Ra mắt tập thơ Hoa nở trong trăng

Hoa nở trong trăng là tập thơ đầu tay của Vũ Gia Hà sau hơn mười năm bước chân vào văn chương.
hoa-no-trong-trang-1643363297.jpg

Với 88 bài thơ chia làm ba phần (Cõi người, Cõi tình yêu, Cõi siêu tưởng) tập thơ là sự dày dặn về chữ nghĩa đồng thời ở đó là dằng dặc những suy tư, suy tưởng, chiêm nghiệm và cảm xúc của người viết trong suốt hơn mười năm. Được xem là ra sách hơi muộn so với tuổi nghề của tác giả, tuy nhiên điều này đem đến một nét riêng cho Hoa nở trong trăng. Bạn đọc có thể gặp ở đây cả những trong trẻo ngây thơ của một chàng trai chớm lớn, chớm yêu, chớm bước ra đời; có thể gặp ở đây những năm tháng tươi đẹp, sôi nổi nhưng cũng đầy khó khăn thách thức của một tuổi thanh xuân tràn đầy khát khao nhưng cũng nhiều trắc trở biến cố; có thể gặp ở đây một người đàn ông chững chạc trưởng thành và nhiều suy nghiệm sau khi trải qua những thăng trầm được mất trong cuộc sống này… Nhưng trên tất cả, xuyên suốt qua thời gian, qua những tươi đẹp hay biến cố thì ta vẫn thấy hiện lên rõ nét nhất con người thơ Vũ Gia Hà.

Chất thi sĩ là yếu tố giúp tác giả sau khi đi một đoạn đường nhiều dấu mốc của cuộc đời vẫn duy trì được nguồn thi cảm với một giọng điệu và phong cách riêng biệt, rõ nét. Những lắng sâu thâm trầm trong thơ anh rất nhiều nhưng vẫn nhường chỗ cho cả sự tươi vui dí dỏm cá tính. Có ai không/ Cùng tôi lên đường/ Nhưng trước tiên/ Phải trèo qua tường/ Găm đầy mảnh chai, xương rồng. Điều ấn tượng ở chỗ, dù viết về những vấn đề lớn lao hay những bé nhỏ dung dị, niềm vui hay nỗi buồn của cuộc đời/con người thì Vũ Gia Hà vẫn giữ được cho mình một sự “thản nhiên”. Sự thản nhiên này là cách để anh làm nên khác biệt trong giọng điệu và phong cách thơ. Thản nhiên nhưng không có nghĩa là hờ hững, nhạt nhẽo, vô tâm… để thản nhiên được như thế tác giả đã phải nhào nặn, ngụp lặn trong rất nhiều trạng huống, cảnh phận để rồi chọn cho mình một cách nhìn, một cách viết đúng với cách thế của mình. Khi người viết viết ra những điều thầm kín, hệ trọng, khác biệt một cách thản nhiên ấy là khi tư duy của anh ta đã làm việc, đã tôi luyện, đã xác lập được cho mình một hệ mĩ cảm vững chãi.

hoa-no-trong-trang-2-1643363297.jpg

Cõi người của Vũ Gia Hà không nằm ngoài cái chung của nhân loại nhưng cõi người trong thơ anh đã đặt ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm: Tôi sẽ chẳng bao giờ quên/ Nếu sống sót qua đợt dịch này/ Những đau khổ những yêu thương cùng thể hiện/ Những hy vọng những thất vọng khoác vai nhau. Cõi người thường được thi vị hoá, mênh mông, vô định, khôn cùng. Vũ Gia Hà định nghĩa cõi người bằng những điều đơn giản, rất thực: vui buồn, yêu thương, cô đơn, mẹ cha, kỷ niệm, chiếc lá, tiếng chim… Nhưng bắt đầu từ những điều đơn giản ấy, cõi người được tạo tác nên và không ngừng sinh sôi, biến đổi. Nghệ thuật chính là khi gặp một giọt nước mà ta liên tưởng thấy cả một đại dương. Vũ Gia Hà không sa vào những đại ngôn sáo ngữ, anh thành thực với chính lòng mình, đối diện với chính mình và từ đó cõi người hiển hiện. Cuộc đời tẻ nhạt/ Tôi khao khát/ Khuôn mặt của núi rừng/ Khuôn mặt của bài thơ cúng chúng sinh/ Chúng ta chỉ là những chấm sáng/ Sao lại tự dập tắt nhau.

Cõi tình yêu là một phần không thể thiếu để bồi đắp, làm đầy cho cá tính thơ Vũ Gia Hà. Tôi chết mất nếu yêu quá nhiều/ Và từ tôi mọc ra tua tủa nắng. Đọc thi tập này, phần thơ này tôi có liên tưởng rằng, dường như chính tình yêu đã nuôi nấng, dung dưỡng một chàng trai trẻ tuổi, giàu tình cảm trở thành một người đàn ông trưởng thành. Chẳng có gì ghê gớm và quan trọng bằng tình yêu/ Chỉ có tình yêu mới sinh ra thế giới này/ Vì yêu mà tôi nói lại những lời yêu cũ/ Vì yêu mà tôi lãnh đủ sầu muộn đớn đau. Thơ tình Vũ Gia Hà đã tạo nên một vệt lấp lánh những ý niệm, ở đó có sự tôn vinh tình yêu, nhưng sâu xa hơn ở đó ta thấy được sự nguyên bản của tình yêu.

Cõi siêu tưởng trong thơ Vũ Gia Hà dẫn dụ ta bước vào một thế giới đầy thi ảnh. Ở đó ta được tự do, được thả trôi, được thấy mình là một vô cùng vô tận không thể chạm tới hay nắm bắt. Khoảnh khắc cũ đã qua/ Tôi đi vào vô tận/ Bằng bóng hoa đã tàn.

Thơ không là định nghĩa hay thông điệp. Thơ phản ánh cái nhìn bên trong của thi sĩ. Thơ Vũ Gia Hà là sự nhất quán của cái tôi nghệ thuật đã được thách thức qua thời gian. Hoa nở trong trăng vừa là kết quả của sự chưng cất chính mình vừa biện giải cho một quan niệm thơ đứng ngoài những lý thuyết.