Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 92- Kỳ cuối)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.         

 

                                                                                                                                                                       

Kỳ 92                            

           Được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và giáo dục, chủ nghĩa quốc tế vô sản đã thấm nhuần trong nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam. Năm 1919 trên biển Hắc Hải, trên một chiến hạm Pháp, người thanh niên Việt Nam Tôn Đức Thắng đã kéo cờ đỏ kêu gọi thuỷ binh nổi dậy ủng hộ cách mạng tháng Mười, ủng hộ nước Nga Xô Viết, phản đối chính phủ Pháp tham gia can thiệp chống nước Nga Xô Viết. Năm 1925 công nhân xưởng Ba Son (Sàì Gòn ) bãi công đã có ý thức đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, làm chậm sửa chữa một tàu chiến Pháp để nó không kịp thời đến đàn áp cách mạng ở Quảng Châu. Sự kiện này đã đánh dấu giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ thời kỳ tự phát sang thời kỳ tự giác. Như vậy trình độ tự giác của giai cấp công nhân Việt Nam trước hết được ghi nhận bằng sự giác ngộ chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sau này, nhiều nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam được bồi dưỡng hình thành từ sự giúp đỡ của phong trào cách mạng thế giới, từ chủ nghĩa quốc tế vô sản. Lớp cán bộ chủ chốt của đảng vào những năm 30 thế kỷ XX được Quốc tế cộng sản đào tạo ở Đại học Phương Đông (Liên Xô ) như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. v. v. Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng từng được sự giúp đỡ của các đồng chí đảng viên Đảng cộng sản Pháp, Đảng cộng sản Liên Xô và hoàn thiện phát triển tư tưởng lý luận cách mạng của mình phần lớn thời gian ở Liên Xô. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Nhật Bản tháng 8-1945 đã tạo thời cơ thuận lợi cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám ở Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1946-1954, chống xâm lược Mỹ năm 1954-1975 nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em , của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới , của nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ.

           Tại mảnh đất Đông Dương, trên tinh thần quốc tế vô sản, nhân dân ta đã xây dựng liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Cam pu chia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Liên minh đặc biệt giữa ba nước Đông Dương là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên chiến thắng oanh liệt của ba nước Việt Nam, Lào, Cam pu chia.

           Chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa cũng đã tạo nên những thành tựu của ta trong xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ năm 1954-1986. Liên Xô đã ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với ta. Năm 1978 nước ta gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế. Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đã giúp ta xây dựng cơ sở vật chất, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, xây dựng khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục. Các công trình to lớn như nhà máy thuỷ điện Hoà Bình , nhà máy thuỷ điện Trị An, nhiệt điện Ninh Bình, cầu Thăng Long và nhiều công trình nhà máy đã được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa giúp ta xây dựng. Hàng nghìn Tiến sĩ, cử nhân do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa giúp ta đào tạo những thập niên trước 1986 hiện nay vẫn đóng vai trò chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hoá, giáo dục, quốc phòng của đất nước.

           Trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiến trúc sư của tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc, với các quốc gia trên thế giới. Chủ nghĩa quốc tế vô sản là nền tảng trong chính sách đối ngoại của đảng và nhà nước ta, đã đem lại nhiều kết quả, góp phần tạo nên những nhân tố thắng lợi cho cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

(Hết)

CVL