Nhớ tháng ba Tây Nguyên

Phạm Thị Phương Thảo

30/03/2022 11:13

Theo dõi trên

Bạn rủ đi Tây Nguyên chơi! Mong sao sớm được gặp lại Tây Nguyên vào dịp tháng ba, vào lúc cuối xuân - tháng đẹp nhất trong năm của đất trời Tây Nguyên. Sẽ  đúng mùa hoa pơ lang nở đỏ rực và hoa như những đốm lửa đang bùng cháy lưng trời!

hoa-po-lang-1648613509.jpg
 

 

Bầu trời Tây Nguyên tháng ba cao xanh lồng lộng hơn và  trong vắt dưới ánh nắng chói chang của Tây Nguyên. Tiếc là đã không thể đi đâu xa dịp này, dẫu tháng ba cứ lặng lẽ đi qua! Đành gửi nỗi nhớ về Tây Nguyên qua những ca khúc xưa!

Lòng chợt nôn nao nhớ tới những hình ảnh đã ghi dấu trong ký ức kỷ với Tây Nguyên. Nhớ giấc mơ rừng xanh từ thuở nhỏ khi mới dăm sáu tuổi đã biết hát vang: “Mùa Xuân về, em nhớ Tây Nguyên bao la. Nghe rừng già vang lên tiếng đàn To rưng reo…”! Hỏi Tây Nguyên rằng cây rừng bao nhiêu lá? “Có bao nhiêu dòng suối đại Tây Nguyên ơi? Như cánh hoa Pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên…”. Lời ca ngọt ngào  trong ca khúc “ Em là hoa po lang” cùng hình ảnh những con người của đại ngàn xanh luôn khao khát yêu cuộc sống, yêu tự do. Tây Nguyên mùa tháng ba khi con ong đi lấy mật vẫn chan chứa sức Xuân. Nhớ những mùa phát rẫy làm nương khi lòng ta đang ngập tràn tình yêu với thiên nhiên, sông suối và núi rừng!

Tháng ba Tây Nguyên bỗng rực đỏ hơn bởi sắc hoa pơ lang! Lòng tôi rạo rực hơn bởi những lời ca trong ca khúc “ Đi tìm nữ thần mặt trời “! Nắng mới tháng ba đang chiếu rọi và rờ rỡ tỏa sáng để lòng ta cũng muốn được ngân lên giai điệu của cung đàn Chapi da diết của nhạc sĩ Trần Tiến! Phải rồi, chính âm nhạc và núi rừng đã chọn vùng đất Tây Nguyên khiến cho các nhạc sĩ tài năng tỏa sáng. Có những vẻ đẹp từ xa xưa, cái đẹp phóng khoáng, hoang sơ, trầm buồn, bí ẩn, luôn làm rung động, mê đắm lòng người!

Nhiều người chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên nhưng đã hiểu Tây Nguyên phần nào qua những giai điệu da diết và cháy bỏng ấy. Tôi nhớ giai điệu và lời ca ngọt ngào vẫn vang lên qua ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến đầy mê dụ. Thì đó, rằng ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì hãy lên với núi để mà uống rượu cần và thả sức nghe tiếng đàn Cha pi! Tiếng đàn như vẫn ngân lên đau đây quanh ngọn lửa bập bùng đầy mê hoặc!

Đó còn là hình ảnh những chàng trai, cô gái và những già làng quắc thước và tuy kham khổ nhưng bất khuất. Những người con anh dũng quật cường của đại ngàn Tây Nguyên năm xưa. Tất cả họ như được sống dậy và bước ra từ trong tác phẩm “Đất nước đứng lên “ của nhà văn Nguyên Ngọc. Một ngày mùa Xuân lộng lẫy tháng ba, họ bỗng chốc quay về! Đó là hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng của chàng Đam San nổi tiếng với sự dũng mãnh trong thiên sử thi “Trường ca Đam San “ ngày nào! Họ là những hình ảnh tiêu biểu về mơ ước và khát khao cháy bỏng của người dân E đê về sức mạnh tình yêu và sức mạnh chinh phục tự nhiên. Đó là biểu tượng đẹp đẽ của những người con Tây Nguyên luôn yêu tự do, thích sống phóng khoáng, lại có thừa lòng dũng cảm. Họ gan góc, tóc gió tung bay, có sức mạnh trời cho. Những chàng trai đi tìm mặt trời với tầm vóc, dáng hình hiên ngang. Họ hiện lên trong huyền thoại, giữa đất trời, giữa núi rừng, giữa nơi đại ngàn nắng gió!

Không phải ngẫu nhiên mà Tây Nguyên  luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ, nhà thơ, những văn nghệ sĩ. Những tên tuổi tài năng như Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor , Linh Nga Niê Kdam, Siu Black, Y Moan...và nhiều tên tuổi nghệ sĩ tài danh khác đã làm nên những tác phẩm độc đáo về vùng đất này! Tôi may mắn khi có nhiều dịp đã đến với Tây Nguyên. Tranh thủ thời gian quý báu để đi tìm “lời ru mặt trời “ từ ngay trong ý nghĩ. Đến khi bắt gặp những ngọn gió cao nguyên vi vút thổi bay tung trên tóc mình! Khi được đi dạo ngắm Biển Hồ xanh biếc trong một buổi chiều đầy nắng từ nhiều năm trước, bỗng thấy vẻ sâu thăm thẳm của “Đôi mắt Playku”! “Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi Mắt Playcu biển hồ đầy”, bỗng thấy sao mà thương, sao mà nhớ!

Nhiều người bạn tôi chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên nhưng họ đã hiểu Tây Nguyên phần nào qua lời tôi kể, sau khi đã nghe những giai điệu da diết và cháy bỏng ấy. Tôi nhớ đến giai điệu và lời mời gọi ngọt ngào vẫn còn vang lên qua ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, thì đó, rằng ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì hãy lên với núi để mà uống rượu cần và nghe những tiếng đàn Cha pi!

phuong-thao-1648613518.jpg
 

Đó là hình ảnh những chàng trai, cô gái và những già làng quắc thước và kham khổ mà anh dũng của đại ngàn Tây Nguyên. Tất cả họ như được sống dậy từ trong tác phẩm “Đất nước đứng lên “ của nhà văn Nguyên Ngọc và một ngày bỗng chốc họ lại quay về! Đó là hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng của chàng Đam San nổi tiếng dũng mãnh trong thiên sử thi “Trường ca Đam San “ từ ngày nào! Họ là những hình ảnh đặc trưng về mơ ước và khát khao cháy bỏng của người dân E đê. Khao khát về tình yêu, về sức mạnh chinh phục tự nhiên, một biểu tượng đẹp đẽ của những người con Tây Nguyên. Họ luôn yêu tự do, thích sống phóng khoáng, có lòng dũng cảm và sự hoang sơ, gan góc giữa đất trời, giữa núi rừng nơi đại ngàn nắng gió!

Tôi cũng từng lang thang vào rừng xa và tận mắt ngắm những ngọn thác nổi tiếng ở cao nguyên Đăc Lắc! Khi đứng dưới chân những ngọn thác cao vời kia để thấy đêm là thác đổ. Nhìn vào ngọn thác trắng xoá đang ầm ầm réo vang kia giữa cánh rừng, những ngọn thác mang tên chồng vợ của Dray Sap và Dray Nu kỳ vĩ, để thấy con người chúng ta thật là bé nhỏ trước mẹ thiên nhiên! Thế mới biết tình yêu có từ ngàn xưa. Tình yêu  vốn đẹp đẽ và có thứ sức mạnh tựa như thác đổ! Không biết những “giấc mơ Đam San” cho đến bây giờ có còn trở về với những người đàn ông kiên trung hay không? Sự mạnh mẽ, quả cảm và ước mơ chinh phục thiên nhiên của con người liệu có bị thời số hóa mai một đi hay không?

Dẫu cho thế nào, tôi vẫn sẽ tin và vẫn mong gặp được những người bạn Tây Nguyên với nước da nâu bóng và nụ cười rạng ngời. Trong những đêm cồng chiêng, khi men say rượu cần đang lan tỏa, hãy cứ vui cùng các bạn Tây Nguyên và có thể sát vai để chuếch choáng với rượu cần! Bạn yêu thích núi rừng và thích nhảy múa hát ca cùng những niềm vui  phóng khoáng. Ta cũng vậy! Sao ta lại không?

Tôi đi tìm “ Bóng cây Konia “ ngày nào trong câu hát nhưng không thấy! Vẫn nhớ những ngọn núi cao ngất trong ký ức xa mờ khi đọc những câu chuyện về người anh hùng trong “Đất nước đứng lên”! Nhớ hình ảnh của những vị thần linh, những cô gái Tây Nguyên xinh đẹp trong những truyện xưa. Nhớ những ám ảnh của loài “ma rừng lữ quán” và nhớ những bức tượng gỗ của Tây Nguyên...

Nhớ lắm, nhớ tháng ba với những âm vang cồng chiêng đầy ấn tượng và bước chân kiêu hùng của những chàng trai Tây Nguyên ngày nào! Cuộc sống vui buồn với những thăng trầm của người dân buôn làng không thể thiếu đi tiếng cồng tiếng chiêng. Tây Nguyên sẽ xanh hơn trong con mắt du khách. Không chỉ là màu xanh của sắc núi, sắc sông mà Tây Nguyên còn mướt mát và lưu luyến hơn nhiều bởi những tiếng hát, những điệu múa xoang của người Ba na và những âm thanh hào sảng của cồng chiêng trong đêm! Những nghệ nhân già mê say hơn, họ vẫn cháy hết mình với âm nhạc và ánh lửa! Lửa cháy sáng trong bóng đêm bập bùng! Lửa vẫn thao thức và thiêu đốt suốt đêm dài trong ánh mắt của bao người yêu Tây Nguyên!

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ tháng ba Tây Nguyên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn