Phượng

Trương Anh Sáng

23/05/2022 23:13

Theo dõi trên

Bác Hồ đã từng nói “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”, “Biết chữ, biết tính thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa, mù nửa quáng” nên con càng phải quyết tâm đi học má à. Học để tương lai của mình sau này được tươi sáng hơn.

1-phuong-1653322333.jpg
Phượng luôn tự nhủ, trong công việc mà ai cũng ngại khó, khại khổ thì làm sao mà có kết quả tốt đẹp được?

 

Ngoài vườn, những cây mai vàng chúm chím nụ đang đang hé nở từng cánh vàng mượt khoe hương sắc dưới ánh ban mai rực rỡ. Trời trong xanh. Từng cánh én từ phương Bắc xa xôi xuôi về phương Nam ấm áp ríu rít gọi xuân về.

Mấy hôm rày Phượng luôn chân luôn tay chuẩn bị tranh để giao cho khách. Điện thoại reo liên hồi. Phượng ơi, em giao cho anh bức tranh Bác Hồ nhé, anh treo trong phòng khách để chuẩn bị khai trương công ty. Phượng ơi, có tranh Bác Hồ chưa? Có rồi à? Ừ, tí chị ghé lấy nhé. Phượng ơi, Phương ơi,…

Đơn hàng đặt liên tục. Mệt nhưng Phượng vui vì tranh của mình đã chiếm được thị hiếu của khách hàng trên mọi miền tổ quốc, thậm chí có vị khách nước ngoài sau khi xem tranh của Phượng đăng trên facebook cũng đã đặt mua. Thiệt lạ, thời gian gần đây rất nhiều khách hàng đặt hàng Phượng làm tranh gạo về Bác Hồ kính yêu- vị cha già của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới.

Tranh thủ lúc không có khách, Phượng say sưa ngắm nhìn hình ảnh Bác Hồ trong tranh do mình sáng tạo mà nghĩ về những ngày đã qua, lòng thầm cảm ơn Bác, bởi nếu không có hình ảnh của Bác thì Phượng sẽ không có được thành công bước đầu như ngày hôm nay.

Phượng sinh ra trong một gia đình đông anh em, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì thế, khi tuổi vừa bước sang mười sáu Phượng phải gác lại giấc mơ học Trung học phổ thông, quyết định vào đời sớm để kiếm tiền phụ ba má trang trải cuộc sống gia đình với việc làm công nhân chế biến thuỷ sản tại cảng cá Tắc Cậu. Phải rời xa mái trường, xa bạn bè thân yêu, xa tà áo trắng thướt tha nơi sân trường ngập tràn nắng, xa tiếng nói cười rộn rã thân thương, những cánh phượng hồng, tiếng ve kêu gọi hè,…Phượng buồn lắm. Phải trăn trở, suy nghĩ nhiều đêm Phượng mới đưa ra quyết định của mình. Thấy con nghỉ học, ba má Phượng thương lắm, khuyên Phượng nên đi học trở lại, ba má sẽ ráng lo cho Phượng ăn học tới nơi tới chốn. Phượng thương ba má đã lớn tuổi, lại già yếu, đau bệnh luôn, dưới Phượng còn mấy đứa em cũng cần phải được đến trường. Mấy chị em cùng đi học thì ba má chịu sao nổi khi mà chi phí học tập không phải là nhỏ. Phượng không muốn vì việc học của mình mà trở thành gánh nặng của ba má.

***

Hai mươi tuổi, Phượng lập gia đình. Cuộc sống lứa đôi của vợ chồng Phượng đang đầm ấp, hạnh phúc với bao ước mơ, hoài bão thì nỗi bất hạnh bất ngờ đổ ập xuống mái ấm gia đình son trẻ. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo khi Phượng đang mang thai đứa con thứ hai được chín tháng. Lúc đó Phượng mới hai mươi bốn tuổi, một cái tuổi rất đẹp của người con gái khát khao hạnh phúc. Trời đất như sụp đổ dưới chân Phượng. Nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn tưởng chừng như quật ngã Phượng khiến Phượng khó có thể gượng dậy được. Nhìn đứa con gái còn nhỏ, thương đứa con trong bụng sớm trở thành trẻ mồ côi, Phượng có gắng kìm nén nỗi đau, tìm niềm vui trong công việc để vơi bớt niềm đau. Phải mất thời gian rất dài Phượng mới vực dậy được tinh thần, vơi bớt được nỗi đau, sự mất mát quá lớn ấy.

Phượng thương hai đứa con của mình vĩnh viễn không còn nhận được tình yêu thương, chăm sóc của cha, thương thân mình không còn được nhận sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ từ người chồng yêu quý trong công việc, nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cuộc sống tương lai sau này của ba mẹ con mình không biết sẽ ra sao khi thiếu vắng người trụ cột của gia đình? Phượng băn khoăn, trăn trở, lo lắng. Nhìn hai đứa con thơ còn nhỏ dại, lòng Phượng thắt lại.

Thiếu vắng bờ vai vững chãi của người chồng thân yêu, Phượng vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi hai con, cố gắng bù đắp tình yêu thương của chồng để con không cảm thấy tủi thân, thiệt thòi khi không có cha ở bên cạnh. Phượng tự nhủ với lòng, dù cuộc sống sau này dẫu có khó khăn thế nào đi chăng nữa Phượng sẽ cố gắng nỗ lực hết mình nuôi con khôn lớn để xứng đáng với tình yêu của người chồng yêu quý. Nhưng Phượng biết làm công việc gì bây giờ?

***

Hai con ngủ say, Phượng vào facebook xem ở trên đó có ai tuyển dụng việc làm hoặc ai có sản phẩm nào đó hay hay thì mình học theo, chứ cứ ở nhà ăn bám ba má hoài coi sao được. Chợt những bức tranh hiện ra trước mắt Phượng. Những bức tranh này làm từ chất liệu nào nhỉ? Chất liệu màu, vải hay giấy,…? À, nó được làm từ hạt gạo! Phượng ngạc nhiên reo lên, từ bé đến giờ mình chưa từng nhìn thấy bức tranh nào làm từ hạt gạo cả. Bức tranh thật đẹp! Những bức tranh làm từ hạt gạo muôn màu sắc cứ cuốn hút khiến Phượng luôn suy nghĩ, đau đáu, trăn trở về nó. Phượng nghĩ đây là cách thể hiện hết sức mới lạ, độc đáo được làm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, trong cuộc sống, thân thiện với môi trường, thể hiện sự đa sắc của cảnh quan tự nhiên, đời sống văn hoá xã hội, lưu giữ những bản sắc văn hoá của con người, của cộng đồng trên mỗi bức tranh và ít người làm. Thích thú với những hạt “ngọc” của cha trời mẹ đất, Phượng bắt tay vào làm thử. Nhưng làm bằng cách nào đây khi mà họ không hướng dẫn cách làm như thế nào? Lựa chọn hạt gạo ra sao? Rang gạo thế nào? vẽ hình nền ra sao?,…hàng trăm câu hỏi vần xoay trong đầu Phượng như muốn ngăn cản Phượng thôi đừng lựa chọn làm cái nghề này làm gì cho khổ, hãy chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn để làm. Đêm tĩnh mịch. Tiếng gà gáy canh tư báo hiệu trời sắp sáng nhưng Phượng không thể chợp mắt được. Thằng Đạt ôm lấy chị hai ngủ, thỉnh thoảng lại nói mớ “Ba ơi bồng con” khiến lòng Phượng thắt lại.

Phượng tự mày mò học. Mỗi lần làm là một lần thất bại với bao công sức, mồ hôi và nước mắt. Mỗi một lần thất bại là mỗi lần Phượng ôm lấy mặt khóc rưng rức vì tủi thân. Nếu chồng mình còn sống thì mình sẽ không phải chịu cực, chịu khổ như thế này. Khó thế này thì thôi vậy, tìm việc khác mà làm cho nhẹ nhàng, đỡ phải nhọc lòng suy nghĩ, làm công ăn lương cũng được mà.

Tiếng bé Nhi học bài văng vẳng bên tai Phượng “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Câu nói hay quá. Phượng hỏi con “Nhi ơi, câu văn con vừa đọc của ai viết đấy? Bé Nhi bảo “Dạ, của Bác Hồ viết mẹ ạ. Bác viết tặng phân đội thanh niên xung phong 321 được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường quan trọng: Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên tháng 3 năm 1951, mẹ ạ”. Phượng tự nhủ, lời dạy của bác hay quá, đúng quá. Trong công việc mà ai cũng ngại khó, khại khổ thì làm sao mà có kết quả tốt đẹp được? làm sao mà đạt được thành công? Xấu hổ quá! Sao mình lại có ý nghĩ buông xuôi không tiếp tục làm tranh gạo ấy nhỉ? Chẳng lẽ lại bất lực sao? Mới có một chút khó khăn ban đầu mà đã chán nản, bi quan như thế thì xấu hổ, mắc cỡ lắm. Rồi Phượng nhớ đến bài học lịch sử khi còn ngồi trên ghế nhà trường có kể chuyện Bác Hồ khi ấy là Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Tình yêu nước nồng nàn, lòng kiên trì, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đã đưa đất nước ta giành được được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Giả sử, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành cũng ngại khó, ngại khổ như mình thì liệu đất nước ta có được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay hay không? Không! Mình không thể bi quan được! Mình không được lùi bước! Mình cần phải cố gắng, mình cần phải quyết tâm hơn nữa, “Thất bại là mẹ của thành công”, “có công mài sắt có ngày nên kim”, cần phải kiên trì, nhẫn nại chắc chắn mình sẽ làm được, sẽ thành công.

 

***

Bức tranh gạo đầu tay mang chủ đề quê hương được làm trên bìa giấy cotton cứng, lồng trong khung kính đã hình thành. Ngắm tác phẩm đầu tay của mình, ấp bức tranh nhỏ lên ngực mà lòng Phượng thổn thức, bồi hồi trong tim. Phượng mừng đến rơi nước mắt. Cuối cùng mình đã làm được. Mình thành công rồi! Thành công rồi! Từ nay mình đã có nghề mới để kiếm tiền nuôi con, phụ giúp ba má rồi. Giờ mình cần phải tập luyện, đúc kết kinh nghiệm thật nhiều để các bức tranh ngày càng được hoàn thiện, mang giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn, sự yêu thích của khách hàng là ổn.

Tác phẩm đầu tay ấy Phượng chụp đăng trang facebook cá nhân. Thật bất ngờ có vị khách ở TP. Cần Thơ ngỏ ý muốn mua nhưng Phượng không muốn bán vì đó là đứa con tinh thần của mình và cũng không biết bán giá cả bao nhiêu mà “kêu”. Khi vị khách trả giá 300.000 đồng, Phượng sững sờ không ngờ bức tranh của mình lại được khách hàng mua với giá cao như vậy. Trước sự thiết tha của người khách muốn sở hữu bức tranh mà mình ưa thích Phượng siêu lòng đồng ý bán.

Phượng xác định mình sẽ gắn bó với hạt ngọc, thổi hồn vào những hạt học nhỏ bé tạo nên những bức tranh gạo đa sắc màu giàu tính nghệ thuật, nhân sinh vừa làm đẹp cho đời vừa thoả niềm đam mê vừa là con đường mưu sinh nuôi hai con khôn lớn trưởng thành. Chất liệu tạo nên bức tranh là những hạt gạo nếp than, gạo tấm, gạo nếp thơm, gạo bắc, gạo thường. Khác với những thể loại tranh khác, tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ mà nó tạo nên hình ảnh bằng chính màu sắc tự nhiên của hạt gạo sau khi được đem rang với nhiều gam màu khác nhau, từ trắng, vàng nhạt, cam, nâu, cánh dán, đen,....

Phượng nhận ra rằng làm tranh gạo khó nhất là điều chỉnh lửa khi rang gạo sao cho thành màu như ý muốn, đều màu, nhiều màu, đậm màu, hạt gạo không bị gãy, bể hạt. Để tạo được màu sắc của hạt ngọc là cả một quá trình lao động cực nhọc, vất vả, tỉ mỉ, sự cảm nhận tốt về nghệ thuật để tạo kinh nghiệm, bí quyết của riêng mình. Ngoài ra, cái khó thứ hai là làm tranh chân dung. Làm tranh chân dung để đúng với nhân vật rất khó. Sáng tạo bức tranh, người làm tranh phải gắp từng hạt gạo lần lượt gắn lên nền của bức tranh đã được phết keo nhưng chưa có hình dạng cụ thể, tạo nên độ khít, các hoạ tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối, phối màu cho tranh hài hoà về cảnh, màu sắc. Và cứ thế, bằng bàn tay tài hoa cùng với sự tạo hình trong trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ mà Phượng đã cho ra đời những tác phẩm đậm chất nghệ thuật.

Nền của những hạt ngọc là tấm nhựa, tấm ván ép được Phượng mua về cắt theo kích cỡ, tỉ lệ phù hợp hoặc theo yêu cầu của khách. Sau khi đứa con tinh thần được hoàn thiện thì đem phơi khoảng 30 phút để bay hết mùi rồi lồng kính, đóng khung. Để tranh gạo bền và đẹp, nói đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều có kỹ thuật riêng, phơi không đủ khô tranh bị ẩm mốc, còn quá khô hạt gạo giòn, bị gãy, mất độ bóng tự nhiên, không đạt yêu cầu về mỹ thuật.

Phượng sáng tác rất đa dạng như: Tranh phong cảnh, thiên nhiên, đất nước, con người, chân dung, thư pháp, động vật, tôn giáo, dân gian… nhưng sở trường ưa thích của Phượng là làm tranh chữ kết hợp với phong cảnh hơn. Tuỳ theo kích cỡ của tranh, độ khó của hoạ tiết mà thời gian hoàn thành tranh ít ngày hay nhiều ngày. Thường thì những bức tranh cỡ nhỏ làm trong một ngày là hoàn thành, tranh cỡ lớn khoảng một tuần là làm xong. Tranh gạo của Phượng rất hài hoà về bố cục, màu sắc, hoạ tiết và chủ đề có điểm nhấn nên rất đẹp và có giá cả phải chăng, từ năm trăm ngàn đồng đến một triệu rưỡi nên nhiều người ưa thích đặt mua, nhất là vào những dịp lễ, tết Phượng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách bởi so với nhiều dòng tranh khác tranh gạo vẫn giữ vị trí nhất định trong lòng khách hàng vì sự khác biệt và độc đáo riêng của nó. 

Không chỉ sáng tạo tranh theo ý tưởng của riêng mình, Phượng còn làm tranh theo yêu cầu, ý tưởng của khách hàng. Khách hàng gửi mẫu rồi Phượng làm theo mẫu khách gửi. Nếu khách không rành về mẫu thì trình bày ý tưởng của mình để Phượng vẽ phác thảo gửi khách tham khảo, điều chỉnh, khi thấy đã ổn thì “oke” bắt tay vào hoàn thiện bức tranh theo yêu cầu, vì thế mỗi tác phẩm ra đời đều đáp ứng được yêu cầu của khách, thu nhập từ bán tranh gạo từng bước ổn định cuộc sống của ba mẹ con. Gắn bó với tranh gạo Phượng lạc quan, vui tươi, tạo nên những bức tranh gạo đẹp, sống động vì tranh gạo là một loại tranh nghệ thuật với sáng tạo độc đáo, bình dị bởi ừ những hạt gạo thiên nhiên bé nhỏ qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, người làm tranh đã thổi “hồn” vào nó để tạo nên những bức tranh tuyệt sắc.

Càng đi sâu tìm hiểu, sáng tác, Phượng càng yêu thích tranh gạo hơn bởi hạt gạo không những là thực phẩm phục vụ con người trong mỗi bữa ăn hàng ngày mà còn thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo đậm cảnh sắc nhân sinh của cuộc sống con người, thiên nhiên, tôn vinh những giá trị hạt gạo của quê hương mình. Phượng mong muốn sản phẩm tranh gạo sẽ vươn xa hơn, được bạn bè, khách hàng trong và ngoài nước biết đến tranh gạo nhiều hơn để một loại hình nghệ thuật mới ngày càng lan toả và mở một phòng tranh nhỏ vừa để sáng tạo, trưng bày tác phẩm vừa đào tạo nghề để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ địa phương có việc làm ổn định.

***

Sau bữa cơm chiều, má ngồi trên sập ăn trầu, xem ti vi, Phượng vòng tay ôm lấy má. Má coi phim gì vậy má? Tau đang coi bộ phim tài liệu “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” chiếu trên VTV1 nè. Bộ phim hay ghê vậy đó. Coi phim cứ khóc hoài à. Tội Bác quá! Bao nhiêu gian khổ cứ vùi dập Bác hoài, vậy mà Bác vẫn vượt qua được, giỏi ghê vậy đó.

Dạ! Dân tộc ta, đất nước ta nhờ có Bác mới được độc lập, tự do, đàng hoàng và to đẹp như ngày hôm nay. Công lao của Bác lớn lắm đó má. Ừa, vậy nên chúng bay phải noi gương Bác mà sống, làm việc để không phụ lòng sự hy sinh cao cả của Bác đó nghen.

Dạ, vâng ạ. Mà con có chuyện này muốn hỏi ý kiến má. Ừa, có chuyện gì nói đi con? Dạ, nhưng má đừng có cười nhạo con nghe thì con mới nói. Tổ cha bay! Có chuyện chi thì nói mau mau để tau còn coi phim, cứ úp úp mở mở hoài. Dạ, con muốn…đi học má à?

Đi học? Bay nói tau nghe có nhầm không? Bay lớn tồng ngồng thế này đi học không sợ người ta cười thối mũi cho à? Với lại, lớn tuổi rồi, cái chữ khó “nhét” vô đầu lắm, liệu bay có kham nổi không? Nếu kham nổi thì đi, còn không thì thôi nghe.

Dạ! con kham nổi mà má. Con sẽ đi học má à. Má chả vừa bảo chúng con phải noi gương Bác mà sống, làm việc để không phụ lòng sự hy sinh cao cả của Bác đó sao? Bác Hồ đã từng nói “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”, “Biết chữ, biết tính thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa, mù nửa quáng” nên con càng phải quyết tâm đi học má à. Học để tương lai của mình sau này được tươi sáng hơn. Ừa, bây hiểu được như vậy là tốt rồi. Phải cố gắng, đừng có bỏ dở giữa chừng nghe bay.

***

Sự động viên, khích lệ của má đã giúp Phượng có động lực thực hiện ước mơ dang dở ngày nào. Phượng học Trung học phổ thông, học trung cấp luật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Phượng rất vui, hạnh phúc biết bao khi con đường khám phá tri thức không bị đứt gãy, không bị khoá chặt tâm hồn, ngược lại, chân trời tương lai sáng lạn đang rộng mở chào đón Phượng ở phía trước.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Phượng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn