Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 63)                         

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.        

Kỳ 63

Trong lịch sử ra đời và phát triển của các phương thức sản xuất của các chế độ xã hội từ nô lệ, phong kiến đến tư bản, khủng hoảng là những làn sóng tất nhiên trên con đường phát triển. Như chủ nghĩa tư bản từ khi hoàn thành cách mạng tư sản và trở thành hệ thống kinh tế chính trị thế giới cho đến ngày nay đã trải qua bao cuộc khủng hoảng lớn nhỏ do khuyết tật của chế độ tư hữu. Ví dụ như khủng hoảng 1929-1933 là khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản. Nước Mỹ và các nước tư bản đã ra khỏi khủng hoảng, hồi phục kinh tế nhờ các chính sách, các biện pháp khắc phục khủng hoảng, điều chỉnh chủ nghĩa tư bản cho thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới của thời đại. Khủng hoảng của bất cứ xã hội nào cũng chỉ là khẳ năng tạo ra sự sụp đổ của chế độ xã hội. Không nhất thiết khủng hoảng là dẫn tới sự sụp đổ của chế độ xã hội nếu như những người lãnh đạo quốc gia bắt đúng căn bệnh và có những phương thuốc hữu hiệu cứu chữa. Một chế độ đã khủng hoảng cần những đường lối khắc phục đúng đắn thì có thể cứu vãn được nó. Thậm chí một chế độ đã phản động lỗi thời nếu có phương sách cải cách hay vẫn có thể cứu vãn và kéo dài sự tồn tại của nó hàng chục thập kỉ.

Như vậy Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu dù có khủng hoảng cũng không nhất thiết tất yếu phải sụp đổ

2. Nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu

Các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu và sau đó Liên Xô sụp đổ là những sự kiện lớn nhất của lịch sử thế giới hiện đại những năm cuối thế kỉ XX. Biến cố này làm cho toàn nhân loại ngỡ ngàng, không chỉ bạn bè mà kể cả kẻ thù của Chủ nghĩa Xã hội. Liên Xô - đất nước có lãnh thổ chiếm tới 1/6 diệc tích trái đất với hơn 250 triệu dân, có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, là cường quốc hạt nhân vĩ đại đã từng chiến thắng 14 nước tư bản can thiệp trong cuộc nội chiến chống thù trong giặc ngoài 1918-1920, từng đánh bại 13 triệu quân phát xít Đức, đánh bại phát xít Nhật, giải phóng 11 nước châu Âu, đóng vai trò quyết định trong việc cứu loài người, bỗng chốc sụp đổ, không qua một cuộc chiến tranh, một trận đánh nhỏ nào. Liên Xô - nhà nước Xã hội Chủ nghĩa theo hình thức cơ cấu lãnh thổ Liên bang với 15 nước Cộng hòa có một bộ máy nhà nước đồ sộ, có một Đảng Cộng sản giàu truyền thống và kinh nghiệm cách mạng với những dân tộc vĩ đại, thông minh, dũng cảm và nghị lực phi thường bỗng chốc bó tay bất lực, nhìn Liên bang Xô Viết tan vỡ như một định mệnh không thể cưỡng lại được. Một cường quốc suốt 50 năm ngang nhiên đối chọi với đế quốc Mỹ và đồng minh của Mỹ bỗng chốc tiêu tan. Sự nghiệp 70 năm của một Đảng Mác xít vĩ đại, một nhân dân vĩ đại tốn biết bao máu, mồ hôi, nước mắt qua 7 thập niên mới có được phút chốc biến thành mây khói. Một thành trì của Chủ nghĩa Xã hội, của phong trào cách mạng thế giới sụp đổ.

Đó là một bi kịch lớn nhất trong lịch sử thời đại chúng ta.

Bi kịch này không mang tính chất huyền bí nhưng trả lời được câu hỏi vì sao Liên Xô và Đông Âu sụp đổ không phải đơn giản và càng không phải một sớm một chiều. Cho đến nay, người ta đang cố vén bức màn bí mật của lịch sử để mong tìm được câu trả lời đúng đắn.

Sự sụp đổ của Liên Xô không chỉ là sự sụp đổ của chế độ Xã hội Chủ nghĩa, thay vào đó bằng chế độ khác mà còn kèm theo sự tan vỡ của một quốc gia Liên bang thống nhất thành nhiều quốc gia độc lập khác. Điều này làm cho việc xác định nguyên nhân sụp đổ và hậu quả của sự kiện này càng thêm phức tạp, khó khăn.

Trước hết, phải khẳng định rằng nguyên nhân sâu xa, tạo khả năng sụp đổ của Liên Xô bắt nguồn từ những nhân tố tiêu cực ở thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở, ở kinh tế, chính trị, xã hội Liên Xô. Những nhân tố tiêu cực này không được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng do bảo thủ, trì trệ không chịu cải cách điều chỉnh đã tích tụ suốt 70 năm, làm cho cuộc khủng hoảng càng thêm trầm trọng, càng khó điều chỉnh và mang lại nguy cơ sụp đổ của Liên Xô càng nhiều hơn.

Nhưng như trên chúng tôi đã luận chứng những nhân tố tiêu cực gây nên cuộc khủng hoảng không thể là nguyên nhân trực tiếp làm sụp đổ Liên Xô. Lịch sử đã chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản đã qua bao cuộc khủng hoàng, do điều chỉnh mà chưa thể sụp đổ ngay được. Nguyên nhân chủ yếu làm Liên Xô sụp đổ là do đường lối cải tổ sai lầm của Goocbachốp.

Vào những năm 80 cải tổ đã trở thành bức thiết và tất yếu để Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa thoát khỏi khủng hoảng, thoát khỏi trì trệ và phát triển hơn nữa. Cải tổ trở thành sống còn đối với Liên Xô và vận mệnh của chủ nghĩa xã hội.

Cải tổ là bức thiết và tất yếu cải tổ có thể làm cho Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nếu đường lối cải tổ là đúng đắn, đi đúng quy trình. Ngược lại nếu cải tổ sai lầm sẽ làm cho cuộc khủng hoảng của đất nước càng thêm sâu sắc và thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội. Về điều này, Ăngghen đã báo trước cho các nhà cải cách. Đáng tiếc, Goocbachốp đã coi thường lời cảnh báo của Ăngghen, đã đi sai quy trình cải tổ và dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.

Như chương II của công trình này đã trình bày, những tư tưởng ban đầu của con đường cải tổ ở Liên Xô là bắt đầu từ kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật để đẩy kinh tế phát triển theo chiều sâu, được các nhà cải tổ Liên Xô gọi là “Chiến lược tăng tốc”. Về cơ bản đường hướng cải tổ bắt đầu từ kinh tế là đúng nhưng sự tách rời giữa lý luận và thực hành là một trong những nhược điểm lớn của Ban lãnh đạo cải tổ Liên Xô. Hơn nữa khi Liên Xô bắt đầu cải tổ Trung Quốc, Việt Nam đã cải tổ được nhiều năm và đã đi đúng qui trình. Trung Quốc, Việt Nam tháo gỡ từ nông nghiệp, cải cách quan hệ sản xuất, còn cải cách thể chế chính trị làm sau từng bước và rất thận trọng. Những kinh nghiệm bước đầu qúy giá của Trung Quốc, Việt Nam đáng tiếc đã không được Ban lãnh đạo cải tổ Liên Xô lưu ý.

Cải tổ bắt đầu từ kinh tế nhưng ngay từ quy trình này Ban lãnh đạo cải tổ Liên Xô cũng bắt đầu sai, không tháo gỡ từ nông nghiệp để cắt các cơn sốt lương thực, lại bắt đầu từ công nghiệp nặng. Người ta đã phá vỡ 15. 000 nhà máy trong đó có 1/4 là ngành chế tạo máy, làm cho nền kinh tế Liên Xô bắt đầu rối loạn.

(Còn nữa)

CVL