Tối 7/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã xướng tên tiểu thuyết gia người Tanzania, Abdulrazak Gurnah là chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học năm 2021. Ông được vinh danh vì sự “sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa".
Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn học, gọi ông là “một trong những nhà văn thời hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới”.
Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 và lớn lên trên đảo Zanzibar nhưng đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Cho đến khi nghỉ hưu gần đây, ông là Giáo sư tiếng Anh và Văn học Hậu thuộc địa tại Đại học Kent, Canterbury. Ông đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số truyện ngắn: tiểu thuyết "Paradise" (1994), vào danh sách đề cử cuối cùng của giải Booker năm 1994 và Whitbread Prize, "Desertion" (2005) và "By the Sea" (2001), vào danh sách vào danh sách rút gọn của giải Los Angeles Times Book Award.
Tiểu thuyết gia người Tanzania bắt đầu viết văn khi mới 21 tuổi ở Anh lưu vong, và mặc dù tiếng Swahili là ngôn ngữ đầu tiên của ông nhưng tiếng Anh đã trở thành công cụ văn học. Ông nói rằng ở Zanzibar, khả năng tiếp cận văn học bằng tiếng Swahili của ông hầu như không có và tác phẩm đầu tiên của ông không thể được coi là văn học. Với việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ văn học, Shakespeare, V. S. Naipaul có dấu ấn đặc biệt trong các sáng tác của ông.
Cuốn tiểu thuyết thứ tư "Paradise" (1994) của Abdulrazak Gurna là bước đột phá với tư cách là một nhà văn. Tác phẩm ra đời sau một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đó là câu chuyện sống động về tuổi trẻ và một câu chuyện tình buồn mà trong đó các thế giới và niềm tin khác nhau xảy ra xung đột.
Trong cách xử lý của Abdulrazak Gurnah về trải nghiệm người tị nạn, trọng tâm là bản sắc và hình ảnh bản thân. Các nhân vật thấy mình bị gián đoạn giữa các nền văn hóa và lục địa, giữa một cuộc sống đang tồn tại và một cuộc sống đang trỗi dậy; nó là một trạng thái không an toàn mà không bao giờ có thể giải quyết được.
Abdulrazak Gurnah phá vỡ quy ước một cách có ý thức, thay đổi quan điểm thuộc địa để làm nổi bật quan điểm của người dân bản địa. Vì vậy, cuốn tiểu thuyết "Desertion" (2005) của ông về một mối tình trở thành một mâu thuẫn thẳng thừng với cái mà ông gọi là “sự lãng mạn hoàng gia”. Tiểu thuyết của ông thoát ra khỏi những mô tả rập khuôn và mở ra cái nhìn về một Đông Phi đa dạng văn hóa, mới lạ với nhiều độc giả trên thế giới.
Trong thế giới văn học của Gurnah, mọi thứ đều thay đổi từ ký ức, tên tuổi tới danh tính. Khát vọng khám phá không bao giờ ngừng chảy vì niềm đam mê trí tuệ hiện diện trong tất cả các tác phẩm của ông, trong số đó ngoài Paradise, còn có "Afterlives" (2020).
Trước đó, theo Guardian, giới văn chương quốc tế dự đoán nhà văn Pháp Annie Ernaux giành giải hay nhiều độc giả khác đã gọi tên Margaret Atwood, Ngugi wa Thiong’o và Haruki Murakami. Tuy nhiên giải thưởng được trao cho Abdulrazak Gurnah.
Nobel Văn học là 1 trong 6 hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Trong số 117 người đoạt giải Nobel Văn học kể từ khi giải thưởng đầu tiên được trao năm 1901, 95 người (hơn 80%) là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng Pháp đã 15 lần giành giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngoài ra, 101 tác giả giành chiến thắng là nam giới và chỉ có 16 phụ nữ
Viện Hàn lâm Thụy Điển từng khẳng định những người đoạt giải được chọn dựa trên thành tích văn chương, không tính đến quốc tịch. Nhưng sau vụ bê bối #MeToo, viện này phải hoãn trao giải thưởng năm 2018 trong 1 năm và tuyên bố sẽ điều chỉnh các tiêu chí theo hướng đa dạng hơn về địa lý và giới tính. Năm ngoái, Uỷ ban Nobel đã trao giải thưởng Nobel Văn học cho nữ thi sĩ Louise Gluck với "giọng thơ không thể trộn lẫn".