Kỳ 36.
X. TRUNG ĐÔNG CỔ ĐẠI: CHIẾN TRANH BA TƯ-HI LẠP
1.Trong lịch sử thế giới cổ đại, khu vực Trung Đông, bờ phía Nam Địa Trung Hải và khu vực Nam Âu bờ phía Bắc Địa Trung Hải đã diễn ra nhiều cuộc đụng độ lớn, đó là những cuộc chiến tranh ác liệt lâu dài để tranh nhau quyền bá chủ ở hai khu vực, như cuộc chiến tranh Hi Lạp-Ba Tư, cuộc chiến tranh La Mã-Carthage[1]. Cuộc chiến tranh Hi lạp-Ba tư kéo dài nhiều thập kỷ, từ thế kỷ V.TCN đến thế kỷ IV. TCN là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt. Cuộc chiến tranh này do đế quốc Ba Tư phát động để bành trướng lãnh thổ, xâm lược Hi Lạp và bán đảo Ban Căng. Nghiên cứu chiến tranh Hi Lạp-Ba Tư có ý nghĩa to lớn: Nó chỉ ra một đế quốc rộng lớn khi tiến hành chiến tranh xâm lược một nước nhỏ bé không phải bao giờ cũng chiến thắng. Ngược lại một quốc gia nhỏ bé nhưng kiên quyết chiến đấu bảo vệ tự do, độc lập, bảo vệ tổ quốc thì vẫn có thể đánh bại kẻ thù xâm lược khổng lồ. Nghiên cứu chiến tranh Hi Lạp-Ba Tư còn làm sáng tỏ lịch sử quan hệ quốc tế giữa các quốc gia ven hai bờ Địa Trung Hải, làm sáng tỏ thêm lịch sử Trung-Cận Đông, lịch sử Hi Lạp thời kỳ cổ đại, học hỏi được nhiều bài học quí giá từ thiên anh hùng ca chiến thắng của người Hi Lạp.
2. Đế quốc Ba Tư và các thành bang Hi lạp.
2.1. Đế quốc Ba Tư:
Khoảng 3000 năm TCN, những bộ tộc người thuộc ngữ hệ Ấn-Âu Aryan còn trong tình trạng công xã thị tộc nguyên thuỷ sinh sống ở phía Bắc biển Caspiên và biển Ural. Những tộc người Iran là những cư dân du mục chăn nuôi gia súc nay đây mai đó. Khoảng 2000 năm TCN, một bộ phận người Aryan di cư về phương Nam, đến Ấn Độ, Iran và trở thành cư dân của hai quốc gia này. Trong số các tộc người di cư mạnh hơn cả là tộc người Medes và người Ba Tư. Thế kỷ VII và thế kỷ VI TCN, công xã thị tộc của người Medes tan rã, tộc người này bước vào xã hội có chế độ tư hữu, có giai cấp và có nhà nước. Năm 612 TCN, người Medes đã thành lập một vương quốc ở phía Đông sông Tigris, lãnh thổ bao trùm toàn bộ cao nguyên Iran chạy dài đến Armenia ở phía Bắc. Vương quốc Medes tồn tại đến thế ký VI TCN thì bị đế quốc Ba Tư thôn tính.
Trong khi vương quốc của người Medes đang tồn tại thì thế kỷ VI TCN, một tộc người Iran khác là người Ba Tư đã lập nên vương quốc Ba Tư. Vương quốc Ba Tư trở nên hùng mạnh dưới triều vua Cyrus II. Năm 550 TCN, Cyrus II thôn tính và sáp nhập vương quốc Medes vào Ba Tư, vương quốc Medes diệt vong. Nhà nước Ba Tư bắt đầu những cuộc chiến tranh xâm lược bành trướng, phát triển thành đế quốc Ba Tư. Năm 546 TCN, vua Cyrus II Chiếm Lydia ở Tiểu Á, đánh chiếm các thành bang Hi Lạp trên biển Địa Trung Hải, chiếm Syria. Năm 538 TCN, Ba Tư chiếm vương quốc Babylon- Lưỡng Hà. Đến những năm 30 của thế kỷ VII TCN, Ba Tư đã làm chủ toàn bộ miền Tây Á. Năm 525 TCN, con của Cyrus II là Cambyes II kế vị ngai vàng tiếp tục đường lối chiến tranh xâm lược. Ba Tư chiếm Ai Cập. Đến thời vua Darius I (521-486 TCN) đế quốc cổ đại Ba Tư phát triển cực thịnh, lãnh thổ phía Đông đến sông Ấn (Ấn Độ ), phía Tây đến bờ biển Egee, Tiểu Á, phía Bắc đến Ural, Caspiên, Hắc Hải, phía Nam đến vịnh Ba Tư và Ai Cập. Kinh đô của đế quốc là Susa, Đông đô là perspolis. Darius I chăm lo phát triển mở mang đường sá giao thông từ thủ đô đi các địa phương, thuận tiện cho việc cai trị và vận chuyển thuế má, vận chuyển quân đội thực hiện nhiệm vụ quân sự. Đế quốc Ba Tư chăm lo xây dựng và phát triển quân đội làm công cụ bành trướng và nô dịch các dân tộc bị xâm lược. Quân đội của đế quốc Ba Tư bao gồm bộ binh, kỵ binh và hải quân, trong đó kỵ binh là lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến bởi cuộc sống chăn nuôi du mục trước kia tạo cho người lính tài cưỡi ngựa bắn cung và sức lực khỏe dẻo dai.
Như vậy vào thế kỷ V TCN, lãnh thổ của đế quốc Ba Tư đã tiếp giáp các thành bang Hi Lạp nhỏ bé nhưng là những quốc gia thương mại giàu có. Tham vọng mở rộng lãnh thổ đã khiến các vua Ba Tư xua những đội quân đông đúc xâm lược Hi Lạp và chiến tranh Hi Lạp –Ba Tư đã bùng nổ.
2.2. Các Thành bang Hi Lạp: Trong khi đế quốc Ba Tư đang ngày càng phát triển thì bên bờ Bắc Địa Trung Hải công xã Thị tộc của những cư dân Hi Lạp cũng đang trên đường tan rã, xã hội xuất hiện chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước. Trên đất Hi Lạp cổ đại xuất hiện những nhà nước thành bang mà lớn nhất là thành bang Athen và Sparta vào thế kỷ VIII TCN. Đây là những thành bang phát triển kinh tế nhiều thành phần và vận hành theo cơ chế hàng hóa thị trường. Với vị trí địa lý thuận lợi là bán đảo vươn mình trên Địa Trung Hải, Hi Lạp có thể buôn bán với các quốc gia phương Đông, có thể buôn bán với Bắc Âu, Tây Âu. Tiêu biểu nhất là thành bang Athens. Athens có một nền kinh tế công thương nghiệp thịnh vượng. Người Athens chủ yếu sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường thế giới. Trong nông nghiệp họ sản xuất nho và ôliu làm nguyên liệu chế tạo rượu vang và dầu thực vật. Các ngành thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ và đa dạng: Luyện kim, chế tạo vũ khí, đồ trang sức, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, sành, sứ, nhạc cụ, may mặc, dệt vải…Hoạt động ngoại thương của Athens vô cùng phát triển. Athens là trung tâm mậu dịch, đầu mối buôn bán của thế giới cổ đại, còn là trung tâm của ngân hàng, cho vay lãi. Đồng tiền của Athens có giá trị sử dụng trong và ngòai nước.
Xã hội Athens phân hóa thành ba giai cấp chính. Chủ nô là giai cấp thống trị, áp bức, bóc lột vì họ nắm tư liệu sản xuất. Giai cấp thứ hai là những người bình dân bao gồm nông dân và thợ thủ công. Họ là những người cùng huyết thống với chủ nô cho nên sau cải cách của Solon (569-591 TCN) họ không bị biến thành nô lệ, họ cũng không phải là lực lượng chính sản xuất ra của cải vật chất. Bình dân chỉ nộp thuế cho nhà nước và họ có quyền về chính trị khi trở thành công dân Athens, được tham gia vào Đại hội công dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Giai cấp thứ ba là nô lệ, nguồn là những tù binh, những nô lệ được buôn bán từ nước ngoài vào, những con cái của nô lệ sinh ra. Nô lệ Athens cũng như nô lệ trên toàn thế giới, phương Đông cũng như phương Tây theo qui định pháp luật của các nhà nước chủ nô thì họ không phải là con người. Nô lệ chỉ là tài sản biết nói của chủ nô. Vì thế chủ nô có thể giết, bán hoặc làm bị thương nô lệ mà không có tội. Khác với phương Đông, nông dân là lực lượng chính sản xuất ra của cải vật chất thì ở Hi Lạp nói chung và Athens nói riêng nô lệ là lực lượng sản xuất chính. Karl Marx đánh giá chế độ nô lệ phương Tây là chế độ nô lệ điển hình.
Do nhiều thành phần kinh tế nên trong giai cấp chủ nô Athens có hai tầng lớp: Quí tộc thị tộc (những quan chức thời kỳ nguyên thủy) và quí tộc công thương (quí tộc mới). Ban đầu chính quyền nằm trong tay bọn quí tộc thị tộc do Hội đồng Trưởng lão và 9 viên Quan chấp chính nắm quyền. Những chủ nô công thương, những người bình dân không được tham gia chính quyền, bị cướp đoạt ruộng đất và có nguy cơ bị biến thành nô lệ. Ruộng đất phần lớn nằm trong tay bọn quí tộc thị tộc. Chủ nô công thương và bình dân liên minh với nhau đấu tranh chống bọn quí tộc thị tộc. Cylon người của quí tộc công thương đã làm cuộc chính biến nhưng thất bại. Sau đó quí tộc công thương và bình dân thắng thế, người của họ liên tục được bầu làm Quan chấp chính. Các Quan chấp chính như Solon (569-591 TCN), Cleisthnes, Pericles đã tiến hành một loạt các cuộc cải cách nhằm dân chủ hoá nhà nước Athens, hạn chế quyền lực chính trị và kinh tế của bọn quí tộc thị tộc, tăng quyền lực kinh tế và chính trị cho chủ nô công thương và bình dân. Cải cách còn tạo ra bộ máy quyền lực nhà nước Cộng hoà dân chủ chủ chủ nô. Cuối cùng chủ nô công thương và bình dân hoàn toàn chiến thắng qúi tộc thị tộc và thiết lập được nhà nước Cộng hoà dân chủ, một kiểu nhà nước dân chủ nhất thời kỳ cổ đại. Ở thành bang Sparta, bọn chủ nô nông nghiệp chiếm ưu thế nên chỉ thiết lập được hình thức nhà nước Cộng hoà quí tộc chủ nô, hạn chế dân chủ so với nhà nước Athens. Như vậy về mặt chính trị, các thành bang Hi Lạp đã thành lập và tồn tại hai thiết chế: Cộng hòa dân chủ và Cộng hòa quí tộc chủ nô.
(Còn nữa)
CVL