Bởi vậy, dù đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, báo chí cần phải vững vàng với trách nhiệm là kênh thông tin chính thống, đã được kiểm chứng và được dẫn dắt với các nhà báo, tôn trọng sự thật và có trách nhiệm với xã hội. Ở nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta thấy báo chí có nhiều vận hội lớn lao để đổi mới, theo kịp với những tiến bộ mà khoa học hiện đại mang lại. Cùng với những khó khăn khi thị phần của mạng xã hội chiếm lượng độc giả rất lớn, nhiều bản báo in giấy đã thu hẹp hoặc không còn in, còn nhiều khó khăn mà đôi khi chỉ có người trong nghề mới thấu tỏ.
Trước tình hình ấy, có nhiều góc nhìn khác nhau về quan niệm của người làm báo về nghề báo. Trong suy nghĩ ấy, có thể nói, mỗi nhà báo khi hoạt động nghề nghiệp cần: “Tinh, tình, tính, tỉnh”; nếu có thể thêm một chút từ “tĩnh”.
Nhà báo cần phải “tinh” có lẽ là yêu cầu đầu tiên với mỗi người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, truyền hình nói chung. Tinh ở đây trước là sự tinh tế, bén nhạy, nhận biết nhanh chóng vấn đề mà những người bình thường chưa thể nhận ra ngay. Tinh cũng có thể hiểu là đã đạt đến một trình độ rất cao, rất thành thạo, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”- nghĩa là khi làm một nghề mà tinh thông trình độ thì sẽ có được thành công, vinh quang. Ở lớp nghĩa nào, có lẽ từ “tinh” đều là điều mà các nhà báo cần được tu dưỡng, học hỏi thêm để đạt được từ này.
Nhà báo cần phải “tình”, từ này có vẻ rộng, nhưng có lẽ nên khu biệt ở tình yêu của người làm báo với nghề báo, dù có khó khăn tới mức nào. Sau nữa, ấy là tình cảm đối với tha nhân, với những người được gặp gỡ trong hành trình phụng sự sự thật, vì một ngòi bút thẳng. Điều ấy có nghĩa là, không dùng ngòi bút để gây thù chuốc oán, bất chấp tất cả để kiếm tiền. Tất cả những ai trong nghề báo, đều thấy sự khó khăn của báo chí hiện nay. Cần lắm thay chữ tình dù không phải ai cũng đủ dũng cảm để không bị lung lạc trước những cám dỗ xung quanh.
Nhà báo phải biết “tính”, ở đây như là một phép tính, sự cân nhắc để giải quyết những vấn đề khó. Nhiều khi phải biết tính toán để cân bằng cuộc sống, sao cho vừa sống được bằng nghề một cách tử tế, lại vừa phải giữ vững lập trường, tôn trọng sự thật. Điều này không hề dễ dàng, nhất là đối với những nhà báo trẻ, vừa ít kinh nghiệm lại vừa không có đủ kinh tế để trang trải cuộc sống.
Nhà báo cần phải “tỉnh”, ở đây là tỉnh táo, là sự tinh nhạy với các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là nhạy cảm về chính trị. Sự tỉnh táo ở nghề báo là điều cũng rất khó. Có những cám dỗ về tiền bạc chẳng hạn, nhất là với những số tiền có thể đánh đổi sinh mạng chính trị, vẫn có người mắc phải. Có lẽ vấn đề mắc phải là ở chữ tham. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lòng tham, vậy phải kiềm chế, phải giữ mình như thế nào trong các hoàn cảnh khác nhau đâu phải ai cũng đủ sáng suốt để nhận ra? Vậy là, mỗi nhà báo, mỗi người làm báo cần phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, để hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Mở rộng hơn một chút, nhà báo cần phải “tĩnh”, như là sự bình tĩnh trước mọi thông tin được tiếp cận, cũng có thể như là một khoảng tĩnh tâm- để cho tâm hồn được tĩnh lặng khi những ồn ào, thị phi của cuộc sống đã xen vào quá nhiều. Mong lắm thay, những người làm báo sẽ có được ít nhất mấy điều ấy để tiếp tục dâng hiến lý tưởng, sống được bằng nghề một cách tử tế, phụng sự sự thật cho đến ngày nào còn cầm bút.