Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 43)

PGS TS Cao Văn Liên

08/12/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 43

  Với sức mạnh của chế độ tập quyền và nền kinh tế quốc phòng hùng mạnh, cộng với tinh thần đoàn kết hi sinh anh dũng của các dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Xô Viết đã đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức - Nhật bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa của mình, giải phóng các dân tộc, cứu loài người ra khỏi thảm họa phát xít. Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức có tiềm lực quân sự hùng mạnh gấp 7 lần, có tiềm năng công nghiệp và kinh tế của nước Đức và 12 nước châu Âu mà Đức chiếm đóng. Liên Xô đã tiêu diệt, đánh bại hơn 10 triệu quân trong tổng số 13,6 triệu quân Đức huy động trong toàn bộ cuộc đại chiến 2 (1939-1945), đã tiêu diệt hơn 70% số máy bay, pháo, xe tăng và phương tiện cơ giới của Đức. Chính tổng thống Mỹ Fơrăngcơlin Rudơven đã thừa nhận: Liên Xô đã làm thiệt hại cho phe phát xít nhiều hơn tổng số 25 nước Đồng minh cùng đánh phát xít cộng lại.

  Chiến tranh là thử thách toàn diện đối với một chế độ. Liên Xô chiến thắng chủ nghĩa phát xít chứng tỏ sức mạnh to lớn của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã chịu đựng và vượt qua được những thử thách nặng nề nhất mà không một quốc gia nào có thể gánh chịu được trong thời kỳ đó.

  Đại chiến thế giới thứ hai có quy mô to lớn và mức độ tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh từ trước cho đến lúc đó. 72 nước bị lôi cuốn vào vòng khói lửa, 60 triệu người chết, thiệt hại vật chất lên tới 4.000 tỉ đô la. Riêng Liên Xô chịu sự hi sinh to lớn và bị tàn phá nặng nề nhất, 30 triệu người chết, huy động quân đội lên đến 7,5 triệu người, sản xuất lúa mì giảm 2/3[1]. Thiệt hại vật chất lên đến 4.000 tỉ rúp. Với sự tổn thất to lớn đó, phương Tây cho rằng Liên Xô muốn đứng dậy được từ đống tro tàn của cuộc chiến tranh phải mất hàng trăm năm.

  Nhưng với tinh thần nghị lực phi thường của nhân dân, với mô hình tập quyền cao độ, chỉ trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã đạt được những thành tích kỳ diệu trong mọi lĩnh vực, trong việc khôi phục đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Năm 1951, sản lượng công nghiệp Liên Xô tăng 13,7 lần so với năm 1917, cùng thời gian này Mỹ chỉ tăng 3 lần, Anh 2, 6 lần, Pháp 2, 04 lần[2]. Năm 1947 Liên Xô là nước đầu tiên trong các nước tham chiến bỏ chế độ tem phiếu. Trong những năm 50, nhịp độ tăng năng suất lao động của Liên Xô vượt các nước tư bản tiên tiến, cạnh tranh có kết quả với họ trên trường quốc tế, dự trữ vàng tăng, đồng Rúp có giá trị. Năm 1954, Liên Xô xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới, có tàu phá băng nguyên tử. Năm 1957 Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên. Từ thập kỷ 60 lại đẩy vốn sản xuất cố định của Liên Xô tăng 7 lần, thu nhập quốc dân tăng 4 lần, giá trị sản phẩm công nghiệp tăng 5 lần, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng 70%. Thu nhập thực tế bình quân đầu người của Liên Xô tăng 2,6 lần, quỹ tiêu dùng xã hội tăng hơn 5 lần. Nhà nước đã xây dựng được 50.500 căn hộ cho nhân dân, cải thiện điều kiện sống cho nhiều gia đình. Sinh viên Đại học và Cao đẳng tăng gấp 4 lần, khoa học, y tế, văn hóa đạt nhiều thành tựu to lớn[3]. Năm 1961 Liên Xô là nước đầu tiên đưa người lên du hành và nghiên cứu vũ trụ. Vào những năm 70 trong cuộc chạy đua vũ trang, Liên Xô đã đạt thế cân bằng chiến lược về vũ khí hạt nhân với Mỹ và NATO.

  2. Nhà nước tập quyền

   Mô hình xã hội chủ nghĩa mệnh lệnh, kế hoạch hóa, tập quyền phát huy sức mạnh trong thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ban đầu nhờ ở tính tổ chức kỷ luật, nhờ phát huy nhiệt tình lao động của nhân dân qua các phong trào thi đua. Nhưng mô hình đó đã chứa đựng nhiều nhược điểm ngay cả ở thời kỳ ban đầu và cùng với thời gian 7 thập niên, nhược điểm đó càng thêm sâu sắc, thành những căn bệnh trầm trọng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

  Chủ nghĩa cực quyền có thể gắn liền với những nhu cầu đòi hỏi của lịch sử và do những hoàn cảnh lịch sử quy định. Nhưng chủ nghĩa cực quyền cũng gắn liền với sự ham mê quyền lực của các cá nhân lãnh đạo. Trong thể chế chủ nghĩa xã hội, nó biểu hiện ở tính nóng vội cách mạng, muốn nhảy một bước lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Để làm được điều đó, họ bất chấp quy luật khách quan của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sử dụng bộ máy nhà nước để cưỡng chế toàn dân đi theo ý muốn của các lãnh tụ. Các cá nhân này đã lợi dụng lá cờ của Đảng Cộng sản, tổ chức của Đảng để thực hiện chủ nghĩa cực quyền. Lấy nguyên tắc Đảng đặc quyền lãnh đạo cách mạng, không chịu sự kiểm soát của các lực lượng bên ngoài. Độc quyền và không bị kiểm soát tất yếu dẫn tới lộng quyền, sự thoái hóa và biến chất của bộ máy đảng.

  Mô hình tập quyền của Stalin là mô hình giáo điều và cực đoan, không dung thứ các quan điểm và cách nhìn nhận khác quan điểm chính thống, nó đã tạo ra một tầng lớp có địa vị xã hội và quyền lực cao với đầy đủ đặc quyền đặc lợi. Ở Liên Xô, thời Brêgiênhep, người ta đã đặt câu hỏi vì sao trong chừng ấy năm mà chúng ta không nhổ bật được rễ của chủ nghĩa quan liêu, bất công xã hội, lộng hành ra khỏi đời sống? Một trong những nguyên nhân chính là cán bộ lãnh đạo đảng không có dũng khí đánh giá tình hình một cách kịp thời và khách quan, không dám nói sự thật, cho dù là sự thật cay đắng, đánh giá mỗi vẫn đề và mỗi hành vi của mình.

  Chế độ tập quyền của cá nhân Stalin được hình thành vào những năm 20 là nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa quan liêu mệnh lệnh và hành chính. Hệ thống này được đưa lên địa vị thống soái vào những năm 30. Trên thực tế nhà nước vô sản không còn tồn tại, còn hệ thống đảng - nhà nước đã biến thành nhà nước tập quyền.

  (Còn nữa)

   CVL

 

[1] Lịch sử Liên Xô, trang 306

[2] Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 6

[3] Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 18-19

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 43)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn