Kỳ 38
Nguyên nhân mang lại những thành tựu là do đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vạch ra được những chính sách hợp qui luật khách quan, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy được trí sáng tạo của nhân dân quyết tâm xây dựng đời sống mới, xã hội mới. Khuyết điểm trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế ở Việt Nam là chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp, nhiều xí nghiệp kinh doanh chưa đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Trong nông nghiệp chất lượng sản phẩm thấp, chậm tiếp thu kỹ thuật tiên tiến. Chậm phát triển công nghiệp chế biến nông phẩm thành hàng hoá và một số ngành công nghiệp khác. Hoạt động dịch vụ yếu kém, tốc độ chỉ phát triển bằng 50% kế hoạch. Mức thu nhập và tiêu dùng của dân cư thấp ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và mở rộng thị trường. Sản phẩm hàng hoá giá thành cao, chất lượng thấp. Xuất khẩu nông sản nguyên liệu thô chiếm tỉ trọng lớn. Sự huy động, sử dụng quản lý nguồn tài chính quốc gia kém hiệu quả, lãng phí. Chính sách thuế bất cập trở thành rào cản sự phát triển kinh tế. Hoạt động ngân hàng yếu kém, chất lượng tín dụng thấp, thị trường vốn phát triển chậm, chính sách lãi suất không đủ hấp dẫn để nhân dân bỏ vốn vào đầu tư phát triển. Vốn đầu tư nước ngoài thấp. Vốn đầu tư phân tán kém hiệu quả, chưa tương xứng để phát triển thế mạnh của từng vùng, chưa đủ sức cơ cấu tổ chức lại nền kinh tế, nhất là những vùng có nhiều tiềm năng. Trong công nghiệp chưa tập trung đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại. Chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán khi chuyển sang thể chế kinh tế thị trường. Môi trường đầu tư chậm cải thiện làm cho các thành phần kinh tế chưa mạnh dạn bỏ vốn vào đầu tư kinh doanh. Trình độ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán của doanh nhân Việt Nam còn nhiều bất cập, kể cả đối với khu vực kinh tế nhà nước. Thủ tục hành chính nặng nề và phức tạp cũng là rào cản sự vận hành phát triển của nền kinh tế thị trường .
Doanh nghiệp nhà nước chiếm đại bộ phận trong các ngành kinh tế quan trọng, có 5.280 doanh nghiệp nhà nước với tổng số vốn 116.000 tỉ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp 22 tỉ đồng, chiếm 45,4% tổng tài sản cố định của nền kinh tế nhà nước. Nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa cao, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ còn lớn, còn ỷ vào nhà nước bao cấp, tiến độ cổ phần hoá các doânh nghiệp còn chậm, chưa tạo chuyển biến huy động vốn và tạo động lực trong sản xuất kinh doanh. Khu vực kinh tế hợp tác xã chuyển đổi phát triển chậm chạp .
3. Xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới .
Giai cấp Công nhân. Sang thời kỳ đổi mới giai cấp công nhân vẫn là động lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Trong thời kỳ đổi mới số lượng công nhân phát triển nhanh. Công nhân chiếm 7,4% dân số toàn quốc, chiếm 14,5% lực lượng lao động. Lao động của công nhân hàng năm tạo được 70% tổng sản phẩm trong nước, đảm bảo 60% ngân sách nhà nước. “Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là giai cấp những người lao động chân tay và lao động trí óc, làm việc ăn lương trong các ngành công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội” (Thông tin công tác lý luận số 9-2007). Thời kỳ đổi mới, trong sản xuất kinh doanh xuất hiện nhiều thành phần kinh tế làm cho cơ cấu thành phần giai cấp công nhân thay đổi. Kinh tế cá thể tiểu chủ với kinh tế tư bản tư nhân trong nước được gọi là thành phần kinh tế tư nhân, thứ hai là thành phần kinh tế tư bản nước ngoài, thứ ba là thành phần kinh tế nhà nước chiếm hơn 5 vạn nhà máy, xí nghiệp, công ty là thành phần kinh tế chủ đạo và lớn nhất. Như vậy, giai cấp công nhân Việt Nam một bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, một bộ phận làm việc trong doanh nghiệp tư nhân, bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp hỗn hợp giữa tư nhân và nhà nước, bộ phận làm việc trong các doanh nghiệp tư bản nước ngoài (vốn đầu tư nước ngoài), bộ phận xuất khẩu lao động. Tổng số công nhân tính đến năm 2004 khoảng 6 triệu, trong đó lao động ngoài nước khoảng 400.000 người. Năm 2001 lao động công nhân viên chức cả nước khoảng gần 9 triệu người (chưa tính số người đi lao động nước ngoài), trong đó số công nhân lao động sản xuất ở các doanh nghiệp, ở các cơ sở sản xuất khoảng gần 5 triệu người. Qui luật kinh tế thị trương đã tác động vào giai cấp công nhân. Một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường .
Nhược điểm của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là trình độ kỹ thuật, nghề nghiệp thấp, có tới 74 % chưa qua đào tạo, công nhân tri thức chỉ chiếm khoảng 4%, công nhân thợ bậc 6-7 ngay tại Hà Nội chỉ chiếm gần 12 %, thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm hơn 6 %. Ở 14 tỉnh gần 68 % công nhân không biết ngoại ngữ, có tỉnh chiếm 90 % . Đa số công nhân xuất thân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại. Công nhân chỉ chiếm 10 % trong Đảng. “Nhìn tổng quát, lợi ích một bộ phận công nhân được hưởng chưa tương xứng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và những đóng góp của chính mình, việc làm, đời sống vạt chất và tinh thần của công nhân đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn tại các doanh nghiệp của tư nhân và doanh nghiệp có vố đầu tư nước ngoài”. (Nhân Dân-số 19-2-2008). Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thành một giai cấp “Kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức có kỷ luật ” (Hồ Chí Minh ) để họ đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp tục phát huy là giai cấp lãnh đạo cách mạng, xứng đáng là một trong những cơ sở xã hội chính trị vững chắc của Đảng và Nhà nước .
Giai cấp nông dân: Giai cấp nông dân miền Bắc (1958-1975) và nông dân cả nước (1975-1986) là giai cấp nông dân tập thể trong mô hình xã hội chủ nghĩa bao cấp). Ở miền Bắc cho đến năm 1965 hơn 90% tổng số nông hộ đã vào hợp tác xã, hơn 80 % diện tích đất đai được tập thể hoá, trong đó có 72 % số nông hộ vào hợp tác xã bậc cao. Quan hệ xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp được xác lập, giai cấp nông dân trở thành giai cấp nông dân tập thể với các yếu tố sở hữu tập thể, phân phối theo lao động .
Sau đổi mới, người nông dân được giao quyền sở hữu ruộng đất lâu dài ổn định từ 15 đến 20 năm. Từ người nông dân tập thể người nông dân trở thành nông dân cá thể, được làm chủ ruộng đất. Do đó người nông dân tích cực chủ động sáng tạo trong sản xuất. Từ đó nền nông nghiệp nước ta từng bước đi lên và đạt nhiều thành tựu , kinh tế nông thôn phát triển ổn định. Ngay từ khi bắt đầu đổi mới với chính sách khoán 10 năm 1988, chỉ 4 năm (1989-1992) nông nghiệp được chuyển biến mạnh mẽ, lương thực của người dân được tăng lên. Từ chỗ thiếu lương thực thời bao cấp đến năm 1989 ta tự túc đủ lương thực và sau đó có dư lương thực để xuất khẩu. Đến năm 1990 ta đã xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan. Nông dân Việt Nam về cơ bản đã đạt được những mục tiêu và nguyện vọng mà hàng nghìn năm trong lịch sử chỉ là niềm mơ ước, đó là độc lập, dân chủ và ruộng đất, những mục tiêu mà họ đã hi sinh biết bao xương máu mới giành được .
(Còn nữa)
CVL