Nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên với “Nhớ lắm Trường Sa ơi”

Đỗ Ngọc Thứ*

13/09/2023 14:36

Theo dõi trên

Đến nay, Nguyễn Hoàng Nguyên đã có gần nghìn sản phẩm văn học với đủ thể loại từ thơ, truyện ngắn, ký, bình luận văn học… đăng tải trên các trang báo uy tín như: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Khoa học và Đời sống… Có thể là chưa nhiều so với sức lao động sáng tạo của anh, nhưng chắc chắn, năng lượng tích cực toả ra từ anh đủ để lấp đi khoảng trống trong lòng bao người.

nguyen-hoang-nguyen-1694590534.jpg
 

Nhân chuyến công tác tại Nhà Sáng tác Đà Nẵng theo quyết định của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định - đã gửi cho tôi bản thảo tập ký “Nhớ lắm Trường Sa ơi”. Đọc lướt mấy trang đầu tôi đã bị cuốn hút bởi lối viết chân thật, giản dị nhưng đầy nội cảm, truyền tải nhiều tư liệu lịch sử giá trị và cuộc sống đời thường của người lính nơi đảo xa. Tôi thầm nể phục, ngưỡng mộ và trân trọng sức lao động sáng tạo của anh – Một nhà giáo bận bịu với những trang giáo án, những giờ lên lớp. Vậy mà anh vẫn đều đều có mặt tại các diễn đàn văn học trên cả nước, vẫn đều đều có các sản phẩm văn học đăng tải trên các trang báo có “số má”. Và hôm nay lại có cả tập bản thảo đầy đặn với 26 bài ký về Trường Sa – “Giọt máu thiêng của đất Việt dưới ngầu ngầu bọt sóng” (Thơ Trần Đăng Khoa).

Nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên tên thật là Nguyễn Duy Dương, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Sau khi gia nhập Hải quân Nhân dân Việt Nam, đến năm 1985 anh được điều về trung đội cảnh vệ, BTL vùng 4. Cuối năm 1987, anh được tăng cường cho lữ đoàn 146 Trường Sa. Năm 1989, được trở về đất liền, giải ngũ và theo học Khoa văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện anh là giáo viên Ngữ văn, trường THPT Ngô Quyền, thành phố Nam Định. Đến nay, Nguyễn Hoàng Nguyên đã có gần nghìn sản phẩm văn học với đủ thể loại từ thơ, truyện ngắn, ký, bình luận văn học… đăng tải trên các trang báo uy tín như: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Khoa học và Đời sống… Có thể là chưa nhiều so với sức lao động sáng tạo của anh, nhưng chắc chắn, năng lượng tích cực toả ra từ anh đủ để lấp đi khoảng trống trong lòng bao người.

Được đào tạo cơ bản cùng với lòng đam mê sáng tạo và chút năng khiếu bẩm sinh, Nguyễn Hoàng Nguyên đã sớm có những trang viết đậm chất văn chương, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Điều đó đã được ghi nhận bởi giải 3 về thơ của Đại học Sư phạm Hà Nội (1991). Tuy nhiên, những năm tháng sống, công tác tại quần đảo Trường Sa đầy nắng và gió, trực tiếp đối diện với những hiểm nguy, những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của người lính giữa mênh mông sóng nước đã cho anh nguồn cảm xúc lớn lao, khơi dậy trong anh những khát khao sáng tạo. Và có lẽ, chính tình yêu biển đảo quê hương và nghĩa tình đồng đội đã thôi thúc anh viết nên những bài ký, những chuyện ngắn, tản văn… chân thực, giàu cảm xúc, chất chứa những nỗi niềm. Và chính nó đã đưa anh đến với giải 3 cuộc thi viết về “Biển đảo trong trái tim người chiến sỹ hải quân” (2008).

Đọc bản thảo tập ký “Nhớ lắm Trường Sa ơi”, dễ nhận thấy tác giả là một người có trái tim nhân hậu, đa tài, đa cảm, yêu biển đảo quê hương đến đắm say và nặng trĩu nghĩa tình đồng đội. Dường như tất cả những vùng biển, những đảo chìm, đảo nổi anh đã đến và những người đồng đội đã cùng anh đi qua những tháng ngày gian khó luôn được anh ghi lại dưới dạng ký hoặc thơ với thứ ngôn từ dung dị, đôn hậu, chân thật, đời thường nhưng đượm chất văn chương. Tôi có cảm tưởng những trang viết của Nguyễn Hoàng Nguyên cũng đôn hậu, chân chất như chính “cuộc đời người chiến sỹ” của anh. Với anh, thơ văn không phải là thứ để đánh bóng danh xưng, tô màu tên tuổi mà đơn giản chỉ là để ghi lại những vất vả, hy sinh của người lính nơi biên cương Tổ quốc và coi đó như là một sự tri ân.

Mở đầu tập ký, Nguyễn Hoàng Nguyên đã gửi tới độc giả một niềm tin lớn lao, rằng Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó được minh chứng bằng những dữ liệu lịch sử tin cậy trước sự hiểu biết và tìm tòi không mệt mỏi của anh. Cùng với đó, bằng lối viết chân thực, giàu nội cảm, Nguyễn Hoàng Nguyên đã “đẩy” độc giả lên đỉnh của cảm xúc trước những khó khăn, vất vả của người lính giữa mênh mông trùng khơi. Tác giả đã khéo léo sử dụng nghệ thuật tu từ bằng phương pháp so sánh, lấy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người lính biên cương nơi đất Mẹ để làm sáng tỏ những vất vả, gian nan của người lính nơi đảo xa. Anh viết: “Ông Lê Đức Thọ - nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng một thời, khi lên thăm các chiến sỹ chốt chặn ở Lạng Sơn đã viết những câu thơ thật xúc động về những thiếu thốn, khó khăn của người lính: “Gạo sấy, khoai mỳ bát canh toàn quốc/Và nước chấm đại dương đỡ lúc đói lòng”… “Tuy nhiên Ông cũng không thể hình dung được cuộc sống khó khăn thiếu thốn của những người lính hải quân chúng tôi ở nơi đầu sóng ngọn gió giữa Trường Sa đầy gian nan nguy hiểm đến thế nào”. Bạn đọc sẽ rơi nước mắt khi Nguyễn Hoàng Nguyên viết một cách chân thật và nhiều liên tưởng hài hước về bữa cơm ngày Tết của người lính nơi đảo Đá Lớn mà anh là một thành viên: “Thịt hộp Hạ Long chưng mắm cô đặc, rau muống khô xào tỏi, canh khoai lang nấu thịt hộp. Chỉ nhìn xoong nhôm đựng canh thôi đã thấy oải bởi khoai lang thì ruột màu vàng, được cắt thành khúc, mỗi khúc tầm 5 cm lại nổi lềnh phềnh trên mặt xoong cùng những miếng da heo dài loằng ngoằng với váng mỡ vụn của thịt hộp Hạ Long thời bao cấp…”. Bữa cơm ngày tết – Bữa cơm mang tính linh thiêng và được “đầu tư” mà chỉ có vậy. Bữa cơm thường nhật sẽ ra sao? Tôi nghĩ, độc giả sẽ thực sự bùi ngùi, thương cảm khi tác giả viết chân thật: “Rau muống khô chả còn chút lá lại dài ngoẵng, nhìn tựa như cái dây thừng đem ngâm nước cho nở ra, xào lên với mỡ thịt hộp ăn dai như nhai bìa cát tông. Rau cải bắp khô xào lên cũng nhằng nhặng, chẳng khác gì rơm! Cười bảo nhau: chúng mình thành trâu hết cả, nhưng trâu còn may mắn vì nó còn có cỏ xanh”. Đấy là phần ăn. Còn phần sinh hoạt thường ngày? Chúng ta cùng nghe anh kể: “15 người ở trong căn nhà chòi (nhà cao chân) rộng chừng 36 , trong đó mất 12 dành bố trí các công trình chiến đấu bảo vệ đảo. Chẳng có giường, tất cả đều nằm trên sàn gỗ”. Rồi “Tắm giặt đã có nước biển! Nhưng tắm nước biển, khi nằm xuống sàn gỗ thấy nóng rát cả lưng, người cứ nhớp nháp khó chịu. Anh em, chẳng ai dám để tóc dài, vì không có nước ngọt gội đầu sẽ sinh chấy rận, không có thì tóc cũng cứng quèo, hung hung như râu ngô đến mùa thu hoạch. Thế là tất cả đều được thành sư cụ mà không khoác áo cà sa”. Thiết nghĩ, những trang viết chân thực của Nguyễn Hoàng Nguyên đã chạm đến trái tim bao người.

Tuy nhiên, khó khăn, vất vả chẳng bao giờ là lý do làm nhụt ý chí của “anh bộ đội cụ Hồ”. Bản chất của người lính là luôn biết vượt qua khó khăn, thích nghi với hoàn cảnh thực tế để hoàn thành nhiệm vụ. Độc giả sẽ thấy vui, thậm chí là ngạc nhiên khi nghe Nguyễn Hoàng Nguyên kể chuyện “Câu cá ở Trường Sa”, chuyện “Bắt bạch tuộc” hay chuyện “Đi bắt ngao”. Có lẽ, nhiều độc giả cũng như tôi phải thốt lên “ngạc nhiên chưa” khi lần đầu được biết lưỡi câu của lính Trường Sa làm bằng thép Ф6. Dụng cụ bắt ngao là búa và xà beng. Càng ngạc nhiên hơn khi biết ngao ở Trường Sa to tầm cỡ chậu rửa mặt, vỏ dày tới 2 – 3 xentimet, có con ngao miệng rộng cả mét”.

Từ cổ chí kim, tình yêu lứa đôi luôn là nguồn năng lượng tích cực làm xôn xao tâm hồn văn nhân. Với thế giới những người lính trẻ - Những người “Chưa tìm cho mình đích thực một tình yêu/Nhưng đã đối diện với ngàn lần cái chết” thì đề tài này luôn nóng, đủ làm cho trái tim người lính rạo rực, xốn sang, đồng thời gieo vào lòng họ những ước vọng, chờ mong. Trong bài “Chuyện tình lính đảo”, Nguyễn Hoàng Nguyên đã khéo léo mang đến cho độc giả một cảm nhận mới lạ về tình yêu của những người lính giữa biển trời bao la. Anh kể: “Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức cuộc thi hoa hậu từ khi nước nhà thống nhất, lại là hình ảnh màu nên các chàng lính chúng tôi háo hức ngắm nghía và quyết tâm giành cho mình ảnh của cô em ưa thích”… “Cậu Nhung quê Quỳnh Lưu thì ôm tấm ảnh nhỏ bằng bàn tay đưa lên mũi hít hà: Ồ, thơm thật đấy! Người đẹp có khác! Cậu Hạnh - người Nha Trang lại thở dài ao ước: Giá như có em này là người yêu thôi thì tớ dám ở đảo cả đời”. Thế đấy. Người lính đã mơ thì không “tiết kiệm”. Tôi nghĩ, đây là những đoạn văn chân thực, giàu chất thơ khi tác giả đã khéo léo dùng ngoại cảnh như “đại dương mênh mông” hay “những ngày lênh đênh trên sóng” hoặc “từng đợt sóng xô bờ” để tô đậm thêm diễn biến tâm lý của những người lính khát đợi một tình yêu, dù chỉ là thứ tình yêu ảo mộng. Đó là những đợt sóng của biển cả và cũng là sóng của con tim thổn thức trong lòng người lính đảo Trường Sa. Bài ký có nhiều tình tiết thật trữ tình và hấp dẫn.

Là một người lính hải quân luôn mang trong mình một tình yêu sâu nặng với biển đảo quê hương, với những người đồng đội cùng mang bộ quân phục “quần xanh, áo yếm”, Nguyễn Hoàng Nguyên đi nhiều, viết nhiều về Trường Sa, về những người đồng đội. Và dường như chính nó là sợi dây kết nối giữa anh với những con người từng gắn bó với Trường Sa. Đó là Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVT, người đã góp công to lớn trong việc xây dựng công trình phòng thủ biển đảo; là Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, Anh hùng LLVT, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Chính uỷ Quân chủng Hải quân; đó là Đại tá Doãn Văn Sở - Chính uỷ Bộ Chỉ huy vùng 5, người đã công tác trên đảo 22 năm; đó là những người đồng đội như Thiếu tá Vũ Huy Lễ - Thuyền trưởng HQ 505; Đại uý Nguyễn Văn Thăng – Thuyền trưởng HQ 556 và thế hệ sau này Đại uý Nguyễn Văn Quý - Thuyền trưởng HQ-635… Đấy là những con người đã tiếp thêm động lực, thổi bùng trong anh ngọn lửa nhiệt tình, khơi dậy trong anh những khát khao sáng tạo, giúp anh viết lên những bài ký chân thực, có giá trị, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Điều này đã được ghi nhận qua Giải nhất cuộc thi “Biển đảo trong trái tim tôi” do Quỹ Vừ A Dính cùng báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức đã trao cho anh (2022).

 Có thể thấy, mạch nguồn xuyên suốt trong tập ký của Nguyễn Hoàng Nguyên là tình cảm chan chứa với biển đảo quê hương, là sự trân trọng, cảm phục với những con người bình dị từng góp phần làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc. Phần lớn các bài ký của anh đều liên quan đến biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đến những người đồng đội ngày đêm đội nắng, đội gió để canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà chính anh là người trong cuộc. Bởi vậy, mức cảm xúc và độ tin cậy trong từng sự kiện rất cao. Tôi có cảm giác những bài ký của anh chân chất, gần gũi như màu xanh của tán bàng vuông, của tán phong ba, óng ánh như con sóng dưới nắng chiều nhưng có sức truyền cảm kỳ lạ. Ta ít gặp ở Nguyễn Hoàng Nguyên những triết lý cao siêu, kể cả những bài mang tính chính trị, xã hội. Triết lý trong ký của anh luôn nhẹ nhàng, dễ hiểu mà sâu sắc. Thiết nghĩ, phải có tri thức qua tích luỹ từ sách vở, từ thực tế cuộc sống người lính nơi đảo xa và một tấm lòng yêu biển đảo quê hương cháy bỏng, một nghĩa tình đồng đội trĩu nặng, một lòng đam mê văn chương say đắm cùng với cái nhìn sắc sảo thì Nguyễn Hoàng Nguyên mới có được những trang viết chân thực đậm tình người, vừa nóng bỏng tính thời sự, vừa ấm áp tính nhân văn.

Khi đọc tập ký “Nhớ lắm Trường Sa ơi”, tôi không quá quan tâm soi xét về ngôn từ và bút pháp của các bài viết theo thể ký. Tôi thả lòng mình để cảm nhận nội dung, cảm nhận thông điệp mà anh muốn trao gửi. Dù đâu đó, các sự kiện chưa được anh chắt lọc để tránh sự trùng lặp, bớt đi những “hạt sạn nhỏ” trong “bát cơm thơm”. Tuy nhiên, những câu chuyện, những thông điệp anh gửi trong mỗi bài ký cứ làm tôi trăn trở, suy tư, đôi lúc cảm thấy chạnh lòng và thương cảm đến vô cùng. Ta hãy nghe Nguyễn Hoàng Nguyên – một trong những người tham gia chiến dịch CQ-88 kể về cuộc thuỷ chiến Gạc Ma: “…Cuộc thảm sát của chúng diễn ra sau khi giật lá cờ của thiếu úy Trần Văn Phương không thành, thiếu úy Phương bị trúng 2 phát đạn của quân Trung quốc (một vào ngực, 1 vào đầu) vẫn ôm lá cờ đỏ sao vàng… Binh nhất Nguyễn Văn Lanh lao đến đánh văng khẩu súng ngắn của tên chỉ huy, nhưng bị ngã và bị giặc dùng lưỡi lê đâm vào ngực Lanh, nhưng Lanh tránh được; sau đó Lanh bị 1 loạt đạn AK găm vào vai”. Qua những trang viết chân thực của anh, độc giả sẽ có cái nhìn rõ hơn về điều kiện của lực lượng Hải quân những năm 80 - 90 của Thế kỷ trước. Từ đó, càng trân quý hơn những giọt máu của người lính nơi biên đảo đã góp phần “nhuộm mặn sóng biển Đông”.

 Tin rằng, ngon lửa tình yêu biển đảo quê hương, tình cảm sâu nặng với người chiến sỹ ngày đêm canh giữ “giọt máu thiêng của đất Việt” sẽ được thầy giáo, nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên thắp lên trong lòng lớp lớp học sinh thân yêu của mình. Và với tình yêu đó, với khả năng lao động sáng tạo cùng một khát vọng cống hiến, một tinh thần trách nhiệm của “người chiến sỹ cầm bút”, chúng ta hy vọng sẽ được tiếp tục đón nhận từ anh những bài viết chất lượng, chân thực, giàu cảm xúc về người chiến sỹ hải quân cũng như về Trường Sa hôm qua và hôm nay. Trân trọng và ngưỡng mộ.

__________________

*Đại tá, PGS.TS. Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà văn Nguyễn Hoàng Nguyên với “Nhớ lắm Trường Sa ơi”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn