Sa Huỳnh trong tôi

Hồi đó Phổ Châu, Phổ Thạnh cùng chung một xã là Phổ Thạnh. Năm tôi khoảng 8 hay 9 tuổi, một hôm tôi được mẹ gửi cho bà Năm (bà chuyên làm bánh ít lá gai gánh ra chợ Sa Huỳnh bán mỗi sáng) đi Sa Huỳnh bán bả mía (xác cây mía đã ép phơi khô dùng nhóm lửa).
284133446-3188696831448534-5394035533275287701-n-1653531903.jpg
Ảnh minh họa sưu tầm

Đây là lần đầu tiên tôi được đi chợ Sa Huỳnh như một người lớn thực thụ. Đêm đó tôi khó ngủ, thao thức đợi bà lên gọi là đi ngay. Gánh bả mía được chị tôi chuẩn bị chu đáo. Đó là đôi ki sắt nhỏ và khoảng mười mấy bó bả mía đã được chặt khúc bằng nhau, bó thành bó nhỏ đều tăm tắp.

Khoảng 3h sáng bà Năm đã đến ngõ nhà gọi. Tôi vùng dậy và tất tả gánh quang gánh lên vai. Đường từ nhà tôi (chân đèo Bình Đê) ra Sa Huỳnh 7 km. Hai bà cháu một già, một trẻ con với hai quang gánh túc tắc đi đến Sa Huỳnh trời sáng là vừa. Đến dốc Ông Hối đầu thôn Tấn Lộc trời còn tối om, bà Năm cho nghỉ chân. Đường quốc lộ lúc ấy thưa xe lắm, thỉnh thoảng mới có chiếc ba lua hay xe đò chạy đường dài. Hai bà cháu nằm xuống vệ đường nghỉ một lát rồi đi. Khỏi nói tôi háo hức như thế nào. Vì Sa Huỳnh lúc đó sầm uất như thị tứ. Mọi sinh hoạt của cả xã đều tập trung về đây. Chợ Sa Huỳnh là nơi tập trung nông sản từ các thôn khác, đồng thời là chợ cá lớn và tươi ngon nổi tiếng.

Đến Sa Huỳnh trời vừa sáng, gánh bánh ít của bà Năm đã hết vèo từ những mối của bà dù chưa đến chợ. Bà nói: mua dùm bả mía cho cháu tui đi! Bà Năm thật có uy. Vài phút thôi là cái gánh bả mía của tôi đã hết vèo. Bà thu tiền dùm tôi chứ tôi cũng không biết bao nhiêu một bó. Lần đầu tiên được cầm những đồng tiền xu từ bà đưa lại, tui vui hết lớn. Đó là buổi chợ đầu tiên trong đời mà tôi có tiền mang về cho mẹ.

Bà Năm dẫn tôi xuống chợ cho tôi xem. Tôi thấy nhiều thứ quá. Những gánh muối trắng tinh xếp hàng dài từ đường đến cổng chợ. Những cô bán bánh ít, trái cây, củ mì, rau... Chợ đông và tấp nập. Xong hai bà cháu cùng về thật sớm. Kí ức về buổi chợ đầu tiên đó đã in sâu vào tiềm thức của tôi. Từ đó tôi theo bà đi chợ bán bả mía nhiều lần. Đến khi lớn hơn tôi bắt đầu tự đi bằng những phiên chợ chiều nơi cảng cá Sa Huỳnh. Đó là những cây trái mà chị em tôi hái được trên núi: Chà Là, Sim, Ổi, Trâm, Bứa, củ hủ Chà Là.. Những ngày tháng đó, tuổi thơ tôi cũng chạy dài theo từng phiên chợ. Bến cảng đông người bán và người mua. Những chiếc tàu về đầy ắp cá tôm. Tôi vừa bán vừa thích thú cảm nhận cái không khí ồn ào của biển, của những tiếng nói cười rôm rả cùng với vị mặn nước biển nơi đây.

Những năm học cấp ba, tôi trọ học ngoài Phổ Khánh. Từ nhà đến trường khoảng 17 km. Cứ mỗi đầu tuần chúng tôi ra trường rồi cuối tuần về. Ngang qua cánh đồng muối Tân Diêm, Long Thạnh với những buổi trưa nắng nóng mà diêm dân vẫn tận tuỵ ngoài đồng muối. Những đống muối trắng tinh như những mái nhà tinh khiết. Những cô chú anh chị gánh muối hay vác muối cho lên xe vận chuyển đi xa thật rộn ràng tấp nập. Lâu dần những hình ảnh đó đã thân thuộc trong tâm hồn tôi. Với tôi Sa Huỳnh thật đẹp và hào sảng đã là một phần trong một quãng đời mình...

Ngày đó từ đèo Bình Đê đến đầm An Khê cùng chung xã Phổ Thạnh. Sa Huỳnh là trung tâm của xã. Gành Hóc Mó nơi chúng tôi cắm trại thời cấp 3, nơi chúng tôi những cô cậu học trò chân yếu tay mềm đã rồng rắn vác từng bao cát lên đỉnh núi cao để xây trạm đèn Hải Đăng. Hay những hôm cả trường Đức Phổ 2 cùng chiến sĩ biên phòng đồn Sa Huỳnh, đào ao nuôi cá mà nghe Bảo Yến hát tình ca. Gò Cỏ, Gò cát trong veo và dịu dàng như cổ tích...

............

Tôi xa quê và Phổ Thạnh được chia làm hai: Phổ Châu - Phổ Thạnh. Vậy mà trong tôi vẫn mãi là một: Đó là Sa Huỳnh yêu dấu. Nơi có đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ và còn nhiều điều hơn thế.

Về lại Sa Huỳnh hôm nay đã là một phường của thị Xã Đức Phổ: phường Phổ Thạnh. Cánh đồng muối Tân Diêm một phần đã được qui hoạch thành khu đô thị. Nhìn những đổi thay vẫn không quên một thời yêu dấu cũ. Đó là tình cảm thiêng liêng mà tôi dành cho nơi ấy - Sa Huỳnh mãi mãi trong tôi.

 

Chuyện Làng quê