Phan Chí Thắng và “Nghề làm ông”

Ngô Đức Hành

27/05/2022 19:14

Theo dõi trên

Phan Chí Thắng có “xuất xứ” là một kỹ sư công nghệ nhưng bén duyên với văn học nghệ thuật, nhất là văn học và nhiếp ảnh. Ngoài đời, ông là một “lãng tử” đích thực. Ông là bạn vong niên của hầu như “tất tần tật” văn nhân phía Bắc. Bản thân ông cũng là người của văn chương, đã từng in 7 tác phẩm, trong đó có 5 tập truyện ngắn, 02 tập thơ.

 

                      

phan-chi-thang1-1653653311.jpg
Chân dung nghệ sỹ Phan Chí Thắng

 

Một ngày cuối tuần, nhà thơ Vương Cường nhắn tin cho tôi: “Mai café, có Phan Chí Thắng”. Vui quá, hơn hai năm COVID, chưa hề được gặp lại “lãng tử” Phan Chí Thắng. Vui hơn, gặp nhau, Phan Chí Thắng tặng tôi và nhà thơ Vương Cường, mỗi người một cuốn “Ông cháu kể chuyện”, (Chuyện kể thiếu nhi), NXB Hội Nhà văn, quý 2/2022. Nghĩa là còn thơm mực in. Cầm trên tay, tôi nhận ra không chỉ thơm mà còn xinh.

Phan Chí Thắng rất hóm, ngay dòng đầu tiên của “Lời nói đầu” - thực chất là lời tác giả, ông viết: “Nghề nào cũng có trường lớp đào tạo hoặc người dạy. Nghề làm ông thì không. Nghề làm ông không có trong danh sách ngành nghề của bất kỳ nước nào. Nghề làm ông không có hợp đồng lao động. Không có người sử dụng lao động và người lao động. Đương nhiên là không có lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Một nghề không được đào tạo, không lương, không tranh chấp lao động. Không danh hiệu, không huân chương. Không được tôn vinh. Vậy nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề và niềm vui cũng vô cùng lớn”, (Nghề làm ông – thay lời nói đầu).

Tôi thì tôi nghĩ, điều này chỉ có ý nghĩa tương đối. Tôi cam đoan rằng, nghề gì cũng phải được đào tạo. Vấn đề là cách quan niệm về “trường, lớp” làm nhiệm vụ ấy. Thời phong kiến, khi các cô gái đi lấy chồng, đêm hôm trước mẹ đẻ bao giờ cũng gọi riêng vào phòng “dặn dò” cẩn thận và không quên đưa cho con gái một chiếc trâm cài đầu. Kinh nghiệm trong đêm “động phòng hoa chúc” đã được người mẹ truyền lại và giao cho “bảo bối” để xử lý tình huống, nếu “sự cố” xảy ra với đức lang quân. Thời có internet thì điều này không cần nữa. Nam thanh nữ tú đều biết nơi cất giữ những điều họ cần tìm hiểu, trước khi bước vào đời sống vợ chồng.

phan-chi-thang2-1653653312.png
Tác giả Phan Chí Thắng (phải ảnh) tặng sách “Ông cháu kể chuyện” cho nhà thơ Vương Cường (giữa) và Ngô Đức Hành

Như vậy là có nhiều cách để học: học ở trường, học lẫn nhau, tự học... “Nghề làm ông” cũng vậy thôi. Thời nay trên Internet, chỉ cần biết search trên Google, các kiến thức về “làm bố”, “làm mẹ”; thậm chí được in thành sách, được rao bán hơi bị nhiều. “Không thầy đố mày làm nên”, (thành ngữ); “thầy” ở đây được hiểu theo nghĩa phong phú hơn, không cứ thầy trên bục giảng.

Tuy nhiên, với lứa tuổi như tôi, nhà văn Phan Chí Thắng, nhà thơ Vương Cường – tiếp xúc với Internet muộn hơn, khi có Internet thì con cái cũng đã đi học phổ thông, do vậy trước đây nuôi con, bây giờ là chăm cháu thì chủ yếu tự học, tự quan sát là chính. Vật chất đã và đang lên nhưng tình cảm, tinh thần có vẻ đã và đang “nghèo” đi.

*

**

Ông cháu kể chuyện” là tập truyện gồm 48 câu chuyện kể giữa ông/ tác giả và cháu / người nghe đầu tiên. Phan Chí Thắng kể cho cháu mình từ chuyện cổ tích, hoặc mượn chuyện cổ thích như: “Nàng công chúa chân đất và ngọn gió yêu thương”, “Chó sói, chó nhà và bầy cừu”, “Chiếc nhẫn gỗ”, “Bình nước thần”, “Ăn khế trả vàng”....đến vạn vật gần gũi với thế giới trẻ thơ như con kiến, con chim, con vẹt, thạch sung, muỗi, con vịt, con thỏ...Xem qua mục lục đã thấy “người ông” – tác giả Phan Chí Thắng vừa là người “làu kinh sử” vừa là người hiểu tâm lý sư phạm tuổi nhỏ. Ông quan tâm đến những tích về hạnh kiểm, nhân ái; những đề tài khơi gợi tính tò mò, kích thích tư duy con trẻ. Xem ra Phan Chí Thắng là người ông hết mực yêu cháu, người ông hạnh phúc.

Phan Chí Thăng quả có duyên kể chuyện, gắn tích trong “Truyện cổ tích Việt Nam” với đời sống đương đại để cháu mình dễ hình dung ra. “Ăn khế trả vàng” là một trong số đó.

So với truyện cổ tích, chỉ có hai anh em, truyện của Phan Chí Thắng có ba anh em. Trong cổ tích, sau khi bố mẹ chết, người anh vì tham lam chiếm đoạt hết gia sản, chỉ để phần cho em mình mỗi cây khế. Trong truyện Phan Chí Thắng, cả ba đều được chim ăn khế, trả vàng. Có điều hai người anh đầu đều tham lam, nhận kết cục bi thảm, chỉ có người em út hiếu thảo, thương người, khi về nhà chỉ còn duy nhất một cục vàng nhưng nhờ biết mua tài liệu hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân mà thành triệu phú nông dân. Trong cuộc sống hiện nay rất nhiều nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ biết làm ăn như thế. Ông đã có sự sáng tạo trên “nền cổ tích”, tức là giỏi phịa, phịa hợp lý. Ngôn ngữ về văn chương thì gọi là giỏi tưởng tượng.

phan-chi-thang3-1653653311.jpg
Bìa tập truyện “Ông cháu kể chuyện” của Phan Chí Thắng

Sự quan tâm của ông, bà, bố, mẹ với trẻ em không chỉ về vật chất mà đời sống tinh thần có ý nghĩa hết sức quan trọng đới với các cháu. Đáng tiếc, từ lâu rồi rất hiếm người mẹ còn biết hát ru con, biết lắng nghe, quan sát “đôi mắt trẻ thơ” để hiểu về trẻ em. Thời smartphone càng “tệ hại”, trong một gia đình sau bữa cơm hầu như ai cũng “chúi mũi” vào điện thoại. Con trẻ nhiều khi chỉ biết chơi một mình, thậm chí vì thế mà nhiều trẻ khóc, quấy...(cục tính ngay từ bé).

Thời Internet, nên như đã nói ở trên, bất cứ bố mẹ nào cũng có thể nhờ Google tìm hiểu các lợi ích khi kể chuyện cho con trẻ. Với tôi, tôi nghĩ, việc kể chuyện cho con hay cháu mình, tác dụng quan trọng là nhất là hiểu “khán giả” của mình. Từ đó, ông hay bà, bố hay mẹ mới hiểu nhu cầu, tâm lý từ đó mà truyền tải đến con / cháu mình những thông tin phù hợp. Thậm chí, có thể phát hiện ra năng khiếu của trẻ em ngay từ bé. Cuộc sống luôn là sự “trao đổi” giữa các thế hệ, ngay cả tình cảm. Kể chuyện cho trẻ em, người lớn có thể bất ngờ đấy, có thể học được nhiều thứ từ trẻ nhỏ đấy. Điều này thì Phan Chí Thắng hiểu hơn ai hết, ông đã từng hạnh phúc hơn ai hết, khi kể chuyện cho cháu của mình.

*

**

         Viết cho thiếu nhi đã và đang thu hút sự quan tâm, thử sức rất nhiều nhà văn, nhà thơ; kể cả các cây bút trẻ hiện nay. Nhưng đó luôn là một điều không dễ. Nhà thơ Tùng Bách từng tâm sự: “Tôi từng phải tập hóa lại trẻ con để làm thơ về thiếu nhi”. Yêu trẻ thì ông bà, bố mẹ nào cũng yêu cháu / con mình. Nhưng nhẫn nại kể chuyện cho cháu, sáng tác ra các câu chuyện để rồi in thành sách như Phan Chí Thắng thì không phải nhiều.

         Tôi đã từng gặp những tác giả trẻ như Nguyễn Đức Tú, vì yêu con mình, quan sát đời sống tâm hồn của con từ lúc lọt lòng đến lúc đi nhà trẻ mà đã xuất bản được tập thơ thiếu nhi “Điều Pa thích nhất”. Thực sự trân trọng họ. Viết cho trẻ em đã khó, kể chuyện cho trẻ em nghe cũng là điều không dễ. Ngoài tình yêu “máu mủ, ruột rà” còn cần ở các bậc “phụ huynh” sự hiểu biết, kỹ năng sư phạm với tuổi nhỏ.

         Nguyễn Đức Tú với “Điều Pa thích nhất”, Phan Chí Thắng với “Ông cháu kể chuyện”, trước hết vì con hoặc cháu mình, nhưng rõ ràng, họ đã có những đóng góp cho mảng sách văn học dành cho thiếu nhi, vốn đang được các bậc phụ huynh quan tâm hiện nay. Đó cũng là đóng góp của ông nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi đang cận kề./.

Hà Nội, ngày 27/5/2022

NĐH

 

Bạn đang đọc bài viết "Phan Chí Thắng và “Nghề làm ông”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn