Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025, Thành ủy và UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành đề án về phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển ngành Du lịch dựa trên khai thác bền vững các tiềm năng và lợi thế của thành phố. Đồng thời, xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ và phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc.
Ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 4 buôn (buôn Akǒ Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu; buôn Tuôr, xã Hòa Phú) và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, bản sắc và hiện đại; xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch của khu vực Tây Nguyên.
Trên địa bàn thành phố hiện có 4 buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với công tác bảo tồn gồm buôn Akǒ Dhông, buôn Tơng Jú, buôn Krmơng Prông B và buôn Tuôr. Các buôn phát triển du lịch theo hướng xanh, sinh thái, gắn với các giá trị văn hóa của địa phương và các sản phẩm mang bản sắc văn hóa đặc trưng (thổ cẩm, đan lát, ẩm thực..), sản phẩm nông nghiệp (OCOP).
Hiện nay, có 2 buôn đã được công bố là điểm du lịch cộng đồng: Buôn Akǒ Dhông, phường Tân Lợi và buôn Tơng Jú, xã Ea Kao. Số lượt khách đến điểm du lịch cộng đồng hàng năm gần 50.000 lượt khách, trong đó điển hình buôn Akǒ Dhông ước gần 40.000 lượt khách/năm, buôn Tơng Jú ước trên 7.000 lượt khách/năm.
Xác định vai trò của công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, cấp chiêng, trang phục để phục vụ du lịch cộng đồng. Duy trì hoạt động của các câu lạc bộ truyền thống; cấp 13 bộ chiêng Knah Êđê (bộ 7 cái) cho Nhà cộng đồng các buôn (hiện nay thành phố có 132 bộ chiêng); thành phố đã tổ chức 17 lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng giữa các nghệ nhân và thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, cấp 20 bộ trang phục dân tộc Mường và 63 bộ trang phục dân tộc Êđê; duy trì hoạt động CLB dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng ứng dụng (App) cà phê và du lịch thành phố Buôn Ma Thuột, ứng dụng hiện đang áp dụng cho người dùng tại 40 quán cà phê đặc trưng, 33 cơ sở lưu trú, 15 điểm du lịch và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Buôn Ma Thuột thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn cho người dân làm du lịch tại các buôn thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc. Các khu, điểm du lịch, du lịch cộng đồng phối hợp với các Công ty lữ hành để quảng bá, giới thiệu điểm đến, dịch vụ du lịch tới du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch tại các buôn du lịch cộng đồng.
Chị H’min Nie, một hộ cá nhân dệt thổ cẩm truyền thống ở buôn Akǒ Dhông cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm này là nghề gia truyền, truyền từ mẹ sang cho chị. Đây là nghề thủ công, nên để làm ra một sản phẩm đẹp và chất lượng thì cần phải có thời gian. Gia đình chị làm bán nên dệt tại nhà, làm cho du khách trải nghiệm, rồi bán cho khách. Các dịp lễ hội, du khách đến tham quan nhiều, họ thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh, sau đó mua làm quà lưu niệm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Hiện nay, thành phố đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc của địa phương. Người dân tại các buôn nhiệt tình hưởng ứng và chung tay góp sức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thời gian tới, để phát huy tốt mô hình du lịch tại các buôn, thành phố sẽ hướng dẫn các khu du lịch cộng đồng trong việc tổ chức công việc đón tiếp ứng xử với khách; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc như kiến trúc nhà ở, trang phục; giữ gìn bảo vệ môi trường vệ sinh; bảo đảm an ninh trật tự cho khách du lịch, nghiên cứu sưu tầm các truyền thống văn hoá dân tộc tiên tiến đưa vào phục vụ khách du lịch”.