Nhà giáo Việt Nam hiện đại- Bài 1: Thầy Trương Sỹ Hùng

Sắp tới là tròn 10 năm chúng tôi tốt nghiệp Đại học. Tôi chợt lóe ra ý tưởng khắc họa lại chân dung các thầy, các cô đã dạy dỗ tôi ở bậc Đại học và Sau Đại học. Ý tưởng này không mới, cũng chẳng đáng để tâm lắm trong cuộc sống vốn ai ai cũng phải tất bật lo cuộc sống mưu sinh.
truong-sy-hung-1680828532.jpg
 

 

Một phần như là sự tri ân công ơn dìu dắt, chỉ bảo của các thầy cô. Sau nữa như là một tư liệu, để các học trò cùng thế hệ chúng tôi có thêm một điểm nhìn về các thầy cô của chúng tôi, cũng như là một lát cắt về nền giáo dục của nước nhà mà tôi mang nặng món nợ tình cảm trong gần 20 năm đèn sách. Giáo dục là một lĩnh vực tôi rất tha thiết mong được cống hiến, được góp ý, được dạy các em học sinh nhưng tiếc rằng bản thân tài hèn trí mỏng lại không thi vào Sư phạm nên ước mơ làm thầy giáo đã chẳng thành hiện thực. Đúng ra, tôi chỉ được dạy mấy em nhỏ hồi đi gia sư mà thôi.

Trong môi trường đậm đặc về văn chương như nơi tôi được đào tạo, thực sự tôi thấy mình rất vinh dự và may mắn được theo học những thầy cô tài giỏi và có tâm. Tôi sẽ ưu tiên viết về các thầy đã khuất trước khi trở lại với các thầy cô vẫn đang tiếp tục trao gửi, tận hiến cho nền giáo dục nước nhà.

Môn Tôn giáo học là một môn khá gần gũi với các lĩnh vực khoa học xã hội khác như: Lịch sử văn minh thế giới, Văn hóa học, Xã hội học… chứ không xa lạ như các môn thiên về khoa học tự nhiên với chúng tôi. Trước đây, giảng viên phụ trách môn này những lứa sinh viên đầu là GS Nguyễn Khắc Dương, sau một chút hình như là GS Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Nguyễn Đức Lữ, GS.TS Đinh Xuân Dũng….đó là các học giả đáng kính. Thầy Đỗ Quang Hưng công tác ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy từng làm Viện trưởng Viện Tôn giáo, thầy sau này hướng dẫn luận văn Thạc sĩ của tôi, với đề tài “Đức Mẹ Maria trong văn hóa ứng xử của người Công giáo tại Hà Nội, qua nghiên cứu trường hợp tại giáo xứ Thái Hà”. Vì nhiều trắc trở tôi đã không đi đến được cuối con đường khi đã hoàn thành luận văn và thi qua hết tất cả các môn, chỉ cần khoảng 2 tiếng đồng hồ bảo vệ luận văn là xong. Có những ngày tiền ăn còn không có lấy đâu ra sự tập trung để nghiên cứu khoa học đây, khi hoàn cảnh gia đình buộc tôi phải tự lập. Sự mơ màng và chểnh mảng của tôi đã nhận được bài học lớn, để sau này trước những lựa chọn khó khăn, tôi đã thực sự thận trọng hơn. Một số tác giả tôi tìm hiểu ngày ấy liên quan tới vấn đề Công giáo như: Nguyễn Văn Kiệm, Trương Bá Cần, Trần Tam Tỉnh, Phạm Huy Thông, Cao Huy Thuần, Nguyễn Hồng Dương, Ngô Quang Kiệt, Adriano di St. Thecla, Leopold Cadiere, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Đức Lữ, Đỗ Quang Hưng, Đặng Luận, Trần Thị Kim Oanh, Vũ Thị Hà… Tôi vẫn giữ mối liên hệ thân thiết với chị Vũ Thị Hà, chị nghiên cứu về đề tài “Giới trẻ Công giáo Hà Nội về sự hòa nhập xã hội” khi làm luận án tiến sỹ. Chị cũng được thầy Đỗ Quang Hưng hướng dẫn. Hôm bảo vệ luận án của chị, tôi thấy có thầy Hưng và PGS.TS Nguyễn Văn Huy và mấy vị nữa tôi không nhớ. Thời gian ấy, tôi có viết 1 lá thư phản biện cô giáo của mình được các bạn trẻ Công giáo rất thích mang tên “Paulus Thien phản biện 6 luận điểm của PGS.TS Trịnh Thị Minh Đức giảng về Công giáo”. Đúng ra là nhờ lá thư này, chị Hà đã chủ động làm quen với tôi, tôi giữ mối quan hệ tốt đẹp với chị từ ngày ấy.

Còn thầy cô nào dạy ở khoa tôi môn này nữa thì tôi không rõ, đến lứa chúng tôi thì thầy Trương Sỹ Hùng phụ trách. Thầy mặc giản dị hết mức, giọng giảng rất to đôi lúc khiến tôi giật mình. Tôi ấn tượng bởi giống như nhiều thầy dạy chúng tôi, thầy Hùng rất uyên bác. Thầy dành cả cuộc đời nghiên cứu sâu về tôn giáo và văn hóa, truyền dạy lại cho chúng tôi là những chắt lọc tinh túy nhất cả cuộc đời thầy. Sau này khi ra trường, tôi gặp thầy lái chiếc xe Future cũ có tiếng nổ pành pành rất to như pô xe bị hỏng trong một lần hội thảo. Sau hội thảo, thầy mời tôi và bạn tôi Vũ Gia Hà về làm với thầy, thầy hào hứng kể về những triển vọng và kế hoạch mà thầy dự định triển khai. Thầy mời chúng tôi uống bia ở quán ngã ba Lê Duẩn cắt Khâm Thiên. Mọi chuyện trên trời dưới đất thầy trò đều tưng bừng bàn luận vui hết nấc. Thầy rất tự hào về con trai của thầy, hình như tên anh là Trương Sỹ Tâm. Không biết vì sao khi thầy mời về làm cùng, lúc ấy chúng tôi chẳng dám nhận lời thầy, có lẽ do lúc ấy vẫn đang muốn bám trụ nghề viết dù rất khó.

Trở lại một chút với kỷ niệm hồi thầy dạy chúng tôi. Bởi kiến thức sâu rộng mà chúng tôi chưa đọc được bao nhiêu nên sự hàm thụ cũng hạn chế. Tôi chỉ nhớ thầy dạy nhiều về các tôn giáo, nhiều nhất là Phật giáo, ít hơn là Công giáo, còn các tôn giáo khác chỉ giảng loáng thoáng qua. Bất ngờ ngày thầy ra đề thi hết môn, đề bài lại liên quan đến Công giáo. Lớp tôi có 18 bạn, chỉ có tôi và 1 bạn nữa theo Công giáo. Bởi thế, bạn tôi điểm 10 tuyệt đối từ thầy, tôi về thứ hai với 7 điểm. Còn các bạn chỉ được dưới 7 điểm. Đó là một kỳ thi đáng nhớ và bất ngờ khi thầy dành nhiều thời gian giảng sâu sắc về Phật giáo, lại cho đề thi về Công giáo, điểm thi đã phản ánh một phần nền tảng về tôn giáo mà chúng tôi đang theo như là một lợi thế. Thầy lý giải phần nào hành trình truyền giáo đầy những biến cố và cả những vấn đề lịch sử mà đến nay vẫn có một số người có ác cảm với Công giáo, đó quả là một câu chuyện dài. Trong vô vàn ý kiến khoa học nhận định về Công giáo mà sau này tôi tìm hiểu thêm, tôi thấy ý kiến của 1 vị ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mà tôi cũng thầm ngưỡng mộ: “Tầm ảnh hưởng của Công giáo đối với xã hội Việt Nam vượt xa khuôn khổ của một tôn giáo mà số tín đồ còn là 1 thiểu số” (PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, trang 158).

Ra trường, lớp chúng tôi mỗi người rẽ theo mỗi hướng khác nhau. Tôi gặp lại thầy vài lần nữa. Có hôm ngắn nhất là ở Cục Báo chí, tôi gặp thầy đến có việc gì đó, tôi chào thầy rất vui. Thầy bảo hôm nào tặng sách tôi sau rồi thầy đi trước. Một lát sau tôi thấy nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng tới, sau này tôi cũng có may mắn được học nhà thơ tài giỏi được mệnh danh thần đồng.

Thầy tôi mời tôi và Vũ Gia Hà tới một hội thảo ở phường Phú Thượng, liên quan đến danh nhân Nguyễn Kiều và Đoàn Thị Điểm, kỷ yếu có tên “Danh nhân Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với quê hương Phú Xá”. Hội thảo này do Viện nghiên cứu Văn hóa Minh triết nơi thầy là giám đốc tổ chức, Viện này trước đó là GS Hoàng Hoàng Hiến và GS Nguyễn Khắc Mai lần lượt đảm nhận vinh dự này khi Viện mang tên Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết. Tôi may mắn được gặp gỡ cả 3 “đời” giám đốc Viện, được học chính thức thầy Trương Sỹ Hùng, được học “ké” thầy Hoàng Ngọc Hiến với khóa trên, được nghe những lời tâm huyết của GS Nguyễn Khắc Mai 2 lần trong các hội thảo. Hội thảo tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu ngoài thầy Trương Sỹ Hùng và GS Nguyễn Khắc Mai còn có: Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Hồng Chiến, Vũ Bình Lục, Nguyễn Quang Hà, Phan Trọng Chánh, Phạm Quang Ái, Nguyễn Thùy Dương…

Hội thảo đang diễn ra sôi nổi, thầy Hùng đi vòng ra phía chúng tôi, kín đáo dúi cho tôi và Vũ Gia Hà mỗi người 100 ngàn đồng, thầy nói nhỏ: “Cầm lấy nhé, của phường cho đấy.” Ngồi nhớ lại những kỷ niệm với thầy, lòng rưng rưng thương nhớ những khoảnh khắc thầy trò bên nhau quá thầy ơi!

Các quan điểm và hành trình nghiên cứu khoa học của thầy tôi chưa được tiếp cận nhiều. Thầy đánh giá lại về nhân vật rất nhạy cảm là Triệu Đà trong lịch sử phong kiến chẳng hạn, tiếc là tôi chưa tìm lại được tư liệu ấy của thầy. Trong cuốn sách gần đây của thầy có tên “Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á”, một nhân vật cũng gây nhiều tranh cãi là linh mục Alexandre De Rhodes, người có công nhiều trong việc hình thành chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng, PGS.TS Trương Sỹ Hùng có lẽ là nhà khoa học đầu tiên dũng cảm đề xuất Alexandre De Rhodes là danh nhân văn hóa thế giới. Thầy nhận định: “Cần nhấn mạnh rằng, với vị trí cha đạo đi truyền giáo, nhà khoa học Alexandre De Rhodes đã xứng đáng là một danh nhân văn hóa thế giới trưởng thành từ môi trường ngôn ngữ Việt Nam” (Trương Sỹ Hùng, Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á, trang 29-30 NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật).

Trước đó, thầy kể lại hành trình khó khăn của chữ Quốc ngữ thuở ban đầu khi Alexandre De Rhodes đã được linh mục F.Pina dạy tiếng Việt bằng cách nói trực tiếp, ghi lại bằng ký tự Latinh, kèm lời giải thích bằng tiếng Bồ Đào Nha hoặc tiếng Italia. Thầy dẫn lại cuốn “Xứ Đàng Trong” của Cristoforo Borri: “Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam (Quảng Nam) do hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia (Quảng Ngãi). Tỉnh thứ tư là Quingnim (Qui Nhơn), người Bồ Đào Nha đặt tên là Phuhicambis và tỉnh thứ năm là Renran (Phú Yên)” (Trương Sỹ Hùng, Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á, trang 28, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật)…

Trong 1 bài nghiên cứu thầy nhắc lại về quá trình du nhập Phật giáo truyền vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, đó là cách nói theo truyền thuyết dân gian. Bằng chứng là chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung sau khi kết hôn, trên đường cùng chồng đi buôn bằng thuyền buồm, có ghé vào cửa Sót, lên núi Quỳnh Viên (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) vào động núi Nam Giới, Chử Đồng Tử được sư Phật Quang truyền dạy giáo lý. Đến thế kỷ XV, Vũ Quỳnh - Kiều Phú mới ghi truyện vào sách Lĩnh Nam chích quái, nghĩa là khoảng trên dưới 1600 năm sau. Biết rằng đó là truyện dân gian, nhưng các ngành nghiên cứu văn hóa cũng không thể phủ nhận.

Thầy dẫn lại cuốn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” của tập thể tác giả Viện Triết học: “Các thương nhân xuất phát từ Trung Ấn có thể dùng tuyến đường bộ ngang qua đèo Ba Chùa và theo sông Kanburi mà xuống châu thổ Mênam, bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Raheng, nằm trên một nhánh của con sông Mênam (...) chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassk ở trung lưu sông Mêkông, địa bàn của vương quốc Kambijan. Vương quốc này có thể là do những di dân Ấn Độ thành lập trước Công nguyên. Rất có thể các tăng sĩ Ấn Độ vào đầu Công nguyên đã theo con đường này mà đến đất Lào, rồi từ đây vượt Trường Sơn sang Thanh Hóa hay Nghệ An. (Viện Triết học: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1988). Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo đã thế tục hóa ở Việt Nam từ cách thể hiện nghi thức tôn kính đến danh xưng giáo chủ. Buddha trong tiếng Phạn chỉ đức Phật giáo ngộ, người Việt đã tiếp nhận trực tiếp; đổi thành Bụt, khác với cách của Trung Quốc gọi là Phật. Tuy nhiên, vốn từ Hán Việt sau này cũng dùng danh xưng Phật trong văn hóa Việt Nam trở thành phổ biến. Sách Hùng Vương phạn tăng của An Thiền cũng viết là sư Khâu Đà La đến thành Luy Lâu vào cuối đời Hán (168-189). Lẽ nào thời Hùng Vương kéo dài tới gần hết thế kỷ III. Các thần tích về tướng lĩnh Hai Bà Trưng (40-43) có nhiều chi tiết, “sau chiến tranh” thì quy y theo Phật. Đến năm 529, sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên có dẫn sách Dương thị Nam Duệ dị vật chí, nhắc đến địa danh Giao Châu” người ta trồng uất kim hương để cúng Phật. Đó là một loài hoa quý của người Việt” là chuyện sử cuối thế kỷ I.

Phật giáo Việt Nam đã tạo ra bốn vị Phật bản địa là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện, tương truyền rất linh thiêng, được vua chúa, dân chúng kế đời cầu đảo. Cho đến nay, Pháp Vân vẫn được phật tử Việt Nam sùng bái.

Thế kỷ V, lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi danh hai nhà sư giáo độ hoàng pháp: Đạt ma Đề Bà (Oharmadeva) người Ấn Độ và sư Huệ Thắng người Việt. Sách Tục cao tăng truyện có chép: “Thích Huệ Thắng người Giao Chỉ, ở chùa Tiên Châu, lánh ngụ rừng đầm, thong dong ngoại vật, tụng kinh Pháp hoa, ngày kể một biến, mỗi năm càng sâu”... “Năm Vĩnh Ninh thứ năm (487) dời đến tinh xá Diên Hiền ở núi Chung. Từ nhỏ đến già, lòng Thắng trinh bạch thẳng ngay. Trong khoảng Thiên Giám (502-519) Thắng mất, xuân thu 70”. Theo học đạo Phật Đạt Ma Đề Bà, một thiền phái Phật giáo Việt Nam do sư Huệ Thắng khởi xướng. Trong tiểu sử thiền sư Thích Huệ Thắng ở sách Tục cao tăng truyện cũng ghi: “Thắng mỗi lần vào định, hết ngày mới đứng dậy”. Tu hành đến mức nổi danh sang cả Trung Quốc, bấy giờ, thiền sư Huệ Thắng đã bị Lưu Hội của nhà Hán Vũ bắt sang phương Bắc để tiếp tục giảng đạo và thiền định chắc không phải bình thường.

Thầy cũng đưa ra bình luận về Phật giáo thời nhà Lý trong bài viết ấy. Thời Lý (1010-1225), Phật giáo được coi là quốc giáo chính thống. Xét nguồn gốc xuất thân của vua Lý Công Uẩn, vị vua mở đầu vương triều một dòng họ đã đủ rõ. Là con bán ở chùa Cổ Pháp, được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dậy, lớn tuổi sư cho nhập thế, làm quan từ thời Lê Đại Hành đến đến chức Tứ sương quân, Phó chỉ huy sứ, rồi tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Lê Ngọa Triều (985-1009) thối nát, sư Vạn Hạnh cùng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào “mùa thu - tháng 7” vua “xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức tám sở, đều dựng bia ghi công”. Sử gia Lê Văn Hưu còn cho biết thêm, vua “lại sửa chữa chùa quán ở các lộ và cấp độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng”. Tháng 12 năm 1010, vua “cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Phát 1680 lạng bạc để đúc chuông lớn ở chùa Đại Giáo”. Tháng 5 năm 1014 “cho lập giới trường ở chùa Vạn Tuế, cho tăng đồ thụ giới. Tháng 3 năm 1016 “cấp độ điệp cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiền Quang và Thiên Đức, tô bốn pho tượng thiên đế”. Tháng 12 năm 1018, Nguyễn Đạo Thành đi sứ về, xin được kinh Tam Tạng, xuống chiếu cho tăng thống Phí Trí sang Quảng Châu đón”. Tháng 12 năm 1021 “làm nhà bát giác để chứa kinh”. Tháng 8 năm 1027 vua “xuống chiếu chép kinh Tam Tạng”.

Các đời vua thời Lý đều coi Phật pháp là tư tưởng chủ đạo để xây dựng nếp sống văn hóa và đời sống kinh tế. Khác chăng, chỉ là mối quan hệ “vua Phật” chứ không phải “Phật vua” bởi khi nhập thế nhiều công việc thi hành chính sách xã hội cần có vai trò của pháp trị của nhà nước phong kiến. Mặt khác, văn bia thời Lý cũng khẳng định, Phật giáo - tính đến thời Lý “đã hơn hai nghìn năm mà sự thờ phụng ngày càng thêm mới. Hễ có cảnh đẹp núi non thì không nơi nào là không mở mang để xây dựng chùa chiền, nhưng không có các bậc vương công đại nhân giúp đỡ thì làm sao mà nên được”. Không chỉ có vua, các quan quân, dân chúng Đại Việt đương thời cũng đều mến mộ, sùng kính đạo Phật, Lý Thường Kiệt nổi tiếng “phá Tống bình Chiêm” khi trấn nhậm đất Thanh Hóa đã trực tiếp đôn đốc xây dựng nhiều chùa thờ Phật ở xứ. Hàng loạt chùa tháp thời Lý mọc lên từ Vị Long (Hà Giang) đến An - Tĩnh…

Đó là 1 số những tìm tòi nghiên cứu của PGS.TS Trương Sỹ Hùng, trong vô vàn tri thức mà thầy đã cố gắng học hỏi suốt cả cuộc đời. Nghe nói căn nhà nhỏ của thầy có tới hàng vạn cuốn sách. Gần đây, thầy đã in cuốn “Cảm thức thi ca Việt  Nam”. Cuốn sách với “Thoáng gặp thơ xưa” với một số nhà văn cổ điển mà đại diện là đại thi hào Nguyễn Du đến “Mấy vần thơ nhật trình của Hồ Chí Minh” và kết thúc là “Thơ và nhạc trong ký sự lịch sử của Phạm Việt Long”. Thầy tôi, tiến sỹ Phạm Việt Long- người thầy đặc biệt trong cuộc đời tôi đã chia sẻ về cuốn sách này, dù chưa được đọc nhưng tôi rất hạnh phúc. Hạnh phúc bởi được học hỏi, được gần gũi, được lắng nghe những điều hay lẽ phải mà các thầy truyền đạt từ những kinh nghiệm của cả cuộc đời.  

Một ngày gần đây, tôi rất bàng hoàng khi biết tin thầy Trương Sỹ Hùng đã tạm biệt cõi thế ở tuổi 69. Thực sự là 1 cú sốc, thầy còn nợ học trò cuốn sách mà thầy chưa tặng, còn trò nợ thầy bao ân tình và kỷ niệm với thầy, thầy ơi!