Quân khu 7 xây dựng kế hoạch tiếp nhận cách ly hơn 82.000 người

Dự báo trên địa bàn khi dịch cấp độ 5, Quân khu 7 cho biết sẽ bố trí tiếp nhận cách ly hơn 82.000 người với 302 điểm cách ly.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Quân khu 7 chiều ngày 31/5. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Chiều ngày 31/5, báo cáo tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện Thành phố có 1.944 giường bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19, phân bố ở 7 bệnh viện. Đây là số giường bệnh được Thành phố chuẩn bị cho phương án 5.000 ca bệnh; trong đó tại Bệnh viện Cần Giờ có 600 giường, Bệnh viện dã chiến Củ Chi 300 giường, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 400 giường, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch 500 giường, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố 100 giường và Bệnh viện Nhi đồng 2 có 44 giường. Ngoài ra, Thành phố còn có 202 giường hồi sức tích cực ở 7 bệnh viện nói trên. Đây là số giường và các bệnh viện sẽ tiếp nhận người mắc COVID-19.

Hiện tại, các bệnh viện có 221 bệnh nhân dương tính đang điều trị, có 1 bệnh nhân nặng từ An Giang chuyển về, đang ECMO (máy tim phổi nhân tạo). Ngoài ra, Thành phố đã sẵn sàng 200 giường hồi sức, máy thở, máy ECMO tại các bệnh viện tuyến cuối (mỗi bệnh viện tuyến cuối có 2 ECMO). Theo bác sĩ Thượng, Thành phố chuẩn bị phương án xấu nhất có thể tập trung 2.000 giường, sẵn sàng bố trí 1 đơn vị không thuộc y tế thêm 3.000 giường. 

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về khả năng đảm bảo trang thiết bị, máy móc, điều trị ca bệnh, bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết, trong khi Bộ Y tế chỉ yêu cầu dự trù 5% hồi sức cấp cứu, Thành phố vẫn dự trù 20% ca nặng vì tính đến cả phương án tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khác. 

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, hiện tại Thành phố có nguồn lực nhưng nguồn mua sắm rất khó khăn, do không có thông tin, trong đó có cả vấn đề giá vaccine và đề nghị được hỗ trợ. Thành phố cũng kiến nghị cần có cơ chế để địa phương mua vaccine vì người dân đang chấp nhận chích ngừa với tỉ lệ cao nhưng Thành phố không chủ động được nguồn vaccine.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cho rằng quy trình phòng, chống dịch của TPHCM cần phân thành nhiều tầng, có những công đoạn không cần bác sĩ trực tiếp làm mà thay vào đó tập huấn cho nhân viên y tế làm như tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm,…  Theo ông, phải hết sức tiết kiệm bác sĩ, nuôi dưỡng nguồn lực, thực hiện luân phiên lực lượng chứ không “dồn hết ra mặt trận”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải quyết liệt tiêm hết vaccine AstraZeneca cho lực lượng tuyến đầu để bảo vệ lực lượng này. Dẫn chứng tình hình và kiến nghị nhận được khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị khu cách ly tại Đại học Quốc gia TPHCM, ông đề nghị nên bổ sung tiêm vaccine cho các thầy, cô giáo, sinh viên tham gia tình nguyện phục vụ tại khu cách ly. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu kép lâu dài thì phải tính toán phương án tiêm cho công nhân. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, dự kiến cuối tháng 7, vaccine Pfizer sẽ nhập về nên ngay từ bây giờ, TPHCM cần tính toán bố trí nơi tiêm, đồng thời, tính toán đối tượng, số lượng tiêm, với mục tiêu là bảo vệ tuyến đầu.

Trước đó, tại buổi làm việc của  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu cho biết, ngay từ đầu năm 2020, với quan điểm xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc” Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã có nghị quyết tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát với tình hình thực tế.

Hiện trên địa bàn Quân khu triển khai 55 điểm cách ly với 12.511 giường. Số người cách ly 6.315 người và còn trống 6.196 giường.

Quân khu cũng đã xây dựng kế hoạch về việc điều chỉnh tiếp nhận, cách ly, đáp ứng từng cấp độ dịch COVID-19. Dự báo trên địa bàn khi dịch cấp độ 5, Quân khu có thể tiếp nhận cách ly khoảng 82.513 người với 302 điểm cách ly và xác định địa bàn trọng điểm là TPHCM cùng với 3 tỉnh biên giới: Long An, Tây Ninh, Bình Phước.

Phối hợp với các địa phương biên giới triển khai 442 chốt kiểm soát biên giới để kiểm soát, ngăn chặn nhập cảnh trái phép; tăng cường gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, bộ đội thường trực, thực hiện nhiệm vụ tại các chốt biên giới.

Toàn Quân khu hiện đang thực hiện cấm trại 100% quân số. Các bệnh viện, bệnh xá thuộc Quân khu cũng triển khai phân luồng trong khám chữa bệnh cho từng đối tượng bệnh nhân, bảo đảm đúng quy định. Thành lập trên 100 tổ lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ phục vụ các lực lượng trong Quân khu và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn; lập 9 đội và 56 tổ cơ động phòng, chống dịch; 8 tổ chuyên khoa tăng cường, 51 tổ truy vết; thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5 (cấp 4, 5) quy mô 500 giường sẵn sàng triển khai khi có lệnh của Bộ Quốc phòng…

Về nhiệm vụ tiếp nhận công dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 về nước trên địa bàn Quân khu, đến nay đã tiếp nhận hơn 78.000 công dân, trong đó có hơn 1.200 người nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, Quân khu còn thực hiện hỗ trợ Campuchia và Lào nhiều vật tư, trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19; chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong phòng, chống dịch; kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới. Tư lệnh Quân khu 7 cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao làm việc với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nước bạn có biện pháp bảo hộ công dân và vận động bà con yên tâm ở lại Camphuchia ổn định cuộc sống; tạo điều kiện cho công dân sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại Việt Nam được trở lại nước bạn làm ăn…

Đánh giá công tác phòng, chống dịch trên địa bàn của Quân khu 7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, hơn một năm qua, cùng với ngành y tế, công an, quân đội đã trở thành một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch, từ bảo vệ biên giới, thiết lập và quản lý khu cách ly, đến điều trị, nhất là tại các địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh. Những kết quả trong phòng, chống dịch của Quân khu là rất tích cực, đóng góp lớn vào kết quả chống dịch chung của cả nước.

Tuy nhiên, với địa bàn trọng điểm về kinh tế của cả nước, theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, cần rà soát công tác này, xem nội dung nào, khâu nào còn bất cập, vướng mắc, có thể giải quyết ở cấp nào, đề nghị Quân khu nêu ra, để cùng với các bộ, ngành  làm tốt hơn nữa, khẩn trương kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, sớm ổn định tình hình để phát triển kinh tế, xã hội.