Kỳ 83
4. Vai trò của công xã nông thôn sau khi nhà nước ra đời:
Với những nhân tố thúc đẩy nhà nước ra đời, công xã nông thôn qua đó đã tự hoàn thiện mình. Cho nên sau khi nhà nước ra đời, công xã nông thôn mới tự hoàn thiện đầy đủ các yếu tố của nó và vẫn đóng vai trò phục vụ nhà nước trong công cuộc thống trị áp bức, bóc lột của nó.
Công xã nông thôn bao gồm nhiều làng và tạo nên đơn vị cơ bản của nó là xã. Đó là địa bàn cư trú của các thành viên đa số là nông dân, cho nên kinh tế chủ yếu cả công xã là nông nghiệp có kết hợp với thủ công nghiệp. Với kinh tế công xã nông thôn là kinh tế tự nhiên, tự túc tự cấp, đóng kín. Sau khi nhà nước ra đời thì công xã nông thôn hoàn thiện việc phân hoá giai cấp và đẳng cấp. Đẳng cấp trên thuộc về giai cấp thống trị, áp bức bóc lột. Đa số nông dân lao động nghèo khổ thuộc đẳng cấp dưới. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ còn có nô lệ, giai cấp này theo luật pháp của nhà nước chiếm hữu nô lệ thì họ chỉ là tài sản biết nói của chủ nô, họ không được quyền làm người. Trong xã hội phong kiến công xã nông thôn tồn tại hai giai cấp cơ bản là nông dân và địa chủ phong kiến quý tộc. Ngoài ra còn có nô tì, thợ thủ công và thương nhân. Trong công xã giữ gìn và duy trì nhiều phong tục tập quán thuần phong mĩ tục và cả những hủ tục. Công xã nông thôn mang tính chất tự trị cao. Công xã duy trì hệ thống phụ quyền gia trưởng trong gia đình, tôn ty, trật tự đẳng cấp xã hội rất nghiêm ngặt nhất là ở Trung Quốc và những nước ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Do đó công xã nông thôn vừa mang yếu tố tích cực giữ gìn nền văn hoá dân tộc nhưng cũng mang yếu tố tiêu cực như bảo thủ, trì trệ ít thay đổi, bảo lưu những hủ tục kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hoá, kìm hãm nông thôn trong trì trệ, tồn tại mà không phát triển. Khi bàn về công xã nông thôn Ấn Độ, Các Mác viết: Nó ( công xã nông thôn) trơ lỳ ra dưới bầu trời mây mưa sấm sét của chính trị, mặc cho sự thay đổi của thời gian và sự thay đổi của các triều đại. Nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến sau này lợi dụng tình trạng đó để thống trị bóc lột nhân dân.
Công xã nông thôn là tế bào, đơn vị cơ sở của quốc gia và nhà nước thời kì Cổ-Trung Đại, nhất là ở các nước Châu Á. Xã là đơn vị hành chính thấp nhất của nhà nước. Nhà nước chỉ biết có xã mà không biết đến từng người. Cho nên ở các nước Châu Á, công xã nông thôn có tính tự trị chính trị tương đối cao. Việc làng xã do làng xã bàn định, nhà nước không can thiệp, có can thiệp cũng bị vô hiệu hoa bởi phép vua thua lệ làng. Xã liên hệ với nhà nước qua tổng, huyện, phủ. Xã thôn chỉ cần nộp thuế, đi lao dịch, đi binh dịch đầy đủ là được, còn hoàn toàn tự do xử lý công việc của thôn xã, nhà nước ít can thiệp. Cho nên làng xã ở các nước Châu Á là nơi mặc sức hoành hành của bọn cường hào ác bá, của chính quyền địa phương. Nhiều chính sách tích cực của nhà nước bị chúng vô hiệu hoá không thực hiện được, gây ra những tai hoạ thảm khốc. Nhà nước thu sưu thuế một phần thì chính quyền địa phương tăng thu lên mười phần để vơ vét làm cho đơi sống nhân dân trăm bề cực khổ. Tuy nhiên công xã nông thôn là tế bào vững chắc của chế độ chuyên chế.
Công xã nông thôn là cơ sở để nhà nước bóc lột nông dân công xã. Ruộng đất công là ruộng đất của công xã nhưng với danh nghĩa thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước. Cho nên nông dân cày ruộng của công xã nhưng cần nộp thuế cho nhà nước. Ví dụ, dưới chế độ phong kiến Trung Quốc ( đời nhà Đường), Việt Nam ( thời Hậu Lê ) đã thi hành chính sách quân điền, chia ruộng đất cho các thành viên công xã và cả quan lại nhưng quan được nhều hơn dân, chức vụ và tước vị quan càng cao thì phần đất càng nhiều dần lên. Nhà nước đã biến công xã thành cơ sở bóc lột. Thành viên công xã chỉ có quyền chiếm hữu ruộng đất mà không có quyền sở hữu. Nhà nước đã tác động vào chế độ ruộng đất làm cho sự phân chia ruộng đất mang tính chất bất bình đẳng. Không bao giờ nhà nước lấy ruộng của công xã này chia cho công xã khác. Nhà nước dùng ruộng đất của công xã để thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” để nuôi binh lính. Bọn cường hào ác bá nơi thôn dã không dám chiếm nhiều ruộng đất công. Chúng phải phục tùng nhà nước. Nhà nước còn lấy ruộng đất của công xã phong cho quan lại. Như vậy đất công không chỉ phục vụ cho công xã mà còn gắn với quyền lợi của nhà nước, cho nên được nhà nước bảo vệ. Vì thế công xã nông thôn tồn tại lâu dài song hành với chế độ nô lệ và chế độ phong kiến hàng nghìn năm trong lịch sử.
Trong xã hội có giai cấp, gia đình một vợ một chồng trong công xã nông thôn được chế độ nô lệ và chế độ phong kiến sử dụng biến thành gia đình phụ quyền gia trưởng để làm tế bào vững chắc cho xã hội phong kiến. Chế độ phụ quyền gia trưởng, tộc trưởng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên … với hệ thống gia tộc nội ngoại xét theo chiều dọc và theo chiều ngang. Về số lượng gia tộc tương đương một thị tộc thời kỳ nguyên thuỷ. Tộc trưởng đứng đầu họ cha truyền con nối kế thừa ruộng đất hương hoả theo nguyên tắc trưởng nam và dòng đích. Con trưởng và dòng trưởng là những người có địa vị và giàu có.
Gia tộc và gia đình phụ quyền gia trưởng ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội trong xã hội có giai cấp có nhà nước. Nhà nước chiếm hữu nô lệ, đặc biệt là nhà nước phong kiến đã tận dụng gia đình phụ quyền gia trưởng để củng cố nền thống trị. Chữ hiếu vốn là quy phạm đạo đức trong gia đình được nâng lên thành quy phạm pháp luật, coi ngang chữ trung trong xã hội phong kiến. Chế độ hôn nhân bây giờ cũng phục vụ cho nhà nước phong kiến, củng cố chế độ gia đình phụ quyền gia trưởng. Để đạt mục đích đó, tinh thần cộng đồng gia tộc được tăng cường. Thờ cúng tổ tiên, một hình thức tôn giáo tín ngưỡng trong thời kì nguyên thủy, trong xã hội có giai cấp và nhà nước rất được chú trọng và phát triển.
(Còn nữa)
CVL