Những áp lực lên trẻ em

Cuộc sống ngày càng phát triển, tuy nhiên, không vì thế mà con người bớt áp lực đi, nhất là ở trẻ em. Và có phải áp lực ấy chỉ xuất hiện khi các em đã vào tuổi teen, hay khi còn rất nhỏ tuổi?
img-1257-1650207290.jpg
Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm diễn ra trên Phố Sách Hà Nội. Ảnh: Mai Lê 

Toạ đàm "Nghĩ tích cực - Sống tự tin" do Đinh Tị Books tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày sách Việt Nam 21/04 của Thủ đô Hà Nội và 5 năm thành lập Phố Sách, đã có những bàn luận xoay quanh vấn đề áp lực đối với trẻ em.

Toạ đàm có sự tham dự của Th.S Tâm Lý Giáo Dục - Lại Vũ Kiều Trang (Đại học Văn hóa Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy kỹ năng sống và kỹ năng mềm cho các trường học như THCS Herman Gmeiner, THPT Nguyễn Huệ và là diễn giả của nhiều chương trình hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho giáo viên trong cộng đồng giáo viên đổi mới. Đại diện cho thế hệ trẻ là Chuyên gia Đào Quỳnh Anh - tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học tại ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn - là chuyên viên cao cấp về tâm lý học đường của hệ thống giáo dục Alpha School, các tổ chức giáo dục nổi tiếng như Cùng Học, Edlab Asia.

img-1258-1650207404.jpg
Diễn giả Th.S Lại Vũ Kiều Trang 

Các diễn giả phân tích khái niệm áp lực, điểm mạnh,điểm yếu của các loại áp lực trong cuộc sống. Trong đó có áp lực Đồng trang lứa (peer pressure). Diễn giả Quỳnh Anh giải thích: “Có rất nhiều loại áp lực, trải dài khắp các độ tuổi. Ở tuổi tiểu học thì bị gia đình so sánh với đứa trẻ khác. Và ở tuổi trung học thì còn áp lực về tình cảm, thay đổi tâm sinh lí và ngoại hình".

img-1259-1650207600.jpg
Diễn giả Đào Quỳnh Anh  

Hiện tại cụm từ "Áp lực đồng trang lứa" tức Peer Pressure đang rất thịnh hành. Có thể hiểu đây là loại áp lực gây ra từ những người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng trường lớp, nhất là việc ganh đua, hơn kém trong học tập và sinh hoạt. Hẳn ai trong tất cả chúng ta đều cũng được nghe qua cụm từ "con nhà người ta".

img-1261-1650207710.jpg
Toạ đàm thu hút nhiều bạn ở lứa tuổi THPT đến tham dự   

 Diễn giả Kiều Trang cho biết “Ai trong chúng ta cũng bị so sánh với người khác. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện với mọi độ tuổi. Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên. Thế nhưng,việc con cái giỏi giang không phải là thước đo giá trị của con người. Mỗi người sinh ra đều có một đặc điểm riêng, không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây. Khi gặp chính các áp lực ấy toả xuống từ cha mẹ, con trẻ sẽ có biểu hiện phản ứng, chống đối. Các vị phụ huynh thường phán xét con qua những hành vi này và điều này vô tình cô lập đứa trẻ. Một loại áp lực đồng trang lứa đang gây nhiều hậu quả tâm lý nhất là áp lực học đường: có nhiều học sinh nói với tôi rằng bạn ấy không thể hoà nhập nổi, bởi vì điểm kém hơn các bạn".

img-1260-1650207779.jpg
Nghĩ tích cực - sống tự tin là tiêu đề của cuốn sách của tác giả Jacqui Letran - do Đinh Tị Books phát hành 

Diễn giả - Th.s Lại Vũ Kiều Trang cũng đưa ra phương pháp cho cha mẹ để giải quyết loại áp lực này: "Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần lắng nghe con cái nhiều hơn, kế đến là lắng nghe chính bản thân mình. Lắng nghe mà không phán xét, cũng như tìm hiểu phía sau hành động của mỗi đứa trẻ là biểu hiện tâm lý nào. Nếu chúng ta cảm thấy khó nói chuyện thì viết thư là một hình thức hữu hiệu. Ngoài ra,cha mẹ không chỉ nên quan tâm đến mỗi con mình, mà có thể cần trò chuyện, dành thời gian làm bạn với cả những người bạn của con nữa”.

Là một chuyên gia tâm lý học đường, diễn giả Quỳnh Anh cho biếtmọi học sinh đều có áp lực riêng. Có một điều may mắn là ở thế hệ này, các bạn nhỏ tỏ ra cởi mở hơn, miễn là có người lắng nghe họ: "Trong thực tế, để giải quyết các vấn đề về tinh thần, thì đầu tiên phải xem xét các vấn đề về thể chất. Khi gặp phải áp lực mà không giải toả được, cơ thể của các bạn nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên: từ mất ngủ cho đến khó tập trung, dẫn đến vấn đề càng tồi tệ. Vì vậy chúng tôi luôn tìm cách giải quyết vấn đề này đầu tiên. Sau đó, mặc dù các em đều có khả năng, nhưng kỹ năng quản lý công việc cũng như quản trị mục tiêu còn chưa được hoàn thiện. Nếu biết các đặt mục tiêu, chia nhỏ chặng đường, thì luôn luôn tâm lý khi học hành của các em sẽ được bình ổn hơn. Từng bước một, nếu phía chúng ta kiên nhẫn lắng nghe và phía các em cũng sẵn lòng chia sẻ, các em sẽ dần nhận thức rõ hơn về vấn đề của bản thân. Và thậm chí, có thể biến các áp lực ấy thành động lực".

Sau mùa dịch COVID-19, rất nhiều em học sinh có biểu hiện ngại tiếp xúc và không muốn đến trường. Đó cũng là băn khoăn của một số phụ huynh tham dự toạ đàm. Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang giải đáp: "Ba mẹ có thể tìm hiểu xem bé có bị ngủ thiếu giấc hay không. Việc uể oải khi phải dậy đi học chính là rào cản rất lớn. Sau cùng, hãy luôn luôn hỏi con về buổi học hôm nay, tất nhiên đừng nên hỏi về điểm số".  

Vậy làm sao để biến áp lực đồng trang lứa thành những điều tích cực trong cuộc sống? Diễn giả Đào Quỳnh Anh giải đáp: "Vốn các loại áp lực đều có mặt tốt. Chỉ khi chúng gặp một yếu tố độc hại thì mới biến thành những sự việc đau lòng. Chúng ta có thể vượt qua áp lực bằng cách trước hết là tìm hiểu các loại áp lực này và nhận ra bản thân mình đang bị. Sau đó, hãy phân tích cơ hội của chúng ta đối với áp lực đó".

Nghĩ tích cực và sống tự tin, hẳn là ước mơ của tất cả mọi người. Nhưng nỗi tự ti và bóng tối của những áp lực luôn luôn ngăn cản chúng ta. Hẳn phương pháp để vượt qua điều đó là gì? Làm sao để chúng ta "Nghĩ tích cực và sống tự tin"? Diễn giả Lại Vũ Kiều Trang cho biết: "Trong thực tế xã hội, dường như cha mẹ đang có ít thời gian cho con cái, và đặc biệt là cho bản thân mình. Cách giải quyết tốt nhất chính là mỗi cá nhân chúng ta phải tự nỗ lực thôi. Những sự việc gây rúng động gần đây chính là một bài học cảnh tỉnh. Việc làm phong phú thế giới nội tâm, đặc biệt là tạo thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cũng là một phương pháp để tăng cường sức khoẻ tinh thần".

Trong khoảng ba năm trở lại đây, vấn đề tâm lý học - đặc biệt là tâm lý học đường trở thành một đề tài được quan tâm trong dư luận xã hội cũng như các bậc phụ huynh. Hiện tại nhiều trường học đã tổ chức bộ phận tư vấn tâm lý riêng, tuyển chọn các chuyên gia từ các khoa tâm lý tại các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam. Rất nhiều tựa sách về giáo dục kỹ năng, làm cha mẹ đã được các đơn vị xuất bản phát hành ra thị trường và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, như dòng sách Cùng Con Trưởng Thành của Đinh Tị Books. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các vị phụ huynh và học sinh ở thế hệ mới, hướng đến một xã hội lành mạnh, giàu sự cảm thông.