Nhà văn Pearl Buck cùng với những trang viết về nông thôn Trung Quốc

Nữ nhà văn Pearl Buck là tác giả nổi tiếng người Mỹ. Bà từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1938 vì “Những bản bùng ca chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc và những kiệt tác tiểu sử của bà”. Cùng với đó, bà từng đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu (The Good Earth).
yousuf-karsh-pearl-buck-1957-02-e1577347847464-1648481272.jpg
Nhà văn Pearl Buck. Ảnh internet

Pearl Buck sinh ở Hillsboro, West Virginia, là con một nhà truyền giáo người Mỹ. Bà có một tuổi thơ nhiều năm sống ở Trung Quốc nên những hình ảnh về đất nước này luôn hiển hiện trong những sáng tác của bà. Năm 17 tuổi,bà về Mỹ học tại trường Đại học Randolph Macon (tiểu bang Virginia).

Năm 1933, bà được Đại học Yale tặng bằng Cử nhân Văn chương Danh dự. Năm 1938, bà được Đại học West Virginia và Đại học St. Lawrence trao tặng bằng Tiến sĩ Văn chương Danh dự. Pearl Buck viết nhiều sách báo chính luận chống chủ nghĩa phát xít, sau này bà quan tâm đến đề tài các nhà bác học nguyên tử buộc phải chế tạo vũ khí giết người hàng loạt.

Trong “Tuyển tập truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel”, truyện ngắn “Con quỷ già” của Pearl Buck do dịch giả Dương Tường dịch là một truyện khá ám ảnh. Truyện ngắn được Pearl Buck lấy bối cảnh về thời chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung  Quốc.

Không gian là ngôi làng Vương Tam Lý bên bờ sông Hoàng Hà, có bà lão Vương ngày ngày lên bờ sông ngắm mực nước xem sông đã dâng lên tới đâu. Dần dần người dân trong làng cũng lên ngắm nước sông với bà lão. Bà sợ con sông này hơn sợ bọn Nhật. Họ bàn tán về bọn Nhật, có một điều là bà lão chẳng tin là có chuyện người Nhật có trên đời này vì bà chưa nhìn thấy, dù có người giải thích là họ ở trên trời trong những chiếc máy bay.

Chồng bà bị mất vì lũ lụt từ khi bà còn trẻ. Bà hay nghĩ về người chồng quá cố và luôn tìm cách đi đây đi đó cầu trời khấn phật cho ông thoát khỏi ngục tĩnh tội. Dòng sông này với bà chứa đầy cả cái tốt lẫn cái xấu. Khi được ngăn chặn cẩn thận, nó tưới nước cho ruộng đồng, nhưng hễ thả lỏng một vài phân là nó xô vỡ bờ như một con rồng gầm thét. Chồng quá cố của bà hay đi vá đê, luôn đắp đất thêm cho mặt đê, rồi một lần ông đã vĩnh viễn ra đi khi bờ đê bị vỡ.

Khi nghe kể các câu chuyện về người Nhật, bà lão Vương không khỏi thắc mắc tại sao họ lại thích đánh nhau. Bà mường tượng chỉ có những kẻ thô lỗ mới thích chiến tranh, bà nghĩ bà sẽ mời họ uống trà để giảng giải điều phải trái và dỗ ngọt họ.

Pearl Buck mô tả bà lão Vương ngây ngô như một số cảnh trong phim “Đến Thượng đế cũng phải cười”. Khi mà những chiếc máy bay đến thả bom vào làng quê yên bình, bà lão Vương nhìn những chiếc máy bay mà cứ như đàn ngỗng trời bay trong mùa thu, những quả bom được thả xuống nhìn cứ như những quả trứng. Mọi người bỏ chạy hết còn bà cứ ngẩn người ra nhìn. Bà cũng chẳng chạy được vì bà bị bó chân từ nhỏ.

Mọi người chạy hết, chỉ còn lại những đám cháy rừng rực, với một chiếc máy bay bị rơi xuống, cùng với bà lão Vương ở lại. Bà lại gần chiếc máy bay và  hình dung ra số kim loại này mà nấu lên chắc cả làng bà sẽ giàu to. Bà nhìn thấy một người bị thương ở trong máy bay. Bà hỏi nhiều câu nhưng người thanh niên ấy nói gì đó mà bà không hiểu. Bà dìu người thanh niên đó về nhà nhưng nhà bà đã bị tan hoang. Bà săn sóc người lạ ấy bằng tất cả tấm lòng. Vừa rửa vết thương rồi đi tìm gì đó để cho người ấy ăn.

Bà đi tìm những gì còn sót lại có thể ăn được để mang đến cho người thanh niên lạ mặt kia. Bà may mắn tìm được mấy chiếc bánh mì còn sót lại của một cửa hàng bánh mì đã bị đổ sập. Lúc bà quay trở lại thấy một nhóm lính nói với bà rằng người lạ mặt kia chính là người Nhật, làm bà có chút ngạc nhiên nhưng vẫn không làm cho tình thương nơi bà giảm đi đối với người lạ mặt đang đau đớn ấy. Mấy người lính cũng đều đói nên lấy luôn bánh mì chia nhau, rồi họ tản đi. Một người lính quay lại tính đâm chết người lính Nhật  bị thương kia nhưng bà lão Vương cản lại. Dù sao thì người lính ấy cũng đã mới chết rồi.

Bà lại lên bờ đê phóng tầm mắt ra xa mà quan sát. Bà nhìn dòng nước và gọi nó là đồ quỷ già. Nhìn sang phía tây là mấy người lính ban nãy, nhìn sang phía đông là một đám người rất đông mà bà đoán là lính Nhật. Bà thầm oán trách họ vì đã tàn phá làng mạc quê hương bà, chắc cả những người thân của bà cũng đã chết cả rồi. Bà đoán những người lính kia chắc đã nhìn thấy bà nên bà bò xuống chân đê. Rồi bà nhớ ra cửa cống con sông hung dữ này.

Bà vòng ra kéo người lính Nhật bị thương lên bờ đê. Bất chợt một ý nghĩ táo bạo nảy lên trong bà. Bà muốn mở nắp cống lớn để nhấn chìm đội quân Nhật đông đảo phía xa xa đang tiến lại. Bà nghĩ rằng, có người chiến đấu bằng máy bay, có người chiến đấu bằng súng ống, nhưng người ta cũng có thể chiến đấu bằng một con sông nếu nó dữ dằn như con sông này. Bà giật chốt cửa cống, giật thêm chốt nữa rồi các chốt khác sẽ bật ra mà thôi. Bà chỉ kịp hét lên “Làm tới đi, con quỷ già”, rồi dòng nước khổng lồ hất tung bà, ào ào tiến về phía quân thù.

Truyện ngắn là một bông hoa đầy sắc màu trong vườn hoa văn chương của Pearl Buck. Sự nghiệp văn học đồ sộ của bà có thể kể đến: East Wind:West Wind (Gió Đông, gió Tây, 1930), tiểu thuyết; The Good Earth (Đất lành, 1931), tiểu thuyết; Sons (Những người con trai, 1932), tiểu thuyết; The First Wife and Other Stories (Vợ cả và những câu chuyện khác, 1933), tiểu thuyết; All Men Are Brothers (Mọi người là anh em, 1933), bản dịch tiểu thuyết Thủy Hử; The Mother (Người mẹ, 1934), tiểu thuyết; A House Divided (Một nhà chia rẽ, 1935), tiểu thuyết; A Home of Earth (Nhà tranh vách đất, 1935), tiểu thuyết; The Exile (Lưu đày, 1936), tự truyện; Fighting Angel (Thiên thần chiến đấu, 1936), tự truyện; This Proud Heart (Trái tim kiêu hãnh, 1938), tiểu thuyết… ngoài ra còn nhiều tiểu luận, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi nữa trong sự nghiệp đầy vinh quang của bà.