Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Sáng ngày 25/11/2021, sự kiện Bữa sáng Ruy Băng Trắng với chủ đề “Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và thực hành nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em gái.
ruy-bang-trang-1637937396.jpg
 

 

Ngày 25/11/2021, tại Hà Nội sự kiện Bữa sáng Ruy Băng Trắng với chủ đề: “Nhạy cảm giới trong xét xử các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch COVID-19” đã diễn ra. Sự kiện do Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đồng tổ chức. Qua đây nhằm nâng cao nhận thức và thực hành nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em.

Với vở kịch ứng tác mô phỏng phiên tòa xét xử sơ thẩm một vụ án bạo lực với phụ nữ do đạo diễn Bùi Như Lai chỉ đạo nghệ thuật và sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam biểu diễn như Nghệ sỹ Nhân dân Trung Anh, Nghệ Sỹ Ưu tú Nguyệt Hằng, các đại biểu tham dự sự kiện đã cùng nhau thảo luận về các chủ đề quan trọng bao gồm nhạy cảm giới, định kiến giới, bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong hoạt động tố tụng. Sự kiện cũng đề ra các bài học, kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng thực hành nhạy cảm giới vào trong hoạt động xét xử nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em tham gia tố tụng.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đã đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng bạo lực giới ở nước ta. Cứ trong 3 phụ nữ có 1 phụ nữ trải qua bạo lực thể chất hoặc tình dục trong đời. 38% các vụ giết hại phụ nữ là do chồng, bạn đời gây ra. 30% phụ nữ trên thế giới nói rằng trải nghiệm tình dục đầu tiên trong đời của họ là do bị cưỡng bức. Bạo lực tình dục có ảnh hưởng tới 35% phụ nữ trên toàn cầu. Mỗi ngày 137 phụ nữ trên toàn cầu bị giết hại do chính người chồng hoặc bạn đời của mình và phụ nữ trong độ tuổi 15 – 44 dễ bị hiếp dâm và bạo lực hơn là xảy ra do tai nạn giao thông, sốt rét hoặc bị thương… Qua đó cho thấy tình hình bạo lực với phụ nữ vẫn là vấn đề nhức nhối.

 Là người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề giới, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS nhấn mạnh rằng, chính những tế nhị, nhạy cảm về vấn đề tình dục với phụ nữ khiến cho nhiều phụ nữ ngần ngại. Điều đó lí giải vì sao 90% vụ bạo lực với phụ nữ do chồng, bạn trai đều rơi vào im lặng. Phụ nữ không dám tố cáo, lên tiếng tìm công lý cho mình vì sợ bị đặt câu hỏi. Là nạn nhân nhưng họ rất có nguy cơ bị lên án, chê trách, đổ lỗi. Trong một nền văn hóa như vậy nếu người tố tụng, cơ quan tố tụng…mà vẫn mang những định kiến tình dục của người phụ nữ thì còn rất nhiều vụ việc bạo lực ở Việt Nam, đặc biệt là về tình dục rơi vào im lặng. Phụ nữ mãi trở thành nạn nhân mà không bao giờ được hỗ trợ.

“Ngoài ra, phần lớn các gia đình ở trong các vụ việc xâm hại tình dục muốn im lặng, che giấu không muốn đưa ra công lý không phải vì không thương con mà sợ bị tai tiếng. Nguy cơ bị chê trách rất cao nên nhiều gia đình không ủng hộ, đồng hành con lên tiếng đòi lại công lý” – TS Hồng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng ban Vì sự tiến bộ Tòa án nhân dân tối cao khẳng định: “Tòa án là cơ quan tư pháp thực thi công lý, bảo vệ quyền con người và đảm bảo rằng các quy định của pháp luật trong đó các nội dung liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới được áp dụng hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực, kể cả bạo lực tái diễn, buộc người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm và cung cấp bồi thường, khắc phục hậu quả cho nạn nhân. Tòa án cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng quyền bào chữa của bị can, bị cáo không làm ảnh hưởng tới quyền được đối xử phẩm giá và sự tôn trọng của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.”.

Theo các chuyên gia, vai trò trung tâm của tòa án nhân dân, nhất là Tòa án nhân dân tối cao trong sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ cần phải xét xử, giải quyết các vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định để bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Quan trọng hơn, trong quá trình tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải có nhận thức về giới,  nhạy cảm giới và trách nhiệm giới để từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em trong cả lời nói lẫn hành động.

Trong phần thảo luận bàn tròn với đại diện thẩm phán, luật sư và các chuyên gia tại sự kiện, bà Gaelle Demolis, Quyền trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “việc xét xử các vụ việc bạo lực cần lấy phụ nữ, trẻ em bị bạo lực là trung tâm, ưu tiên sự an toàn và nhu cầu thực tiễn của họ, đồng thời phải yêu cầu người gây bạo lực chịu trách nhiệm với hành vi của mình”.

Kết thúc sự kiện, các đại biểu đã thể hiện cam kết thực hành nhạy cảm giới trong xét xử các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng như đại dịch COVID- 19.