Ông rời cõi tạm trong ngày Hà Nội mưa lạnh và giá rét, khiến gia đình, bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ không khỏi chênh chao. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - cho biết: “Đã biết tin anh Nguyễn Tài Tuệ bị hôn mê sâu, dẫu biết anh không qua khỏi, nhưng trong lòng vẫn đau xót, tiếc thương một nhạc sĩ đàn anh tài năng, đức độ, cả một đời dành cho âm nhạc. Những tác phẩm: Xa Khơi, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó… là những đỉnh cao vời vợi của ca khúc Việt Nam mà anh đã để lại cho chúng ta. Anh mất đi, Hội Âm nhạc Hà Nội mất một cây cột cái, một tiếng nói khiêm nhường, vô tư. Những lời nhận xét trung thực, chân thành đã giúp đỡ nhiều nhạc sĩ hội viên của Hội trưởng thành. Tiếc thương anh lắm, nhưng biết làm thế nào với quy luật cuộc đời. Yên nghỉ Anh nhé! mọi người sẽ không quên Anh - Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ”.
Tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi mới là cô phóng viên âm nhạc của Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam (một Hệ phát thanh bằng 12 thứ ngữ cho người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế). Những lần đầu gặp gỡ, chủ yếu tôi phỏng vấn và nghe ông tâm sự chuyện đời, chuyện nghề và những đứa con tinh thần mà ông chắt chiu qua bao năm tháng miệt mài mới có được. Ấy vậy mà cũng đã gần 30 năm trôi qua kể từ lần gặp đầu…
Ngược dòng thời gian, tôi còn nhớ, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/5/1936, ở Thanh Chương - Nghệ An. Những năm 1955, ông là diễn viên ở Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương, với vai trò là ca sĩ tham gia trong dàn hợp xướng cùng các nghệ sĩ Quốc Hương, La Thăng, Mai Khanh. Năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên (Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái). Đầu năm 1959, ông về Hà Nội công tác tại Ban nghiên cứu âm nhạc dân gian - tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc và cũng chính thời gian này ông đã viết: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và Xa khơi. Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Năm 1966 - 1972, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Về nước, ông công tác ở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật…
Vốn là người kiệm lời khi nói về mình, nhưng ông lại là người thật sự cởi mở, và một chút hài hước khi trò chuyện với những người ông đã gặp nhiều lần và trở nên thân tình. Rồi tôi tham gia sinh hoạt Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội nhạc sĩ Việt Nam, rồi cơ duyên đưa tôi về công tác tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam là cơ hội để tôi gặp gỡ được nhiều thế hệ nhạc sĩ lão thành, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Tôi được trò chuyện với ông nhiều hơn, cả về cuộc sống, công việc và ở nhiều lĩnh vực mà ông tỏ tường. Những cuộc gặp gỡ ấy tôi cho đó là may mắn để tôi được nghe những lời chỉ bảo ân cần từ người nhạc sĩ lão thành tài hoa, trí tuệ mà khiêm cung, mực thước và bao dung. Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng là một trong số những người đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi tài năng, tầm vóc của ông trong giới âm nhạc mà ông còn đặc biệt bởi một lẽ khi trò chuyện với các nhạc sĩ hàng em/cháu, ông luôn tỏ ra thích thú và luôn khích lệ thế hệ trẻ bằng những câu như: “Tớ thích điều đó!”, “Ồ lạ nhỉ”, “Bạn nên phát huy”...
Sinh thời, ông từng kể, khi viết Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, lúc ấy ông mới 23 tuổi và chưa một lần đặt chân tới Cao Bằng hay hang Pác Bó, nhưng có lẽ thời gian công tác ở Lao Cai, Hà Giang, Yên Bái, sống với đồng bào ở giữa núi rừng, đã cho ông những trải nghiệm vô cùng quý giá. Ông đã viết tác phẩm này bằng tình cảm lớn lao của sự tri ân công đức đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm xúc dâng trào và tất cả những ca từ được viết ra được chắt lọc từ vốn hiểu biết của ông cùng những kiến thức, tài liệu ông đã sưu tầm được về Bác Hồ, về chiến khu Việt Bắc, vùng đất Cao Bằng. Không những thế, ông còn tìm hiểu về nghệ thuật hát Then và cây Tính tẩu, rồi những điệu Sli Lượn của đồng bào Tày, Nùng và cứ thế Tiếng hát giữa rừng Pác Bó ra đời đầy thiết tha tình cảm. Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng không mường tượng được Cao Bằng sau 40 năm, lần đầu ông đặt chân tới mà trong trí tưởng tượng của ông từ 40 năm trước lại có những giao cảm đến lạ. Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương thu âm lần đầu tiên năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19/5/1959). Sau này, có nhiều nghệ sĩ chọn thể hiện và gần như trong nhiều cuộc thi các thí sinh đều chọn Tiếng hát giữa rừng Pác Bó để thể hiện vì tầm vóc của tác phẩm tạo được đất diễn để thí sinh cũng như nhiều nghệ sĩ khoe được kỹ thuật điêu luyện qua giọng hát của mình. Điều đặc biệt, tác phẩm này còn giành được nhiều giải thưởng của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL), Hội nhạc sĩ Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam. Tiếp đó, năm 1962, ông viết tiếp ca khúc Xa khơi và đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong Cuộc vận động Sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước. Cùng với đó là hàng loạt tác phẩm như: Xuân về trên bản Nhắng, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Mơ quê; hay các tác phẩm khí nhạc như: Giao hưởng thơ Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano)... ngoài ra ông còn viết nhạc cho múa, ca cảnh.
Nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời, ca sĩ Đào Tố Loan - solist của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam - xúc động chia sẻ: “Loan gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ rất nhiều lần, nhưng lần gần nhất chính là những ngày giáp Tết Nhâm Dần. Đây là lần duy nhất và sẽ là kỷ niệm khó quên với Loan khi được Bác nghe bài và chỉ dạy luyến láy, từng câu, từng chữ trong tác phẩm của Bác. Một buổi tối được đến nhà hàn huyên trò chuyện với cả hai bác trai, bác gái thật ấm áp. Bác Tuệ là một người cẩn thận, kỹ tính. Bác có trái tim ấm áp, nhẹ nhàng, ôn hoà, thể hiện rõ một kho tàng âm nhạc trong tâm hồn. Một tượng đài bất hủ với những tác phẩm đi cùng năm tháng, ăn sâu vào lòng công chúng yêu nhạc Việt Nam. Sau khi nghe Loan hát, Bác nói: “Bác nghe Loan hát nhiều lần rồi và Bác rất ngưỡng mộ giọng hát và kỹ thuật của con về cổ điển thính phòng, nhưng hôm nay Bác còn vui hơn và cảm giác ấn tượng với con. Con hát cả những tác phẩm Việt Nam của các nhạc sĩ khác rất hay, để lại dấu ấn… Bác mừng vì Việt Nam chúng ta có người nghệ sĩ như con hát cả Cổ Điển Opera và cả những ca khúc Việt. Bác thấy con hát nhiều thể loại và con đã làm rất tốt ở mỗi thể loại…”
Đối với Loan, lời khen của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là hạnh phúc vô bờ, vừa là động lực để Loan cố gắng, học hỏi và sáng tạo, khám phá bản thân để cống hiến cho Nghệ Thuật. Nhạc sĩ ra đi là nỗi mất mát lớn trong lòng Loan… Cuộc sống vô thường quá, con buồn lắm Bác ạ! Vô cùng tiếc thương Bác, cầu mong linh hồn Bác được siêu sinh tịnh độ nơi cõi Phật!”
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người sáng tác đa dạng ở nhiều thể loại, đề tài, song ông là người cầu toàn, kỹ tính và cẩn trọng trong việc công bố tác phẩm đến với công chúng. Ngoài sáng tác, ông còn tham gia viết sách và là cố vấn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những người góp phần tích cực trong việc chống xâm phạm quyền tác giả, bởi ông cho rằng: Bảo vệ quyền tác giả là thúc đẩy sáng tạo mang lại sự công bằng văn mình cho mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - xúc động nói: “Thế là nhạc sĩ tài hoa, tác giả của tác phẩm Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó đã rời cuộc rong chơi đầy tình người với bạn bè, đồng nghiệp ở cõi tạm này. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - thành viên Hội đồng cố vấn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã trên 10 năm. Rồi đây những cuộc họp Hội đồng cố vấn VCPMC sẽ vắng bóng nhạc sĩ mãi mãi. Ông đã không kịp ở lại với Trung tâm cho trọn nghĩa vẹn tình nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Những tên tuổi lớn của Hội đồng cố vấn lần lượt ra đi như những con chim hạc đang bay về trời: Luật gia Đỗ Khắc Chiến, Nhạc sĩ Vũ Mão, Phó Đức Phương và nay là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Con và đồng nghiệp Trung tâm xin cúi đầu thắp nén hương lòng tiễn biệt Chú về nơi vĩnh hằng. Chúc chú bình yên trong giấc ngủ nghìn thu!”
Vẫn biết quy luật của cuộc đời: sinh lão bệnh tử không thể cưỡng cầu, song tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ qua đời khiến ai nấy bàng hoàng, bởi tuy có tuổi nhưng ông sống chừng mực và rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Không biết có phải vì sau khi bị nhiễm Covid -19, mặc dù đã được các bác sĩ điều trị khỏi bệnh, nhưng covid đã khiến sức khỏe của ông giảm sút, khi gặp thời tiết giá rét mùa đông đã khiến ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu và qua đời khiến gia đình, giới âm nhạc và người hâm mộ xót xa.
Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - khẳng định: “Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Đặc biệt với tôi thì ông là người mẫu mực trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo. Đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong lĩnh vực âm nhạc thật đa dạng, từ sáng tác, lý luận, đến biểu diễn, đào tạo. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đặc biệt yêu âm nhạc dân tộc. Trong nhiều năm công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, ông viết sung sức và khai thác triệt để tính năng nhạc cụ cũng như những yếu tố đặc trưng vùng miền trong âm nhạc dân gian để đưa vào tác phẩm. Nhất là âm nhạc dân gian Tây Bắc và Tây Nguyên, khi được ông lựa chọn lấy dân ca làm gốc, phát triển trở thành những tác phẩm đương đại có đời sống bền trong công chúng. Là người nhạc sĩ đa tài, thông tỏ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong âm nhạc, nhưng ông sống giản dị, khiêm nhường và luôn rộng lượng chia sẻ với thế hệ trẻ và luôn đưa ra những ý kiến tổng quát, thực tiễn về những vấn đề mà chúng tôi thắc mắc hoặc chưa tỏ tường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Là người may mắn được chỉ huy nhiều tác phẩm của ông, được ông chia sẻ, khiến tôi cũng có được cách tiếp cận với tác phẩm một cách nhanh hơn để có thể truyền tải giá trị, linh hồn tác phẩm đến với công chúng một cách tốt nhất”.
Với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, ông cho rằng: đã là người nghệ sĩ thì vừa phải có Tâm, vừa phải có Tài và chủ yếu do sự cần mẫn, miệt mài lao động mới có được. Đặc biệt, vốn sống, kỹ năng sống và cội nguồn văn hóa dân tộc hình thành nhân cách và sáng tạo của người nghệ sĩ.
Với những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001) với các tác phẩm: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Xôn xao bến nước và bản sonate cho đàn T'rưng và piano.
---
Đọc thêm những thông tin mới nhất về văn hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển - https://nongthonvaphattrien.vn/