng lại mê văn học, ông viết văn và dịch sách cho đến khi bị dừng lại, với những lý do ấu trĩ một thời. Ông sống nhiều năm ở ngõ 181 Trần Khát Chân, có thể Chuyện ngõ nghèo là chuyện của chính cuộc đời ông. Một thế giới nghèo đến mức, nuôi lợn để lợn nuôi mình, vừa khó nhọc vừa kiếm được từ đó những niềm vui nho nhỏ. Ông mô tả các cuộc va chạm người - lợn bằng một trí tưởng tượng phong phú và tài hoa.

Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Chuông nguyện hồn ai...”. Đọc chân dung nào cũng thấy sự hồn hậu và đáng yêu của một cây viết “già dặn”, trải đời. Sự chiêm nghiệm và ý thức của người cầm bút chân chính đã giúp chị có cái nhìn đầy trách nhiệm với từng chân dung.

Đọc Những người muôn năm “chưa” cũ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có nhận xét khá sâu sắc: “Chân dung văn học là một thể loại khó. Cùng một người có thể có những chân dung đậm nhạt khác nhau do những người khác nhau viết ra trên một cái nền chung cuộc đời và sự nghiệp và trong tương quan xa gần của người viết và đối tượng. Trong sáu mươi chân dung văn nghệ sĩ ở sách này của Trần Thị Trường, người đọc sẽ thấy mình được bổ sung hiểu biết và đánh giá về những gương mặt có lạ có quen đối với mình. Đồng thời qua sáu mươi chân dung ấy độc giả cũng có cho mình một chân dung của tác giả - nhà văn Trần Thị Trường nồng nàn, sâu lắng, gần gũi thân tình. Chị biết nhiều chuyện giới văn nghệ nhưng biết cách kể chuyện để không làm xấu đi hình ảnh đẹp của những con người đã đem lại cái đẹp cho đời qua câu chữ, tiếng hát, hình sắc được họ thăng hoa sáng tạo. Chị viết cho họ và cho cả mình, nhất là khi nói đến các nữ văn nghệ sĩ”.