Tản mạn đầu năm

Phan Vinh Dien

10/02/2022 21:26

Theo dõi trên

Hình ảnh của những thương binh nặng trong 3 cuộc kháng chiến của dân tộc, được ghi đậm dấu ấn trong đầu Hùng không bao giờ phai nhạt. Có hình ảnh cứ ám ảnh mãi trong ký ức của Hùng, trong hai lần về thăm Khu điều dưỡng thương binh tâm thần Hoàng Long - Ninh Bình.

dieu-duong-thuong-binh-tam-than-1644503183.jpg
 

 

Lẽ thường những ngày đầu năm, người ta thường kiêng suy nghĩ về những chuyện không vui, không được may mắn trong đầu xuân, năm mới. Nhưng không hiểu sao, từ cuối năm ngoái sang đầu năm 2022, Hùng cứ bị những hình ảnh không vui từ xưa hiện về làm Hùng không mấy vui vẻ, mình đã già quá rồi sao, nên hay hoài niệm về quá khứ chăng?

Chính vì thế, mà những người trẻ thường không thích nói chuyện về quá khứ, và thường nói: “Bao giờ cho đến ngày xưa”. Nhưng không lẽ cứ để những hy sinh cao cả của một lớp người trẻ, sống vô tư, cống hiến hết mình cho tổ quốc bị rơi vào quên lãng hay sao… ?  

Trong suốt thời gian hơn 30 năm làm cán bộ, viên chức ở các cơ quan Trung ương, cứ vào dịp Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 hàng năm, hay nhân ngày Kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, hay ngày cuối năm, tết đến, Hùng thường được phân công dẫn đầu các đoàn Đại biểu Công đoàn của các cơ quan Trung ương đến thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sỹ hay các khu Điều dưỡng thương binh nặng. Hùng cùng đoàn gặp mặt trao những món quà Kỷ niệm, tình nghĩa cho các thương binh nặng, đang được điều trị, chăm sóc tại các Khu điều dưỡng thương binh ở các tỉnh như: K5 - Phú Thọ, Duy Tiên, Kim Bảng - Hà Nam, Hoàng Long - Ninh Bình, Lạng Giang – Bắc Giang…

Hình ảnh của những thương binh nặng trong 3 cuộc kháng chiến của dân tộc, được ghi đậm dấu ấn trong đầu Hùng không bao giờ phai nhạt. Có hình ảnh cứ ám ảnh mãi trong ký ức của Hùng, trong hai lần về thăm Khu điều dưỡng thương binh tâm thần Hoàng Long - Ninh Bình.

Đó là hình ảnh có các cô các chú, bị thương từ hồi kháng chiến chống Pháp, nay đã là tuổi lên lão, không có gia đình, không có vợ hoặc chồng, con. Nhưng khi nói chuyện vẫn vô tư, bé bỏng, tưởng mình còn ngây thơ bé bỏng như trẻ con, làm Hùng thương cảm cứ chảy nước mắt, có cô thương binh lại hỏi: “Sao anh khóc…” ?

Đi ra ngoài hành lang lại gặp mấy anh thương binh đeo chiếc ba lô lép kẹp, tay cầm gậy giả làm súng, nằm bò ra đất, thỉnh thoảng lại bảo nhau nhau đứng dậy hô: ”Xung phong!” và cùng nhau xông lên!

Đi một đoạn nữa lại gặp một anh thương binh, bị thương nặng vào đầu trong chiến dịch 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Anh ngồi giữa hành lang, ôm một bình nước đầy và mấy chiếc cốc nhựa đặt xung quanh đã được rót đầy nước. Hỏi xin, anh không cho, anh nói: “Để đồng đội tao uống, chúng nó khát nước lắm, đánh nhau cả tuần nay không được uống nước”…

Có người nói: “Cứ như các anh không biết gì, thế mà lại hóa hay…”.

 Nhưng không phải, các anh lãnh đạo Khu điều dưỡng cho biết: Có nhiều lúc trong các anh vẫn còn những giờ phút tỉnh táo. Các anh thường nhớ đến mẹ, đến cha và anh em ở nhà, nhớ những cánh đồng lúa chín vàng và những dòng sông, trong xanh, lững lờ chẩy, nên cứ muốn đòi về thăm quê... Và hơn ai hết, vẫn in sâu vào trong trí nhớ của các anh là luôn luôn chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và các y , bác sỹ.

Giám đốc Khu điều dưỡng thương binh nói: “Các anh đa số đều chấp hành kỷ luật và các chỉ dẫn uống thuốc của y, bác sỹ một cách nghiêm túc”!

Đến Khu điều dưỡng thương binh nặng Duy Tiên - Hà Nam, vào thăm Khu nhà ở của các thương binh nặng thấy người đứng, người ngồi, người nằm, ai cũng có nét mặt sạm mầu súng đạn, khắc khổ. Đau lòng nhất là có nhiều anh thương binh, bị thương vào cột sống nằm bất động suốt hơn hai mươi năm trời. Nhiều anh chỉ còn một chân hoặc một tay…

Hùng nghĩ nếu ai, trong đời có những lúc còn cảm thấy mình bị thiệt thòi, bi quan, chán nản; vì một lý do chưa khách quan nào đó trong cuộc đời, hay trong công tác. Nếu nhìn thấy những hình ảnh này, chắc sẽ thấy mình còn may mắn, hạnh phúc hơn các cô, các chú, các anh thương binh rất nhiều!

Một lần vào thăm anh thương binh nằm bất động, hơn 10 năm trên giường bệnh. Anh bị mảnh pháo trong cuộc kháng chiến chống "Bành trướng", phạt đi toàn bộ mảng da bụng. Các Bác sỹ phải chụp lên bụng anh một tấm nhựa mi ca trong suốt, nhìn thấy rõ cả nội tạng vẫn đang thoi thóp thở, mà người nhìn cảm thấy mình như bị nghẹt thở, không nói lên lời…

Có anh vì bất ngờ quá. Theo phản xã tự nhiên nói: “Sắp bước sang năm mới, chúc anh sức khỏe và gặp nhiều may mắn…”!

Anh thương binh thều thào nói: “Đời tôi còn gì nữa đâu mà may mắn”. Làm tất cả mọi người đều chảy nước mắt…

Không hiểu những người trong đường dây tham nhũng kíp xét nghiệm covits “Việt Á” khi nhìn thấy hình ảnh này họ suy nghĩ ra sao? Lương tâm họ có bị cắn rứt không? Và đã có bao nhiêu người bị chết oan vì họ?

Vào trường dự lễ trao quà, Hùng được gặp các anh thương binh khỏe mạnh hơn, chỉ bị mất một hoặc hai chân, còn đi lại được bằng xe lăn, vẫn còn lạc quan trong cuộc sống, vẫn cố gắng đóng góp phần sức khỏe, nhỏ bé của mình cho cuộc đời như làm thơ, viết sách, đi nói chuyện truyền thống với các cháu nhỏ trong các trường học... Hùng mới được một chút ít thảnh thơi, thư giãn cùng các anh thương binh nặng.

Nhưng lúc ra về, vẫn nghĩ vẩn vơ, như câu thơ Hùng đã sáng tác sau khi đi thăm Khu điều dưỡng thương binh tâm thần Hoàng Long - Ninh Bình:

“Xe quay đầu đưa tôi về thành phố

Giữa nhộn nhịp phố phường và tươi mát công viên

Còn ai nhớ đến một vùng như thế

Vẫn âm thầm những nỗi đau chiến tranh…”

 

Ngày đầu xuân 2022 PVD

 

Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Tản mạn đầu năm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn