Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 24): Một tiểu đoàn Quân giải phóng đối đầu với 12 tiểu đoàn liên quân Mỹ - Ngụy- Nam Triều Tiên

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

12/01/2023 09:01

Theo dõi trên

Ấp 6 thuộc xã Sơn Trà, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà; phía Bắc giáp Sơn Hiệp; phía Tây là dãy núi Hòn Tàu có độ cao 805m. Đường sắt Bắc – Nam chạy sát chận núi; phía Nam giáp Ba Xa, Phú Thọ; phía Đông là quốc lộ 1A Hương An - Bà Rén.

Là một Thôn ấp nằm giữa vùng cát trắng không liên hoàn với các Làng lân cận. Giữa các Thôn cách nhau 700m-1000m. Thôn ấp dân đông, nhà cửa gần nhau, cây ăn trái rậm rạp, trâu, bò, gà, vịt, heo, chó từng bầy. 50% là dân tại chỗ, còn lại là dân ở các thôn xung quanh dồn đến, phần đông là phản Cách mạng. Quân địch thường trú có 1 Đại đội bảo an, 3 Trung đội dân vệ; đôi khi còn có lính Nam Hàn, quân Mỹ, biệt kích, thám báo; thường xuyên có lực lượng đi càn lên giáp danh chân núi Tàu. Du kích Xã chỉ có 2 người, 1 bí thư, 1 Xã đội.

d2aq2-1673488601.jpg
d3aq3-1673488686.jpg
Ảnh đính kèm do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ.

 

Ngày 23/7/1971, tôi với các anh Ka, Hải, Tuấn Mưu đi bến đò Thạch Mỹ lấy đạn. Khi về đến nơi tập kết thì đơn vị đã hành quân đi chiến đấu. Chúng tôi đi theo sau, ngược suối An Bằng, trời mưa to khe đầy nước. Đi về ngã Ba Nước, vượt dốc 762 đến cửa danh Tý Xé, thì gặp đơn vị dừng ở đó triển khai cơm nước.

Sáng 26/7/1971, chúng tôi hành quân về Z7. Một ngày vất vả, mang vác nặng. Trời nắng qua các cánh rừng B52 rải thảm cây đổ ngổn ngang trăm bề cực khổ.

19 giờ tối tới khu tập kết, có sẵn hầm hố nhà ở của đơn vị Rét 7 để lại, chúng tôi nghỉ ngày 27/7/1971, chuẩn bị cho trận đánh tới.

Ngày 28/7/1971, từ khu tập kết Z7 chúng tôi đi qua Đông Làng. Trời nắng gay gắt, mồ hôi chảy từ đầu xuống mắt, khắp người. Đến 14 giờ chiều thì đến cây gỗ vuông nghỉ nấu ăn. 16 giờ đến bờ sông Thạch Bích đợi tối 19 giờ sẽ vượt sông.

Thuyền chở bộ đội sang bờ Bắc, trời tối như mực, mưa to nhờ ánh chớp mà đi. Ngược suối 9 khúc, nước lũ chảy mạnh quá, chúng tôi ngồi trên các mô đá ở giữa khe suối đi không được, trở lại không xong; chờ suốt một đêm đến sáng tạnh mưa, hành quân gian khổ, không đi đường dẫn dốc tranh.

Hết suối 9 khúc, chủng tôi rẽ lối đi đường hầm heo. Đến 8 giờ sáng 29/7 thì quá mệt đi vài ba trăm mét, lại buông súng nằm, mồ hôi hột chảy tong tong. Lên một cái dốc nhỏ, xuống một cái khe thấy có me rừng vặt ăn rồi uống nước càng nhão ruột. Thế là không đi được nữa, nằm tại chỗ há mồm cho nước dãi chảy ra. Bộ phận anh nuôi mang vác nhẹ đi đến trước nấu được cơm, Trung đội phó Ka đem cơm cho chúng tôi ăn, 14 giờ chiều mới đến chỗ nghỉ tắm giặt phơi đồ.

Ngày 30/7/1971, ăn sáng xong đến chân dốc Hầm Heo rồi leo lên núi Yên Ngựa. Rừng già, dốc cao lên đến đỉnh nghỉ ăn trưa rồi lại đi, đỉnh dông dài gần 10km. Tối chúng tôi ngủ ở Sườn phía Bắc núi Yên Ngựa.

Ngày 31/7/1971, chúng tôi đi hết rừng già đến đồi tranh lau lách, đường hẹp hai bên chít mọc um tùm. Không có gió và mặt trời chiếu xuống, tầm trưa sang chiều nóng như đổ lửa, mồ hôi chảy dòng dòng, vừa đi vừa nghỉ, không có bóng râm; không có cây to để tránh nắng, mũi mồm tranh nhau thở, nước bình tông cạn kiệt.

14 giờ chiều đến 1 con suối nước chảy ào ào, chúng tôi dừng lại tắm rửa đóng bình tông rồi đi dọc suối, xuôi xuống Sơn Long địa phận Quảng Nam. Nấu ăn lúc 19 giờ rồi lại đi tiếp theo chân dãy núi phía Nam Bàn Thùng đến đèo Le ngã ba cây xoài. Rồi lại đi dưới chân phía Nam Hòn Tàu thuộc Xã Sơn Khánh - Quế Sơn – Quảng Nam.

Đêm tối như mực, đi trên bờ ruộng vừa đi vừa ngủ gật. Khi đội hình hành quân dừng, chúng tôi chống súng đứng khom mà ngủ. Khi đằng trước đi hết mở mắt tưởng có người đứng lại ngủ tiếp. Tỉnh ra thấy lâu chưa đi nên sờ phía trước thì là cây dừa cháy; vừa đi vừa ngủ không ngã mới tài.

*

Lúc 8 giờ ngày 01/8/1971, đội hình hành quân qua đèo Đá Trắng đến chân núi Ốc Sôi có lệnh dạt lên sườn phía đông nam núi Hòn Tàu. Chúng tôi leo lên lưng chừng núi tìm hang trú ẩn, mắc cõng nghỉ, ở đó có khe nước đủ tắm.

Ngày 02/8/1971 tôi, Tuấn, Hóa, Lương mang theo vũ khí xuống chợ Lùng Lùng mua mì Ông Phật, cá hộp, đường cặp, thuốc rê. Lúc đi qua chân núi Lùng thì pháo địch bắn, chúng tôi chui vào hang, toàn mùi chất độc hóa học do quân Mỹ ném vào, lại chui ra, chập choạng tối mới ra chợ.

Ngày 03/8/1971, mỗi Trung đội cử 4 người mang đạn 12 ly 7, đạn Đại liêncùng với quân cối ĐK đi lót đạn ở hang đỉnh núi Hòn Tàu, không cử người canh giữ.

04/8/1971, 18 giờ tối toàn Trung đoàn hành quân chiến đấu. Lúc 13 giờ chiều Đại đội đã cử tôi, anh Bát, anh Thịnh, Cẩm, Bổng đi trước đến Hòn Đèn lấy đạn cùng một số anh em của cối ĐK. Chúng tôi đi qua Lùng Lùng đến Sơn Trung - Sơn Thượng, vượt đèo Đòn Gánh đến Thôn 1 Sơn Trà; ăn cơm tối ở phía đông bắc chân núi Hòn Đèn thì một loạt pháo của địch từ Trà Kiểu bắn lên.

19 giờ tối, chúng tôi leo lên Hòn Đèn, trời sáng trăng. Lên cách đỉnh núi 100m thì đạn M79, 72, AR15 từ trên đỉnh núi do quân Pắc Chung Hy bắn xuống. Chúng tôi chui vào các kẽ hang ẩn nấp, ngớt bắn chúng tôi chạy xuống dốc đến đường trục dưới chân Hòn Đèn tập trung lại bàn cách.

Lúc này quân Nam Hàn đã chiếm núi không lấy được đạn, hơn nữa chân súng ĐK, đế cối cũng bỏ ở đó, làm thế nào đây?

Anh Bát nói: Thôi tốt nhất là đuổi theo đội hình hành quân báo cho Trung đoàn biết. Chúng tôi đi dọc đường sắt, một giờ sau theo kịp đội quân đi trước. Trung đoàn biết hỏa lực không còn tác dụng liền cho 3 Đại đội C12, C13, C14 đến Sơn Trà 4 chờ cáng thương.

Tiểu đoàn 9 cho người đem cho Trung đội 2 thùng đạn Đại liên. Đại đội biên chế 1 khẩu đội Đại liên gồm: Đại đội trưởng Hoàn, Y tá Luật, liên lạc Hin, Trung đội phó Hoàn với 2 súng AK của Lương và Hải.

Chúng tôi đi cùng K9 đánh vào ấp 6. 1 giờ đêm rạng ngày 05/8/1971, ta nổ súng đánh ấp diệt đồn bảo an, bắt 2 Trung đội dận vệ, bắt tên Ấp trưởng. Tên này năm ngoái đã theo giải thưởng, nếu ai bắt hoặc lấy được đầu nữ Xã đội trưởng Sơn Trà là Lưu Kim Đính hắn sẽ thưởng 100 nghìn. Chị Kim Đính nói: Hôm nay ta thưởng cho mi trọn một băng đạn AK để mi đi tìm ông bà nội.

Chúng tôi đào cộng sự chiến đấu, hầm trú ẩn ở chân tre rìa Làng; cả thảy 5 vị trí chiến đấu. Tôi, Hải, anh Hoàn ở công sự súng máy đại liên, mỗi hầm cách nhau 30-50m. Một số ở lại trực chiến còn lại vào xóm kiếm đường, sữa, kẹo, bánh, mì chay Ông Phật, thuốc rê, thuốc quân tiếp vụ; mua 8 con gà cho vào gùi, mua trứng vịt, thịt vịt, dừa. Thịt gà, vịt nấu cháo, ăn bún, uống nước dừa được bữa no. Trong đêm máy bay L19, C130 thả đèn dù, bắn đạn 20ly.

Trời đã sáng rõ chưa thấy động tĩnh gì, lúc 8 giờ trở đi đạn súng cối 106,7ly từ Duy Xuyên, Vĩnh Diện, đạn cối 81 và pháo từ các trận địa bắn cấp tập; đủ các loại đạn pháo chụp lơm, pháo khoan, pháo đào, pháo phát quang, pháo chất độc hóa học, đạn lân tinh…

Các loại phản lực F, trực thăng, tàu gáo bay rợp trời. Các loại bom, đạn đại liên, rốc két bắn thả xuống tưởng trời long đất lở. Một Tiểu đoàn xe tăng từ 3 hướng tiến ra; quân Pắc Chung Hy từ phía Đông – Bắc Xuyên Hiệp đánh vào; quân Mỹ từ phía Đông – Nam Hồng Bàng đánh lại; quân ngụy Sài Gòn từ hướng Tây – Nam An Xuân, Thăng Bình chia làm nhiều mũi tiến lên như sóng xô,gió giật.

12 Tiểu đoàn của liên quân Mỹ - Ngụy - Nam Triều vây đánh 1 Tiểu đoàn quân ta. Thiên la địa võng kín như rào sắt, tưởng như con chim bay không thoát, con chuột chạy không qua, gió thổi ra không lọt…

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, tham mưu hết kế, Thủ trưởng vô phương, cứ bám lấy hầm mà chịu trận, ai rời khỏi cộng sự là chết ngay tại chỗ. Pháo tăng bắn bật gốc tre, đạn súng máy bay như mưa đạn, đạn súng cối của quân Pắc Chung Hy bắn như vãi ngô, reo mạ. Tiếng bom gầm, pháo thét; tiếng đạn réo, tiếng người kêu, đất đá tung lên cây gãy đổ, cửa nhà tan nát, khói lửa ngút trời. Chiến trường như mưa bom bão đạn.

Con số thương vong của ta mỗi lúc một tăng. Quân ta bắt đầu hoang mang. Lúc này Trung đoàn trưởng Cảo trực tiếp bắn đạn cối. Chính ủy Hải bắn B41 để lấy lại tinh thần chiến sĩ, sốc lại lực lượng, giữ vững trận địa, cố thủ đến cùng.

Tôi ngồi dưới cộng sự súng máy đại liên, vừa ăn cơm vừa cảnh giới. Nghe bịch trước mặt, theo phản xạ tự nhiên, chẳng suy nghĩ tính toán gì đưa luôn tay nhặt vứt ra ngoài. Lựu đạn chưa rơi đến đất đã nổ. Tôi chộp súng đại liên bắn xối xả vào bụi chuối. 7 tên lính Nam Triều Tiên chết không sót một tên.

Ở đằng kia, phía bắc cách tôi 200m, tổ bộ binh không biết thế nào lại để mấy thằng Pắc Chung Hy vào tận nơi bắt sống 2 chiến sĩ ta kéo ra gần đến xe tăng; không còn cách nào cứu được. Hải quát to:

- Bắn! Nó bắt đồng đội của mình kìa.

Tôi quay súng ấn cò, 4 tên lính Nam Hàn trúng đạn chết tại chỗ. Hai chiến sĩ của ta vùng chạy, cũng bị súng máy của quân Nam Hán bắn chết. Khói lửa mịt mùng, bom đạn như sấm rền.

Tên quận trưởng ở đỉnh tháp chuông nhà thờ Thôn 5 dùng ống nhòm quan sát, thấy phía nào có quân ta lấp ló lại chỉnh cho pháo bắn. Không may cho quân giải phóng, hôm ấy Tổng thống Thiệu cắt băng khánh thành nhà thờ Hồng Bàng, nên mới huy động một lực lượng địch tối đa như vậy.

11 giờ trưa, quân địch tấn công đã 6 lần đều bị đánh lại. 12 giờ trưa ngày 05/8/1971, các loại hỏa lực trên không, mặt đất đều tăng gấp nhiều lần. Mấy chục chiếc xe tăng địch bắn chõ vào Làng. Quân địch 3 phía ồ ạt tấn công, lúc này chỉ có độc lập tác chiến.

Hướng chúng tôi toàn quân Pắc Chung Hy. Địch vào 70m, 50m tôi ngắm giữa đám đông bóp cò; súng Trung liên, B41, M79, AK, đạn M72 của ta nhằm vào quân địch mà bắn. Quân Mỹ ngụy tấn công hai hướng kia cũng bị đánh bật ra xa.

13 giờ chiều cùng ngày, nhìn từ đầu Làng đến cuối làng không còn vật gì che khuất, nhà tan cửa nát, cây đổ ngổn ngang; xác người, xác súc vật trâu, bò, heo, chó, gia cầm nằm la liệt.

Chiếc máy bay L19 gọi loa chiêu hàng, trên không đĩa nhạc hát rằng:

Dù anh vui thú ở đâu/ Không bằng sống thác với nhau ở nhà/ Dù ai vui thú non xa/ Không bằng sống thác ở nhà với nhau/ Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó/ Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi/ Mẹ tôi đun bếp nghèo thơm mùi rơm tỏa khói mờ/ Ôi tình quê trìu mến, xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé/ Có lũy tre Làng bờ lúa sát ven đê/ Dòng sông trôi lững lờ rung vầng trăng soi bóng mờ…

Súng đại liên giá bắn ngang, không tôi đã quất cho một loạt. Chúng tôi còn một số chưa bị thương, cố bám hầm chiến đấu giữ vững trận địa. Tiểu đội tôi Sử xạ thủ Trung liên bị bắt, Cẩm hy sinh, anh Hoàn, anh Hoành bị thương, Liêm bị đạn cay làm mờ mắt.

Tiểu đội trưởng Hải ra lệnh:

- Thương binh nặng, liệt sĩ đưa vào hầm còn thương binh nhẹ và những đồng chí chưa bị thương thay nhau ngủ và trực chiến.

16 giờ chiều, Bão là người thôn Cổ Tân (xã tôi) là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 3, K9 dẫn 5 người còn lại phá vây, mở đường máu đánh ra phía Tây – Bắc, tả xung hữu đột trong đám quân Mỹ. Sáu người đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng tất cả hy sinh anh dũng.

*

Nửa đêm,lúc 1 giờ 30 phút rạng ngày 06/8/1971, trời đổ mưa to; trinh sát tìm được đường ra, bắt liên lạc với bên ngoài, đưa bộ phận vận tải vào lấy thương.

Chúng tôi nương gió, gội mưa, mang vác, khiêng gánh dìu dắt nhau theo một con kênh từ trong Làng ra sông. Chớp dăng, sấm nổ, mưa đổ, gió dồn, thật là trời giúp ta. Ra khỏi trùng vây, 3 Đại đội hỏa lực chờ sẵn để cáng thương chôn tử sĩ. Gặp ruộng dưa hấu, mọi người sà xuống, không phải gọt cứ thế ăn sấn,

Quân 14 khiêng thương, y tá Miên và Cống khiêng Chính ủy Trung đoàn Hải. Đến Thôn 3 Sơn Trà gặp pháo địch bắn, bỏ cả Thủ trưởng giữa đường tìm nơi ẩn nấp.

Lúc này 03 giờ 15 phút rạng 06/8/1971, Khẩu đội Đại liên về Sơn Trà gặp Đại đội 14, chúng tôi nghỉ ở ven suối. Sáng hôm sau thịt 8 con gà đã vặn cổ từ đêm hôm trước ở ấp 6. Tôi tìm được hầm bí mật của du kích trong bụi tre bên bờ suối, bật quẹt chui vào ngủ một giấc cho đến chiều.

18 giờ chiều 06/8/1971, lệnh rút quân về Ốc Sồi, lên hang Hòn Tàu nghỉ tắm giặt, ở đó 3 ngày.

16 giờ 09/8/1971, ăn cơm chiều xong mang vắt cơm để ăn đêm rồi men theo Sườn phía Nam núi Hòn Tàu đến ngã 3 cây xoài vượt lên gần đỉnh đèo Le. Một quả bom chất độc da cam của Mỹ chưa phun, từ máy bay ném xuống không biết từ bao giờ vỡ ra, hơi độc bốc lên suốt năm này đến năm khác. Người qua đây ai cũng bị hắt hơi, chảy nước mắt, phải nhịn thở mà chạy qua.

Đến ngã 3 suối Cát - Sơn Phúc, trinh sát Trung đoàn đi trước gặp địch phục kích, bấm mìn cờ lê mo làm chết 2 người. Đường qua Sơn Phúc không đi lọt được phải đi theo góc phương vị, ngàn dặm trường chinh, đến đây tắc đường phải đi qua Xuyên Sơn.

Trăng đầu tháng đã lặn, lúc này là 23 giờ đêm, trời tối, gần địch, người ngậm tăm, đồ đoàn cột chặt chẽ; trinh sát đi trước dọn đường vừa đi vừa tìm hướng. Chúng tôi đi dưới chân núi phía bắc núi Yên Ngựa. Đội hình hành quân mấy bước lại ngồi, nhiều đoạn chui vào rừng tối như bưng lấy mắt.

Bộ binh súng máy nhẹ chui rúc dễ dàng; Hỏa lực toàn súng lớn, đã nặng lại cồng kềnh, leo lên đã khổ, xuống dốc cứ ngồi trên cỏ xanh đánh trượt. Đi cả đêm gần sáng mới đến Thôn 3, Sơn Phúc. Các đơn vị dạt vào bụi cây, xó rừng, tìm nơi mắc võng nấu ăn. Một ngày chui rúc bờ khe và bụi cỏ.

17 giờ tối ngày 10/8/1971, chúng tôi lại ra đi mang theo vũ khí đến Thôn 5, Sơn Phúc. Leo lên bãi Cau, vượt dốc Tranh xuống suối Đá phía tây nghỉ uống nước, ăn cơm vắt, lúc này đã 2 giờ đêm rạng ngày 11/8/1971.

Gần 100 quả pháo từ Đông Sơn – Trung Phước bắn trần dọc suối, mọi người tìm nơi ẩn nấp. Huê chui vào kẽ đá, lúc ngớt pháo chui ra không được, anh em phải lấy xẻng xúc cát dưới hườm đá cho rộng, đánh tụt xuống để Huê bò ra.

Đến rừng Dầu Giái thì trời sáng không đi được nữa. Chúng tôi xuống bên suối mắc võng ngủ. Anh nuôi nấu cơm. 9 giờ nửa buổi, chiếc 2 thân bắn đạn 20ly, từng khúc dây băng từ trên máy bay quăng xuống, xoảng một cái sượt qua đầu tôi, may là không sao.

14 giờ chiều 11/8/1971, chúng tôi tiếp tục đi, lội dọc suối 9 khúc đến Thôn 1, Thạch Bích phía bắc sông Thu Bồn. Đi dọc sông, men sườn núi về phía tây 1000m đến Tý Nở, đợi đò sang Tý Sé, lên hết cửa danh là 23 giờ đêm, mắc võng ngủ.

Sáng 12/8/1971, cơm nước xong, vượt cao điểm 600, qua ngã 3 Nước đến ngã 3 Quế Sơn, không đi về dốc 13 mà đi phía Tây – Nam chân núi Bàn Cờ. Về đến phía tây dốc Bền gần Hậu Cứ. Trung đội nghỉ bắt ốc, kiếm rau rừng nấu cơm ăn. Hóa từ hậu cứ ra đón hỏi: Trung đội có mất thằng nào không? Lúc này là 13 giờ 12/8/1971.

Trong trận này, Trung đội 1 đi với K8 đánh ấp Trà Kiều, hy sinh, thương vong 11 người. Chúng tôi rút lui qua Sơn Hiệp sang Sơn Trường về Sơn Phú vượt sông Thu Bồn đoạn Phú Sơn Nam về cửa danh Khe Dèn nghỉ ở xóm Lộc Đại.

Đến lúc đó, quân ta đã quá mỏi mệt, binh la mã liệt. Về đến nơi đồ đoàn trang bị, súng máy vất cả trong bụi tre, xuống suối tắm. Hai chiếc trực thăng UH1 phành phạch bay đến, một chiếc đỗ hẳn xuống sân nhà anh Năm Vũ, bắt hai vợ chồng họ chở về Ái Nghĩa.

Từ 18/8/1971 các xạ thủ số 1, số 2, số 3, Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng ở nhà huấn luyện kỹ thuật 1 tháng. Bộ phận lấy gạo ở đồng bằng; bộ phận tăng gia trồng sắn ở bản Mực nuôi gà, heo để thêm cái ăn cho bộ đội.

20/8/1971, sau đợt huấn luyện, Trung đội 2 xuống chốt cửa danh Khe Cốc làm nhiệm vụ trung chuyển. Mùa mưa, đường đi toàn lội, sông suối nước đầy, nhiều đoạn phải bơi, ngày đêm ngấm nước người nhợt nhạt như chết trôi.

Ngày 26/8/1971, chúng tôi 7 người đi lấy gạo. Nửa đêm nước lũ từ miền Tây sông Ma Vương, sông Bung đổ về, nước từ ngọn sông Thu Bồn bên Quảng Nam chảy sang vùng B Đại Lộc. Nước lũ ngập tới nóc nhà chỉ, còn phất phơ bụi cây và các gò đồi thấp. Chúng tôi mỗi người ôm một khúc chuối trôi nổi như chuột. Ban đêm thì lên gò tìm kiếm cái ăn, ban ngày thì bơi ra các ngọn cây phất phơ bên bờ suối. Trực thăng địch đỗ xuống các gò hót dân đưa xuống vùng địch.

Phải đợi 6 ngày nước rút mới lên danh, ai cũng đổ bệnh. Nước cạn lại đi, gạo ngô ngâm thối vẫn lấy. Trên những đoạn đường địch phục đều phải đi tránh, xuyên qua các làng, qua cánh đồng, thường gặp trực thăng soi đèn.

Lúc lội, lúc bơi, lúc chui, lúc rúc, lúc chạy, lúc nằm tránh những loạt pháo. Đồng không mông quạnh, những làng mạc hoang vu không người ở. Những bãi tha ma, những nơi nhiều người bị Mỹ giết phơi xác trên đường v.v…

Ngày 03/10/1971, tôi Hin, Tích, anh Bác, anh Đức từ Cửa Danh đi ra, lúc 14 giờ chiều đến gò Thạc Phước, phía sau có tiếng phụ nữ giọng miền Bắc:

- Có đồng hương Hải Dương không?

Trời ơi, đã lâu nghe tiếng quê hương nhẹ và êm như tiếng chim khướu.

- Có đây!

Hin dừng lại. Chúng tôi đứng đợi, 4 người, hai nữ 2 nam sịch đến.

Một cô gái reo lên:

- Chúng em vào đây 6 tháng rồi.

Thì ra đó là cô Hải quê Thanh Miện y sĩ quân y. Cô Lan cũng là y sĩ quân y quê Hà Tây, cùng quê anh Bác, anh Đức và Tích. Hai cô cùng gặp đồng hương thì mừng quá.

- Chúng em đang vào cơ quan tỉnh Quảng Đà ở chân dốc Ông Thủ. Đi tới đâu cũng hỏi thăm, tình cờ gặp các anh đây, mừng ra nước mắt, nén đau lại cười.

Chúng tôi cũng vậy, như được liều thuốc bổ, vừa đi vừa nói chuyện với các cô gái đồng hương, vui quá.

Nơi đây cách hậu cứ Dốc Bền của chúng tôi 2 tiếng đi bộ đường rừng. Hết gò Thạc Phước phải vượt qua một con suối. Chúng tôi trải ni lông gói đồ, cả bọn vượt sông. Tôi bơi ra dìu cho Hải qua sông. Đến Giảng Hòa lấy được gạo, về đến Phú Thuận vào quán Bà Sơn nghỉ. Chúng tôi ăn cơm vắt, ở đó có mấy cô gái địa phương làm ở cơ quan Tỉnh đội về trước mắc võng ngủ.

2 giờ đêm rạng 04/10/1971, chúng tôi lên danh, mờ sáng đến lối rẽ Khe Dèn thì bọn Hải và Lan cùng 2 thanh niên về dốc Ông Thủ.

Ngày 06/10/1971, Trung đội trưởng Thành cử tôi về hậu cứ lấy tiền mua hàng.

*

Chiều 06/10/1971, Trung đội 2 cử 8 người đi Tiền An lấy gạo. Gần 200 người của các đơn vị Mặt trận tỉnh, Quân khu và các Trung đoàn chủ lực cùng đi. Đoàn quân vượt sông đoạn Thôn 10, xã Đại Cường đi qua đường 14 đến tiền An. Không may, đội hình đi vào khu địch phục kích, 4 quả mìn cờ lê mo cùng nổ một lúc ở hai đầu và khúc giữa, làm chết và bị thương 47 người của các đơn vị. Đại đội 14 hy sinh 3, Hùng số 2, Dậu số 2 súng 12 ly 7 và anh Hôn; chú Như người thôn Phương Luật bị thương nặng, một chú ở Tiểu đoàn Thông tin Mặt trận 4.

Số thoát chết chạy được, sau đó tổ chức lại đi tìm tử sĩ, cứu thương binh đưa về bên sông, còn tử sĩ đem sang bãi ngô bên bờ bắc sông Vu Gia bới đất chôn tạm để hôm sau mới đem về bên sông vì trời đã rạng đông.

9 giờ ngày 07/10/1971, quân Ngụy đi tìm kiếm, phát hiện được số tử sĩ của ta, liền gọi máy bay trực thăng đến bốc đem về quận Ái Nghĩa. Chúng phơi xác 32 tử sĩ quân giải phóng, quảng cáo cho chính quyền và dân vùng địch biết để lấy thành tích.

Ngày 08/10/1971, lúc 7 giờ quản lý Cời đưa cho tôi 60 ngàn bảo đem xuống trạm trung chuyển mua hàng. Tôi vượt dốc Bền qua khe Hoa đi đến ngã 3 đường đi Dốc Gió và đường đi Dốc 76. Tôi đi đường đi Dốc Gió được chừng trăm mét, không biết linh tính thế nào tự dưng quay ngoắt đi đường dốc 76.

Lúc này là 14 giờ 08/10/1971, một mình 1 súng AK, dây lưng lựu đạn lên dốc qua bệnh viện 76. Lên dốc ngồi nghỉ ăn trưa rồi đi xuống chừng 1/3 dốc trên; trời nắng to. Nghe tiếng động cơ chiếc tàu bay Mô Hốc bay tít trời xanh dẫn đường cho 3 chiếc B52 rải bom từ dưới bãi Văn Công vòng theo dọc khe chân dốc 76 về phía Bắc rồi vòng lên phía trên dải bom ngược theo khe phía đông bắc. Tiếng nổ liên hồi như sấm rền, trống trận; bom nổ ngay dưới dốc tôi đang định xuống. Thật khủng khiếp! Một dải rừng già, mây đen, khói tỏa. Hai chiếc trực thăng vũ trang, một chiếc tàu gáo bay lên theo dọc khe kiểm tra lại trận địa B52 quần đi quẩn lại rồi đi mất.

Đã 16 giờ chiều, đợi không có ai ở trong đi ra tôi thấy sợ, chẳng lẽ lại quay lại viện 76 ngủ. Đến 17 giờ có 3 người dưới đi lên. Tôi đón hỏi thì là Thuật cùng Đại đội 14 được Trung đoàn cho đi học y tá ngắn ngày ở bệnh viện 76. Thuật nói, tụi tôi đi vượt lên trước, phía sau có 10 người không biết có dính bom không?

Trời sắp tối, đường còn xa cũng thấy sợ xong cũng phải liều thôi. Một mình tôi đi xuống gần đến khe thấy một người rúc đầu vào gốc cây bị mất miếng mông, hai người chết tại chỗ cũng mặc, cứ đi cho nhanh; cây đổ ngổn ngang, leo lên, chui xuống rất là khổ cực.

Mỗi chỗ vài xác chết phập phều, máu chảy đỏ khe. Trời nhập nhoạng tối, đến bãi Văn Công thấy 4 - 5 người chết, cụt tay, lòi ruột, mất đầu, gãy chân. Một người bị một hòn đá to đè trên lưng, mắt trợn, lưỡi lè, mồm há trông sợ quá. Tôi tưởng đi vào cõi Diêm Vương, nổ liền mấy loạt AK cho đỡ sợ. Sẵn bụi tre nứa đổ nát, tôi rút dao găm chặt cây khô làm bó đuốc đốt lên cho sáng. Bên đường nhiều cây khô, tranh, chít. Tôi quơ đốt một dặng dài, cả góc rừng thành biển lửa.

Lên một cái dốc, không cao, một xác chết một nửa từ hai tay với cái đầu nằm chắn lối, nửa 2 chân ở phía trên, bộ ruột lòng thòng vắt lên cành cây. Tôi quơ đuốc soi thấy người nhỏ bé, tưởng là Huê cùng Đại đội. Soi vào chân thấy đi dép nên biết không phải Huê; chiếc gùi ngô để trên hòn đá vẫn còn. Xuống gần chân dốc thì bó đuốc cũng sắp hết, tôi lại tìm tre nứa bó thêm, lại nổ mấy loạt súng để đuổi ma.

Lội dọc khe Cốc về đến nơi tập kết là 22 giờ đêm ngày 08/10/1971. Trung đội trưởng Thành hỏi tôi, có gặp thằng Trung gùi ngô về không? Tôi bảo không. Thành bảo, thế thì dính bom rồi.

Xạ thủ số 1 Trung bắn rơi 10 máy bay. Sáng nay Trung cùng với Tích anh nuôi, Luật y tá đi gùi ngô về hậu cứ, nếu đi đường dốc 76 thì an toàn. Ba người lội dọc khe theo đường dốc gió, đi đến ngã 3 đường đi C10 thì dính bom. Trung bị gẫy xương sống, Luật bị thương vào vai ở lại băng bó và trông nom Trung, còn Tích không bị thương về báo đơn vị.

Đại đội phó Quần cùng 6 người mang võng, cáng đốt đuốc mà đi lần mò đến 12 giờ đêm mới tìm tới thì Trung đã chết lúc 18 giờ tối. Luật ngồi đó một mình với đống lửa, với đồng đội. Lượm gói xong đem ra hố bom, bê đất đá xếp lên thành mộ. Hóa bắn mấy loạt súng vĩnh biệt.

Như vậy, Đại đội 14 có 2 “Dũng sĩ bắn máy bay” và “Dũng sĩ diệt Mỹ” thì Tiểu đội phó Cát hy sinh ngày 17/02/1971, xạ thủ số 1 Trung hy sinh 08/10/1971. Mỗi người nằm ở ngang sườn dốc gió kẹp 2 bên phía nam và bắc núi Bàn Cờ.

(Còn nữa)

Đ.V.H

Trái tim người lính