Dự khai mạc Ngày hội thơ có ông Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và du lịch; Hội VHNT tỉnh. Cùng với đó là đại diện chi hội thơ Đường luật Việt Nam các tỉnh, thành phố; các hội viên thuộc các chi hội thơ Đường luật trong tỉnh; các nhà thơ, nhà lý luận phê bình như: Nhà phê bình Bùi Việt Thắng, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nhà thơ Kim Quốc Hoa, nhà thơ Trần Gia Thái…
Sau 18 năm thành lập (2005- 2023) toàn Hội thơ Đường luật Việt Nam đã xuất bản khoảng hơn 3.300 đầu sách do các nhà xuất bản Trung ương và địa phương ấn hành, trong đó có hơn 1.200 hội viên có sách thơ xuất bản với số lượng 2.700 tập thơ Đường luật.
Ngày hội thơ Đường luật toàn quốc lần thứ XV tại Ninh Bình thu hút sự tham gia của hơn 600 hội viên, đến từ hơn 50 chi hội thơ Đường luật trên toàn quốc. Tham dự Ngày hội, các tác giả, nhà thơ được tham gia nhiều hoạt động: đọc thơ, bình thơ, ngâm thơ, nghe các nhà nghiên cứu giới thiệu các tập thơ "Thơ Đường luật Việt Nam tập 18","Về với Cố đô", "Non nước Ninh Bình"... Ban Chấp hành Hội thơ Đường luật Việt Nam đã vinh danh 27 tác giả, nhà thơ đã sáng tác với số lượng trên 1.000 bài thơ Đường luật trở lên.
Phát biểu chào mừng, ông Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu khái quát về vị trí địa lý tự nhiên cũng như những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Bình. Trong đó nhấn mạnh: Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn liền với cố đô Hoa Lư và tên tuổi của Đinh Tiên Hoàng đế - Người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình với vị trí địa lý tự nhiên, quá trình lịch sử hình thành, phát triển đã là chủ nhân của nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc- Bích Động, Vườn Quốc Gia Cúc Phương… Đây là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển kinh tế- xã hội, phát triển các hoạt động kinh tế du lịch.
Trong những năm qua, hòa cùng với sự phát triển của đất nước, Ninh Bình đang khởi sắc từng ngày. Kinh tế của tỉnh đã tăng trưởng nhanh, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tỉnh cũng xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, Ninh Bình định hướng phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực hiện quy hoạch, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Thông qua ngày hội thơ Đường luật toàn quốc lần thứ XV được tổ chức tại Ninh Bình, ông Thìn tin tưởng rằng, vẻ đẹp của vùng đất và con người Ninh Bình sẽ là nguồn cảm hứng để cho các nhà thơ sáng tác những tác phẩm đặc sắc, phản ánh những bước chuyển mình đi lên của địa phương, đất nước. Qua ngày hội thơ Đường luật, mỗi nhà thơ với tác phẩm của mình sẽ là một sứ giả văn hóa quảng bá tích cực, mạnh mẽ hình ảnh của Ninh Bình tới công chúng, người yêu thơ cả nước.
Nhà thơ Kim Quốc Hoa, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam chia sẻ, hội thơ tập hợp đông đảo những người yêu mến, gìn giữ, sáng tác và bảo tồn, nghiên cứu về thơ Đường luật. Hiện nay, Hội có 87 đơn vị trực thuộc ở 45 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 3000 hội viên chính thức. Còn số người sáng tác thơ Đường luật phải tính hàng chục nghìn bởi trên trang điện tử của Hội chỉ riêng năm 2022 đã có 15.500 người có thơ mới sáng tác được đăng lên trang. Sau đại dịch Covid-19, các hội cơ sở dấy lên các hoạt động sôi nổi như tổ chức đại hội nhiệm kỳ, họp mặt giao lưu, xướng họa, tọa đàm, tham gia ngày thơ Nguyên tiêu ở địa phương, xuất bản, phát hành nhiều ấn phẩm. Cách đây 2 hôm, diễn đàn Một thoáng Xuân Hương đã được tổ chức tại thị xã Bỉm Sơn- tỉnh Thanh Hóa là 1 sự kiện nổi bật của Hội thơ Đường luật Việt Nam; đồng thời ra mắt tập 6 của gần 200 tác giả với gần 500 bài Đường luật, nâng thêm sự tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” và gợi mở 1 ngữ điệu mới trong sáng tác dáng dấp Hồ Xuân Hương. Hôm qua, Hội đã tổ chức lễ dâng hương tại Đền Vua Đinh- vua Lê, buổi tối đã diễn ra liên hoan giao lưu nghệ thuật của các đơn vị với 1 số nghệ sĩ ở trung ương và địa phương.
Trong nhiều năm qua, hoạt động của Hội thơ Đường luật Việt Nam mang lại những giá trị thăng hoa về văn hóa, lan tỏa đời sống tinh thần trong cộng đồng, nhất là đối với người cao tuổi, bởi 95% trong tổng số hội viên là người cao tuổi. Hàng nghìn hội viên khi về hưu rồi mới làm thơ, gia nhập hội và các câu lạc bộ. Người sáng tác thơ Đường luật hầu hết là trí thức như nhà giáo, cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an, có người là Bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh, nhiều người là Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lực vũ trang Nhân dân…