Và nền kinh tế xanh như là một lựa chọn tất yếu. Đó là nền kinh tế hướng đến lợi ích cho con người, giảm thiểu rủi ro môi trường trong dài hạn. Nền kinh tế mà trong đó ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội, bảo đảm lợi ích cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khái niệm về kinh tế xanh
“Kinh tế xanh” – khái niệm này chính thức được đề cập lần đầu tiên vào năm 1989 bởi một nhóm các nhà kinh tế môi trường (gồm David Pearce, Anil Markandya và Edward Barbier) trong một báo cáo có tiêu đề “Blueprint for a green economy” được gửi tới Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh (Pearce, Markandya, & Barbier, 1989). Cho tới năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã nhắc lại khái niệm này và coi việc hướng tới xây dựng nền Kinh tế xanh là lối thoát quan trọng để đưa các quốc gia ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, hướng tới phát triển bền vững.
Trên thực tế, đến nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về Kinh tế xanh.
Liên minh châu Âu cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng” (European Commission, 2010).
Nhóm Liên minh kinh tế xanh (The Green Economy Coalition) định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của trái đất” (Green Economy Coalition, 2012).
Phòng Thương mại Quốc tế dưới góc độ kinh doanh cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội” (ICC, 2012).
Từ việc tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế về Kinh tế xanh, báo cáo của Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDESA, 2012) đã chỉ ra điểm chung mà một nền Kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.
Theo Liên hợp quốc, Kinh tế xanh là nền kinh tế đem đến trong tương lai về một mô hình tăng trưởng kinh tế mới thân thiện với các hệ sinh thái của trái đất và góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Dựa trên nền tảng sản xuất kinh tế, kinh tế xanh giúp giảm thiểu phát thải, giảm tiêu thụ tài nguyên và giảm chi phí môi trường (Mathews, 2022).
Cho đến nay, định nghĩa của UNEP được coi là chính xác và đầy đủ nhất về Kinh tế xanh: “là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội” (UNEP, 2011b, p. 16).
Như vậy, nội hàm của Kinh tế xanh bao gồm: phát thải các-bon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo công bằng xã hội. Theo đó, đây thực sự là nền kinh tế không chỉ đặt mục tiêu phát triển kinh tế mà quan tâm nhiều đến hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.
Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Một số kết quả đạt được
Hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực như hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi, cải thiện; ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh; đời sống của người dân được nâng lên, nhiều khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2021 luôn dương, dao động ở mức trung bình là 5,65%, mặc dù năm 2020 và 2021 có sự sụt giảm đáng kể, nguyên nhân chính đó là do sự ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong quý 3/2021 phần lớn các tỉnh, thành của cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. (Được thể hiện ở Biểu đồ 1 dưới đây).
Biểu đồ 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2021
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam
Về quy mô, năm 2021 Việt Nam năm đứng thứ 5 về GDP trong khu vực với xấp xỉ 352 tỷ USD, được xếp sau Singapore với hơn 364 tỷ USD. Indonesia, Thái Lan và Philippines thuộc top 3, thứ hạng này không có biến động so với năm 2020 (VCCI, 2022). (Bảng 1)
Bảng 1: Thứ hạng GDP của các nền kinh tế lớn Đông Nam Á giai đoạn 2020 - 2021
Theo Tổng cục Thống kê năm 2023: GDP tăng 5,05%, cao hơn các năm 2020 và 2021; trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%. Về quy mô, năm 2023 GDP đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%). Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch với tỷ lệ khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm xuống, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng dần và ngày càng được xanh hoá.
Có được những thành tựu ban đầu như vậy trong mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước kịp thời nắm bắt xu thế, diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận, phát triển công nghiệp xanh, phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2 đối với các ngành công nghiệp nặng; áp dụng mô hình nông nghiệp xanh…
Trong quá trình phát triển kinh tế xanh ở nước ta, thời gian qua có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới, tổ chức triển khai kinh tế xanh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các dự án về công nghiệp xanh, năng lượng xanh, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu... Kể từ năm 1994 đến nay, Ngân hàng Thế giới đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 25,3 tỷ USD trong phát triển đất nước, trong đó chú trọng phát triển kinh tế xanh (The World Bank, 2022).
Mục tiêu phát triển kinh tế xanh đã có tác động tích cực đến nguồn lao động trong nước. Cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng chuyển từ lĩnh vực kinh tế nâu sang kinh tế xanh. Xu hướng này phù hợp với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, góp phần bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế xanh.
Những hạn chế và khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn nhất định, cụ thể:
Một là, thực tế cho thấy, nhận thức chung về nền kinh tế xanh vẫn còn hạn chế vì khá mới mẻ, nhất là cộng đồng dân cư, do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế xanh đối với cả các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách đến doanh nghiệp và người dân.
Bảng 2 cho thấy, lượng phát thải CO2 của Việt Nam năm 2022 là 327.906 nghìn tấn, mặc dù có giảm so với năm 2021 và 2020, nhưng đã tăng lên hơn gấp đôi lượng phát thải CO2 năm 2011 - năm đầu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh chỉ ở mức 155.970 nghìn tấn. Với lượng phát thải CO2 năm 2022 đã đưa Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng 184 quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới năm 2021. Qua các con số rõ ràng thấy được lượng phát thải CO2 ở Việt Nam trong suốt giai đoạn 2011 - 2022 có xu hướng tăng đáng kể, tăng gấp đôi trong hơn 10 năm.
Theo phân tích của Countryeconomy.com (2022), tỷ số lượng phát thải CO2 trên 1.000 USD GDP sẽ đo lường “hiệu quả môi trường” của một quốc gia theo thời gian. Theo đó, trong năm 2022 Việt Nam đã thải ra 0,29 kg cho mỗi 1.000 USD GDP, có thấp hơn một chút so với năm 2020 và 2021 ở mức 0,34 kg và 0,33 kg cho mỗi 1.000 USD GDP. Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong thời gian qua đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đồng nghĩa với việc lượng phát thải CO2 có xu hướng tăng nhanh qua các năm.
Hai là, nguồn lực tài chính cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam còn khá hạn chế trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp cùng với ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Hơn nữa, xung đột quân sự Nga - Ukraine cùng với những biến động và bất ổn về chính trị cũng như kinh tế thế giới đã có tác động không nhỏ đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Những sự kiện này làm cho quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam trở nên khó khăn hơn, nguy cơ xuất hiện nhiều rủi ro, yêu cầu các nhà hoạch định chính sách không chỉ đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững mà còn phải khắc phục những khó khăn trước mắt.
Ba là, chất lượng công nghệ, nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ cao của chiến lược phát triển kinh tế xanh. So với thế giới, phần lớn vẫn là công nghệ cũ và lỗi thời trong dây chuyền sản xuất ở Việt Nam dẫn tới việc tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu, năng lượng. Do vậy, việc áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến vào nền kinh tế xanh thực sự là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam và yêu cầu có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm nhiệm. Đồng thời, sự tư vấn và hỗ trợ từ các nước phát triển trên thế giới là điều rất cần thiết cho Việt Nam trong quá trình áp dụng khoa học và công nghệ mới (Nguyễn Thị Quỳnh Hương & Nguyễn Thị Vân Chi, 2020).
Bốn là, về hành lang pháp lý, mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành và phê duyệt các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; cần ban hành luật mới về phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, công tác quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh ở các ngành, vùng và địa phương trên cả nước chưa thật sự liên kết và thống nhất với nhau. Do vậy, việc triển khai chưa thật sự đồng bộ và đạt được kết quả như mong muốn.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nền kinh tế xanh
Tăng trưởng xanh trong mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Đã có nhiều quốc gia phát triển vận dụng thành công xu hướng này và đạt được những thành tựu nổi bật, điển hình là: Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Singapore..., cụ thể như sau:
Mỹ là quốc gia sớm tiếp cận với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và dẫn đầu nền kinh tế xanh toàn cầu. Mỹ xác định chính sách chính là động lực quan trọng cho hành động vì môi trường, và các địa phương là trung tâm của hành động. Chính phủ Mỹ đã thực hiện các mục tiêu giảm phát trong dài hạn, triển khai các chính sách phát triển nền kinh tế xanh thông qua việc tiết kiệm năng lượng kết hợp với chính sách năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mỹ đã đầu tư khá lớn cho năng lượng tái tạo, nâng cấp lưới điện, lưu trữ năng lượng, cơ sở hạ tầng xe điện, sử dụng năng lượng hiệu quả hydro, thu gom CO2, tăng khả năng thích ứng và phục hồi trước biến đổi khí hậu… Với nỗ lực giảm chi phí năng lượng tái tạo, sự tiến bộ trong phát triển công nghệ và sự thay đổi của các doanh nghiệp đã kích thích nền kinh tế xanh của Mỹ. (US Green Economy, 2021). Theo nghiên cứu của Georgeson & Maslin, nền kinh tế xanh của Mỹ tạo ra doanh số hằng năm ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, đồng thời sử dụng hơn 9,5 triệu lao động toàn thời gian (Stevens, 2019).
Đan Mạch đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” trên thế giới. Với Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2035, Đan Mạch tập trung vào việc chuyển từ nhiên liệu năng lượng hóa thạch sang đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng xanh, hạn chế phát thải khí nhà kính (GHG). Các chính sách hiện tại giúp Đan Mạch đạt được các mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu trong thời gian ngắn. Do đó, để đạt được tham vọng của mình, Đan Mạch phải đối mặt với nhiều thách thức. Và Đan Mạch đang nỗ lực hơn trong việc khai thác các mối quan hệ, tương tác với các chính sách của EU và quốc tế, tìm ra phương pháp thích hợp để áp dụng công nghệ xanh và giảm lượng khí thải CO2 trong các lĩnh vực không nằm trong chương trình thương mại khí thải của EU (OECD, 2012).
Hàn Quốc – quốc gia có nhiều sáng kiến nổi bật về tăng trưởng xanh đã tuyên bố “Carbon thấp, tăng trưởng xanh”chính là tầm nhìn phát triển trung và dài hạn trong giai đoạn 2009-2050 của quốc gia này cùng với mục tiêu tự nguyện giảm 30% lượng phát thải CO2 trước năm 2020. Theo đó, năm 2009, Hàn Quốc đưa ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2009 - 2050, cùng với kế hoạch 5 năm (FYP) của các quốc gia trong giai đoạn 2009 - 2013. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong dài hạn, bao gồm 3 mục tiêu chính: (1) Thúc đẩy cơ hội tăng trưởng mới thân thiện với môi trường; (2) Nâng cao chất lượng đời sống của con người; (3) Nỗ lực đóng góp cùng cộng đồng quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu. Và một trong những công cụ quan trọng để thực hiện tầm nhìn mới này là việc thành lập Đề án mua bán khí thải quốc gia (ETS), được bắt đầu từ tháng 01/2015. Chiến lược Quốc gia tăng trưởng xanh và đề án ETS đã thực sự có sức ảnh hưởng không chỉ đối với ngành công nghiệp mà còn có tác động rất lớn đến công chúng. Chính phủ Hàn Quốc đã chi khoản đầu tư đáng kể vào công nghệ xanh và việc làm thay đổi thái độ của người dân về vấn đề biến đổi khí hậu (NDC Partnership).
Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một thành phố xanh và đẹp về thiên nhiên. Tháng 01/2008, Ủy ban liên Bộ trưởng về Phát triển bền vững (IMCSD) được thành lập để xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững tại Singapore. Tháng 02/2021, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 tiến hành khởi động phong trào toàn quốc và thúc đẩy chương trình nghị sự quốc gia của Singapore về phát triển bền vững ở 5 trụ cột: Thành phố trong thiên nhiên; tái quy hoạch năng lượng; sống bền vững; kinh tế xanh và tương lai tự cường. Chính phủ Singapore đã tiếp tục đầu tư vào khoa học và công nghệ, tập trung cho nghiên cứu và phát triển về kinh tế xanh trong quý 3/2021, nhằm hướng đến một tương lai “carbon thấp”. Vào ngày 18/12/2022, Singapore và Australia đã ký kết Thỏa thuận Kinh tế xanh (GEA) giữa hai nước với ba mục tiêu về thương mại, kinh tế và môi trường. Thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đẩy mạnh thương mại, tạo thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư và các ngành công nghiệp khử carbon. Điều này đem đến nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu năng lượng sạch của hai nước, tăng cường quản lý môi trường và nỗ lực đóng góp xây dựng năng lực toàn cầu để giải quyết biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân trong các lĩnh vực kinh tế xanh (Australian Government, 2021).
Trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, hai nước tăng cường hợp tác trong các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu (NCCS, 2022). Hơn nữa, Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế carbon từ đầu năm 2019. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore, sẽ tăng dần mức thuế carbon bắt đầu tư năm 2024 với kỳ vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Với mức thuế 5 USD/ tấn CO2 sẽ tăng lên 25 USD/ tấn CO2 vào năm 2024 và 2025, 45 USD vào năm 2026 và 2027, tăng lên 50-80 USD/ tấn CO2 vào năm 2030. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải, góp phần đảm bảo môi trường sống xanh hơn và bền vững hơn cho thế hệ tương lai. Đối với nguồn thu từ thuế carbon, họ sử dụng vào việc hỗ trợ nỗ lực giảm phát thải carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng như giảm bớt tác động đến cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. (NCCS, 2022).
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của một số quốc gia điển hình như Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc và Singapore, có thể rút ra một số bài học cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần tập trung hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về tăng trưởng xanh cũng như vấn đề phát triển nền kinh xanh, đặc biệt chú trọng cải thiện tính hiệu quả trong việc thực thi chủ trương và chính sách về phát triển kinh tế xanh. Khi xây dựng pháp luật, có thể tham khảo Luật khung về tăng trưởng xanh của Chính phủ Hàn Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới. Việc ban hành và thực thi văn bản luật liên quan có ý nghĩa rất lớn đến quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, đảm bảo việc phát triển kinh tế xanh luôn đi cùng với một môi trường xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng xanh, đẩy mạnh thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi xây dựng chính sách cần quan tâm tập trung ba yếu tố chính, đó là môi trường, giảm carbon và phát triển năng lượng tái tạo trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thứ ba, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh. Thông qua đó, cơ hội trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ, thúc đẩy việc huy động nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh cũng được gia tăng như: mô hình khu công nghiệp xanh, tự động hóa, phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng xanh, sạch,… ; kinh nghiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu giúp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Thứ tư, cần cân nhắc, tính toán đến việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam, mặc dù đây là một thuật ngữ khá mới mẻ. Nó được xem là một trong những công cụ quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn. Việc đánh thuế carbon là giải pháp hiệu quả để giảm lượng phát thải khí CO2 ở mỗi quốc gia. Cùng với đó, việc thu thuế carbon góp phần gia tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước, Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu này để đầu tư trở lại cho việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh và carbon thấp. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức như: việc đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; nguy cơ đánh thuế hai lần; đòi hỏi hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) để đảm bảo kiểm kê được các phát thải chịu thuế một cách minh bạch và chính xác khi áp dụng một loại thuế mới. Do vậy, cần tính toán kỹ càng, trước khi áp dụng thuế carbon, nên thực hiện song song lộ trình cắt giảm lượng phát thải CO2 bằng những biện pháp truyền thống kết hợp lộ trình thử nghiệm thuế carbon. Nên ưu tiên tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân sách theo hướng ổn định và kích thích sản xuất bằng lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, cần quan tâm tới độ trễ thời gian trong việc áp dụng thuế carbon để tạo cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm thích ứng với một loại thuế mới. Quá trình thử nghiệm cần đảm bảo duy trì ổn định các mục tiêu kinh tế vĩ mô, tránh xung đột các mục tiêu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động; nhạy bén trước xu thế, động thái của các quốc gia trên thế giới trong việc áp dụng thuế carbon.
Thứ năm, cần đẩy mạnh tiêu dùng xanh bằng việc tăng cường, tập trung áp dụng rộng rãi phương pháp sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Có chiến dịch lan tỏa về việc thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, để mỗi người dân đều coi đây là trách nhiệm và vinh dự của mình trong xã hội, để cùng tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững với lượng phát thải CO2 thấp, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo công bằng xã hội.
-------------
Tài liệu tham khảo
Australian Government (2021), Singapore-Australia Green Economy Agreement, truy cập tại: https://www.dfat.gov.au/geo/singapore/singapore-australia-green-economy-agreement, ngày 23/5/2024.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2023/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023/
Barbier, E. B. (1989). Economics, natural resources scarcity and development conventional and alternative views. London: Earthscan Publications.
Frone, D. F., & Simona, F. (2015), Resource-efficiency objectives and issues for a green economy, Scientific Papers Series Management, Economic Engineering in Agriculture and Rural Development, 15(3).
Green Economy Coalition. (2012). The green economy pocketbook: the case for action. Summary: From crisis to opportunity. Retrieved from www.greeneconomycoalition.org
ICC. (2012). ICC Green Economy Roadmap – executive summary. International Chamber of Commerce [ICC]. Retrieved from https://iccwbo.org/publication/icc-green-economyroadmap-executive-summary-2012/
Kinh tế số và kinh tế xanh cần sự song hành, GS. TS. Trần Thọ Đạt và cộng sự, 2023, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/kinh-te-so-va-kinh-te-xanh-can-su-song-hanh,ngày 23/5/2024.
Nguyễn Thị Quỳnh Hương và Nguyễn Thị Vân Chi (2020), Kinh tế xanh và thực tiễn tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7/2020
NCCS (2022), Good Progress Made on the Singapore Green Plan 2030 as Government Accelerates Decarbonisation and Sustainability Efforts, truy cập tại: https://www.nccs.gov.sg, ngày 23/5/2024.
NCCS(2022), Singapore Will Raise Climate Ambition to Achieve Net Zero Emissions By or Around Mid Century, and Revises Carbon Tax Levels from 2024, truy cập tại: https://www.nccs.gov.sg/media/press-release/singapore-will-raise-climate-ambition/, ngày 23/5/2024.
NDC Partnership, National Green Growth Strategy of South Korea, truy cập tại: https://ndcpartnership.org/knowledge-portal/good-practice-database/national-green-growth-strategy-south-korea, ngày 23/5/2024.
Matthews, R. (2022), Environmental Implications of Three Types of Economies: Brown, Blue and Green, truy cập tại:https://changeoracle.com/2022/06/03/environmental-implications-of-three/, ngày 23/5/2024.
OECD (2012), Towards Green Growth in Denmark, Truy cập tại: https://sustainabledevelopment.un.org, ngày 14/7/2022.
Stevens, P. (2019), US ‘green economy’ generates $1.3 trillion and employs millions, new study finds, truy cập tại: https://www.cnbc.com/2019/10/16/us-green-economy-generates-1point3-trillion-and-employs-millions-new-study-finds.html, ngày 23/5/2024.
UNDESA. (2012). A Guidebook to the Green Economy. Issue 2: Exploring green economy principles. New York: Division for Sustainable Development, Department of Economic and Social Affairs.
UNEP. (2011b). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Geneva: United Nations Environment Programme (UNEP).
UNEP, UNCTAD, & UN‐OHRLLS. (2011). What a Green Economy Matters for Least Developed Countries: UNEP.
European Commission. (2010). Europe 2020: A Strategy for smart, sustainable and inclusive growth. Brussels
US Green Economy (2021), US Green Economy Report Series, truy cập tại: https://usgreeneconomy.com/national-overview/, ngày 23/5/2024.