Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 61)

PGS TS Cao Văn Liên

26/12/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.              

Kỳ 61

VI. Nguyên nhân khủng hoảng và sụp đổ

Của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô

I. Nguyên nhân khủng hoảng của hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa

Khủng hoảng cải tổ và sụp đổ đó là một quá trình nhân quả dẫn đến tai họa bi thảm của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và của Liên Xô, cho nên muốn tìm nguyên nhân của sự sụp đổ các nước này không thể bỏ qua những nguyên nhân đã làm cho các quốc gia này lâm vào cuộc khủng hoảng.

Cũng cần phải nói lại một lần nữa rằng khủng hoảng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa vào những năm 70 không phải là sự khủng hoảng của lý thuyết chủ nghĩa Mác - Lênin như kẻ thù của Chủ nghĩa Xã hội vui mừng rêu rao. Đây là sự khủng hoảng của một mô hình mà trách nhiệm trước hết thuộc về các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước này đã từ lâu không điều chỉnh và cải tiến cho nó thích nghi với hoàn cảnh mới như chính sự yêu cầu của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác.

Như chúng ta đã biết lịch sử nước Nga Xô Viết vào năm 1920 đã kết thúc cuộc nội chiến chống thù trong giặc ngoài thắng lợi. Nhưng để có được chiến thắng đó, nước Nga bị tàn phá nặng nề. Năm 1920 đất nước bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng như chính Lênin đã đánh giá. “Chính sách Cộng sản thời chiến nhằm tập trung toàn bộ kinh tế cho cuộc nội chiến bây giờ không còn thích hợp. Để khắc phục khủng hoảng, dưới sự lãnh đạo của Lênin, từ 1921 Đảng đã áp dụng chính sách kinh tế mới” (NEP), để khôi phục kinh tế đất nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Chính sách kinh tế mới cho phép nhiều thành phần kinh tế, kể cả kinh tế chủ nghĩa tư bản phát triển dưới chính quyền Xô Viết và chỉ do một Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm tận dụng các yếu tố tư bản chủ nghĩa để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Chính sách kinh tế mới là một mô hình của Chủ nghĩa Xã hội ở thời kỳ quá độ: Mô hình Chủ nghĩa Xã hội thị trường với sự kiểm soát của nhà nước vô sản. Giống như toàn bộ sự sáng tạo của lịch sử, vô sản phải nắm lấy những vũ khí của chủ nghĩa tư bản chứ không phải bịa ra, hoặc bằng con số không đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Ở đây các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã dạy về sự kế thừa cho các Đảng Cộng sản.

Nhờ thực hiện chính sách kinh tế mới, nước Nga Xô Viết thu được những thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, khắc phục được cuộc khủng hoảng về chính trị. NEP tỏ ra đúng đắn và có một sức mạnh kì diệu. Lênin đã chỉ ra rằng: NEP không phải là sự điều chỉnh chính sách nhất thời mà là nguyên lý chiến lược để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong thời kỳ quá độ.

Giá như Lênin sống lâu hơn nữa?

Lịch sử không có giả thiết. Nhưng nếu Lênin không mất sớm vào năm 1924 thì mô hình Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô có lẽ theo đúng học thuyết của người vạch ra và đã có được Chủ nghĩa Xã hội thị trường.

Sau khi Lênin mất, Stalin trở thành người đứng đầu bộ máy Đảng và nhà nước Liên Xô. Ông lên nắm quyền lực vào lúc Liên Xô vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, tổng sản lượng công nghiệp chỉ bằng 1/3, nông nghiệp chiếm tới 2/3. Cuối năm 1925, Liên Xô có 7 triệu người thất nghiệp. Ở bên ngoài, Liên Xô bị chủ nghĩa đế quốc bao vây. Âm mưu của các cường quốc tư bản là giam hãm Liên Xô trong vòng lạc hậu, biến Liên Xô thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho họ, buộc Liên Xô phải phụ thuộc về kinh tế rồi từ đó phụ thuộc về chính trị để họ thủ tiêu Chủ nghĩa Xã hội. Hơn nữa ở Italia năm 1922 chủ nghĩa phát xít do MútXôli ghi cầm đầu đã nắm được chính quyền, ở Đức và một vài nước khác các Đảng phát xít như Đảng quốc gia xã hội Đức của Hítle đang mưu mô ráo riết cướp chính quyền. Những đám mây đen của một cuộc chiến tranh thế giới mới do chủ nghĩa phát xít phát động để tiêu diệt Liên Xô và các dân tộc trên thế giới đã vạch vẽ trên bầu trời Châu Âu và ngày càng trở thành nguy cơ hiện thực.

Do hoàn cảnh trong nước và ngoài nước buộc Stalin phải có chính sách nhanh chóng biến Liên Xô thành cường quốc công nghiệp để thoát nghèo nàn lạc hậu, đập tan âm mưu bao vây của chủ nghĩa đế quốc, để đầy đủ tiềm lực vật chất đối phó với cuộc chiến tranh thế giới mới. Chính vì muốn nhanh chóng có Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô mà Stalin đã đề ra chương trình thực hiện công nghiệp hóa, bắt đầu từ công nghiệp nặng tốc độ nhanh qui mô to lớn và theo kế hoạch áp đặt của nhà nước. Stalin cũng đã vạch kế hoạch buộc toàn thể nông dân phải tập thể hóa toàn bộ trong 5 năm (1928 - 1933). Để thực hiện chương trình này Stalin đã xây dựng một chế độ tập quyền cao độ, tập trung tất cả quyền lực vào tay mình, đập tan và tiêu diệt tất cả những người hay những nhóm có quan điểm chính kiến khác. Mặt khác, ông đã kiên quyết đưa con người vào kỷ luật lao động, tổ chức, động viên sức mạnh thi đua và tài sáng tạo của nhân dân Liên Xô vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Chính Goocbachốp người sau này phủ định Stalin kịch liệt cũng phải thừa nhận “Chính tài năng đưa con người vào kỷ luật lao động của Stalin đã huy động được tiềm năng to lớn của con người vào xây dựng một xã hội mới”.

Như vậy do hoàn cảnh trong nước và quốc tế bắt buộc, do cá tính Stalin đã thủ tiêu mô hình Chủ nghĩa Xã hội thị trường của Lênin, đã xây dựng mô hình Xã hội Chủ nghĩa tập quyền, kế hoạch hóa dựa trên sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, thủ tiêu hoàn toàn sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế khác, thủ tiêu sự vận động của quy luật hàng hóa - tiền tệ.

Chính nhờ sức mạnh của tập quyền, nhờ sự sáng tạo lao động quên mình của nhân dân Liên Xô, trong một thời gian lịch sử không lâu, chỉ từ 1925 đến 1937 Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước công nghiệp tiên tiến và là cường quốc kinh tế số hai (sau Mỹ) trên thế giới, 99% diện tích trồng trọt toàn quốc, 93% tổng số hộ nông dân vào nông trang, hoặc nông trường quốc doanh. Trên cơ sở thành tựu kinh tế, Liên Xô thời kỳ này cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về văn hóa giáo dục và khoa học; thành tựu của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết được mở rộng tới 12 nước Cộng hòa. Các cường quốc tư bản thất bại trong âm mưu cô lập bao vây Liên Xô và buộc phải thừa nhận phải thiết lập quan hệ với Liên Xô.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 61)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn