Phòng trà & hát với nhau?

Bùi Trung

29/01/2022 22:05

Theo dõi trên

Phòng trà là nơi có ban nhạc, có ca sỹ hát suốt chương trình. Vô đó bạn có thể kêu ly cocktails hay ly rượu vang ngồi nghe ca sỹ hát (ca sỹ ở địa phương cũng phải tập dợt chỉn chu trước khi hát và Phòng trà không có trà mà chỉ có rượu) nếu muốn hát góp vui chắc ăn là không được rồi vì chương trình tập dợt bài bản đàng hoàng. Còn vô quán kêu ly cà phê rồi đăng ký hát là Hát với nhau không phải là Phòng trà nhé các bạn.

272045376-2986223641640257-4584026431617935247-n-1643460615.jpg

Phòng trà thì đâu có cho khách đăng ký lên hát bao giờ. Vậy để nói cho đúng thì mình nên biết chỗ nào là quán Hát với nhau chỗ nào là Phòng trà nhe các bạn của tôi ơi. Bài hát Giọt buồn không tên của nhạc sỹ Tô Giang có câu:

- Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca biệt ly...

Chỉ nghe một câu thôi là ta đã hình dung ra sao cái gọi là Phòng trà rồi. Phòng trà ngoài các ca sỹ bậc trung còn phải có vài ca sỹ ngôi sao mới lôi kéo khách đến thưởng thức âm nhạc. Ở Long Xuyên người khởi xướng ra phong trào Hát với nhau khoảng năm 1987 là anh Ba Quang (Huỳnh Thu Quang) Giám đốc TTVH TXLX. Mỗi tuần vào tối thứ sáu tại sân của nhà Văn Hóa TXLX, do ban nhạc của TTVH TXLX phụ trách, tập đợt cho khách đến đăng ký giao lưu (Ban nhạc gồm có anh Thành, anh Nam, anh Độ, anh Chương...) Theo lời anh Ba Quang thì anh một lần đến Thủ Đức năm 1986 đã xem được mô hình sinh hoạt Hát với nhau và anh Khởi xướng phong trào Hát với nhau tại Long Xuyên.

Bây giờ sân chơi ca hát ở Long Xuyên nhiều, nhưng tầm cỡ để gọi là Phòng trà thì chỉ có quán Piano của nhạc sỹ Minh Luân (Mỹ Bình) có nguyên ban nhạc với những nhạc công giỏi, có tập dợt phối từng bài cho ca sỹ hát. Nhưng một tuần chỉ làm được có một đêm thì quá ít và cũng chỉ bán cà phê thì cũng không gọi là phòng trà. Những nơi khác khách chỉ nói tên bài lên là hát theo dạng mỳ ăn liền thì làm sao có sự ăn ý với nhau về tone và điệu khi nhạc công không nắm bài và bài nào cũng phải nhờ sự trợ giúp của Hợp âm Việt?

Khách hát đa số là không thuộc bài nên mắt cứ chăm chú nhìn vào cái màn hình ti vi để nhờ sự trợ giúp của lời bài hát. Nhưng cái chữ trong lời bài hát đa số được mặc định theo công thức ca xong một lần sẽ có chữ Dạo nhạc cho nhạc công giang tấu và tiếp tục là tới phần điệp khúc cho tới hết bài. Nhưng khách hát muốn ca trở lại từ đầu mà không dặn trước với người bấm chữ. Vậy là có sự cự cãi nhau. Người ca không nhớ tông (tone) giao hết cho nhạc công muốn đàn sao thì đàn, đúng tông đúng điệu thì khen nức nở, sai tông lạc giọng thì nói mấy thằng đàn này nó muốn phá mình? Mà có nhạc công nào muốn phá người ca đâu? Nhiều người còn kêu phải sửa chữ lại cho họ để họ dễ hát. Thí dụ như bài Em về với người mà một người nữ hát kêu phải sửa lại là Anh về với người thì người bấm chữ phải lắc đầu. Hát karaoke cũng vậy, đa số người hát thấy bài nào hot thì tập hát theo và phong cách hay cách ăn mặc cũng bắt chước hệt theo ca sỹ (nhất là ca sỹ hải ngoại) hể hát bài lính (như Đan Nguyên) là bước ra sân khấu với bộ đồ rằn ri, áo giáp, nón sắt, giày bốt đờ sô mới chịu. Chủ quán nể tình khách nên không dám ho he gì, đến khi bị phạt, hay bị rút giấy phép thì xem như dẹp tiệm.

Bao giờ thì mới có một Phòng trà đúng nghĩa cho khách đến ngồi nghe hay thưởng thức ca nhạc ở Long Xuyên? Trong khi khách đến quán Hát với nhau tham gia ca hát hàng đêm mà không hề chú tâm tìm hiểu tông điệu, không biết chất giọng của mình phù hợp với loại nhạc nào? và thậm chí không hề thuộc một bài hát nào thì làm sao mà ca cho hay được? Bầu tui mê âm nhạc nên mới ôm đàn đến quán cà phê hàng đêm tìm niềm vui tuổi già (có lẽ một số anh em nhạc công khác cũng vậy, nếu muốn kiếm tiền nhiều thì đã tới đàn ở mấy quán nhậu) những đêm trời mưa vắng khách có những anh chị em thông cảm cho ban nhạc và "boa" những cành hoa thân thương rất đáng trân trọng.

Tiếc là cả năm qua cơn dịch bùng phát nên ngành nghề ca hát xem như nằm nhà ngáp gió. Nhưng khi cấp phát tiền trợ cấp những nhạc công tân cổ nhạc không nằm trong các ngành nghề được hưởng trợ cấp. Buồn thay...

 

Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Phòng trà & hát với nhau?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Đoàn Bình

Đoàn Bình

13:12 06/02/2022

Bài viết khá phiến diện. Vẫn có những quán hát với nhau mà trong đó, những người lên hát thể hiện dù không đến mức chuyên nghiệp nhưng vẫn rất hay về giai điệu và chuẩn về các kỹ thuật thanh nhạc.