Người ta bảo, từ trên cao nhìn xuống bán đảo Đồ Sơn trông tựa như chín con rồng đang vươn mình về phía biển Đông với một cảnh sắc tự nhiên “sơn thuỷ hữu tình” vô cùng lãng mạn và đầy sức quyến rũ. Chẳng thế, bao đời nay người của thành phố hoa phượng đỏ lúc nào cũng tự hào mà thơ rằng với thiên hạ: “Đồ Sơn cảnh đẹp tuyệt vời/Dưới chân sóng vỗ, trên đồi thông reo”. Có lẽ tiếng hay đồn vậy nên từ thời xa xưa bao đời vua, chúa, quan lại trong và ngoài nước (quan lại đến xâm lược) cùng giới thượng lưu vẫn cứ thường xuyên đưa nhau tìm đến nơi đây để thăm thú, nghỉ ngơi và hưởng thụ vẻ đẹp diệu kỳ như lộc trời ban cho đất và người Hải Phòng vậy.
Vùng biển của những thơ và mộng
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là một tam giác. Đỉnh là ngã ba Bạch Hạc, hai góc đáy là Ngọc Sơn (Quảng Ninh) và Nga Sơn (Thanh Hoá). Vậy nên bán đảo Đồ Sơn là một điểm nằm trên cạnh đáy của đồng bằng rộng lớn nhất nước, tiếp giáp với biển Đông. Bởi thế vùng đất này vừa mang vẻ đẹp phì nhiêu của đồng bằng màu mỡ vừa có sự quyến rũ mặn mà của một vùng cửa biển. Hơn thế bán đảo Đồ Sơn được tạo thành chủ yếu bằng các đá trầm tích lục nguyên và khá độc đáo về địa hình, địa mạo. Nhìn một cách tổng thể đó là một vùng đồi, núi thấp có khoảng chục hòn đảo lớn nhỏ được liên kết với nhau bởi các doi cát kéo dài tạo thành một chuỗi, giống như một dải núi đang nối đuôi nhau, vươn mình về phía biển xa, duy chỉ có riêng đảo hòn Dấu ở phía Đông Nam là bị cô lập. Trên bán đảo ấy có những bãi biển đêm ngày sóng xô bờ cát tung bọt trắng xoá; có những đồi thông xanh biếc như một “Đà lạt thu nhỏ” vi vu trong gió tựa cung đàn đang ngân lên đâu đó và thoảng vào trong gió; có những vách đá, thềm biển bị mài mòn mang trên mình các vết tích kỳ thú của các hiện tượng thiên nhiên tạo thành những hình chạm khắc đẹp như những bức tranh trên mặt biển.
Biển Đồ Sơn không có những núi đá lừng lững hùng vĩ như vùng biển Cát Bà hay thạch trận hiểm yếu như cửa biển Bạch Đằng: “Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc/ Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng” (Như cá sấu bị chặt, cá kình bị mổ, núi chia từng khúc một/ Như mũi qua chìm, cây kích gãy, bên bờ lớp lớp chồng) mà chỉ có núi, đồi thâm thấp, nhấp nhô chạy từ đất liền ra và bao viền quanh biển. Sóng biển Đồ Sơn cũng không dập dồn, ầm ầm, mạnh mẽ như sóng biển Sầm Sơn mà nhẹ nhàng, dịu dàng, khẽ khàng; đủ để vỗ lên các bờ đá những con sóng bạc đầu làm thành những nét chạm khắc lưu dấu ngàn năm. Nước biển Đồ Sơn không “xanh cái màu xanh của ngọc bích”, cũng chẳng “lam biếc đậm đà” như nước biển ở Cô Tô mà đục hồng phơn phớt cùng cái màu nâu bùn của đất và cát là những phù sa của châu thổ sông Hồng được đổ ra cửa biển từ hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc. Người ta bảo nhờ có phù sa của đồng bằng châu thổ ấy mà nước biển ở Đồ Sơn có thêm nhiều khoáng và làm cho độ mặn trở nên vừa phải giúp cho người tắm được bổ sung thêm nhiều khoáng chất, không bị hư da do nước biển mặn và ánh nắng mặt trời phản chiếu. Cái vẻ đẹp có phần khác biệt căn cốt ấy của vùng biển Đồ Sơn là vẻ đẹp của thiên tạo, thơ mộng và trữ tình, chẳng thể nào lẫn vào đâu, với bất kỳ vùng biển nào khác. Ở bãi biển Đồ Sơn những khu phố tựa như đang ẩn mình trong một thung lũng xanh mát do được bao phủ bởi những đồi thông xanh mướt cùng với muôn cây trên từng dải núi, đồi thoai thoải như bức trường thành trườn về phía biển. Trong thung lũng ấy còn có những con đường thảm nhựa phẳng lỳ, êm du, sạch bóng, uốn lượn quanh dưới chân núi, vòng theo những triền đồi như thể đưa ta băng qua núi, xuyên qua rừng, dập dìu bên biển. Vẻ đẹp của nước non rừng biển Đồ Sơn ít có sự cắt gọt theo kiểu “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” hay “học đòi bắt chước vẻ hoang vu” ấy không chỉ tạo nên một bầu không khí trong lành cho vùng biển mà còn gợi lên cái vẻ hoang sơ của tự nhiên. Một vẻ đẹp thơ mộng và trữ tình của một vùng biển đảo trời mây sóng nước.
Thiên nhiên Đồ Sơn vốn đã thơ mộng và trữ tình. Vẻ đẹp ấy còn được bổ sung, tôn tạo, gìn giữ, chăm chút của bao thế hệ người đất cảng. Bởi thế cảnh đẹp hữu tình của Đồ Sơn còn được lưu lại trong lòng lữ khách với những ấn tượng khó quên. Đó là những vẻ đẹp mang dấu ấn tài hoa do đôi bàn tay con người làm thành và trải qua năm tháng. Đồ Sơn có vẻ đẹp cổ kính mang đậm điệu hồn dân tộc qua các công trình kiến trúc tâm linh như thể tháp Tường Long (công trình kiến trúc của Phật giáo được làm từ thời Lý cùng với tháp Bảo thiên ở Thăng Long, theo sách “Đại Nam thống nhất chí” tháp có 9 tầng, cao một trăm thước, dựng trên đỉnh Long Sơn, cao hơn một trăm hai mươi mét so với mực nước biển, tháp từng được coi là tiền tiêu trên vùng biển Đông Bắc, tháp ra đời đánh dấu một mốc phát triển về văn hoá ở thời Lý trên đất Hải Phòng, hội nhập với Phật giáo) hay có những vẻ đẹp mang dấu ấn giao thoa của hai nền văn minh Đông Tây hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua các công trình kiến trúc Pháp Việt như thể hải đăng Hòn Dấu (công trình được làm từ năm 1892 theo kiến trúc Pháp với toà nhà hai tầng bề thế nay dùng làm bảo tàng và tháp chính cao năm tầng, đỉnh đèn cao một trăm bốn mươi mét so với mực nước biển, có độ chiếu xa khoảng bốn mươi kilômét, nhìn từ xa nhọn hải đăng giống như một pháo đài trên biển và được mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc), biệt thự của vua Bảo Đại (công trình này ban đầu của toàn quyền Đông Dương làm để nghỉ dưỡng sau tặng lại cho vua Bảo Đại làm “cung điện” nghỉ ngơi duy nhất ở miền Bắc; dinh hiện tại được phục dựng lại theo đúng nguyên bản hình bát giác cửa vòm trên đỉnh đồi với phong cách cổ điển của châu Âu cùng lối lên nhỏ uốn lượn quanh sườn đồi, toà nhà trông thẳng ra biển, có một tầng hầm và hai tầng nổi; tầng hầm làm kho, bếp, nơi ở của gia nhân; tầng một là phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ của vua và hoàng hậu Nam Phương; tầng hai là phòng ngủ của các công chúa và hoàng tử), lâu đài Vạn Hoa tráng lệ với những câu chuyện ly kỳ về việc thi công và nguồn tài chính để tạo ra công trình (công trình nằm kề bên mép biển, ở mỏm núi cuối cùng của dãy chín ngọn chầu biển và được làm theo phong cách kiến trúc Gothic, cao hơn ba mươi mét, trong đó móng dày khoảng hơn một mét, cao hơn hai mươi mét làm bằng đá xanh, đêm ngày có sóng vỗ rì rào, ì oạp tạo nên những bản nhạc khi khoan khi nhặt du dương, trông từ biển vào giống như một pháo đài thời trung cổ ở châu Âu). Tất cả những khối kiến trúc đó rất hài hoà với tự nhiên, làm thành những điểm nhấn, tạo ấn tượng cho bức tranh đồi núi biển rừng của Đồ Sơn; quyến rũ đến nao lòng người đến và trở thành một điểm chếch in lý tưởng của biết bao người.
Vùng biển lưu dấu những chiến công lẫy lừng
Đồ Sơn không chỉ xinh đẹp, thơ mộng mà còn được mệnh danh là vùng biển của những huyền thoại. Cùng với những vẻ đẹp hùng vĩ, mặn mòi, nên thơ của vùng cửa biển, Đồ Sơn còn lưu dấu trong mình biết bao chiến công lẫy lừng mà ít có một vùng đất nào sánh được. Từ thủa lập quốc, vào thời Hùng Vương, Đồ Sơn thuộc bộ Dương Tuyền, Nuôi Nường – Kiềm Hạt Đại tướng quân đã cùng cư dân lập làng sản xuất và bảo vệ vùng biển đảo. Đến cuối thập niên thứ ba của công nguyên thứ nhất, nữ tướng Lê Chân đã lập “Nghĩa dũng quân” chiêu mộ trai tráng vùng biển đảo Đồ Sơn theo Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định góp phần đánh hạ sáu mươi lăm thành trì khiến Tô Định phải trốn chạy về nước. Rồi đến năm 938 và năm 981 ngư dân Đồ Sơn đã giúp Ngô Quyền và Lê Đại Hành đóng cọc trên sông Bạch Đằng để biến dòng sông “Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu” trở thành mồ ma của thuỷ quân Nam Hán và thuỷ quân nhà Tống khiến các triều đại phong kiến phương Bắc phải kinh hồn bạt vía. Sang đến đời Trần, dưới sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đồ Sơn lại được lựa chọn làm căn cứ của bộ binh và thuỷ binh để chống lại quân xâm lược Nguyên - Mông, một đội quân hùng mạnh nhất thế giới khi đó. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), người Đồ Sơn đã bảo vệ an toàn cho vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, Thái sư Trần Quang Khải khi từ Vạn Kiếp theo dòng sông Lạch Tray để vào Thanh Hoá. Tiếp đến trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288) chính tại Đồ Sơn đã diễn ra và đại thắng với hai trận đánh lớn của quân dân nhà Trần với đội quân Nguyên – Mông do Aguructri và Abatri chỉ huy ở núi Tháp Nhĩ Sơn, Ô Mã Nhi chỉ huy ở cửa Đại Bàng chấm dứt vĩnh viễn âm mưu xâm lược Đại Việt của đế quốc Nguyên – Mông.
Đồ Sơn với vị trí chiến lược đặc biệt ở hành cung Đông Bắc không chỉ là những chiến trường oanh liệt của một thời chống giặc phương Bắc đã qua mà còn là một chứng nhân của lịch sử giữ nước thời hiện đại mà đỉnh cao là hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hãy còn đó Bến Nghiêng, nơi đã chứng kiến những tên thực dân Pháp cuối cùng lên tàu há mồm vào ngày 15 tháng 5 năm 1955 để rút về nước chấm dứt một thế kỷ xâm lược của người Pháp ở Việt Nam. Và cũng cách đó không xa, dưới chân núi Vạn Hoa, tại Vạn Xép (Bến tàu không số K15 – K là ký hiệu của cảng, 15 là số hiệu Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15), vào lúc 22 giờ ngày 11 tháng 10 năm 1962 chiếc tàu gỗ đầu tiên chở ba mươi tấn vũ khí tiến về Cà Mau để chi viện vũ khí chiến trường miền Nam, mở đầu cho tuyến đường lịch sử - đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau mười năm hoạt động, kể từ lúc xuất phát chuyến tàu đầu tiên cho đến khi hoàn thành xứ mệnh lịch sử, ngày 16 tháng 10 năm 1962, Bến tàu không số K15 ấy đã chứng kiến gần một trăm lượt tàu vận tải đưa hàng nghìn cán bộ và hàng vạn tấn hàng hoá, vũ khí để trang bị và chi viện cho chiến trường chống Mỹ - Nguỵ, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Bây giờ, phía trước Đài kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển, nằm trên mặt biển vẫn còn đó mười lăm cột bê tông - những chân cọc một thời dùng để làm cầu tàu đưa đón những con tàu không số vào Nam. Đài kỷ niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển sừng sững, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió và mang trong mình niềm tự hào bất diệt là “Cột Km số 0” - nơi khởi đầu cho một tuyến đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Giờ đây, hẳn là trong “sổ vàng” truyền thống của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ không thể nào thiếu được những trang sử hào hùng đã từng diễn ra ở Bến tàu không số K15. Đồ Sơn - Bến tàu không số K15 vừa là chứng nhân lịch sử vừa là hậu phương lớn, vững chắc của những con tàu không số trong suốt một thời kỳ hoa lửa sẽ còn được nhắc mãi, khắc ghi. Và rồi đây bến tàu ấy cùng với các bến tàu không số Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu), Vũng Rô (Phú Yên), Vàm Lũng (Cà Mau) sẽ mãi là những trang sử vẻ vang; là điểm đến để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và cũng là nơi về nguồn thu hút, hấp dẫn rất nhiều du khách.
Một ngày với Đồ Sơn là chưa đủ nhưng những gì trông thấy về một vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió đẹp đẽ, thơ mộng hẳn đã để lại một ấn tượng khó phai trong lòng không ít du khách. Có lẽ chẳng phải người bây giờ đến đây mới nghĩ thế. Cách đây gần một trăm năm người Pháp và ông vua Bảo Đại đã từng sửng sốt và ngây ngất trước vẻ đẹp có một không hai của Đồ Sơn và lựa chọn chốn này làm nơi nghỉ dưỡng, thư giãn. Và con mắt tinh đời của Vũ Bằng, từ năm 1942, đã phát hiện ra tiềm năng du lịch rất lớn của Đồ Sơn: “Trừ mấy trận bão lớn ra không kể, Đồ Sơn tiến một cách rất êm đềm từ một cái bãi hoang vu không đáng đồng xu nhỏ đến một chỗ thừa lương mỗi năm thu hàng triệu bạc, có năm cây số đường rải nhựa và hàng trăm ngàn nhà gạch, biệt thự và hiệu buôn”. Tiềm năng ấy giờ đây vẫn còn nguyên giá trị.