“Lĩnh vực điều trị vô sinh mang tính nhân văn. Những cặp vợ chồng đang mong muốn có con phải chịu nhiều áp lực rất nặng nề. Việc điều trị vô sinh vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm và mục đích công việc của mình là đem lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn”. TS.BS Đoàn Xuân Kiên – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học chia sẻ.
Vừa qua, các bác sĩ tại Khoa Sản 2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vui mừng chào đón một “công dân đặc biệt” – em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được triển khai ngay tại Bệnh viện.
Bé gái chào đời khỏe mạnh bằng biện pháp sinh thường ở tuần thai thứ 40, nặng 3.3kg là con đầu lòng của sản phụ Đ.T.L (32 tuổi, trú tại phường Nông Trang, TP. Việt Trì). Đây là đứa con mà vợ chồng chị đã chờ đợi suốt 7 năm trời. Kết hôn từ năm 2013 nhưng nhiều năm sau đó, ngôi nhà của anh chị vẫn quạnh hiu vì thiếu tiếng cười con trẻ.
Sau nhiều năm chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả. Đến năm 2019, chị L, đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học (khi đó là Khoa Hỗ trợ sinh sản) của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thì được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang kèm theo tắc hai bên vòi trứng. Tháng 7/2020, chị L. cùng chồng tới Bệnh viện làm hồ sơ IVF. Hạnh phúc đã đến với anh chị khi ngay lần chuyển phôi tươi đầu tiên đã cho kết quả thành công.
Chị L. chia sẻ: “Suốt quá trình mang thai, tôi đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, tư vấn của các bác sĩ tại Trung tâm. Thành quả ngọt ngào ngày hôm nay vợ chồng tôi có được là nhờ phần lớn công của đội ngũ y bác sĩ đã tận tình động viên, tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng tôi. Mong rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn khác cũng đừng nản lòng trong hành trình tìm con vất vả”.
Một trường hợp khác tưởng chừng đã hết hy vọng nhưng với sự giúp đỡ của các bác sĩ tại Trung tâm, họ đã đạt được mong muốn có con của mình ở độ tuổi 41. Đó là vợ chồng chị Đ.T.M.T ở huyện Tân Sơn. Đứa con đầu đã 14 tuổi song để có được đứa con thứ 2 là cả một hành trình 5 năm chờ đợi.
“Nghe mọi người giới thiệu, vợ chồng mình quyết định đến Trung tâm điều trị. Niềm vui vỡ òa khi được làm mẹ sau nhiều năm chờ đợi và hy vọng. Biết tin mình có thai, gia đình hai bên đều rất mừng, các anh chị đồng nghiệp cũng mừng cho vợ chồng mình” – chị T. không giấu nổi niềm vui.
“Bản thân vợ chồng tôi cũng là trường hợp hiếm muộn, chính vì thế tôi hiểu rất rõ việc đem lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn chính là niềm hạnh phúc, niềm vui của các bác sĩ điều trị vô sinh. Công việc này không vất vả nhưng áp lực về tình cảm. Nếu điều trị thành công cho bệnh nhân, bác sĩ tất nhiên là rất vui rồi nhưng ngược lại có trường hợp không thành công, bệnh nhân buồn nhưng bác sĩ còn buồn hơn” – Chị Hoa tâm sự.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được triển khai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ tháng 07/2020 với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia và Bệnh viện Phụ Sản trung ương.
Đến nay, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi đã thực hiện được 250 ca chọc trứng, trong đó có hơn 100 ca chuyển phôi và hiện tại đã có 56 bà mẹ đang mang thai các em bé nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện. Tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt 52.8%.
Ngoài ra, phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI được triển khai từ năm 2016 đến nay đã hỗ trợ 500 em bé chào đời khỏe mạnh và mang lại hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng.
TS.BS Đoàn Xuân Kiên chia sẻ: Triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khá phức tạp về mặt kỹ thuật và rất tốn kém nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề con người. Để vận hành, duy trì hoạt động và phát triển một trung tâm thụ tinh ống nghiệm tốt cần có một tập thể thống nhất với những cá nhân có trình độ chuyên môn cao và kiến thức cập nhật thường xuyên.
Vì thế, Bệnh viện đã cử đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên phôi học, điều dưỡng, hộ sinh đi học chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ Tập đoàn Kato của Nhật Bản, đây là một trong những hệ thống IVF lớn nhất thế giới theo trường phái IVF thân thiện với người bệnh. Việc áp dụng thành công các kỹ thuật, công nghệ hiện đại tại Bệnh viện đều hướng đến mang lại nụ cười hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Việc làm chủ được kỹ thuật IVF không chỉ đánh dấu bước phát triển của Bệnh viện Sản Nhi mà còn của ngành y tế Phú Thọ trong điều trị vô sinh hiếm muộn. So với việc lựa chọn thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện tuyến Trung ương, người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại, chăm sóc cũng như giảm được nhiều chi phí phát sinh. Đây là hành trình không có điểm dừng, bởi hạnh phúc của người bệnh chính là mục tiêu phấn đấu cho những thành công mới của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt để triển khai thành công, công nghệ như hiện nay tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ là địa chỉ duy nhất của các tỉnh trung du miền núi phía bắc.