Trải qua chuyện tình buồn, tìm đến âm nhạc
PV:Anh có sinh ra trong gia đình nghệ thuật? Đam mê từ nhỏ của anh có phải âm nhạc?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi không phải sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, ba tôi làm kỹ thuật, mẹ thì buôn bán và nội trợ. Từ nhỏ,tôi cũng không hứng thú với âm nhạc và cũng không có năng khiếu về âm nhạc.
PV: Được biết, anh không theo học chuyên ngành âm nhạc. Vậy anh học và trau dồi âm nhạc thế nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Từ khi năm hai Đại học, khi trải qua chuyện tình buồn thì tôi mới tìm đến âm nhạc như một cứu cánh, như một điều giúp tôi vơi đi những nỗi buồn và giết thời gian khi tập đàn, học đàn, rồi tập sáng tác những bài hát dành cho mình. Tôi tự nghiên cứu, tự tìm tòi qua những quyển sách nhạc ngày đó.
PV: Có ý kiến đánh giá anh là nhạc sĩ về dòng nhạc trẻ, anh có công nhận điều này không? Hay dòng nhạc anh đã viết và theo đuổi là gì?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi đã từng là nhạc sĩ về dòng nhạc trẻ vì tôi đến với âm nhạc bằng những bài hát về tình yêu. Nhưng sau đó tôi cũng có thử sức mình ở dòng nhạc về gia đình và dòng nhạc thiếu nhi, và tôi cũng may mắn ghi được dấu ấn ở cả những dòng nhạc ấy với những bài hát tiêu biểu như “Nhật ký của mẹ” hay “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”. Hiện nay,tôi vẫn tiếp tục phát triển ở những dòng nhạc ấy và thử sức ở dòng nhạc hoà tấu không lời mang tính thư giãn và chữa lành.
PV: Anh là nhạc sĩ góp công lớn đưa nhiều tên tuổi ca sĩ đến với công chúng, như ca sĩ Khánh Phương với Chiếc khăn gió ấm, Akira Phan với Mùa đông không lạnh... Anh có công thức gì để giúp họ nổi tiếng với các bài hát của anh?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tôi chỉ có một công thức: cố gắng viết ra bài hát mình tâm đắc ở một đề tài nào đó, tìm ra ai đó có giọng ca phù hợp với bài hát đó và có mong muốn hợp tác với tôi. Còn lại, sự nổi tiếng của bài hát đó là do khán giả định đoạt và dựa vào cả may mắn nữa. Tuy nhiên,ở thời điểm hiện tại, trung thực mà nói thì nó còn tuỳ thuộc vào khả năng tài chính đổ vào việc truyền thông marketing cho những bài hát trên các nền tảng mạng xã hội.
Top 10 Tuyển tập ca khúc hay nhất thế giới
PV: Anh sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, giàu chất văn học. Anh có cho rằng, dòng nhạc thiếu nhi hiện nay đang thiếu những tài năng sáng tác?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Dòng nhạc thiếu nhi lúc nào cũng thiếu và lúc nào cũng thừa. Thừa người tâm huyết, thừa tác phẩm trong các cuộc vận động sáng tác, thừa người có khao khát muốn vực dậy và phát triển nền âm nhạc thiếu nhi Việt Nam.
Thế nhưng cái thiếu lại nhiều hơn, thiếu nguồn lực tài chính để tự sản xuất, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của các ban ngành quản lý văn hoá, giáo dục, thiếu sự hỗ trợ của các đài truyền hình, đài phát thanh, thiếu khung giờ vàng, thiếu kinh phí đầu tư tổ chức các chương trình định kỳ cho các bé, thiếu những doanh nghiệp có cái tâm muốn phát triển âm nhạc thiếu nhi Việt Nam mà không màng đến lợi nhuận.
PV: Anh thấy dòng nhạc trẻ bây giờ thế nào? Các ca sĩ nổi lên với những bản hit hiện nay có phải là đảm bảo "vàng"?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Các bạn trẻ rất giỏi, nhanh nhẹn, năng động, hoà nhập tốt với âm nhạc thế giới, nắm bắt công nghệ nhanh, cá tính âm nhạc riêng biệt và phóng khoáng. Thời nào âm nhạc cũng có “vàng thau”lẫn lộn, cái nào là “vàng thật” thì tự nhiên sẽ sống lâu trong lòng khán giả, cái nào là “mạ vàng” thì sẽ phai nhanh theo thời gian.
PV: Anh có định hướng mình sẽ tham gia viết giao hưởng, rap, bolero... trong tương lai?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung:Có thể có, và cũng có thể không. Tôi viết nhạc theo cảm xúc là chính, để diễn đạt được cảm xúc nào đó tại một thời điểm nào đó của cuộc đời tôi, tôi sẽ dùng dòng nhạc phù hợp.
PV: Anh có bị ảnh hưởng bởi nhạc sĩ trong nước và quốc tế nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Khi mới bắt đầu viết nhạc, tôi thích dòng nhạc Hoa những năm 80-90. Bây giờ tôi đã tự hình thành riêng dòng nhạc cho bản thân mình.
PV: Bài Nhật ký của mẹ không những được nhiều người thuộc, nghe thường xuyên, xúc động. Ca khúc “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hiền Thục thể hiện được ghi danh vào top 10 ca khúc hay nhất thế giới. Anh có thể nói qua về bài hát này?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Đến tận bây giờ, đây vẫn là bài hát tâm huyết nhất của tôi. Năm đó, tôi muốn tặng mẹ một bài hát nhân dịp sinh nhật của Mẹ tôi. Tôi mất 3 ngày để suy ngẫm, sửa câu từ và hoàn tất sáng tác vào 5giờ sáng ngày thứ 4. Không giống với nhiều bài hát về mẹ khác chỉ tập trung vào việc ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục, tôi quyết định chọn lọc lời nhạc như những trang nhật ký của người mẹ dõi theo con mình qua tháng năm cuộc đời và viết nó như một vòng lặp qua các thế hệ.
Bản ghi âm giọng Hiền Thục mà mọi người nghe chỉ là bản thu demo chứ chưa phải là bản thu master (bản thu cuối cùng). Nhưng vì tôi muốn giữ trọn vẹn cảm xúc, những lấy hơi, những tiếng nấc, trong khi Thục đang thu đã khóc mấy lần nên đã phát hành bản thu thử này.
PV:Anh đánh giá thế nào về ý nghĩa của âm nhạc đối với đời sống? Sức sống lâu bền của âm nhạc nằm ở đâu?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Trong đời sống, tác động của âm nhạc với mọi người khác nhau và cực kỳ phong phú đa dạng. Có người xem âm nhạc như người bạn thân nhất để chia sẻ tâm trạng cảm xúc của mình, có người xem âm nhạc như một sự giải trí, tạo hứng khởi.Có người xem âm nhạc như một liều thuốc chữa lành những tổn thương tâm hồn, cũng có người tìm đến âm nhạc như một sự giải toả những bức bối trong lòng.
Có người lại xem như một món quà thay lời muốn nói gửi đến người thương, cũng có người nhờ âm nhạc mà nhận ra những điều tốt đẹp của cuộc sống: tình mẫu tử, sự vị tha trong tình yêu, tình cảm với con cái, có người nhờ âm nhạc mà thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống… dù thế nào đi nữa thì âm nhạc luôn song hành và tồn tại mỗi ngày mỗi giờ trong cuộc sống chúng ta, và ai cũng cần có âm nhạc. Sức sống lâu bền của một bài hát nằm ở cảm xúc và khơi gợi kỷ niệm nào đó gắn liền với cuộc đời chúng ta.
PV: Anh có sự so sánh gì giữa âm nhạc thế giới và âm nhạc Việt Nam?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Âm nhạc Việt Nam đang trên đường phát triển và có những nhân tố tài năng đang cố gắng bắt kịp với tiêu chuẩn của âm nhạc thế giới.
Trân trọng cảm ơn anh!