"Anh phải gọi em bằng chú!" Một cậu trẻ nói trong bữa tiệc. "Mày láo, cậu ấy bằng vai bố mày đấy..." một cô gái con bà chị mắng ngay khi bê đồ ăn ra. "Ơ, nhưng mà mẹ em là bác mẹ anh ấy đấy!" Cậu ta vẫn chứng minh.
Thế là nhộn cả lên mâm cỗ với đủ lứa tuổi!
Từ khá lâu, tôi ít về ăn rằm, thường về Tết và các dịp giỗ ông bà. Nay bố mẹ mới mất, Tết không về nên về rằm vừa thắp hương ngoài nghĩa trang vừa là gặp gỡ thăm hỏi và cảm ơn họ tộc.
Trong ký ức xưa của tôi gần nửa thế kỷ trước, ngày Tết, ngày rằm tháng Giêng là rất trọng đại ở làng. Dù trước đây nghỉ Tết chỉ có 3 ngày, nghĩa là đi làm lại hơn chục ngày là xin nghỉ để về quê ăn rằm, hoặc lựa chọn nghỉ một trong hai dịp vì quan trọng như nhau. Hoặc nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên, thì ở lại luôn thông Tết tới rằm mới ra phố. Ngày nay, nhiều khu công nghiệp kêu trời chắc vụ ăn rằm ở nông thôn như này, công nhân chờ ăn rằm xong mới ra đi làm.
Ở Miền Trung, nhà thờ Họ đối với mỗi gia đình có lẽ quan trọng nhất vì Đình, Đền, Chùa, Nhà thờ Đạo bị phá bỏ (chỉ mới khôi phục dần sau này). Vùng đất bãi bồi sông Lam quê tôi là khu dân cư cổ, phải cả ngàn năm, làng mạc bám trụ lâu đời, các dòng họ còn ghi nhận trong phả tộc cũng năm sáu trăm năm trở lên. Thế nên, các dòng họ lập lên khá nhiều nhà thờ. Chi họ từ năm đến sáu đời là tách ra một chi và có một nhà thờ riêng. Ngày lễ, các gia đình sẽ tới nhà thờ chi trước, sau đó kéo nhau tới nhà thờ chính. Tất cả anh em, họ hàng, ông bà, cô gì chú bác, con cháu chắt chút… đều cố gắng sắp xếp thời gian để cùng tới dự.
Sau Tết ta, ngày Rằm tháng Giêng là mốc mà các gia đình chuẩn bị, chuẩn bị đồ mâm lễ, bánh trái như các loại bánh Gai, bánh Ong, bánh Chè lam…, các nguyên liệu sẵn sàng cho mâm cỗ. Một gia đình nhỏ cũng cần chuẩn bị 2 đến 4 mâm cỗ tuỳ khả năng và thứ bậc để gánh đến: nhà thờ chi họ nội, nhà thờ chi họ ngoại (khi cả hai cùng quê/làng) và rồi tới nhà thờ chính bề trên. Việc gánh mâm cỗ tới nhà thờ làm một nét văn hoá rất văn minh. Trước tiên là tấm lòng của con cháu với ông bà tổ tiên. Theo nữa là giúp cho nhà trưởng họ, rất khó để định liệu số lượng suất ăn cũng như chuẩn bị rồi dọn dẹp sau đó. Quá trình sửa soạn mâm cỗ cả chục ngày cũng nhộn nhịp cả làng.
Ngày 14 tháng Giêng, thường là ngày họp họ của các chi dưới. Các con cháu đi làm, học, hay công tác và định cư nơi khác, khắp cả nước, thậm chí ở nước ngoài, dịp này là quy tụ về để gặp gỡ họ mạc và làm lễ với tổ tiên. Khắp làng, tiếng trống vang lên đầy háo hức, tiếng loa phóng thanh đọc văn tế, vinh danh và báo cáo trong nhà thờ. Thanh niên tụ tập chia sẻ, trẻ con chạy nhảy chơi đùa cũng như nghịch với trống, chiêng. Người già ngồi hút thuốc lặng lẽ nhìn lứa con cháu vây quanh đầy suy ngẫm. Hiếm có dịp mà quy tụ được nhiều người từ mọi phương về như này.
Trên đường tới nhà thờ họ, những cuộc gặp bất ngờ của người thân, bạn bè. Thậm chí anh em trong nhà, nhưng mỗi người đang tới nhà thờ họ riêng của chi mình. Điều thú vị là, nhiều gia đình có họ cả hai đằng, thế nên, cùng gặp nhau ở nhiều nhà thờ trong ngày hôm nay. Các chi họ nhiều, nên các gia đình thường chia nhau ra để gánh mâm đến từng nhà thờ khác nhau. Chính điều này, các hoạt động xã hội khác như các cửa hàng, chợ búa, đồng áng, gần như ngừng trệ hoàn toàn. Khắp làng là hội.
Ngày chính Rằm, 15 tháng Giêng, các nhà thờ chi đã xong việc từ hôm trước, nhiều chi họ đều đổ về nhà thờ chính, thế nên lượng người rất đông ở các trục đường tới gia tộc họ. Làng có nhiều họ sẽ thành từng cụm đám đông khổng lồ. Xe đỗ kín đường, tiếng trống, tiếng chiêng vang dồn dập, rồi tiếng chủ lễ của ông trưởng họ trên loa phóng thanh đọc văn tế. Đám đông các chi gặp nhau huyên náo, rất nhiều người ngỡ ngàng gặp nhau nhận họ hàng, anh em dù đã từng gặp, làm việc thậm chí giao lưu nhiều ở trên thành phố, nhưng không biết là trong họ!
Nhiều năm gần đây, xã hội thay đổi và phát triển, việc chuẩn bị cho Rằm tháng Giêng cũng thay đổi, các gia đình đã thôi không phải chuẩn bị mâm cỗ gánh đi nữa, họ góp phần bằng kinh phí cho chủ lễ, nhà tộc trưởng sẽ lo đặt mâm cỗ và lo hậu cần cho tất cả. Nhiều thay đổi tuân theo biến động nhanh hơn của cuộc sống, mất những điều thú vị khi sắm sửa, gặp gỡ giao lưu khi về quê. Chợ búa, cửa hàng đã không còn đóng cửa những ngày này. Các thành viên xa quê với phương tiện mới đã tranh thủ và nhanh hơn về tham dự lễ không phải xin nghỉ hoặc phải nghỉ từ Tết tới Rằm. Xã hội chuyển động nhanh và cũng làm cho các hoạt động văn hoá, tâm linh biến động nhanh, người ta về lễ nhanh như tua nhanh một cuốn băng mấy ngày trong vài giờ đồng hồ vâỵ.
Rời quê, tiếng trống ngừng vang. Các cây nêu hiện đại cao vút với bóng cờ cùng các dây đèn màu nhấp nháy vẫn còn trước cổng mỗi gia đình. Trả lại yên bình cho mỗi góc làng quê như Tết chưa hề tới. Những người xa quê lại xa quê, lại trở về cuộc sống tấp nập đang chờ và đến chuỗi những cuộc họp đồng hương, họp lớp hay các lễ hội trên thành phố. Sự lặp lại của cuộc sống đầy thú vị dù ai cũng muốn làm điều gì đó cho nó khác đi…
“Anh ơi, à quên, Chú ơi, nhớ đến họp đồng hương nhé, chú cháu mình lại gặp nhau hàn huyên…” Cậu thanh niên sau khi lấy số liên hệ, căn dặn tôi khi chia tay. Một năm mới giờ mới thực sự bắt đầu!
Phúc sơn, ngày 05 tháng 2 năm 2023 (Rằm tháng Giêng)