Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 52)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 52

Để đạt mục tiêu đó, Ban lãnh đạo Liên Xô kiên quyết bước vào con đường cải cách. Goocbachốp đã chuẩn bị kĩ cho cải cách trước khi lên cầm quyền.

Sau khi lên cầm quyền, bước cải cách đầu tiên của Goocbachốp là từ lĩnh vực kinh tế với mong muốn nhanh chóng cải thiện tình hình kinh tế - xã hội Liên Xô bằng chiến lược tăng tốc. “Sử dụng rộng rãi các thành tựu của cách mạng khoa học kĩ thuật, làm cho các hình thức kinh doanh Xã hội Chủ nghĩa phù hợp với điều kiện hiện tại để đạt được một sự tăng tốc về tiến bộ kinh tế - xã hội”[1]. Với cương lĩnh Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVII cũng ghi: “Hoàn thiện chủ nghĩa xã hội một cách toàn diện và có kế hoạch, tiếp tục đưa xã hội Xô Viết đi tới chủ nghĩa Cộng sản trên cơ sở tăng tốc sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”[2]. Chiến lược tăng tốc coi việc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội là hạt nhân chiến lược.

Chiến lược tăng tốc dựa vào sự phát triển sản xuất theo chiều sâu, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật là đòn bẩy chủ yếu để thực hiện phát triển chiều sâu nền kinh tế quốc dân. Chiến lược tăng tốc cũng coi trọng nhân tố con người.

Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô họp ngày 25-26 tháng 6-1987 thông qua “phương án tổng thể mà trọng tâm là cải cách cơ chế quản lý kinh tế”. Văn kiện Hội nghị vạch rõ: Thực chất căn bản của cải cách quản lý kinh tế nhà nước là chuyển phương pháp lãnh đạo hành chính sang phương pháp lãnh đạo kinh tế, lợi dụng lợi ích, quản lý lợi ích, dân chủ và động viên nhân tố con người, cải cách cơ chế quản lý kinh tế, trước hết là cải cách quản lý xí nghiệp.

Đầu tiên là mở rộng quyền tự chủ xí nghiệp, tăng cường cho xí nghiệp quyền hạn và trách nhiệm, trung ương chỉ quyết định những vấn đề quan trọng như chiến lược, tốc độ, tỉ lệ cân đối của hoạt động kinh tế quốc dân, không can thiệp vào công việc kinh doanh. Cần điều chỉnh cơ cấu tổ chức quản lý, hợp nhất và giảm bớt cơ cấu, tinh giảm biên chế, giảm bớt các xí nghiệp do trung ương trực tiếp quản lý. Thực tế, từ  37.000 xí nghiệp giảm còn mấy nghìn công ty liên ngành. Như vậy, trong cải cách quản lý xí nghiệp, đã đề ra lý thuyết nhằm giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với xí nghiệp, giữa xí nghiệp với công nhân viên chức. Quan hệ giữa nhà nước đối với các ngành là quan hệ pháp lệnh, còn quan hệ bộ với các xí nghiệp, không dùng pháp lệnh, chỉ dùng định mức. Đó là sự phối hợp đồng bộ để thay đổi chức năng cơ cấu.

Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 6-1987 cũng đã định ra “Luật xí nghiệp quốc doanh”. Những quy định chung là xí nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng và phân phối một phần tài sản của toàn dân - vốn cố định, vốn lưu thông cũng như các nguồn vật chất và tài chính, có quyền chuyển nhượng bán, trao đổi, cho thuê quỹ cố định, nhà xưởng, thiết bị, công cụ. Xí nghiệp thực hiện hoàn toàn nguyên tắc hạch toán kinh tế và tự lo vốn. Quan hệ tài vụ giữa xí nghiệp và nhà nước xây dựng trên cơ sở ổn định lâu dài định mức kinh tế. Xí nghiệp có toàn quyền lập kế hoạch sản xuất. Quản lý của xí nghiệp thực hiện nguyên tắc kết hợp lãnh đạo tập trung và quyền tự quản của tập thể lao động, thực hiện chế độ bầu cử lãnh đạo xí nghiệp thi hành chế độ một chủ trương, lãnh đạo xí nghiệp chịu trách nhiệm trước nhà nước và tập thể lao động về kết quả hoạt động của xí nghiệp. Xí nghiệp có quyền hoạt động kinh tế đối ngoại, có quyền không thực hiện những chỉ thị của ngành chủ quản cấp trên vượt quá quyền hạn.

Để tạo điều kiện làm sống động, các xí nghiệp, Ban lãnh đạo cải tổ còn tiến hành cải cách căn bản trong các lĩnh vực như công tác kế hoạch, giá cả, cung ứng vật tư - kĩ thuật, tài chính, tín dụng, cơ cấu tổ chức quản lý. Đó là những biện pháp đồng bộ.

Hội nghị tháng 6-1987 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô nhằm trả lời câu hỏi cải cách như thế nào sau khi đã quyết tâm cải cách. Những tư tưởng mới và nội dung mới của Hội nghị là thể hiện trí tuệ của Đảng và nhân dân Liên Xô, đã gây sự phấn khởi để bước vào cải cách. Thứ nhất, đã loại bỏ chỉ tiêu pháp lệnh thay thế định mức kinh tế lâu dài, đó là một đột phá lớn nhất. Định mức kinh tế đã trở thành đòn bẩy và phương tiện chủ yếu để lãnh đạo kinh tế. Thứ hai, có cách nhìn mới về thị trường, đưa quan hệ hàng - tiền một cách hữu cơ vào hệ thống kinh tế Xã hội Chủ nghĩa. Thứ ba, nêu cải cách căn bản cơ chế giá cả, thực hiện cải cách giá cả bán buôn và giá cả bán lẻ. Thứ tư, cần cải cách căn bản phương pháp lãnh đạo tập trung. Thứ năm, qui định các xí nghiệp thua lỗ có thể đóng cửa, thực tế là cho phép phá sản, cho phép “liên kết ngang” nhiều xí nghiệp của các ngành khác nhau.

Ban lãnh đạo Liên Xô còn chú trọng cải tổ ngân hàng, 6 ngân hàng độc lập trong cả nước, ngoài ngân hàng nhà nước còn có ngân hàng ngoại thương, ngân hàng xây dựng công nghiệp, ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng dịch vụ và công cộng xã hội - nhà ở, ngân hàng dự trữ lao động và tín dụng của cư dân.

Hội nghị lần 6 còn nhấn mạnh phải nắm vững nhu cầu kinh tế của nhân dân, làm cho nhân dân thu được lợi ích thực tế từ cải cách, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề lương thực, thực phẩm, nhà ở, hàng tiêu dùng và dịch vụ đời sống.

Theo qui định, đến ngày 1-1-1988 “Luật xí nghiệp quốc doanh” có hiệu lực. Nhưng nửa năm sau thực hiện không được nữa.

Trong nông nghiệp, cải cách hệ thống đất đai là cố gắng lớn của Ban lãnh đạo Liên Xô vì ngành nông nghiệp nhiều nhân lực: 20 triệu nông dân tập thể và chi phí lớn nhưng kém hiệu quả.

Ngày 29-7-1988, Hội nghị Toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra nguyên tắc cho nông dân thuê đất dưới hình thức khoán lâu dài, khoảng 50 năm, nhường quyền quản lý và thu hoa lợi cho người trồng trọt. Năm 1988 Goocbachốp nói “Mục đích là biến nông dân thành những người chủ ruộng đất”[3].

(Còn nữa)

CVL

----------------------

[1] Báo cáo của Gooc ba chốp tại hội nghị Trung ương tháng 4-1885.

[2] Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Liên Xô do Đại hội XXVII thông qua

[3] Viện thông tin Khoa học xã hội, Bí mật các sự kiện trên thế giới 1980-1990, Hà Nội, 1992, trang 76