Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày toàn quốc kháng chiến – 19-12-1946: Những dáng Kiều thơm đất Kinh Kỳ

19-12-2023, đất nước ta Kỷ niệm 77 năm Ngày toàn quốc kháng chiến . Nhớ lại ngày ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh – trên Đài phát thanh có lời kêu gọi nổi tiếng động viên toàn dân bước vào Cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc .Tôi nhớ được mấy ý : Ta càng nhân nhượng , quân xâm lược càng lấn tới …Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ …

b1-bh1a-1702776897.jpg

 

Không có gì quý hơn ĐỘC LẬP , TỰ DO …

TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN – “ giặc đến nhà đàn bà cũng đánh “ .

Tôi nghĩ , chính nhờ động viên được sức mạnh tổng hợp của toàn dân kháng chiến mà nhân dân ta đã thắng trong cuộc Trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ; trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước ; trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 bảo vệ Tổ quốc .

Thủ đô Hà Nội thuở ấy – “ Ngày toàn quốc kháng chiến “ - không chỉ những chàng trai phố cổ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh ” , trên đường hành quân Tây tiến

“ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm …” (Thơ Quang Dũng ) ; mà còn có cả một lớp người đẹp -“ dáng Kiều thơm " - đất Kinh kỳ cũng rời cuộc sống nhung lụa nơi phòng the ; dấn thân lên chiến khu cùng toàn dân tham gia kháng chiến .

b2bh2b-1702777122.jpg

Nhà báo Huỳnh Thị Hường với tấm ảnh quý . Bác Hồ cùng Bác Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh kỷ niệm với các nhà báo phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III .

 

Mời bạn yêu thơ cùng tôi đọc lại hai bài thơ của nhà báo , nhà thơ Lê Mạnh Bỉnh : “ Người đẹp thời chiến khu ” và “ Ngọn lửa vẫn cháy “ ; tưởng nhớ về lớp người đẹp của Thủ đô ta thuở ấy . Xin chia sẻ xuất xứ hai bài thơ này .

&

Bài “ Người đẹp thời chiến khu ” – trong tập thơ “ VÒNG ĐỜI “ . Tác giả sửa lại bài thơ cũ “ Bóng người chiến khu ” ( thơ cho một người ) thành bài “ Người đẹp thời chiến khu ” ( thơ chung về một lớp người ) nhân đọc bài “ Tứ qúy một thời ” của tôi trong tập sách kể về “ CHUYỆN CHÚNG TÔI - LÍNH XUNG KÍCH THÔNG TẤN ” . Trong bài “Tứ quý một thời ” tôi kể chuyện thời chiến khu của 4 nữ đồng nghiệp khả kính . Cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ , các Chị đã rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc . Đó là : Huỳnh Thị Hường , Tuệ Oanh , Tường Vân ,Tô Kim Nhâm – “Tứ quý ” thời chiến khu của Ban Biên tập Tin Trong Nước VNTTX chúng tôi (TTXVN ) . Các Chị - như cháu Tuệ con gái chị Tuệ Oanh viết hồi ký kể rằng: “ Mẹ đã rời bỏ cuộc sống trong một gia đình giàu có , danh giá đất Hà Thành lên chiến khu tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến …” .

b3bh3c-1702777293.jpg
 
b4bh4d-1702777338.jpg
 

Trong số những người đẹp thời chiến khu thời ấy không khỏi có một số người lặng lẽ , âm thầm gánh chịu nỗi đau riêng của số phận để gắn với vận mệnh chung của dân tộc .

4 câu kết của bài thơ tác giả tôn vinh các chị tiêu biểu cho những “ Người mang hồn thế kỷ / tạc trên những rêu phong / những người đẹp muôn thuở / thấp thoáng trong bụi hồng ”

&

NGƯỜI ĐẸP THỜI CHIẾN KHU

Hà Nội chớm vào thu

phố Nguyễn Du vắng lặng

người đẹp thời chiến khu

bước qua thềm lá rụng

Đường mòn nào ta đi

dòng suối nào ta qua

còn đâu trên chiến khu

còn đâu trong rừng chiều (*)

Tóc còn xoăn như xưa

nụ cười thường e lệ

một thuở dáng kinh kỳ

trong nhạt nhoà khói lửa

Những sóng gió ưu phiền

qua bao mùa chinh chiến

qua bao nỗi truân chuyên

chìm sâu trong đôi mắt

Người đi như hương gió

trôi theo cùng mùa thu

bỏ lại những bến đợi

trong sương khói mịt mờ

Còn một trời ánh sáng

trong xanh trên chiến khu

và một thời hoa lệ

tha thướt những dấu xưa

Người mang hồn thế kỷ

tạc trên những rêu phong

những người đẹp muôn thuở

thấp thoáng trong bụi hồng .

---------------

(*) ý lời bài NHỚ CHIẾN KHU của nhạc sĩ Đỗ Nhuận

&

Bài thơ “ Ngọn lửa vẫn cháy ” – trong tập thơ “ MÂY BAY “ - tác giả viết về nữ nhà báo Dương Thị Duyên tài sắc vẹn toàn , từng là nữ phóng viên TTXVN biệt phái tại Hội nghị đàm phán hòa bình Paris . Chị xuất thân từ một gia đình truyền thống nho học . Cha là giáo sư , học giả Dương Quảng Hàm . Cụ dạy học Trường Bưởi danh tiếng thời Pháp và là Hiệu trưởng đầu tiên Trường Chu Văn An , trực tiếp dạy môn lịch sử văn học Pháp . Chị Dương Thị Duyên có hai người chị gái ghi dấu ấn trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám . Đó là bà Lê Thi ( Dương Thị Thoa ) – người kéo lá Cờ đỏ sao vàng trước Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội trong cuộc mít tinh tuần hành lớn ngày đầu khởi nghĩa . Bà Dương Thị Ngân , người đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên Đài Tiêng nói Việt Nam .

Lê Mạnh Bỉnh viết bài thơ “ “Ngọn lửa vẫn cháy ” nhân ngày đến thăm nhà báo Dương Thị Duyên nằm bệnh đã 15 năm ( nay Bà đã qua đời )

NGỌN LỬA VẪN CHÁY

Người đàn bà xưa tài sắc

giờ quanh một chiếc giường

mắt mờ

tai ngơ ngác

trong vô thức

níu bàn tay người khác

áp lên môi

để cảm nhận

vẫn còn có cuộc đời

Một thời

tà áo dài

thấp thoáng trên diễn đàn

nhấp nhoáng ánh đèn

Một thời

bao người lắng nghe

tiếng nói âm vang

sau những chuyến bay

vượt châu lục

vượt đại dương

Một thời

những điều khúc triết

những câu phân tích

sau nụ cười duyên

Một thời

nghẹn ngào chờ

những tin xé ruột

để đáp trả

những đối thoại

trên bàn cờ

thế sự

15 năm

Người nằm đây

những luận bàn

những nghi thức

không còn

những ánh vàng

đã tắt

Chỉ còn những kỷ niệm

lặng thầm

của một thời mộng mơ

những đắm say sóng sánh

của một nàng Kiều

những dư vị ngọt ngào

của xúc cảm

vẫn đâu đây

chẳng mất

Chẳng còn nghe tiếng dội nào

song ngọn lửa

vẫn da diết cháy

qua đôi ngón tay

thiết tha

run rẩy

mơ hồ … 

N.V.T