Hướng đến Lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5, Khoa Âm nhạc Truyền thống tổ chức buổi hoà nhạc mang tên "Thanh âm tuổi trẻ" vừa mới diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nếu ví truyền thống - văn hóa lâu đời của dân tộc ta như cây cổ thụ nghìn năm tuổi, thì các làn điệu dân ca chính là dòng nhựa sống nguyên thủy nhất, nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ “con Rồng cháu Tiên”. Phát biểu trong đêm Hòa nhạc, NSƯT. Cồ Huy Hùng cho biết “Sau hai năm trải qua đại dịch Covid, khoa Âm nhạc Truyền thống mới có cơ hội tổ chức một hoạt động ngoại khóa nhằm khôi phục và đẩy mạnh những hoạt động mang tính giáo dục để sinh viên học tập, thực hành. Bởi lẽ ‘học thầy chẳng tày học bạn’, đây là cơ hội để các bạn trẻ học hỏi lẫn nhau những kỹ năng ngồi tốp, nhóm, dàn nhạc, rèn rũa bản lĩnh sân khấu. Trong quá trình tập luyện, các bạn có cơ hội ngồi xuống trao đổi với nhau những sở trường, sở đoản, cùng nhau khắc phục và tiến bộ”.
Dòng chảy âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc
"Thanh âm tuổi trẻ" - một đêm hòa nhạc để lại nhiều dấn ấn trong lòng khán giả. Những tiết mục trong chương trình đều mang đậm bản sắc, văn hóa, thấm đẫm hơi thở, hồn cốt của người Việt Nam như liên khúc dân ca ba miền: Tứ quý - Lý ngựa ô Huế - Lý ngựa ô Nam do NSƯT. Nguyễn Hồng Thái sinh động, đầy màu sắc; hay tiết mục Nhã nhạc Cung đình Huế: Lưu thủy – Kim tiền – Xuân phong – Long hổ và Hòa tấu dân ca Huế: Cổ bản dựng nhã nhặn, nên thơ như đất và người xứ Huế, giàu truyền thống văn hóa.
Bên cạnh những tác phẩm tiểu biểu, Xuân quê hương và Chung một niềm tin được biểu diễn như một lời tri ân của các nghệ sĩ khoa Âm nhạc Truyền thống đến bậc thầy của mình là NGND. Xuân Khải - người dành cả cuộc để neo giữ những cung đàn dân tộc. Cùng với đó, bài hát Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) hay bài Cánh chim tự do (NSƯT. Tiến Vượng) vốn đã quen thuộc với công chúng nhưng giờ đây mang màu sắc mới qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ tương lai, đầy sức xuân.
Như một chuyến cưỡi ngựa phiêu lưu thăm thú nền văn hóa của các quốc gia phương Đông, sau khi “chú ngựa ô” rong ruổi khắp mảnh đất hình chữ S, chú xuôi dọc lên Trung Hoa, trở nên gấp rút, khẩn trương trước những màn phi nước đại cam go trong tiết mục Song tấu đàn nhị Đua Ngựa, (nhạc sĩ người Trung Hoàng Hải Hoài). Cuối cùng “chú ngựa ô” dừng chân ở Mông Cổ, tự do sải chân trên đông cỏ bát ngát vô tận qua Song tấu đàn Tam thập lục - Thảo nguyên (NSƯT Hoa Đăng)
Hầu đồng - nghi lễ thực hành diễn xướng trong đạo Mẫu, là loại hình nghệ thuật mang yếu tố tâm linh. Năm 2016, UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Là những người kiến cận, tiếp bước bảo lưu tinh hoa âm nhạc dân tộc, các bạn sinh viên - những nghệ sĩ tương lai đã có màn tái hiện diễn xướng Hầu đồng Cô bé Đông Cuông, với sự trợ giúp của giáo phường Thiều Xương để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả bởi sự hấp dẫn của âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ… cùng với âm nhạc là lời ca chau chuốt với những màn múa lửa, múa quạt, “phát lộc” tạo nên không gian âm nhạc sống động .
Một tiết mục cũng để lại nhiều suy ngẫm trong lòng khán giả có mặt trong hòa nhạc “Thanh âm tuổi trẻ” là sự xuất hiên của ba bạn sinh viên khiếm thị. Nguyễn An Như - sinh viên chuyên ngành đàn Tranh chia sẻ “Mình luôn coi cái bất lợi là cái thuận lợi, mặc dù không nhìn thấy tổng phổ nhưng bù lại mình có khả năng nghe rất tốt, điều này giúp mình thuộc bài dễ dàng hơn. Tuy nhiên mình có một số hạn chế về việc chuyển động trên sân khấu, bình thường mình sẽ ngồi đàn rất nghiêm túc như khi đi thu băng vậy, để có thể cử động tự nhiên như ngày hôm nay thì mình đã phải luyện tập rất nhiều.”
Những nỗ lực được đền đáp
Được hỏi về cảm nhận về đêm nhạc dưới góc nhìn khán giả, thầy Nguyễn Ngọc Quyền - giảng viên chuyên ngành đàn Nguyệt nói: “ Những buổi hòa nhạc như thế này là cơ hội cho các bạn sinh viên cọ xát, học hỏi, trau dồi kỹ năng biểu diễn, rèn luyện bản lĩnh sân khấu khi ra trường trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà không bị bỡ ngỡ. Đây cũng là cách mà Ban Chủ nhiệm Khoa và các Thầy Cô giao muốn truyền cảm hứng cho lớp trẻ theo đuổi, bảo vệ và phát triển những nét đẹp trong nghệ thuật truyền thống”.
Một khán giả đến từ Thái Bình - Bà Đặng Thị Khánh Thuỵ đã rất vui khi dành tặng những tràng pháo tay và trầm trồ: “Các tiết mục biểu diễn rất đặc sắc và đem lại nhiều sự bất ngờ. Các bạn sinh viên rất trẻ mà đã có thể tự tin trên sân khấu buổi hoà nhạc như vậy là rất đáng tuyên dương. Các bạn đã góp phần không nhỏ để bảo tồn những di sản văn hoá và nét đẹp truyền thống dân tộc”.
“Thanh âm tuổi trẻ” đã khép lại, song tôi kỳ vọng dư âm của nó sẽ mở ra một chương mới trong hoạt động đào tạo và biểu diễn của khoa Âm nhạc Truyền thống nói riêng và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói chung bởi với những huyết của NSƯT Cồ Huy Hùng; NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng; NSƯT Lê Minh; NSƯT Bùi Lệ Chi sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng và thổi một luồng gió mới trong hoạt động đào tạo và biểu diễn nghệ thuật truyền thống.