Như nhiều làng quê khác trên vùng đồng bằng Trung bộ, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông tươi tốt, hàng năm được bồi đắp bởi phù sa sông Hương từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch.
Hai bên con đường liên xã Phú Thượng và Phú Mậu nối liền vào tỉnh lộ 2, những người nông dân cần cù còn trồng những loại hoa để bán vào dịp Tết nguyên đán. Với hệ hống đường sá được mở rộng đã nối liền Thanh Tiên vào trung tâm thành phố Huế, mất chưa đến 20 phút đi xe máy hay ô tô. Nên du khách về tham quan ngày càng tăng, bởi đây là làng nghề có một loài hoa không tàn: hoa sen và hoa ngũ sắc đều làm bằng giấy.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu nằm ở chính giữa làng Thanh Tiên hiện nay thuộc xã Phú Mậu thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Hàng ngày thu hút rất đông du khách, học sinh và sinh viên đến viếng thăm. Vào năm 1929 cũng tại địa điểm nền nhà cũ của cha mẹ, người anh ruột của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là ông Nguyễn Chí Thông đã xây dựng lại ngôi nhà kiên cố này; vẫn giữ nguyên kiểu dáng cổ xưa, ngôi nhà rường ba gian, khung gỗ và mái lợp bằng ngói liệt.
Các tổ hợp hiện vật lưu niệm như giếng nước, bàn ghế, giường, phản, bể nước hiện vẫn còn được lưu giữ. Qua đó nói lên cuộc sống, sinh hoạt và những hoạt động yêu nước của Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí thân thiết là Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp đã từng gắn bó mật thiết với ngôi nhà cơ sở cách mạng này trong thời học sinh của họ ở Huế.
Trên con đường làng rợp bóng tre xanh này, Nguyễn Chí Diểu cùng với các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, Phan Đăng Lưu (thời đi học ở Huế) đã tích cực đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong bài thơ “Quê Mẹ”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Con lớn lên con tìm Cách mạng/ Anh Lưu anh Diểu dạy con đi”. Năm 1928 đồng chí tham gia Ủy viên kỳ bộ Tân Việt cách mạng Ðảng Trung kỳ. Năm 1929 đồng chí được tổ chức cử vào Sài Gòn giữ chức Bí thư Sài Gòn- Gia định.
Ngày 9/5/1933 đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị Pháp bắt kết án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Ðảo. Vào tháng 6/1936 được Pháp đưa về quản thúc tại Huế chưa được bao lâu, đồng chí lại tham gia vào Ban chấp hành Trung ương Ðảng và được phân công phụ trách miền Trung. Ông là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Khóa I . Do bị địch tra tấn dã man trong tù nên đồng chí đã từ trần vào ngày 17/9/1939.
Phần mộ được an táng tại nghĩa trang gia đình của nhà cánh mạng Phan Bội Châu. Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu tại làng Thanh Tiên đã được công nhận là di tích Quốc gia theo Quyết định số 2307/QÐ - Bộ Văn hóa Thông tin ngày 30/12/1991. Tên của Người Cộng sản trung kiên Nguyễn Chí Diểu đã được đặt tên đường và tên các trường học trên cả nước.