Kỳ 34
Đại Hội lần thứ nhất của Đảng được tiến hành ở Ma Cao (Trung Quốc) năm 1935. Từ đó cho 1936 đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng bí thư. 1936-1938 Hà Huy Tập, 1938-1939 Nguyễn Văn Cừ thay nhau giữ chức Tổng bí thư của Đảng. Trong Hội nghị Trung ương năm 1940 đồng chí Trường Chinh giữ chức quyền Tổng bí thư. Hội nghị Trung ương lần VIII tháng 5-1941 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư. Sau Đại hội II năm 1951 Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng Chí Trường Chinh giữ chức Tổng bí thư cho đến năm 1956. Từ năm 1956 đến 1957 Lãnh tụ Hồ chí Minh là Chủ tịch Đảng kiêm quyền Tổng bí thư. Từ năm 1957 đến 1960 đồng chí Lê Duẩn quyền Tổng bí thư. Đại hội III năm 1960 bầu Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn giữ chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam. Đại hội IV năm 1976 và tiếp đó Đại hội V năm 1981 đồng chí Lê Duẩn là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 7/1986 đến tháng 12/1986, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư. Đại hội VI nhiệm kỳ 1986-1991 đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng bí thư. Đại hội VII nhiệm kỳ 1991-1996 đồng chí Đỗ Mười là Tổng bí thư. Đại hội VIII từ năm 1996 đến cuối 1997 đồng chí Đỗ Mười là Tổng bí thư. Cuối 1997 đến trước đại hội IX -2001 đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư. Đại hội IX nhiệm kỳ 2001 -2006 và Đại hội X nhiệm kỳ 2006 -2011, đồng chí Nông Đức Mạnh là Tổng bí thư. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội đảng viên. Cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội ở các cấp là Ban chấp hành Đảng bộ, Chi bộ (Cấp uỷ) Ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, Đại hội Đại biểu Tỉnh đảng bộ (Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố) bầu ra Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ (Ban chấp hành Đảng bộ thành phố-gọi tắt là Thành uỷ) trong đó hạt nhân là Thường vụ tỉnh uỷ (Thường vụ thành uỷ) do Bí thư tỉnh uỷ (Bí thư thành uỷ đứng đầu). Giúp việc cho Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ (Thành uỷ) có văn phòng do Chánh, Phó văn phòng tỉnh uỷ (Thành uỷ) đứng đầu. Giúp việc chuyên môn còn có các Ban do các Trưởng ban đứng đầu: Ban tổ chức, Ban tuyên giáo, Ban dân vận, Ban kiểm tra. Ở cấp huyện (quận, thị xã) Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện (quận, thị xã) bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ huyện (quận, thị xã) mà hạt nhân là Thường vụ huyện uỷ (quận ủy, thị ủy) đứng đầu là Bí thư huyện uỷ (Bí thư quận uỷ , Bí thư thị uỷ). Giúp việc chuyên môn cho huyện uỷ (quận uỷ, thị uỷ) có các Ban như Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban dân vận do các Trưởng ban đứng đầu. Còn có Văn phòng Huyện uỷ (quận uỷ, thị uỷ) do Chánh, Phó văn phòng đứng đầu. Ở cấp xã (phường, thị trấn), Đại hội đại biểu Đảng bộ xã (phường, thị trấn) bầu ra Ban chấp hành Đảng uỷ xã (phường, thị trấn) đứng đầu là Bí thư đảng uỷ xã (phường, thị trấn). Ngoài ra các tổ chức Đảng còn được thành lập ở tất cả các cơ quan, các trường học, trong quân đội, trong công an, cảnh sát. Cách thức tổ chức như vậy bảo đảm cho sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Đơn vị nhỏ nhất của tổ chức Đảng là chi bộ Đảng mà hạt nhân là Ban chi uỷ đứng đầu là Bí thư chi bộ do Đại hội đảng viên bầu ra. Trong cách mạng tháng 8-1945 Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công, lật nhào ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến. Ngày nay với 3 triệu Đảng viên, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công cuộc đổi mới và công cuộc bảo vệ tổ quốc. Sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh của toàn dân, của dân tộc, từ niềm tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Đó là chân lý, là qui luật lịch sử bất di bất dịch .
Cùng với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, Đảng cộng sản Việt Nam cũng ngày càng phát triển về mọi mặt. Ví như về số lượng năm 1930 Đảng có 560 đảng viên, năm 1945 có 5.000 đảng viên, Đại hội 2 năm 1951 có 766.349 đảng viên, Đại Hội 3 năm 1960 có 50 vạn đảng viên, Đại hội 4 có 1,4 triệu, Đại hội V có 1,7 triệu, Đại hội VI có 1,9 triệu, Đại hội VII có 2,1 triệu, Đại hội VIII có 2.130.000 đảng viên, Đại hội IX có 2,4 triệu đảng viên, Đại hội X có 3,1 triệu đảng viên. Về tên gọi, từ 3-2-1930 đến tháng 10-1930 là Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 10 -1930 đến năm 1951 là Đảng Cộng sản Đông Dương, từ 1951 đến 1960 là Đảng Lao động Việt Nam và từ 1960 đến nay là Đảng Cộng sản Việt Nam .
Ngoài xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị, ta đã ra sức xây dựng một hệ thống pháp luật trong đó đã xây dựng các bản Hiến pháp qua các thời kỳ làm đạo luật cơ bản. Hiến pháp đầu tiên là Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội khóa I thông qua trong kỳ họp 2. Hiến pháp này đã xác định chế độ chính trị là nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân. Lần đầu tiên Hiến pháp qui định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, bao gồm quyền chính trị, quyền lợi về kinh tế, quyền học tập. Công dân phải có nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp qui định hoạt động tổ chức của bộ máy nhà nước. Hiến pháp qui định điều kiện để sửa đổi hiến pháp , đó là phải được 2/3 số đại biểu Quốc hội yêu cầu và phải được toàn dân phúc quyết. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu sự phát triển của pháp luật Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng hệ thống pháp luật và nhà nước cộng hoà. Hiến pháp 1946 còn là cương lĩnh để tập hợp lực lượng kháng chiến .
Hiến pháp 1959 được Quốc hội khoá 1 thông qua trong kỳ họp thứ 11, được công bố ngày 1-1-1960. Hiến pháp gồm lời nói đầu, 10 chương, 112 điều. Hiến pháp 1959 qui định bản chất nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hiến pháp 1959 xác định mục tiêu cơ bản đường lối kinh tế, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp cũng qui định về tổ chức bộ máy nhà nước.
Hiến pháp 1980 được thông qua bởi Quốc hội khoá 6 ngày 18-12-1980, công bố ngày 19-12-1980 gồm lời nói đầu, 12 chương, 147 điều. Hiến pháp khẳng định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và hệ thống chính trị, khẳng định quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Hiến pháp đã thể chế hoá đường lối xây dựng kinh tế mới, văn hoá mới, con ngươì mới và xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Hiến pháp khẳng định quyền và nghĩa vụ của công dân, qui định cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước .
Hiến pháp 1992 do Quốc Hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992 bao gồm lời nói đầu, 12 chương và 147 điều. Hiến pháp đã khẳng định thành tựu về mọi mặt qua nhiều năm đổi mới, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam đối với đời sống xã hội và hệ thống chính trị. Qui định cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước có nét khác với Hiến pháp 1980 như không còn chức danh Hội đồng nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng được gọi là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Hiến pháp qui định sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Hiến pháp 1992 là cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của dân tộc trong thời kỳ đổi mới .
(Còn nữa)
CVL