Thầy Phạm Văn Kiêm sinh ngày 19 tháng 8 năm 1921, tại Mỹ Hào, Hải Hưng. Cụ thân sinh ra thầy biết chơi đàn nguyệt và đàn tỳ bà, nhưng không làm nghề âm nhạc. Thầy chủ yếu tự học, từ năm mười một tuối đã cắp tráp cắp đàn theo các cung văn. Năm 13 tuổi (1934), thầy về Hà Nội và bắt đầu theo học nghề với cụ Cả Mã và đi hát hầu khắp các đên phủ.
Mới 17 tuổi, thầy đã được bổ làm cung văn chính ở phủ Tây Hồ, Hà Nội. Khắp các dịp dẫn tiệc, lễ bái, hầu tự... không ngày nào là thầy không có dịp hát hầu thánh, cũng như cùng các bạn đồng đi hành hương khắp nơi hát dâng nhạc lên Tứ phủ. Thầy được mời đi hát ở khắp những đền phủ nổi tiếng nhất ở miền Bắc: Đông Cuông, Tuần Quán, Phủ Giây, đền Sòng, đền Cửa Ông... Thầy đảm nhận vai trò cung văn chính ở phủ Tây Hồ cho đến năm 1954.
Nghệ thuật hát văn chỉ học theo truyền khẩu, chứ chưa bao giờ có trường lớp, hay sách ghi. Theo thầy kể, lúc thầy bắt đầu học nghề, cũng như các học trò khác, thầy phải cắp tráp theo hầu các cụ trước, "Tiên học lễ, hậu học văn". Dần dần, thầy được cầm nhịp để đệm cho các cụ hát, tiếp đó các cụ mới cho phép hát đệm theo các cụ, rồi hát thay vào chỗ các cụ lúc các cụ nghỉ lấy hơi. Thầy Kiêm theo dần từng bước như thế, vào được làng nghề.
Nhưng thầy không chỉ dừng ở mức cung văn hát cho các đệ tử hầu. Nhờ biết Hán-Nôm, thầy sưu tập các văn cổ và đi sâu vào tìm tòi. Thầy tìm hiểu lề lối hát, đặt ra những lời mới, học hát văn thờ và đi thi văn ngay từ ngày còn niên thiếu. Năm 20 tuổi, thầy đạt được giải nhất, dù phần thưởng chỉ là một vuông lụa đỏ thôi, nhưng đây là lần đầu thầy được nhận. Niêm tự hào thật lớn lao với một cung văn còn trẻ tuổi. Từ đó thầy càng say sưa đi vào tìm hiểu nghệ thuật hát văn đến tận nguồn cội, được toàn bộ đồng nghiệp kính nể và tôn làm thầy. Thầy luôn miệt mài trau dồi trong suốt cả cuộc đời để trở thành người thầy lớn nhất trong làng cung văn ở miền Bắc.
Cứ dần dần như thế, bộ sưu tập của thầy Kiêm ngày càng nhiều các bản văn, các sự tích của các vị thần ở khắp các vùng miền Bắc. Thầy Kiêm còn là người luôn có ý thức truyền bá, trong lời mở đầu của một số băng ghi âm, thầy nói trong mục đích thu băng là để lại cho các thế hệ sau. Nếu có đồng nghiệp nào muốn trau dồi học hỏi, thầy Kiêm cho văn, bày điệu.
Chính vì thế mà thầy trở thành người được ngưỡng mộ nhất trong làng cung văn ở thế hệ mình. Thầy không những thông thuộc lề lối cổ, mà còn phát triển nghệ thuật hát văn để đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trên nền tảng những hiểu biết mà các lớp đàn anh để lại.
Công lao lớn nhất của thầy đối với nhà đạo là việc sưu tầm, sáng tác, chép và lưu trữ văn một cách nghiêm cẩn trong vòng hơn nửa thế kỷ. Và quan trọng hơn, đó là nửa thế kỷ bản lề giữa văn và lễ cổ với sự bung ra của thực hành nghi lễ ngày nay.
Thầy Kiêm định nghĩa chầu văn là nhạc thiêng, nhạc lễ. Không có lễ thì không có thể có nhạc, nhạc chỉ là một trong những cấu trúc của lễ Tứ phủ. Thầy không hiểu tại sao lại "có những nhà nghiên cứu in sách ra, phân tích nhạc văn mà không có giải thích, không có trình bày, thì làm sao người ngoại đạo có thể hiểu được nghệ thuật hát văn".
Điểm đặc biệt của tác phẩm “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn” là đã bao gồm những cuốn cổ văn, cảo thơm các cụ để lại, giúp lớp người sau hiểu được hơn giá trị những cuốn văn thầy Kiêm trao gửi, những bài văn hầu được thu âm trong nghi lễ. Trăm năm trong cõi hát văn và hầu bóng ấy để trước đèn lần giở ngược cảo thơm một thế kỷ về trước. Và khi tìm được những cuốn văn cổ, phân tích các bản văn hầu, nghe văn thờ, so sánh giữa các nguồn, các bài... thì mới thật sự hiểu được: những bản văn thầy Phạm Văn Kiêm đã trao gửi cho tôi và được xuất bản lần này là một tài sản vô giá của làng đạo, của các nhà nghiên cứu, của tổ tiên, của đất nước. Tài sản vô giá ấy đã được một người học trò khác của thầy Kiêm, anh Ngô Nhật Tăng, chủ biên việc hiệu đính, dẫn giải với sự tham gia của các nhà Hán - Nôm học Lê Phương Duy và Kim Trung Linh.
Đã qua lâu rồi cái thời mà những người có đồng ít khi phô trương và thậm chí chỉ nhận mình theo đạo Phật. Đã qua lâu rồi cái thời mà người ngoại đạo không nể trọng những người có đồng. Đã qua lâu rồi thời mà tín ngưỡng hầu bóng bị coi thường, thậm chí chế giễu, cấm đoán. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nghi lễ hầu đồng đã hồi sinh trong đời sống tâm linh người Việt Nam hiện đại, và việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt' được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với hàng trăm công trình nghiên cứu, bài báo, bài khảo cứu, ấn phẩm, cùng các hoạt động quảng bá trong nước và nước ngoài, đồng bóng đã phát triển lên một bình diện mới.
Tác giả cuốn sách này là nhà nghiên cứu Lê Y Linh, con gái cố nhạc sỹ Hoàng Vân. Chị hiện là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Cận đại và Hiện đại - Trường Cao đẳng Sư phạm Pháp (IHMC-ENS) và là thành viên Hội Âm nhạc dân tộc học Pháp (SFE). Chị chia sẻ: “Với cách tiếp cận đa ngành âm nhạc, lễ nghi, lịch sử, văn học, với việc so sánh và đối chiếu tư liệu trong và ngoài nước thu thập được trong nhiều thời kỳ từ một thế kỷ nay, tôi kỳ vọng rằng cuốn sách sẽ góp phần là một mảnh ghép quan trọng trong nghiên cứu lịch sử nghi lễ hầu bóng và âm nhạc hát văn. Mặc dù cũng vẫn chỉ là phác hoạ, nhưng chúng tôi cũng hy vọng đã tìm ra được một số chìa khóa của nghệ thuật hát văn trong tín ngưỡng hầu bóng, và từ đó có thể hiểu thấu đáo những bước tiến triển đương đại của nó.”