Phương pháp dạy hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca cho sinh viên thanh nhạc

TÓM TẮT

Khai thác các ca khúc mang âm hưởng dân ca vào trong giảng dạy, ngoài việc góp phần hoàn thiện hơn về kỹ thuật thanh nhạc còn làm nổi bật giá trị thẩm mỹ trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những việc làm cần thiết, mang tính thực tiễn cao trong công tác giảng dạy thanh nhạc. Bài viết trình bày về việc vận dụng chất liệu dân ca vào trong quá trình giảng dạy trên những khía cạnh: 1) Những phương pháp xử lý kỹ thuật cho dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca; 2) Phương pháp thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca; 3) Đề xuất biện pháp bổ sung tài liệu dạy học vào chương trình giảng dạy tại khoa Thanh nhạc trường Đại Học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Utilizing folk songs in educational settings not only permits learners with their vocal techniques but also highlights the aesthetic worth of Vietnamese folk music. This is one of the most essential and beneficial practical jobs in vocal instruction. The article will present the application of folk music materials in the teaching process in the following aspects: 1) Technical treatment methods for teaching singing folk songs; 2) The method of performing songs with folk songs; 3) Proposing measures to add teaching materials to the curriculum at the Vocal Department of the Military University of Culture and Arts.

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-155643-1691719295.jpeg
Thạc sĩ, NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

GIỚI THIỆU

Những ca khúc mang âm hưởng dân ca sớm đi vào đời sống và được đông đảo công chúng đón nhận. Trong hầu hết giáo trình về sư phạm thanh nhạc, các công trình nghiên cứu của những nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc cũng như chuyên gia ngành thanh nhạc đều quan tâm, chú trọng tới thể loại ca khúc mang âm hưởng dân ca, trong đó chất liệu chủ yếu được khai thác là âm hưởng những làn điệu dân ca quen thuộc của cả ba miền đất nước, đặc biệt là các điệu Hò, Lý, Ví, Giặm…

Những ca khúc mang chất liệu dân ca hiện nay ngày càng được bổ sung nhiều hơn vào giáo trình cũng như hoạt động giảng dạy thanh nhạc ở các bậc 2 học. Số lượng ca khúc mang âm hưởng dân ca ngày càng phát triển nhiều hơn, không chỉ riêng các tác phẩm của những nhạc sĩ lão thành thuộc lớp nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc mới Việt Nam, mà còn có các tác phẩm của những nhạc sĩ thuộc thế hệ sau trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất cũng được khai thác sử dụng vào trong giảng dạy

Thực tế cho thấy, mặc dù các ca khúc mang chất liệu dân ca đã được nhiều GV khai thác sử dụng trong quá trình giảng dạy.  Song, những nghiên cứu mang tính chuyên sâu về vấn đề dạy học thể loại này cho tới nay vẫn còn ít. 

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đề tài sử dụng các phương pháp như: phân tích tổng hợp, so sánh, phỏng vấn, quan sát sư phạm, chuyên gia, nhằm chỉ ra những yếu tố đặc trưng của các ca khúc mang âm hưởng dân ca, từ đó áp dụng kỹ thuật Thanh nhạc để xử lý tác phẩm sao cho hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, bài viết sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm. Mục đích để kiểm chứng tính khả thi của các phương pháp dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Khái niệm Ca khúc mang âm hưởng dân ca

Có thể khái niệm ca khúc mang âm hưởng dân ca là ca khúc có sử dụng mô phỏng chất liệu âm nhạc trong dân ca Việt Nam được sáng tác bởi một số nhạc sĩ. Đến nay, phần lớn các ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích nhất, ít nhiều đều mang âm hưởng dân ca một vùng miền nào đó. Những ca khúc thể loại này cũng góp phần làm đời sống âm nhạc thêm phong phú và độc đáo. 

Giới thiệu về Dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca 

Dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca thành hai hoạt động như sau:

Hoạt động dạy:

Dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca được hiểu là một hình thức đặc biệt của giáo dục (theo nghĩa rộng) và Thanh nhạc (theo nghĩa hẹp), đây là hoạt động của đội ngũ GV thuộc tổ bộ môn hát Dân gian. Dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, ngoài sự giảng dạy còn là sự tổ chức, chỉ đạo và điều khiển sự học của sinh viên theo định hướng Chân - Thiện - Mỹ của con người Việt trong biểu diễn. Bên cạnh quá trình bồi dưỡng kiến thức tinh hoa âm nhạc dân tộc, rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo Thanh nhạc còn là những kinh nghiệm xã hội và nghề nghiệp nhằm hình thành và phát triển nhân cách người nghệ sĩ nói chung và nhân cách của người ca sĩ nói riêng cho SV.

Hoạt động học

Học ca khúc mang âm hưởng dân ca, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là quá trình cơ bản của sự phát triển giọng hát của một người nghệ sĩ - ca sĩ hát phong cách dân gian tương lai, là sự lĩnh hội “sức mạnh văn hoá dân tộc” đã được hình tượng hóa trong các tác phẩm Thanh nhạc mang âm hưởng dân ca. Đó là hoạt động phản ánh những mặt nhất định của hiện thực khách quan những giá trị Văn hoá dân tộc vào cách hát của SV. Tuy nhiên, học ca khúc mang âm hưởng dân ca sinh viên chủ yếu hướng vào việc lĩnh hội những giá trị chân lý trong Văn hoá dân tộc đầy tính nhân văn, đã được ông cha ta “đúc rút”, “gửi gắm” qua các làn điệu dân ca. 

Tiểu kết

Dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca là quá trình hoạt động mang tính tổ chức, định hướng, rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo của người GV. sinh viên lĩnh hội, tự giác, tích cực sáng tạo, sử dụng giọng hát để thể hiện tác phẩm mang tính dân gian hoặc mô phỏng những làn điệu dân gian được sáng tác bởi một số nhạc sĩ nhằm đạt được mục đích, nhiệm vụ dạy học hát trong nhà trường góp phần hình thành nhân cách người nghệ sĩ - ca sĩ hát phong cách dân gian.

Một số phương pháp xử lý kỹ thuật cho dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca 

Kiểm soát và luyện tập hơi thở

Qua nghiên cứu về phương pháp luyện tập hơi thở của tác giả Thomas Hemsley trong cuốn Singing and imagination - Thanh nhạc và sự trừu tượng cùng cuốn Structure of singing - Cấu trúc của Thanh nhạc, tác giả Richar Miller, cũng như trong cuốn phương pháp sư phạm Thanh nhạc, tác giả Nguyễn Trung Kiên, tất cả đều tổng kết lại được một số kiểu thở chính của Thanh nhạc như sau: 

- Kiểu thở ngực: Chỉ có phần lồng ngực hoạt động tích cực, kiểu thở này có thể dùng để hát những câu hát nhẹ nhàng, hát sắc thái nhỏ hoặc một câu hát ngắn. 

- Kiểu thở bụng: Chỉ có bụng tham gia hoạt động này, với động tác phình ra phía trước do hoành cách mô hạ xuống, các cơ bụng dưới hoạt động tích cực hỗ trợ cho hoành cách mô. 

- Kiểu thở ngực kết hợp bụng: Bụng hơi phình ra (do hoành cách mô hạ xuống), các xương sườn giãn ra, trong lúc đó ngực trên nhấc lên. Lấy hơi theo kiểu thở này làn hơi vào sâu tận đáy phổi, vừa lan toả ra đều khắp hai bên trái và phải, lượng hơi sẽ được tối đa. 

- Kiểu thở ngực dưới và bụng: Đây là kiểu thở phổ biến nhất trong luyện tập cũng như biểu diễn của các ca sĩ nói chung và nhất là đối với các ca sĩ hát phong cách dân gian. 

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164303-1691660696.png

Các kiểu thở trong Thanh nhạc (Hình ảnh trong cuốn "Phương pháp sư phạm Thanh nhạc - Nguyễn Trung Kiên")

Trong bốn kiểu thở trên, chúng tôi thấy kiểu bốn có nhiều lợi điểm hơn cho việc luyện tập và kiểm soát hơi thở cho việc dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. Do đó phương pháp đề xuất của chúng tôi là sử dụng kiểu thở ngực dưới và bụng. 

Ở nước ta, các ca sĩ chuyên nghiệp hát phong cách dân gian có một giọng hát khoẻ và đầy đặn đều hát với hơi thở kiểu này. Trong kiểu thở ngực dưới và bụng, cũng tương tự như kiểu thở ngực kết hợp với bụng, chỉ khác một điều là vai trò của cơ hoành ở đây tham gia với vai trò chủ đạo và hoạt động một cách tích cực hơn, tạo điều kiện tốt cho việc nén hơi thở, tạo điểm tựa cho một cột hơi đầy đặn, liên tục. Với kiểu thở này cho phép các ca sĩ phong cách dân gian khi hát những câu luyến láy mang âm hưởng dân ca cũng như hát được những nốt chuyển giọng sẽ mượt mà hơn, âm sắc không bị mờ ở những câu hát có yêu cầu phải “đóng chữ”. Đặc biệt là đối với những ca khúc mà trong đó có những đoạn cần sử dụng lối ngâm - vịnh hay các điệu hò trong dân ca. 

Với quan điểm của chúng tôi “Một hơi thở đúng, sẽ cho một âm thanh đẹp”. Vì vậy, nếu hơi thở đúng sẽ giúp cho tiếng hát rền và vang đẹp. Tuy nhiên trong bước đầu, GV cần phải cho SV làm quen với kiểu thở đúng trong thanh nhạc.

Kỹ thuật hát liền giọng (Legato - Cantinela)

Nhắc đến kỹ thuật hát liền giọng, hầu hết mọi người đều nhận định đây là kiểu kỹ thuật Thanh nhạc cơ bản trên thế giới. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh tới hai tính chất của kỹ thuật Thanh nhạc này như sau: 

- Legato là cách hát liền giọng với tính chất tĩnh lặng, êm, phù hợp với lối hát trì tục, liên tiếp không ngừng. 

- Cantilena là cách hát liền giọng với tính chất du dương, duyên dáng, phù hợp với lối hát luyến bay bổng, giai điệu uyển chuyển liên tiếp không ngừng.

Do đó, chúng tôi chỉ đề xuất thực hiện kỹ thuật hát liền giọng với tính chất của cách hát Cantinela trong phương pháp dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. 

Muốn đạt được hiệu quả hát Cantinela, GV có thể sử dụng mẫu âm luyện thanh sau đây cho SV rèn luyện kỹ thuật hát liền tiếng này để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca:

Ví dụ 1.

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164311-1691660696.png

Với hai mẫu âm này đều được xây dựng trên cơ sở nguyên âm A hay Ơ và phụ âm M. Dùng phụ âm M với mục đích tạo cử động cho môi mềm mại. Âm thanh phát ra cùng một lúc của cả phụ âm và nguyên âm trong quá trình luyện tập, dùng làn hơi bật nhẹ tạo ra một bật âm cho phụ âm "m" mà không ngắt tiếng, nguyên âm "a" tạo điều kiện cho khẩu hình mở và nhấc hàm trên sao cho khẩu hình mở vừa phải. 

Dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca có thể sử dụng kỹ thuật hát liền giọng này với các bài hát có tính chất ngâm ngợi hoặc Hò, một thể loại điển hình đòi hỏi việc hát Cantilena. 

Chúng tôi xin lấy ví dụ trong ca khúc Tiếng hát sông Lam của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp. Bài hát dựa trên làn điệu hò khoan Nghệ Tĩnh, GV có thể áp dụng có thể áp dụng kỹ thuật hát Cantilena vào đoạn mở đầu của ca khúc này trong câu hát: 

“Ơ… ơi… Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục. 

Thì biết sống trên đời răng là nhục là vinh. 

Thuyền em lên thác xuống ghềnh. 

Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164317-1691660696.png

Nói tóm lại, kỹ thuật Cantinela (hát liền tiếng) là một trong những kỹ thuật được dùng phổ biến nhất. Việc áp dụng kỹ thuật này vào hoạt động dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca sẽ cho được kết quả tối ưu. Để hát tốt kỹ thuật này, yêu cầu khi dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, ngoài đòi hỏi luyện tập kỹ thuật còn cần phải rèn luyện việc hát liền các âm với nhau tạo thành một dải âm thanh êm dịu, nhưng vẫn vang và sáng.

Kỹ thuật hát nhanh (Passage)

Hát nhanh là một kỹ thuật khó của Thanh nhạc, nhưng có nhiều tác dụng tốt cho việc làm nổi bật giọng hát, nhất là đối với việc hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca. Vì sử dụng kỹ thuật hát nhanh (Passage) với đặc điểm là hát gọn âm, nhanh như lướt qua các âm, rất thuận lợi để hát lên những nốt (note) ở quãng giọng cao. Tập kỹ thuật hát nhanh (Passage) sẽ tạo ra thói quen giữ vị trí âm thanh luôn cao và đúng, hoạt động kiểm soát sẽ được nâng lên.

Ví dụ 2 

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164322-1691660696.png

Cũng như việc sử dụng nguyên âm luyện thanh các bài luyện của kỹ thuật hát liền giọng, ở kỹ thuật này GV có thể sử dụng thêm nguyên âm I.

Yêu cầu khi hát phải buông lỏng hàm dưới, môi và hàm trên nhấc lên để tạo khoảng vang cho âm thanh bay lên, càng lên cao khẩu hình càng mở rộng hơn. Vị trí âm thanh phải sáng (mỏng) như phát ra từ chân răng hàm trên. Hơi thở phải liên tục, nhẹ nhàng, không đẩy hơi theo kiểu tống hơi từng đợt vào thanh đới theo từng nốt nhạc, phải giữ cho bụng tương đối ổn định, mềm mại, mà vẫn phải nén hơi.

Với yêu cầu phải linh hoạt, trong sáng, âm thanh bắt buộc phải có vị trí đặt nhẹ và cao, giúp khắc phục dần những sai lệch nói trên của giọng hát về âm sắc của giọng cũng như hát sâu, tối, gằn cổ. 

Áp dụng kỹ thuật này vào ca khúc mang âm hưởng dân ca, có thể thấy một số ca khúc áp dụng được kỹ thuật này, ví dụ như ca khúc Tiếng đàn TaLư, sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục. Ca khúc lấy chất liệu từ dân ca với âm thanh của cây đàn Talư của dân tộc Pako - Vân Kiều, tác giả muốn diễn tả khí thế tiến công và niềm tin chiến thắng trong cuộc kháng chiến. Những thứ tưởng như vô tri, vô giác cũng biết “thể hiện tình cảm” với anh giải phóng quân thì đó là sự diệu kì của tinh thần lạc quan. Với việc áp dụng kỹ thuật hát nhanh (Passage) vào trong các ca khúc này sẽ có nhiều lợi thế cho giọng hát rèn luyện kỹ thuật.

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164328-1691660696.png

Trong phần hai của ca khúc là phần mà GV có thể hướng dẫn SV sử dụng kỹ thuật sẽ rất phù hợp và SV có thể cảm nhận rõ nhất, 

“Tính tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình 

Con chim Đ’rao xinh hót trên cành vui mừng công anh…”

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164332-1691660790.png

Kỹ thuật hát luyến

Đây là các kỹ thuật khó của Thanh nhạc nhưng lại phổ biến trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca. Hát luyến là để nói đến cách hát nối giai điệu (thông thường là từ 2 nốt đến 3, 4 thậm chí là 5 nốt) trong một hơi. Mục đích dùng để nhấn mạnh note, tăng tính sinh động, uyển chuyển cho câu hát mà không làm gián đoạn mạch cảm xúc khi chuyển cao độ.

Với kỹ thuật này GV có thể hướng dẫn SV theo 2 mẫu âm sau:

Ví Dụ 3

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164337-1691660790.png

 

Với cách hát kỹ thuật này, GV hướng dẫn SV khi hát càng lên cao thì hàm ếch nâng nhẹ và hàm dưới buông lỏng, nhưng phải giữ căng lồng ngực. GV có thể sử dụng nguyên "a" và phụ âm "l" và hát nhấn mạnh vào các nốt thứ hai. Yêu cầu của kỹ thuật này, SV phải kiểm soát âm lượng và vị trí âm thanh, nếu thực hiện trong tình trạng chưa vững chắc dễ bị lạc phô (faul) hoặc đuối hơi.

Áp dụng kỹ thuật này vào dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, chúng tôi lấy ví dụ như trong ca khúc Từ trên đỉnh núi, sáng tác của nhạc sĩ Nguyên Nhung với câu hát:

“Gió vờn cánh hoa đào giữa rừng chim ca

Lúa bạt ngàn ôm đỉnh núi, hết cuộc đời xưa tăm tối…” 

Những giai điệu tha thiết, dặt dìu ấy không chỉ là tiếng lòng của người mẹ H’mông dành cho con, mà còn là tiếng lòng của triệu triệu con tim Việt Nam khi hướng về Đảng, về công lao của bác Hồ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Trong ca khúc này, việc áp dụng kỹ thuật luyến - lướt (Glissando) sẽ đạt hiệu quả khá cao cho giọng hát cũng như ca khúc.

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164342-1691660790.png

Kỹ thuật hát rung láy (Trillo)

Kỹ thuật này là một trong những kỹ thuật đặc biệt khó của Thanh nhạc, đòi hỏi sự tinh tế trong cách hát và kiểm soát hơi thở một cách thuần thục. Hát rung láy (Trillo) có nghĩa là hát láy đi láy lại nốt (note) liên tiếp với tốc độ cực nhanh. Hát rung láy (Trillo) đôi khi được kết hợp với 1 note cao ngân dài sử dụng rung giọng. Kỹ thuật này GV chỉ nên cho SV của những năm cuối luyện tập, sau khi đã kiểm soát hơi thở và những kỹ thuật khác vững vàng. Để luyện tập kỹ thuật này, chúng tôi xin đưa ra 2 mẫu âm để GV có thể luyện tập cho SV như sau:

Ví dụ 4 

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164351-1691660791.png

Bài tập sử dụng các nốt kép nhằm giúp việc luyện tập kỹ thuật cho giọng hát. GV yêu cầu SV mở khẩu hình mềm, kiểm soát cuống lưỡi và hàm mềm phối hợp nhịp nhàng, làn hơi luôn ổn định và không căng cứng cơ bụng. Bài tập này có thể sử dụng nguyên âm "ô" hoặc "a", phụ âm nên dùng phụ âm kép "ng" sẽ hiệu quả hơn. Kỹ thuật rung láy (Trillo) tuy khó nhưng khi thực hiện áp dụng vào các ca khúc mang âm hưởng dân ca lại cho hiệu quả rất cao, bởi nó thể hiện được sự tinh tế của những làn điệu dân ca trong giọng hát. Như trong ca khúc Mái đình làng Biển, sáng tác của Nguyễn Cường. Với câu hát mở đầu trong ca khúc, được tác giả viết mang âm hưởng của hát ả Đào, thì việc áp dụng kỹ thuật rung láy (Trillo) sẽ đáp ứng tốt và cho hiệu quả cao, làm nổi bật lối hát nảy hạt của hát ả Đào.

“Thi gan cùng tuế nguyệt, bao lâu bao lâu rồi. 

Mái đình xưa làng Biển, thênh thênh một góc trời…”

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164402-1691660950.png

Phương pháp thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca

Nhận thấy sự cấp thiết phải thay đổi lối dạy học đối với bộ môn hát Dân gian nói chung và dạy học các ca khúc mang âm hưởng dân ca nói riêng, chúng tôi đã hướng đến việc áp dụng những phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo trong hoạt động học của SV. Do đó chúng tôi đề xuất giải pháp cho phương pháp thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca với một số bước như sau: 

Cảm thụ về màu sắc dân ca trong ca khúc

Những làn điệu dân ca không bao giờ cũ, bởi chúng luôn gắn chặt với mạch nguồn cảm xúc của biết bao thế hệ, nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện của mỗi con người Việt Nam. Cảm xúc tự trong mỗi người đều có cả, chỉ là đôi khi, lúc hát chúng ta lo để ý quá nhiều vào cao độ, tiết tấu, lời hát mà quên đi phần cốt lõi quan trọng nhất của hát ca khúc mang âm hưởng dân ca đó là cảm thụ và xử lý ca khúc.

Đề cập vấn đề này trong cuốn phương pháp sư phạm Thanh nhạc, tác giả Nguyễn Trung Kiên đã nêu: 

Mỗi thể loại tác phẩm Thanh nhạc có những đặc tính riêng biệt, đòi hỏi ở từng mức độ khác nhau về kỹ thuật cũng như nghệ thuật, mỗi loại mang lại lợi ích khác nhau trong chương trình học tập. Sử dụng các thể loại tác phẩm một cách hợp lý, tạo nên một hệ thống cho quy trình đào tạo, người thầy luôn phải bám sát các nguyên tắc sư phạm để tránh những sai lầm đáng tiếc trong giảng dạy”. [14, tr.31].

Cũng như chúng tôi đã nêu ở trên, khi dạy hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca, GV cũng cần giảng giải những ca khúc mang âm hưởng của những làn điệu dân ca luôn được các nhạc sĩ lấy chất liệu để viết ca khúc. 

Để việc dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca vừa đạt được về mặt học thuật (kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo) của Thanh nhạc, vừa phát huy được màu sắc cũng như nét đặc trưng trong các làn điệu dân ca Việt Nam, thì việc giúp SV tìm hiểu và cảm thụ âm nhạc dân gian Việt Nam cần phải được GV lưu ý, bởi những yếu tố được rút ra từ kho tàng văn hóa dân gian và âm nhạc cổ truyền của dân tộc chính là những yếu tố biểu hiện bản sắc văn hóa trong ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam, bao gồm: âm điệu của các bài dân ca nhạc cổ, yếu tố ngũ cung, lối biến đổi giai điệu giữa có tiết nhịp và không có tiết nhịp, các thủ pháp ca từ trong dân ca và các hình tượng ca từ được rút từ đời sống bình dị của người dân hoặc ca dao, tục ngữ... của dân tộc. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc tạo nên sức sống và sức lôi cuốn của bản sắc văn hóa dân tộc trong ca khúc sáng tác mới mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

Để giúp cho việc dạy của GV trong bước dạy cảm thụ và xử lý ca khúc cho SV đạt hiệu quả cao, chúng tôi lấy ví dụ cụ thể, với ca khúc Quảng Nam yêu thương, sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. GV lấy ví dụ câu hát trong ca khúc này để SV thấy được những nét có âm hưởng của làn điệu Lý tang tít với giai điệu trong một câu hát “xô” của bài dân ca này như sau:

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164407-1691660977.png

Giai điệu này đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sử dụng như là một chất liệu chính trong ca khúc. Trước hết là sự mô phỏng gần trùng khớp trong âm hình trong câu hát:

“… Lời hát xưa sao nghe thắm đượm tình…”

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164415-1691660977.png

Ngoài ra, chúng ta còn thấy những âm hưởng, bóng dáng của từng bộ phận nhỏ với chất liệu từ những làn điệu dân ca thấp thoáng ở một số vị trí khác trong một ca khúc khác, tái hiện phong cách đặc trưng của mỗi một vùng miền hoặc thể loại mà không mô phỏng một làn điệu cụ thể nào. Âm hưởng từ những làn điệu dân ca đó có thể được biểu hiện ở thang âm, điệu thức, phong tục tâp quán, nét văn hóa, phương ngữ của một cộng đồng cư dân rộng lớn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Có thể điểm qua một số ca khúc tiêu biểu như: 

Các ca khúc viết về Tây Nguyên: 

- Rặng Trâm bầu của Thái Cơ 

- Em là hoa Pơ lang của Đức Minh 

- Tháng ba Tây Nguyên của Văn Thắng 

- H’Ren lên rẫy của Nguyễn Cường…. 

Phong cách đó cũng có thể được biểu hiện qua kỹ thuật và sắc thái diễn xướng cổ truyền, chẳng hạn những bài hát mang âm hưởng ca trù miền Bắc như các ca khúc: 

- Đất nước lời ru của Văn Thành Nho 

- Trên đỉnh phù vân của Phó Đức Phương 

- Chiều phủ Tây hồ của Phú Quang 

- Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến… 

Phương pháp thể hiện màu sắc của ca khúc mang âm hưởng dân ca

Mỗi thể loại ca khúc có một lối thể hiện khác nhau, đó là một thực tế, ca khúc mang âm hưởng dân ca cũng không ngoại lệ. Để thể hiện sắc thái của ca khúc mang âm hưởng dân ca thì trước hết người hát phải được trạng bị và hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và những làn điệu dân ca nói riêng, đó chính là lối hát sử dụng từ đệm (từ không có nghĩa) trong hát dân ca, chúng thay cho tiếng nói của tâm tư, tình cảm cũng như tư tưởng của con người Việt. Vì vậy trong phần này chúng tôi xin đề xuất phương pháp cho thể hiện sắc thái đặc trưng phong cách hát dân gian và cách luyện tập cho một số nguyên âm, phụ âm chính trong Thanh nhạc được đề cập sau đây: 

- Với việc sử dụng từ đệm và ngữ điệu trong các làn điệu dân ca. 

GV có thể giảng giải, hướng dẫn giúp SV tìm hiểu và tự nghiên cứu rằng, Chúng ta có thể thấy trong các làn điệu dân ca Việt Nam có những từ đệm (từ không có nghĩa) như: à, i, í, a, chăng, ư, hự, hội, ối a, ư, tang tình, uẩy, oả... những từ đệm không có nghĩa đó lại rất cần thiết đối với những làn điệu dân ca, bằng ngữ điệu, những từ đệm đã trở thành thực từ (từ có nghĩa) để biểu đạt sắc thái tình cảm. Chính từ cách biểu hiện nội dung ngữ nghĩa từ giọng điệu, ngữ điệu ấy, với chiều dài lịch sử từng bước loài người nâng cao dần lên, phát triển thêm, xây dựng thành những quy ước với một hệ thống những phương tiện diễn tả của loại hình dân ca như ngày nay. 

Từ ngôn ngữ đến ngữ điệu, từ ngữ điệu đến âm nhạc, đó là một quá trình vận động và phát triển ngôn ngữ trong quan hệ giao tiếp của xã hội loài người

Ví dụ: GV cho SV nghe kỹ giọng điệu (ngữ điệu) nựng con của người mẹ! Để thấy tình yêu thương, tha thiết nâng niu đứa con qua câu gọi con à, con ơi…! Chính từ giọng điệu (ngữ điệu) này GV phân tích để SV hiểu đó là nguồn gốc cho những giai điệu của bài hát ru con do sự nâng cao, cách điệu với những từ đệm để phát triển lên thành các bài hát ru của cả ba miền như ngày nay chúng ta vẫn nghe.

anh-chup-man-hinh-2023-08-10-luc-164423-1691660977.png

Với việc áp dụng lối hát các từ đệm cùng ngữ điệu vào ca khúc mang âm hưởng dân ca cần chú ý những điểm sau: 

- Việc phát ca từ phải theo ngữ điệu của từng phương ngữ khi hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca với những giọng điệu, thanh điệu… cần phải làm nổi bật được sự khác nhau giữa các vùng, miền, các địa phương mà ta vẫn quen gọi là giọng Bắc, giọng Nghệ Tĩnh, giọng Huế, giọng khu năm (cũ), giọng Nam Bộ... 

- Lối hát kèm với các từ đệm trong những ca khúc mang âm hưởng dân ca là yêu cầu tiên quyết, nhưng mỗi vùng miền lại có cách sử dụng từ đệm rất khác nhau, do đó để làm nổi bật những sắc thái phong phú, đa dạng của mỗi vùng miền thì việc sử dụng từ đệm đúng thì nó sẽ trở thành tiếng nói của tình cảm, là sự biểu hiện một dạng tình cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống. 

- Đảm bảo sự liên hệ mật thiết giữa từ đệm với lối hát, cách luyến láy, ngân nga trên cơ sở phương ngữ và nhờ có từ đệm mới hình thành lên màu sắc của mỗi làn điệu dân ca mỗi vùng miền như: giọng Nghệ Tĩnh là gắn liền với các làn điệu dân ca Ví, Giặm,... giữa giọng Huế với các điệu hò mái Nhì, mái Đẩy... hoặc giữa giọng Nam Bộ với các làn điệu ca Vọng cổ, Lý, Hò... 

Áp dụng kỹ thuật Thanh nhạc cho một số nguyên âm, phụ âm

Đối với việc dạy hát phong cách Dân gian nói chung và ca khúc mang âm hưởng dân ca nói riêng, GV cần chú ý tới luyện hát các nguyên âm cho hát phong cách dân gian theo tiêu chuẩn của kỹ thuật Thanh nhạc, sẽ giúp SV có được một khẩu hình mở đẹp, đúng và khi hát âm thanh sẽ mềm mại và rõ, đồng thời nhằm giảm bớt sự phụ thuộc một cách máy móc, cứng, gò bó khi áp dụng kỹ thuật Thanh nhạc vào việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca. 

Để đảm bảo cho việc dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca thì chúng ta không thể không nhớ đến tiêu chí “tròn vành rõ chữ” mà trong dân gian cũng như nhiều thế hệ thầy giáo thanh nhạc, những lớp ca sĩ chuyên nghiệp đi trước đã luôn lấy đó làm thước đo chuẩn trong việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca. 

Ngoài hát tốt các nguyên âm nhằm đạt sự “tròn vành” thì các phụ ậm lại chính là cách để đạt đạt được “rõ chữ”. Ở phần này chúng tôi chỉ đề xuất về cách luyện tập nói của một số phụ âm (âm đóng) mà SV bộ môn hát Dân gian của Khoa Thanh nhạc vẫn bị mắc lỗi về khi hát. 

Một số nguyên âm sử dụng cho hát ca khúc mang âm hưởng dân ca Nguyên cứu về vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo phương pháp sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào việc phát âm lời trong ca khúc từ các cuốn: Structure of singing của tác giả R. Miller; Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát của tác giả Trần Ngọc Lan và cuốn Phương pháp dạy Thanh nhạc của tác giả hồ Mộ La.

Bên cạnh đó, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy của những thế hệ GV đi trước đã cho thấy, do bởi trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt gồm 3 bộ phận chính: Thanh điệu, Phần đầu và Phần sau. Phần đầu của âm tiết được xác định là Âm đầu; phần sau của âm tiết gọi là Vần. Vì vậy, chúng tôi cần lưu ý GV, trước khi cho SV thực hiện câu hát trong bài, GV cũng cần giải thích và yêu cầu học sinh nắm rõ các yếu tố tạo thành âm tiết như: Âm đầu, âm đệm (bán nguyên âm), nguyên âm, âm cuối và thanh điệu. Trong đó nguyên âm giữ vai trò chính để “khuếch đại” âm thanh theo cách sau:

Nguyên âm mở khẩu hình ngang: 

- Nguyên âm "i"/"y": Khẩu hình hẹp nhất, khi hát nguyên âm này hai mép hơi nhành ra như khi cười, tạo điều kiện cho chiều ngang được mở rộng hơn, răng lộ ra đôi chút, thân lưỡi nâng lên phía trước gần vòm miệng, răng sát nhau mà không chạm nhau. 

- Nguyên âm "e": Khẩu hình mở như nguyên âm I nhưng rộng hơn. Khi hát mép vẫn mở ngang ra hai bên, lưỡi hơi đưa ra phía trước, răng trên hơi lộ ra, hai hàm răng không chạm vào nhau. 

- Nguyên âm "ê": Như khẩu hình nguyên âm "e" nhưng mép gọn lại hơn nguyên âm "e", lưỡi nâng lên hơn một chút. 

- Nguyên âm "ư": Trên cơ sở mở khẩu hình của âm "ê", nhưng khẩu hình mở rộng hơn "ê" cằm hơi hạ xuống. 

- Nguyên âm "a": khẩu hình mở rộng, mép hơi nhành ra, cằm hạ xuống tự nhiên, tạo thành hình dáng khẩu hình hơi bẹt. Hàm răng cửa phía trên có thể lộ ra đôi chút. Mặt lưỡi bằng, đầu lưỡi tiếp giáp nhẹ với răng dưới. Khi hát "a" nét mặt vui như cười (như tiếng "a" reo vui). 

Nguyên âm khẩu hình mở dọc: 

- Nguyên âm "u": toàn bộ môi chúm lại, nhô ra như khi ta muốn huýt sáo. Khẩu hình nguyên âm này thu nhỏ nhất. 

- Nguyên âm "ô": Môi nhô ra và hai mép chúm lại, khẩu hình phía ngoài mở rộng hơn "u". Hạ lưỡi và nâng hàm ếch mềm. 

- Nguyên âm "o": Khẩu hình mở khá rộng tròn, phần giữa của môi hơi nhô ra trước. Lưỡi rụt vào phía sau, mặt lưỡi cong lên gần che lấp lưỡi gà.

- Nguyên âm "ơ": Cũng giống như nguyên âm "a", nhưng khẩu hình gọn hơn. Khi hát, hai mép thu gọn một chút, nhấc tếp hàm trên nhưng cằm giữ nguyên. 

Bên cạnh đó còn có các nguyên âm đôi như: "ơi", "eo", "ao", "ui", "oa", "ai"… và nguyên âm ba "oai", "yêu", "ươi", "uôi". Khi luyện tập với các nguyên âm đôi và ba, vị trí âm thanh của nguyên âm phải vang, sáng và hướng ra phía trước. Cần lưu ý. Với loại nguyên âm kép đôi và ba, môi phải đổi vị trí từ hai đến ba lần. Do đó, GV phải chú ý tới hoạt động của môi và hàm ếch khi SV hát các ca khúc với những loại nguyên âm kép trên, để tạo sự đồng nhất về mở khẩu hình và áp dụng vào lời hát trong ca khúc. 

Một số phụ âm sử dụng cho hát ca khúc mang âm hưởng dân ca 

Cũng như các nguyên âm, phụ âm cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát âm (nhả chữ) trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam. 

Các phụ âm chúng tôi cũng chia thành 2 loại đơn và kép. 

Phụ âm đơn: s, x, v, p, n, c, t, l, r… 

Phụ âm kép: kh, ng, nh, ch, tr, ngh, ph… 

Do lối hát dân ca của Việt Nam có nhiều vần đóng mà hầu hết là rơi vào các phụ âm, cùng với việc vị trí của phụ âm đứng trước hay sau nguyên âm thì việc cảm nhận và vận dụng cách phát âm tiếng Việt đi liền với hơi thở khi dạy học cũng như biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca là vấn đề mà GV cần nhắc SV luôn lưu ý. Khi hát việc phát âm (nhả chữ) cần chú ý đặt mềm, nhẹ các phụ âm đầu, khép âm cuối phù hợp với từng từ để đảm bảo các âm không bị biến dạng bởi ngôn ngữ Việt mà vẫn giữ được âm thanh, cao độ chuẩn mực nhưng hết sức tự nhiên. 

Chúng tôi lấy ví dụ lời hát trong ca khúc Neo đậu bến quê của nhạc sĩ An Thuyên làm mẫu: 

“Câu đò đưa thầm gọi tôi ghé về tuổi thơ 

Vầng trăng non ngơ ngác theo tôi đi chân trần” 

Trong câu hát này, ta thấy phụ âm đơn và khép ở vị trí đứng trước nguyên âm như: V (trong tiếng về; vầng), Đ (trong tiếng đò; đi), TH (trong tiếng thơ), NG (trong tiếng ngơ ngác), GH (trong tiếng ghé)... 

Để hát chính xác các phụ âm này, GV hướng dẫn SV chú ý chỉ bật môi thành tiếng rồi hát nguyên âm đi liền ngay sau đó, cần bảo đảm độ sáng của âm thanh. 

Khi hát các phụ âm đứng sau nguyên âm: N (trong tiếng non; chân trần), M (trong tiếng thầm), NG (trong tiếng vầng trăng)… Lúc này GV lưu ý SV cẩn thận và chú ý khép từ sao cho rõ lời mà âm thanh vẫn vang, vị trí âm thanh cao, sáng. 

Đề xuất biện pháp bổ sung tài liệu dạy học vào chương trình

Cùng với quá trình đổi mới công tác đào tạo chuyên ngành Thanh nhạc của trường Đại học VHNT Quân đội, trước những thay đổi mới từ khi Khoa Thanh nhạc thành lập ba bộ môn thì bộ môn hát Dân gian cũng cần phải có những đổi để đáp ứng yêu mới cầu đặt ra. Sự đổi mới phải bắt đầu từ tư duy về đổi mới hệ thống chương trình giảng dạy, tới các phương pháp dạy học cũng như chuẩn hoá đội ngũ GV, cách xác định và phân tích mục tiêu dạy hát ca khúc thuộc bộ môn hát Dân gian để lựa chọn và sắp xếp nội dung, hình thức dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá kết quả của SV trong bộ môn. 

Thiết kế chương trình, giáo trình giảng dạy của bộ môn hát phong cách Dân gian ở trường Đại học VHNT Quân đội

Trong giai đoạn mới có những thay đổi về đào tạo của Nhà trường, với việc thành lập ba tổ bộ môn (hát Cổ điển - Thính phòng; hát phong cách Dân gian và hát phong cách Nhạc nhẹ) ở Khoa Thanh nhạc, nên chương trình giảng dạy của bộ môn hát Dân gian khi này cũng cần phải được thiết kế cùng những đổi mới sao cho phù hợp với yêu cầu của Khoa cũng như Nhà trường. Việc thiết kế phải bắt đầu từ tư duy về chương trình giảng dạy, tới các phương pháp, mô hình thiết kế như: cách xác định và phân tích nhu cầu, cách xác định mục tiêu dạy học, lựa chọn và sắp xếp nội dung, phương thức dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả... 

Dưới góc độ là GV chuyên môn về hát phong cách Dân gian, với quan điểm - Chất lượng giảng dạy sẽ đạt hiệu quả cao khi việc thiết kế một chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp. Do đó chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề làm cơ sở cho việc thiết kế chương trình, giáo trình giảng dạy của bộ môn hát phong cách Dân gian với các tiêu chí như sau:

- Cần chú trọng vào những năm học đầu tiên của SV, đặc biệt là năm thứ nhất, rất quan trọng đối với việc họp tập và rèn luyện của các em ở những năm sau. - Những kỳ vọng cao. SV học tập có hiệu quả hơn khi đặt ra những kỳ vọng cao nhưng ở các cấp độ có thể đạt được và khi những kỳ vọng đó được truyền đạt rõ ràng ngay từ đầu khoá học. 

- Tôn trọng các tài năng và phong cách riêng của SV. Muốn dạy và học tốt phải thiết kế giáo trình giảng dạy tốt, đáp ứng cho phương pháp và phong cách riêng của mỗi SV. 

- Một chương trình giảng dạy có chất lượng đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ. SV thành công nhất trong việc phát triển các kỹ năng tư duy bậc cao (như tư duy giao tiếp sân khấu, giải quyết vấn đề…). Khi các kỹ năng này được rèn luyện và củng cố trong suốt quá trình rèn luyện chuyên môn. 

- Thường xuyên, liên tục rèn luyện các kỹ thuật Thanh nhạc đã tiếp thu được. Các kỹ thuật không được luyện tập sẽ nhanh chóng bị giảm sút, nhất là các kỹ thuật cơ bản. Kết hợp học đi đôi với hành. Học tập trên lớp được gia tăng và củng cố thông qua nhiều cơ hội áp dụng những gì đã học được vào thực tiễn. SV sẽ có kết quả học tập tốt nhất khi có cơ hội để luyện tập và thể hiện các kỹ năng. 

- Có đủ thời gian học tập thích hợp. Các công trình nghiên cứu khẳng định rằng, càng có nhiều thời gian học tập, kết quả học tập càng cao. Cần có sự trao đổi chuyên môn ngoài giờ học giữa GV và SV bởi đây là nhân tố có tính quyết định mạnh mẽ để học tập, hoàn thành tốt chương trình giảng dạy. [PL 1, tr.91].

Bổ sung tài liệu chuyên môn cho bộ môn hát Dân gian 

Việc bổ sung tài liệu chuyên môn cho bộ môn hát Dân gian là một quá trình tìm kiếm, thu thập, lựa chọn và bổ sung những tư liệu phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, với chiến lược phát triển của bộ môn hát Dân gian. Bổ sung tài liệu chuyên môn là hoạt động nhằm xây dựng cho bộ môn một kho tài thông tin riêng biệt. Vì thế, nhiệm vụ và mục đích của công tác bổ sung cần phải đạt tới là phải xuất phát từ nhiệm vụ và mục đích hoạt động, chiến lược phát triển của Khoa Thanh nhạc và của Nhà trường, hỗ trợ cho việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ môn bằng cách bổ sung, xử lý và đảm bảo việc sử dụng các tư liệu có trong giáo trình giảng dạy của bộ môn một cách hiệu quả, thuận tiện và kinh tế. Tài liệu, thông tin được bổ sung phải chính xác, đầy đủ, kịp thời cho cả GV và SV sử dụng. Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề đối với công tác này như sau:

Thứ nhất, mục tiêu của việc bổ sung tài liệu chuyên môn 

- Nhằm kiểm soát được các nguồn tài liệu chuyên môn một cách khoa học, phù hợp với nhu cầu của hoạt động dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ với chiến lược phát triển của Khoa Thanh nhạc và Nhà trường, trên cơ sở bảo đảm nguồn bổ sung thường xuyên và tạo lập nguồn tài nguyên thông tin tương ứng với chức năng và nhiệm vụ của bộ môn.

- Đảm bảo việc lựa chọn và bổ sung tài liệu cho bộ môn hát Dân ca là khách quan và phù hợp với chương trình đào tạo và mục tiêu giảng dạy học của bộ môn hát Dân gian của Khoa Thanh nhạc trường Đại học VHNT Quân đội. 

- Việc lựa chọn, bổ sung tài liệu chuyên môn cho bộ môn và thống nhất các quy trình, thủ tục trong việc chọn lọc tài liệu nhằm đảm bảo sự thuận lợi và chính xác về số lượng ca khúc mang âm hưởng dân ca còn đang thiếu. 

Thứ hai, các nguyên tắc bổ sung tài liệu chuyên môn 

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bộ môn, mục tiêu và hướng ưu tiên trong việc thu thập các tài liệu liên quan đến hoạt động dạy hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca để bổ sung. 

- Căn cứ vào số lượng những ca khúc theo vùng miền mà hiện còn thiếu hụt của bộ môn và phù hợp trình độ của đội ngũ GV trong việc sử dụng. 

- Xây dựng theo diện bổ sung thì cần xác định các loại tài liệu phù hợp với chương trình giảng dạy và nhu cầu sử dụng các ca khúc. 

Trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc phát triển nguồn tài liệu, tổ bộ môn hát Dân gian cần xác định bổ sung tài liệu và xây dựng được cơ cấu thể loại ca khúc mang âm hưởng dân ca phù hợp với số lượng hợp lý, đảm bảo chất lượng nội dung khoa học, phù hợp với nhu cầu của bộ môn hát Dân gian, chú trọng các tài liệu chuyên môn là những ca khúc quý hiếm có giá trị cao đối chương trình giảng dạy của bộ môn hát Dân gian.

KẾT LUẬN

Ca khúc mang âm hưởng dân ca được đông đảo công chúng đón nhận và yêu mến từ khi ra đời trong thời kỳ Tân nhạc những năm 1930 và cho tới nay thể loại ca khúc này vẫn không ngừng được đón nhận. Khai thác và đưa các ca khúc mang âm hưởng dân ca vào trong giảng dạy, ngoài việc góp phần hoàn thiện hơn về kỹ thuật Thanh nhạc còn làm phát triển về nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam, cũng như lối tư duy, cách thức xử lý các ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam khác với ca khúc nước ngoài cho SV. Đây là một trong những việc làm cần thiết, mang tính thực tiễn cao trong công tác giảng dạy Thanh nhạc. 

Việc bổ sung những ca khúc mang âm hưởng dân ca sáng tác trong giai đoạn mới còn nhằm tăng thêm số lượng ca khúc mang âm hưởng dân ca đang thiếu nhiều và chưa đồng bộ, làm phong phú cho chương trình, giáo trình, giáo án dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca hiện nay đã cũ và góp phần đưa quá trình đào tạo, nội dung đào tạo gần hơn với thực tiễn đời sống, đáp ứng được nhu cầu của xã hội sau khi các SV ra trường. 

Các đề xuất phương pháp sử dụng kỹ thuật Thanh nhạc, cơ bản góp phần cho xử lý ca khúc mang âm hưởng dân ca thêm phong phú vừa giữ được nét tinh hoa của dân ca vừa đạt yêu cầu về mặt học thuật của Thanh nhạc. Cách áp dụng các kỹ thuật luyến láy, rung, nhảy quãng… vào trong ca khúc mang âm hưởng dân ca có nhiều điểm khác so với các tác phẩm Thanh nhạc của các nước châu Âu, như lối hát theo ngữ điệu của phương ngữ, cách áp dụng các từ đệm vào trong ca khúc, lối hát đóng mở nguyên âm và phụ âm cũng như âm vang mũi… Bởi vậy, để tạo ra cách luyến láy, rung của giọng hát trong các nét giai điệu và các hợp âm của phương Tây với luyến láy, rung, nhấn nhá của dân ca Việt Nam, vì vậy trong quá trình dạy học, nếu không có sự định hướng với phương pháp sư phạm của GV và việc tự rèn luyện mang tính liên tục của SV, thì thật khó mà đào tạo thanh nhạc thành công. 

Các phương pháp của luận văn đưa ra là những đề xuất mang tính thực tiễn, cơ bản. Thông qua kết quả thực nghiệm đã minh chứng cho tính đúng đắn của các phương pháp đề xuất, nếu các phương pháp được thực hiện một cách đồng bộ thì việc dạy học hát ca khúc mang âm hưởng dân ca sẽ đạt hiệu quả cao. Đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo của Nhà trường cũng như của Khoa Thanh nhạc và bộ môn hát Dân gian trong giai đoạn mới. 

Kiến nghị

- Ban giám hiệu Trường Đại học VHNT Quân đội dựa trên trên nhu cầu thực tiễn, chỉ đạo bộ môn hát Dân gian và Khoa Thanh nhạc trong việc xây dựng và thực hiện kiện toàn, nâng cao chất lượng dạy học của cả GV và SV của tổ bộ môn hát Dân gian trong giai đoạn hiện nay. 

- Đẩy mạnh việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc dạy ca khúc mang âm hưởng dân ca, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hoá, nâng cao chất lượng giảng dạy của bộ môn hát Dân gian. 

- Từ việc cụ thể hoá mục tiêu, mô hình, xây dựng quy trình từ phương pháp giảng dạy đến việc xác định yêu cầu hoàn thiện quy trình đào tạo, xây dựng phương án đổi mới nội dung, phương pháp dạy hát ở bộ môn hát Dân gian. 

- Cần xây dựng và thực hiện những chính sách, biện pháp hợp lý nhằm thu hút các GV có trình độ chuyên môn tham gia giảng dạy nhằm tạo ra động lực cho quá trình dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca đạt được kết quả tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Anh (2010), Ca khúc là gi?, Tạp chí VHNT, tháng 11 2010. 

2. Lê Hồng Anh, Khái quát chung về dân ca Việt Nam, Nội san, Webside trường Đại học SPNT Trung ương 

3. Viết Ả (1994), Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nxb Âm nhạc, HN.

4. Viết Ả (1996), Âm nhạc - Lý luận và cây đời, Nxb Âm nhạc, HN. 

5. Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao (1961), Hát Giặm Nghệ Tĩnh, tập 1 và 2, Nxb Sử học, HN.

6. Phạm Văn Giáp (2012), Đại cương nghệ thuật Thanh nhạc, Tài liệu lưu hành nội bộ, giảng dạy môn Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội.

7. Trần Quang Hải (1989). Âm nhạc Việt Nam biên khảo, Nxb Bắc Đầu, Pháp. 

8. Lê Hàm (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Văn nghệ dân gian Nghệ An. 

9. Phạm Lê Hòa (2004), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, HN. 

10. Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, HN. 

11. Đảo Việt Hưng (1999), Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc, HN.

12. Mai Thị Xuân Hương (2002), Vấn đề giảng dạy ca khúc Việt Nam trong chuyên ngành thanh nhạc, Luận văn Cao học Chuyên ngành Lý luận Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, HN.

13. Mai Khanh (1976), Tuyển tập Thanh nhạc, Trường Âm nhạc VN, HN. 

14. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc. Viện Âm nhạc, HN.

15. Nguyễn Trung Kiên (2009), Đa dạng hóa mô hình đào tạo âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn mới, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, HN.

16. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển BK, HN. 

17. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục, HN.

18. Vũ Tự Lân dịch (1985), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Văn hóa, HN. 

19. Nguyễn Thị Tố Mai (2010), Opera trong sự phát triển âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, HN.

20. Phạm Phúc Minh (2004), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, HN. 21. Phan Minh (2012), Bản về chất liệu dân ca trong ca khúc, Tạp chí Hồn Việt, (số 2, tr.17).

22. Nguyễn Thị Nhung (1988), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, HN.

23. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc, HN.

24. Nguyễn Tố Như (2012), Thể loại trong Thanh khí nhạc, Nxb Quân đội.

25. Trần Việt Ngữ (1967) Dân ca Bình Trị Thiên, Nxb Văn Học, HN.

26. Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang, Hoàng Chương (1963), Dân ca miền Nam Trung Bộ tập 1 và 2, Nxb Văn Hóa, HN

27, Tú Ngọc (1979), Tìm hiểu giai điệu dân ca Việt Nam, Tạp chí ÂN, (số 3, tr.31).

28. Tú Ngọc (1994), Dân ca Người Việt, Nxb Âm Nhạc, HN.

29. Nhiều tác giả (1980), Bách khoa Giáo dục học, Nxb Giáo dục Maxcơva.

30. Vũ Ngọc Phan (1971), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, HN.

31. Nguyễn Văn Phủ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc (1972), Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Nxb Văn Hóa, HN.

32. Phạm Hoài Phương (2003), Giảng dạy giọng nữ cao bậc Trung cấp Cao đẳng tại trường Văn Hóa Nghệ Thuật địa phương, Luận văn Cao học, Học viện Âm nhạc Quốc Gia VN, HN.

33. Nhóm Lam Sơn (1965), Dân ca Thanh Hóa, Nxb Văn Học, HN. 34. Huỳnh Quang Thái (2013), Kỹ thuật hát đồng tiếng và phương pháp đồng nhất các âm khu của giọng nam cao, Luận văn Cao học Chuyên ngành Thanh Nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM.

35. Lê Thanh (Biên soạn) (1996), Giáo trình đại học thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, Thừa Thiên - Huế.

36. Trần Diệu Thúy (1999), Tỉnh khoa học trong giảng dạy và giáo trình thanh nhạc, Luận văn Cao học chuyên ngành Lý luận Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, HN.

37. Lư Nhất Vũ, Lê Giang (1983), Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, TP HCM. 38. Phạm Viết Vượng (2004), Lý luận dạy học Đại học, Nxb Đại học Sư phạm.